Việc Làm Tốt và chiến lược làm “nóng” lại thị trường lao động

Tháng 11/2021, Chợ Tốt trực thuộc Tập đoàn công nghệ mua bán, rao vặt trực tuyến Carousell ra mắt chuyên trang Việc Làm Tốt (vieclamtot.com). Sự ra mắt của nền tảng chính danh – chuyên về nhân sự này không chỉ giúp giải quyết tình trạng “khát” lao động ở thời điểm hiện tại mà còn hướng đến việc giải quyết bài toán cung – cầu lao động phổ thông trong dài hạn. Đây cũng là một chiến lược mới của Chợ Tốt giúp kích hoạt và làm “nóng” lại thị trường lao động Việt Nam giai đoạn hậu giãn cách. Bà Trần Minh Ngọc – Giám đốc chuyên trang Việc Làm Tốt đã chia sẻ về nội dung này.

Đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ, kết nối cung – cầu lao động hiệu quả và uy tín

Ý nghĩa của việc ra mắt Việc Làm Tốt và tầm nhìn, sứ mệnh của Việc Làm Tốt đối với thị trường lao động tại Việt Nam là gì, thưa bà?

Với mục tiêu phát triển dân giàu nước mạnh, Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22/3/2018 của Bộ Chính trị được ban hành nhằm đẩy mạnh phát triển công nghiệp cho đất nước, với mức đóng góp vào GDP đến năm 2030 được kỳ vọng lên đến 40%. Cơ cấu lao động cũng có sự dịch chuyển tương ứng từ khối ngành nông – lâm – ngư nghiệp qua các khối ngành công nghiệp – dịch vụ, đặc biệt là trong xu hướng phát triển 5 năm tới. Nhóm ngành nghề lao động phổ thông – nguồn nhân lực chính của công nghiệp được dự báo chiếm 43% dân số, tương đương 43 triệu người và chiếm 80% trong cơ cấu lao động của Việt Nam năm 2025. Bên cạnh tiềm năng to lớn đó, vẫn có những thách thức của thị trường này như chất lượng nhân sự, thông tin xác thực và đáng tin cậy trong quá trình tìm việc của người lao động, hiệu quả tuyển dụng của các doanh nghiệp, … cần được giải quyết một cách toàn diện.

Chúng tôi nhìn nhận đây là thách thức lớn nhiều năm của thị trường việc làm lao động phổ thông tại Việt Nam và mong muốn cùng tham gia giải quyết những vấn đề này cho doanh nghiệp và người lao động, để từ đó góp phần tạo sức bật cho nền kinh tế thời kỳ bình thường mới, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nước nhà nhiều năm sau. Tháng 11/2021, chuyên trang tìm việc và tuyển dụng Việc Làm Tốt (vieclamtot.com) được ra đời bởi nền tảng rao vặt trực tuyến Chợ Tốt để phát triển chuyên sâu trong lĩnh vực tuyển dụng lao động phổ thông, với sứ mệnh mang đến cơ hội tốt hơn cho cuộc sống hàng triệu người Việt. Mục tiêu năm 2025, Việc Làm Tốt sẽ trở thành chuyên trang đầu ngành về tuyển dụng nhân sự cho các doanh nghiệp và đáng tin cậy để ứng tuyển việc làm cho người lao động, bằng cách kết nối việc làm cho 43 triệu lao động phổ thông ở Việt Nam.

Việc Làm Tốt sở hữu những thế mạnh vượt trội nào trong số các nền tảng tuyển dụng nhân sự hiện nay để góp phần giải quyết bài toán “khát” nguồn nhân lực sau đại dịch cũng như đóng góp cho sự phát triển của thị trường việc làm tại Việt Nam trong tương lai?

Việc Làm Tốt không chỉ là chuyên trang việc làm lao động phổ thông đầu tiên tại Việt Nam tập trung vào trải nghiệm sử dụng của người lao động và nhà tuyển dụng mà còn phát huy thế mạnh của một nền tảng công nghệ thông minh với các thế mạnh vượt trội để tối ưu hoá quá trình tìm việc và tuyển dụng, góp phần giải quyết bài toán nhân lực của thị trường việc làm tại Việt Nam:

(1) Giao diện được thiết kế để tập trung làm nổi bật 24 nhóm ngành chính của lao động phổ thông như bán hàng, nhân viên giao hàng, công nhân, tài xế, … giúp người lao động dễ dàng tìm kiếm công việc phù hợp.

(2) Đa dạng hình thức ứng tuyển, giúp người tìm việc dễ dàng ứng tuyển việc làm chỉ chưa đến 2 phút qua cuộc gọi trực tiếp với nhà tuyển dụng mà không phải qua trung gian, hoặc chức năng Hồ sơ ứng tuyển ngắn gọn chỉ với 5 thông tin giúp rút ngắn tối đa thời gian chờ đợi phản hồi.

