Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam: Được tự chủ – cũng không dễ

Tháng 1-2008, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam được phê duyệt đề án chuyển đổi hoạt động theo cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của tổ chức KH-CN công lập theo Nghị định 115/2005/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một trong số những tổ chức KH-CN công lập đầu tiên có số đơn vị trực thuộc khá lớn, với đội ngũ cán bộ hùng hậu được phê duyệt đề án chuyển đổi.

“Biết mình, biết người…”- chuyện không bao giờ cũ

Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam: Được tự chủ - cũng không dễ ảnh 1

Chương trình Sind hóa đàn bò. Ảnh: K.A.

Tiến sĩ Đỗ Ngọc Diệp (Phó Viện trưởng) cho biết, viện có kế hoạch tiến hành chuyển đổi hoạt động theo Nghị định 115 từ năm 2007, nhưng do gặp phải một số khó khăn nên không thực hiện được. Năm 2008, viện chọn một số đơn vị mạnh làm thí điểm trước để củng cố lòng tin và rút kinh nghiệm cho các đơn vị thực hiện sau.

Để chuẩn bị bước sang giai đoạn hoạt động mới, viện yêu cầu các đơn vị phải xác định được rõ đâu là thế mạnh của mình, sản phẩm nào làm ra là chủ lực, sản phẩm phụ sẽ là gì. Đồng thời phải xác định được thị trường của mình ở đâu. Viện cũng xác định, giống sẽ là sản phẩm được ưu tiên đầu tiên.

Ngoài việc thực hiện nhiệm vụ của Nhà nước giao, các đơn vị cũng phải năng động hợp tác với các doanh nghiệp, địa phương, các tổ chức quốc tế,… để các sản phẩm của mình phát triển mạnh hơn, cạnh tranh được với thị trường trong và ngoài nước. Bên cạnh đó, viện cũng xác định lộ trình cắt giảm hỗ trợ kinh phí cho các đơn vị trực. Dự kiến, năm đầu tiên thực hiện cắt 25% kinh phí, năm thứ hai giảm 50%, năm thứ ba giảm 75% và năm thứ tư là 100%.

“Mặc dù nông nghiệp là một ngành mang tính đặc thù, không chỉ phụ thuộc vào nhân lực, vật lực mà còn phụ thuộc rất lớn vào thiên nhiên. Trong khi đó đối tượng phục vụ của ngành lại là những nông dân đa phần còn nghèo, lạc hậu, làm ăn manh mún. Vì thế việc cung cấp các sản phẩm nông nghiệp cho người nông dân gặp phải nhiều khó khăn nhưng nếu biết cách đi và đi đúng hướng thì ắt thành công”, một cán bộ lãnh đạo viện lạc quan nhìn nhận.

Tuy nhiên, nhiều cán bộ cũng kiến nghị Nhà nước cần có những cơ chế chính sách riêng hỗ trợ cho ngành nông nghiệp. Đồng thời, nên xác định rõ những nghiên cứu nào là nghiên cứu cơ bản và ưu tiên giao thẳng cho các đơn vị thực hiện. Không thể áp dụng cơ chế đấu thầu hoàn toàn được.

Nguy cơ mất dần chất xám

Sau khi Nghị định 115 được ban hành, viện đã tổ chức rất nhiều những cuộc họp để quán triệt tư tưởng, tinh thần của nghị định cho cán bộ trong toàn viện. Tuy nhiên, cho đến nay, tư tưởng của cán bộ trong viện vẫn còn nhiều lo lắng, băn khoăn. Bởi từ trước đến nay, họ đang làm việc trong cơ chế bao cấp, ai cũng an phận thủ thường. Nay chuyển sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm và khi “bầu ngân sách” nhà nước không còn nữa, sẽ sống và làm việc ra sao?

“Tuy đã được quán triệt nhiều lần, nhưng nỗi băn khoăn đó vẫn còn thường trực trong mỗi cán bộ”, TS Đỗ Ngọc Diệp nói. Ông cũng lo ngại rằng, khi ra “ở riêng” hàng loạt, sẽ nảy sinh hiện tượng nghiên cứu chồng chéo lẫn nhau. Bởi người Việt Nam chưa có thói quen làm việc tập thể, mạnh ai người ấy làm. Ngoài ra, sự “thông thoáng” nhưng ràng buộc còn “lỏng lẻo” của Nghị định 115 về việc cho người lãnh đạo nhiều quyền hành cũng có thể dẫn đến những tiêu cực nảy sinh. Điều này càng lo ngại cho những đơn vị có người lãnh đạo không có tâm, độc đoán, chuyên quyền.

Đặc biệt, từ khi Nghị định 115 được ban hành, viện đã bị mất đi nhiều “chất xám”. Trước đây, nhiều cán bộ giỏi, có học hàm học vị, được đào tạo ở nước ngoài đã chuyển đi làm ở những nơi có thu nhập cao hơn. Sau khi Nghị định 115 ban hành, số lượng này chuyển đi càng nhiều hơn. “Cử 10 cán bộ đi đào tạo, chúng tôi chỉ hy vọng 4 -5 người quay trở về với viện là mừng lắm rồi”, TS Diệp tâm sự.

HÂN NGỌC 

Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam tiền thân là Viện

Khảo cứu Nông-Lâm Đông Dương được thành lập ngày 2-4-1925, là một tổ chức nghiên cứu đầu tiên ở vùng Bắc Viễn Đông.

Là viện nghiên cứu nông nghiệp đa ngành, trực thuộc Bộ NN-PTNT. Viện có chức năng nghiên cứu giải quyết các vấn đề khoa học-kỹ thuật nông nghiệp về các loại cây trồng, vật nuôi phục vụ yêu cầu phát triển sản xuất của các tỉnh phía Nam. Nhiệm vụ chính của viện là nghiên cứu lai tạo, chọn lọc, nhân giống các loại cây trồng, vật nuôi, phòng trừ sâu, bệnh hại; dịch vụ chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất và sản xuất kinh doanh; đào tạo cán bộ khoa học nông nghiệp…

Hiện tại viện có tổng số trên 416 người, với gần 200 cán bộ có trình độ đại học và trên đại học, trong đó có 3 giáo sư và phó giáo sư, 31 tiến sĩ và 49 thạc sĩ. Viện có 10 phòng nghiên cứu, 7 trung tâm nghiên cứu ứng dụng, huấn luyện và chuyển giao, 1 phòng phân tích tổng hợp và công nghệ cao và 3 phòng chức năng.

Qua 30 năm hoạt động, viện đã có nhiều đóng góp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp và nông thôn khu vực các tỉnh phía Nam.