Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ – Luyện Kim: Lá cờ đầu trong nghiên cưu khoa học, ưng dụng công nghệ
Khẳng định vai trò quan trọng
Trải qua gần 55 năm hình thành, xây dựng và phát triển, đến nay Viện Khoa học và Công nghệ Mỏ – Luyện kim (VIMLUKI) vươn lên trở thành đơn vị hàng đầu trong các lĩnh vực nghiên cứu, triển khai, dịch vụ khoa học – công nghệ (KHCN) trong ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản kim loại về các lĩnh vực khai thác mỏ, tuyển khoáng, luyện kim, môi trường công nghiệp, phân tích hóa-lý, chế tạo thiết bị, nghiên cứu xử lý, tái chế phế liệu có nguồn gốc khoáng sản…
VIMLUKI hiện có 223 người có trình độ tiến sĩ, thạc sỹ, kỹ sư, kỹ thuật viên… được đào tạo bài bản, chuyên sâu, thuộc các lĩnh vực chuyên môn về khoáng sản. Đến nay, Viện đã thực hiện và hoàn thành xuất sắc hàng chục nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai, dịch vụ KHCN vốn ngân sách nhà nước và vốn của các thành phần kinh tế ngoài nhà nước.
Ngoài nghiên cứu, chuyển giao KHCN cho các thành phần kinh tế, VIMLUKI còn chủ động ứng dụng thử nghiệm sản xuất các sản phẩm kim loại, hợp kim cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước, với các sản phẩm đã có thương hiệu mạnh như thiếc kim loại, hợp kim thiếc hàn, các sản phẩm hợp kim đồng, hợp kim thép có tính năng đặc biệt, các thiết bị phục vụ khai thác mỏ, tuyển quặng, luyện kim…
Đáng chú ý, để nâng cao trình độ nghiên cứu, hội nhập về KHCN với khu vực và thế giới, VIMLUKI đã không ngừng đẩy mạnh hợp tác quốc tế với các tổ chức, cá nhân hoạt động KHCN cùng lĩnh vực tại các nước có trình độ KHCN cao trên thế giới, đồng thời xúc tiến đề xuất tham gia các nhiệm vụ nghiên cứu, triển khai, dịch vụ KHCN với các đơn vị hoạt động trong ngành công nghiệp mỏ, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế – xã hội của ngành Công Thương và đất nước.
Trong quá trình hoạt động, VIMLUKI đã triển khai nhiều dự án mang dấu ấn sâu đậm về ứng dụng, triển khai KHCN của VIMLUKI, tiêu biểu như: Dự án Tổ hợp nhà máy tuyển sắt tại Thạch Khê, Hà Tĩnh công suất 2 giai đoạn tới 10 triệu tấn quặng/năm và Nhà máy tuyển quặng sắt mỏ Quý Sa, Lào Cai công suất xử lý 1 triệu tấn quặng/năm; Dự án Nhà máy tuyển nổi quặng đồng Sin Quyền II, Lào Cai công suất 1,4 triệu tấn/năm; Dự án Nhà máy xỉ titan tại Thừa Thiên Huế và Bình Định công suất từ 10-20 ngàn tấn xỉ/năm; Dự án Nhà máy nghiền Zircon siêu mịn Sông Bình công suất 36 ngàn tấn sản phẩm/năm. Hiện, VIMLUKI tiếp tục được chủ đầu tư giao triển khai tư vấn lập dự án, thiết kế thi công nhà máy sản xuất pigment công suất 80 ngàn tấn pigment/năm… Trong năm 2021, Viện đã tìm kiếm và ký kết được nhiều hợp đồng có giá trị lớn, điển hình hợp đồng lập quy hoạch quốc gia khoáng sản vật liệu xây dựng giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với giá trị phần việc do Viện chủ trì là gần 14 tỷ đồng, nhiều dự án tư vấn, thiết kế có giá trị từ 3-5 tỷ đồng…
Dấu ấn trong hàng loạt công trình nghiên cứu
Than khoáng sản là một trong những ngành nghề tiềm ẩn nhiều rủi ro trong khai thác, chế biến. Do đó, VIMLUKI luôn nỗ lực hoàn thành 100% các nhiệm vụ KHCN được nhà nước giao, một số kết quả nghiên cứu từ các đề tài đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất, mang lại hiệu quả kinh tế cho các đơn vị ứng dụng trong Viện và các doanh nghiệp hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản. Các nhiệm vụ đều hoàn thành đúng tiến độ, được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao, nhiều công trình đã được chuyển giao kết quả ứng dụng vào sản xuất.
