Việt Nam có 70.000 doanh nghiệp công nghệ số – VnExpress

Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tiếp tục tăng trưởng và đạt 70.000 năm nay, trong đó nhiều doanh nghiệp đã khai thác thị trường nước ngoài.

Tại họp báo về Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số – VFTE 2022, chiều 6/12, đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết Việt Nam đã đạt được mục tiêu về số lượng doanh nghiệp công nghệ số sớm ba năm. Thay vì đến 2025, Việt Nam cán mốc 70.000 doanh nghiệp trong lĩnh vực này đã đăng ký thành lập và hoạt động. Doanh thu toàn ngành ước đạt 148 tỷ USD. So với năm ngoái, số doanh nghiệp công nghệ số đã tăng hơn 6.000.

“Trong bối cảnh năm 2022 với nhiều khó khăn và biến động, công nghiệp công nghệ số đã khẳng định được vai trò, vị trí và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế xã hội của đất nước”, đại diện Bộ cho biết.

Theo ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó Cục trưởng Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông, vai trò của các doanh nghiệp công nghệ số hiện nay không chỉ ở công cuộc chuyển đổi số quốc gia, mà còn thể hiện trong việc khai phá thị trường nước ngoài.

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa - Phó Cục trưởng phụ trách Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông. Ảnh: Anh Quyết

Ông Nguyễn Thiện Nghĩa – Phó Cục trưởng phụ trách Công nghiệp công nghệ thông tin và Truyền thông. Ảnh: Anh Quyết

Ông Nghĩa cho biết có hơn 1,4 nghìn doanh nghiệp đã có sản phẩm đi nước ngoài. Trong khi các doanh nghiệp lớn có đủ tiềm lực đã đầu tư trực tiếp để phát triển mạnh mẽ về quy mô và tốc độ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chủ yếu lựa chọn phương thức triển khai theo dự án cụ thể. Đây được đánh giá là bước khởi đầu tốt để các sản phẩm, giải pháp phần mềm Việt Nam chiếm lĩnh thị trường khu vực và tiến ra thế giới.

Lấy ví dụ với lĩnh vực gia công phần mềm, Bộ Thông tin và Truyền thông nhận định các doanh nghiệp Việt trước đây chỉ làm một số công đoạn của sản phẩm theo đặt hàng của nước ngoài. “Gần đây, 50-60% doanh nghiệp gia công phần mềm đã làm toàn bộ sản phẩm. Đối tác nước ngoài đưa đầu bài, doanh nghiệp Việt thiết kế, lập trình, thậm chí làm phần cứng”, ông Nghĩa nói. “Việt Nam đang nâng tầm của mình trong chuỗi giá trị”.

Đây cũng là một trong những lý do Bộ Thông tin và Truyền thông chọn chủ đề “Phát triển bền vững và nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu” cho Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam lần thứ tư.

Diễn đàn dự kiến thu hút 1.000 đại biểu gồm lãnh đạo Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương và hàng trăm chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ trong và ngoài nước, các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ tại Việt Nam.

Các chủ đề sẽ được thảo luận tại diễn đàn gồm: Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển bền vững trong giai đoạn kinh tế trong nước và quốc tế đang gặp nhiều khó khăn, khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế; Doanh nghiệp công nghệ Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi số quốc gia; Giải pháp nâng cao giá trị Việt Nam trong chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu; Hợp tác giữa các doanh nghiệp CNS Việt Nam và Big Tech để đưa sản phẩm Make in Vietnam ra thị trường quốc tế.

Tại diễn đàn VFTE 2022, Bộ TT&TT cũng sẽ tổ chức Lễ công bố và trao Giải thưởng Sản phẩm công nghệ số Make in Vietnam năm 2022 nhằm tôn vinh các doanh nghiệp, tổ chức có sản phẩm công nghệ số xuất sắc. Hoạt động bên lề là triển lãm trực tiếp và trực tuyến, trưng bày, giới thiệu, trải nghiệm các sản phẩm công nghệ số tiêu biểu phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số và xã hội số.

Diễn đàn Quốc gia Phát triển doanh nghiệp công nghệ số 2022 với sự đồng hành của Giao Hàng Tiết Kiệm, VNPT, FPT, MoMo, OCB, MobiFone, Điện Quang, MediaTek, Misa, Sun Electronics…
Xem thông tin sự kiện tại đây

Lưu Quý