(3) Thừa hưởng tập người dùng lớn từ trang mẹ là nền tảng rao vặt trực tuyến Chợ Tốt lên tới 55 triệu lượt truy cập mỗi tháng. Chuyên trang Việc Làm Tốt hiện có hơn 100.000 doanh nghiệp và hộ kinh doanh sử dụng cho nhu cầu tuyển dụng với hơn 12 triệu công việc khác nhau được đăng tuyển.

(4) Hệ thống phân tích dữ liệu lớn và quy trình nghiên cứu thị trường chuyên nghiệp để thấu hiểu nhu cầu tìm việc của người lao động, cũng như nhu cầu tuyển dụng nhân sự của các doanh nghiệp. Bằng việc tận dụng kiến thức chuyên môn và thế mạnh của dữ liệu lớn từ tập người dùng, Việc Làm Tốt liên tục đưa ra những giải pháp, kiến nghị thực tiễn cho các doanh nghiệp để giải quyết vấn đề tuyển dụng không chỉ trong giai đoạn sau đại dịch mà còn nhằm phục vụ tốt hơn cho sự phát triển của thị trường việc làm tại Việt Nam.

Trong định hướng chiến lược 5 năm sắp tới, Việc Làm Tốt sẽ tiếp tục đầu tư quy mô, mạnh mẽ vào công nghệ, dữ liệu số và mở rộng hợp tác đa phương để nâng cao trải nghiệm người dùng, trở thành nền tảng tuyển dụng hiệu quả cho doanh nghiệp và tìm việc đáng tin cậy cho người lao động, qua đó sẽ giúp kết nối việc làm cho hơn 43 triệu lao động phổ thông ở Việt Nam, góp phần giải quyết bài toán nhân lực lao động cho nền kinh tế Việt Nam trong tương lai.

Phục hồi thị trường lao động: Vẫn còn nhiều thách thức

Việc Làm Tốt đánh giá thế nào về tác động của đại dịch Covid-19 đến thị trường lao động Việt Nam nói chung và nhu cầu tuyển dụng việc làm của các doanh nghiệp nói riêng?

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề tới kinh tế – xã hội. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy trong Quý 3 năm 2021, có 21,194 doanh nghiệp đã đóng cửa, GDP giảm 6,17% so với cùng kỳ. 28,2 triệu lao động bị ảnh hưởng do mất việc, giãn việc và giảm lương. Tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 3,98%, cao nhất trong 10 năm trở lại. Đáng chú ý hơn hết, hơn 1,3 triệu người đã rời các thành phố lớn để về quê tránh dịch. Với tình hình dịch diễn biến phức tạp ở các tỉnh thành khác nhau, lực lượng lao động hồi hương này có xu hướng chuyển đổi sang trải nghiệm các cơ hội việc làm ở địa phương và đợi tình hình ổn định trước khi có kế hoạch quay lại các vùng kinh tế trọng điểm. Bối cảnh này tạo ra những khó khăn trong việc bổ sung nhân lực cho doanh nghiệp trong ngắn hạn vào cuối năm 2021 khi nguồn cung lao động hạn chế và tâm lý người lao động bấp bênh, lo ngại dịch bệnh.

Dữ liệu của Việc Làm Tốt cho thấy nhu cầu tìm việc và tuyển dụng giảm mạnh đến 80% trong thời điểm giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16+ so với thời điểm trước dịch. Thị trường gần như “đóng băng” cả về nguồn cung và nguồn cầu ở tất cả các ngành nghề của nền kinh tế. Sau giai đoạn này, cung và cầu phục hồi không đồng đều nhau. Nhu cầu tìm việc có xu hướng phục hồi sớm hơn từ tháng 8 đến tháng 10 năm 2021 nhưng chững lại sau đó, chủ yếu do thời điểm cận Tết và lượng lao động lớn đã hồi hương. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng phục hồi chậm trong giai đoạn tháng 8 đến tháng 10 nhưng lại tăng tốc nhanh chóng từ tháng 10 đến tháng 12 sau khi doanh nghiệp và các quy định sản xuất kinh doanh trong điều kiện bình thường mới đã phần nào ổn định.

