Việt Nam sẽ có bước tiến lớn trong thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp châu Âu

Ông Nguyễn Hải Minh Ông Nguyễn Hải Minh

Xin ông cho biết những đánh giá về cải cách, tạo thuận lợi thương mại mà ngành Hải quan đã thực hiện trong thời gian qua?

Thực tế cho thấy, trong 2 năm qua, với những khó khăn do tác động của đại dịch và những biến động về chính trị, thương mại tại nhiều quốc gia nên các doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, nhất là những khó khăn liên quan đến thương mại, logistics. Đây là những vấn đề mang tính toàn cầu, không chỉ riêng Việt Nam. Tuy nhiên, tại Việt Nam, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp châu Âu vẫn có cái nhìn khá lạc quan, khi chỉ số khảo sát về niềm tin kinh doanh của các lãnh đạo doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam những tháng đầu năm 2022 vẫn tích cực, tuy có giảm điểm nhẹ trong quý 2 so với quý 1, nhưng là do ảnh hưởng từ các yếu tố bên ngoài, yếu tố nội tại vẫn ổn định.

Mặt khác, về thương mại, các doanh nghiệp châu Âu đang hưởng lợi rất nhiều khi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) có hiệu lực, giúp kim ngạch giao thương có sự tăng trưởng lớn trong 2 năm qua. Tuy nhiên, vấn đề các doanh nghiệp còn gặp khó khăn là thủ tục hành chính vẫn là một trong những rào cản liên quan đến việc hưởng lợi từ EVFTA và các FTA khác. Trong các thủ tục về tạo thuận lợi thương mại thì thủ tục liên quan đến hải quan là một “mắt xích” quan trọng nên rất được các doanh nghiệp quan tâm.

Điều đáng mừng là trong thời gian qua, ngành Hải quan đã có bước tiến dài trong cải cách, hiện đại hóa, áp dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số từ việc quản lý, thực hiện thủ tục hải quan tới thái độ làm việc với doanh nghiệp của cán bộ công chức hải quan, không chỉ trong các thủ tục liên quan đến quy trình xuất nhập khẩu mà đặc biệt là về kiểm tra chuyên ngành. Những cải cách này đã góp phần làm giảm thời gian và chi phí tuân thủ của doanh nghiệp, đặc biệt từ việc triển khai mạnh mẽ cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN tích hợp thủ tục trên Cổng dịch vụ công quốc gia, và áp dụng công nghệ thông tin nói chung.

Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh với những diễn biến, chỉ đạo chưa từng có tiền lệ, cơ quan Hải quan cũng đã đưa ra những giải pháp rất kịp thời, phản ứng nhanh để doanh nghiệp được thuận lợi trong hoạt động kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa.

Đâu là những vướng mắc còn tồn tại để các doanh nghiệp được tạo thuận lợi hơn trong thương mại hơn, thưa ông?

Chuyển đổi số có thể được coi là “kim chỉ nam” cho những cải cách nhằm tạo thuận lợi thương mại hiệu quả nhất, nhất là với lĩnh vực hải quan. Tuy nhiên, ngành Hải quan cần tiếp tục có những đổi mới, mặc dù vấn đề này đã được ngành Hải quan thực hiện rất tốt nhưng vẫn cần hoàn thiện hơn nữa.

Bên cạnh đó, cơ chế kiểm tra chuyên ngành hiện tại còn chồng chéo, dẫn tới tốn kém về thời gian và chi phí cho doanh nghiệp.

Để hoạt động thương mại và đầu tư được hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông có những kiến nghị gì để các cơ quan chức năng thay đổi?

Theo ý kiến từ các doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam, ưu tiên trước mắt là cần sớm triển khai cơ chế kiểm tra chuyên ngành theo hướng đơn giản hóa và tập trung một đầu mối cho doanh nghiệp, như yêu cầu tại Đề án “Cải cách mô hình kiểm tra chất lượng, kiểm tra an toàn thực phẩm đối với hàng hóa nhập khẩu” tại Quyết định 38/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Các thủ tục cần được số hóa và tích hợp tối đa trên Cổng dịch vụ công Quốc gia. Ngoài ra, các thủ tục hải quan cũng cần tiếp tục được hoàn thiện.

Trong tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Chiến lược phát triển Hải quan đến năm 2030. Chiến lược đề ra 7 mục tiêu cụ thể để phát triển Hải quan, trong đó các doanh nghiệp rất kỳ vọng vào mục tiêu về tạo môi trường xuất nhập khẩu minh bạch công bằng và hoàn thành hải quan thông minh. Với tinh thần cải cách như hiện nay tôi tin chắc rằng, Việt Nam sẽ có những bước tiến lớn trong thu hút đầu tư, nhất là từ các nhà đầu tư châu Âu khi EVFTA đã có hiệu lực và Hiệp định Bảo hộ đầu tư EU – Việt Nam (EVIPA) sắp được phê chuẩn.

Xin cảm ơn ông!