Khảo sát thực địa phục vụ nhiệm vụ lập Quy hoạch khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng
Đơn cử, cụm Đề tài – Dự án sản xuất thử nghiệm về “Công nghệ khai thác và tuyển hợp lý nhằm phát triển bền vững tài nguyên sa khoáng titan-zircon trong tầng cát đỏ khu vực Bình Thuận, Việt Nam” của Viện đã giúp xây dựng được quy trình công nghệ phù hợp cho khai thác – tuyển thô quặng chứa titan với đặc điểm thành tạo, địa chất, thủy văn đặc thù trong tầng cát đỏ tỉnh Bình Thuận, hạn chế ô nhiễm môi trường, đặc biệt là nguồn nước ngầm. Hiện, kết quả nghiên cứu của cụm Đề tài – Dự án đã và đang được áp dụng vào thực tiễn sản xuất tại một số công ty khai thác và chế biến quặng sa khoáng titan vùng Bình Thuận.
Hoặc đề tài “Nghiên cứu chế tạo vật liệu hấp phụ và công nghệ xử lý nước thải chứa phóng xạ trong ngành khai thác và chế biến quặng phóng xạ thuộc đề án phát triển ngành công nghiệp môi trường Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến năm 2025” đã nghiên cứu ra sản phẩm vật liệu hấp phụ xạ trong nước thải của ngành khai thác và chế biến quặng. Đề tài cũng đã được cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.
Hay, đề tài “Nghiên cứu công nghệ tuyển và chế biến sâu quặng graphite mỏ Bảo Hà, Lào Cai” thuộc Đề tài độc lập cấp Quốc gia. Kết quả nghiên cứu của đề tài đã khẳng định về mặt khoa học đặc điểm thành phần vật chất quặng graphit mỏ Bảo Hà tỉnh Lào Cai, công nghệ tuyển và chế biến sâu hợp lý để thu hồi các sản phẩm graphit có hàm lượng cacbon (C) >99% và >95%. Đề tài đã tạo ra nguồn nguyên liệu mới có khả năng thay thế hàng nhập ngoại, góp phần chủ động nguồn nguyên liệu và giảm giá thành sản phẩm cho sản xuất của một số ngành công nghiệp trong nước.
Ngoài ra, Dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất thiếc 99,99% bằng phương pháp điện phân tinh luyện có màng ngăn” thuộc Chương trình Nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ vật liệu mới đã giúp hoàn thiện công nghệ nhằm ổn định quy trình công nghệ điện phân tinh luyện thiếc 99,99% từ thiếc 99,75% cũng như xây dựng hệ thống dây chuyền thiết bị điện phân tinh luyện thiếc 99,99% Sn quy mô 240 tấn/năm. Hiện kết quả của dự án đã và đang áp dụng thành công tại Công ty TNHH MTV Mỏ Luyện kim Thái Nguyên.
Thêm nữa, Đề tài “Nghiên cứu công nghệ chế tạo phôi bạc vạn năng, bạc đầu trục máy cán từ hợp kim đồng BCuAl10Fe4Ni4Mn3” và đề tài “Nghiên cứu công nghệ chế tạo bạc hợp kim đồng – graphite sử dụng trong ngành cán thép” đã không chỉ có ý nghĩa về khoa học mà có tính ứng dụng cao, thời gian làm việc dài và ổn định.
Để cụ thể hóa kết quả nghiên cứu, triển khai KHCN vào thực tiễn, song song với việc chuyển giao cho các đơn vị hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản, Viện cũng đã trực tiếp thử nghiệm công tác dịch vụ KHCN và sản xuất, kinh doanh tại các đơn vị trong Viện. Giai đoạn 2017-2021, toàn Viện đã thực hiện gần 400 hợp đồng, trong các lĩnh vực nghiên cứu mẫu công nghệ, tư vấn phát triển dự án, thiết kế thi công và công tác môi trường, với tổng doanh thu hơn 130 tỷ đồng.
Với sự nỗ lực cao trong nghiên cứu, sản xuất, kinh doanh, dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng năm 2021, Viện đã hoàn thành vượt mức 130% kế hoạch đề ra, tương ứng với tổng giá trị thực hiện nhiệm vụ chuyên môn đạt được 551,817/424,739 tỷ đồng; doanh thu, lợi nhuận cao hơn so với năm trước; tiến độ, chất lượng các đề tài, dự án, nhiệm vụ KHCN được đảm bảo, các đơn vị sản xuất vật chất bảo toàn được vốn, phúc lợi được đảm bảo, duy trì việc làm và thu nhập ổn định cho công nhân, viên chức trong toàn Viện.
Trong Chiến lược phát triển Viện giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045, VIMLUKI vẫn trung thành với các nhiệm vụ truyền thống là thúc đẩy sự phát triển của ngành công nghiệp khai thác, chế biến khoáng sản, gắn với bảo vệ môi trường, xu hướng nền kinh tế tuần hoàn và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4.