Việc Làm Tốt nhận định sự phục hồi không đồng đều của cán cân cung – cầu và sự thiếu hụt lao động tại chỗ đã để lại những thay đổi trong hoạt động tuyển dụng ở giai đoạn này như sau:

● Sự tăng trưởng của nhu cầu tuyển dụng ồ ạt trong thời gian ngắn cho một nhóm ngành nghề nhất định (trong tháng 10 và 11/2021, nhu cầu tuyển dụng công nhân tăng 194% so với tháng 4)

● Nhu cầu đẩy mạnh và đa dạng hoá các hình thức, khu vực tuyển dụng bên cạnh hoạt động tuyển dụng truyền thống để đa dạng nguồn ứng viên

● Sự gia tăng trong chi phí tuyển dụng và vận hành do thay đổi của các gói phúc lợi để thu hút lao động, chi phí vận hành phát sinh để đón lao động quay lại doanh nghiệp để đảm bảo sản xuất an toàn trong điều kiện bình thường mới,…

Xu hướng và tốc độ phục hồi giai đoạn hậu giãn cách là gì? Và xu hướng này ra sao với những lao động phổ thông? Đâu là thách thức lớn nhất ở phân khúc này với cả đối tượng là người lao động và nhà tuyển dụng?

Trong tháng 1/2022, Quốc hội vừa thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế 350 nghìn tỷ đồng, bên cạnh đó có trên 77% dân số đã tiêm đủ 2 liều vaccine. Đây là những động thái tích cực của Chính phủ nhằm thúc đẩy sự phục hồi kinh tế trong năm 2022. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ tận dụng thời cơ này để mở rộng sản xuất kinh doanh, nhu cầu tuyển dụng sẽ tăng cao để phục vụ mục tiêu này, đặc biệt là trong nhóm ngành công nghiệp sản xuất chế biến và dịch vụ du lịch, với các đầu công việc cụ thể như công nhân, nhân viên phục vụ, bán hàng, giao nhận vận tải.

Dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là đợt bùng phát dịch lần thứ 4 từ tháng 5/2021 với hai làn sóng công nhân bỏ việc về quê diễn ra trong tháng 7 và tháng 10 trên phạm vi cả nước đã làm “chao đảo” thị trường lao động Việt Nam. Doanh nghiệp trở tay không kịp vì thiếu hụt nhân công ngay trong thời điểm được vận hành sản xuất trở lại. Người lao động cũng chưa sẵn sàng tham gia thị trường để tìm kiếm việc làm mới vì còn bị ảnh hưởng nặng nề về tâm lý. Hơn nữa, sự kiệt quệ về tài chính, đặc biệt là thiếu thông tin cũng là rào cản để người lao động tiếp cận thị trường. Do vậy có thể nói sự ra đời của Việc Làm Tốt có ý nghĩa rất lớn trong việc kết nối cung – cầu lao động giai đoạn hậu giãn cách.

Tập dữ liệu lớn của Việc Làm Tốt cho thấy nhu cầu tuyển dụng công nhân và tài xế/giao hàng phục hồi rất mạnh mẽ ngay sau giãn cách. Cụ thể, trong tháng 10 và 11/2021 nhu cầu tuyển dụng công nhân tăng 194% so với tháng 4 và giữ ổn định cho đến sau Tết Nhâm Dần 2022, nhu cầu tuyển dụng tài xế/giao hàng tăng liên tục mỗi tháng 10% từ tháng 9/2021 cho đến Tết Nhâm Dần 2022. Trong khi đó, nhóm ngành Dịch vụ – Du lịch phục hồi chậm sẽ khiến người tìm việc lao động phổ thông chuyển dịch sang nhóm ngành Công nhân và Giao nhận vận tải. Và nhóm ngành Dịch vụ – Du lịch sẽ gặp khó khăn để thu hút lại người lao động khi nhóm này bắt đầu vào nhịp phục hồi sau Tết Nhâm Dần 2022.

Việc Làm Tốt dự báo lao động phổ thông sẽ chiếm 80% cơ cấu lao động của Việt Nam vào năm 2025. Có 2 thách thức lớn nhất ở phân khúc này:

(1) Chất lượng nguồn lao động chưa cao ảnh hưởng đến năng suất lao động. Năm 2020, Việt Nam chỉ 24,1% lực lượng lao động qua đào tạo, có chuyên môn hoặc chứng chỉ. Con số này nhìn riêng trong nhóm lao động phổ thông thì chỉ còn 13%.

(2) Người tìm việc lao động phổ thông còn thiếu thông tin khi tìm việc trực tuyến nên bỏ lỡ nhiều cơ hội tốt. Họ cũng thiếu kiến thức về các quyền lợi khác ngoài lương cũng như định hướng nghề nghiệp và lộ trình thăng tiến, việc này tạo ra ảnh hưởng tiêu cực đến sự gắn kết và cam kết của người lao động phổ thông với doanh nghiệp khi so sánh với nhóm lao động văn phòng. Điều này dẫn đến việc doanh nghiệp cần tuyển nhiều nhưng hiệu quả tuyển dụng thấp và chi phí tuyển dụng cao.

Trân trọng cảm ơn bà!

Nguồn: Vietnam Business Forum