Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên: Nhiều nghiên cứu khoa học phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của Lâm Đồng

Là đơn vị đóng chân trên địa bàn Đà Lạt, Lâm Đồng – một miền đất có điều kiện tốt để những năm qua Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên tập trung nghiên cứu và phát triển các công nghệ gen, tế bào, vi sinh, nghiên cứu nguồn dược liệu, nghiên cứu quản lý và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, ứng dụng có hiệu quả vào một số lĩnh vực như nông nghiệp, dược, công nghệ chế biến, vì sự phát triển bền vững. 

Nghiên cứu khoa học của Viện tạo ra con giống tốt cho năng suất, chất lượng cao, góp phần phát triển vùng bò sữa Lâm Đồng. Ảnh: T.A

Nghiên cứu khoa học của Viện tạo ra con giống tốt cho năng suất, chất lượng cao, góp phần phát triển vùng bò sữa Lâm Đồng. Ảnh: T.A

Viện Nghiên cứu Khoa học Tây Nguyên thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với chức năng nghiên cứu cơ bản, phát triển công nghệ, cung ứng dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực sinh học, hóa học và môi trường. Đội ngũ các nhà khoa học của Viện đã có nhiều hoạt động khoa học công nghệ có giá trị ứng dụng thực tiễn góp phần phát triển kinh tế, xã hội của địa phương Lâm Đồng. 

5 năm trở lại đây, Viện đã chủ trì thực hiện trên 10 đề tài, dự án nghiên cứu khoa học các cấp, trong đó đa số đề tài có đối tượng, địa điểm nghiên cứu tại Lâm Đồng. Trong đó có một số đề tài thu được nhiều kết quả, có khả năng ứng dụng cao. Có thể kể, đề tài “Ứng dụng công nghệ cấy chuyển phôi bò sữa cao sản tại Tây Nguyên” cho phép nhân nhanh đàn bò sữa cao sản, nâng cao chất lượng con giống bò sữa tại những vùng nuôi bò sữa ở Tây Nguyên. Đề tài đã đóng góp lớn vào vùng sản xuất bò sữa ở Lâm Đồng, đã được chuyển giao ứng dụng cho Công ty Cổ phần sữa Đà Lạt và Công ty TNHH Năm Sao (TP Hồ Chí Minh). 

Đề tài “Điều tra, sàng lọc nguồn tài nguyên dược liệu thực vật tỉnh Lâm Đồng theo định hướng hoạt tính sinh học nhằm phát triển các loài có giá trị dược liệu cao” thực hiện trong 4 năm (2012 – 2016) đã thu được 3.009 mẫu tiêu bản, xác định tên khoa học cho 1.003 loài thực vật. Trong đó có 399 loài cây thuốc và 604 loài có khả năng làm thuốc thuộc 162 họ; bổ sung vào danh mục cây thuốc Lâm Đồng theo thống kê của Dược sĩ Nguyễn Thọ Biên (2015) thêm 156 loài thuốc. Toàn bộ các loài thực vật thu được đều có tiêu bản đầy đủ theo quy định, là bộ tiêu bản đầy đủ nhất hiện nay ở Lâm Đồng phục vụ cho các công tác nghiên cứu về sau. Trong số 604 loài cây có khả năng làm thuốc thu thập được, đề tài đã phát hiện được 3 loài thực vật mới cho khoa học. Với nguồn tài nguyên cây thuốc đa dạng, phong phú về loài, đề tài là cơ sở dữ liệu quan trọng cho việc bảo tồn và phát triển bền vững nguồn tài nguyên dược liệu quý giá của Lâm Đồng… Qua đề tài, Viện đã phối hợp cùng Công ty Dược phẩm Lâm Đồng Ladophar để nghiên cứu và sản xuất thử 3 loại thực phẩm chức năng là viên nang Scaphy, trà túi lọc xáo leo, trà túi lọc sâm cau. 

Đề tài “Điều tra họ Lan (Orchidaceae) tại Tây Nguyên, nghiên cứu các cơ sở khoa học để bảo tồn, phát triển, sử dụng có hiệu quả và bền vững”. Qua đó, đã đánh giá đầy đủ có hệ thống hiện trạng đa dạng sinh học của họ lan trên khắp Tây Nguyên, xác định được 310 loài thuộc 105 chi, trong đó có 115 loài đặc hữu quý hiếm. Phát hiện và mô tả mới cho khoa học 2 chi và 8 loài lan mới tại khu vực Vườn quốc gia Bidoup. Tuyển chọn và khảo sát quy trình nhân giống được 5 loài: tuyết ngọc, hoàng long, hoàng thảo nhất điểm hồng, hoàng thảo dẹt, bạch lan, lan hài vàng. 

Bên cạnh đó, nhiều đề tài về phát triển các kỹ thuật nhân giống sâm Ngọc Linh như: Nghiên cứu chuyển gen tạo rễ tóc sâm Ngọc Linh làm vật liệu cho nuôi cấy bioreactor; hệ thống chiếu sáng đơn sắc – nguồn sáng nhân tạo cho nghiên cứu tái sinh và nhân giống một số loại cây trồng nuôi cấy in-vitro; dự án “Hoàn thiện quy trình nhân giống cây sâm Ngọc Linh với số lượng lớn dưới hệ thống chiếu sáng đơn sắc (LED); xây dựng các quy trình nhân giống và nuôi trồng lan gấm thông qua đề tài “Nghiên cứu nuôi trồng cây lan gấm thương phẩm bằng kỹ thuật thủy canh tại Đà Lạt – Lâm Đồng” phục vụ sản xuất dược phẩm và thực phẩm chức năng… 

Ngoài ra, Bảo tàng Sinh học Tây Nguyên tổ chức sưu tầm và quản lý các bộ sưu tập mẫu vật đạt tiêu chuẩn quốc gia, mỗi năm đón hàng trăm ngàn lượt khách tham quan. Qua đó, du khách không chỉ tìm hiểu các loài động, thực vật, rừng Tây Nguyên đa dạng, phong phú, tươi đẹp; mà còn bồi đắp tình yêu thiên nhiên, sống hòa hợp với thiên nhiên, giáo dục ý thức bảo vệ môi trường sống cho nhiều thế hệ. 

TS Nguyễn Hữu Toàn Phan – Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên cho biết, trong thời gian tới, Viện tiếp tục tập trung nghiên cứu, phát triển dược liệu theo định hướng: Điều tra, bảo tồn và phát triển nguồn gen quý, có giá trị kinh tế phục vụ cho phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh Lâm Đồng; phát triển nguồn giống có chất lượng cao thông qua các công nghệ nhân giống, phục tráng, nhập nội, di thực, thuần hóa, đồng thời chọn và tạo ra các giống mới có năng suất chất lượng cao, phù hợp với sinh thái Lâm Đồng – Tây Nguyên. Đi sâu nghiên cứu về thành phần hóa học, dược tính của các loài dược liệu có hoạt tính cao, các loài đặc hữu của Lâm Đồng; từ đó tập trung nghiên cứu phát triển sản xuất một số thuốc từ dược liệu có tác dụng phòng chống ung thư và thuốc điều trị tim mạch, tiểu đường… Viện sẽ phối hợp với một số doanh nghiệp để triển khai, chuyển giao các kết quả nghiên cứu ra thực tiễn nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, sản phẩm mới, có sức cạnh tranh trên thị trường phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu.

 

Thái An (Nguồn: baolamdong.vn)