Vì sao nhiều người vẫn lén lút theo dõi người yêu cũ

Alice sử dụng tài khoản giả để “kiểm tra định kỳ” chàng trai mà mình đã hẹn hò vào năm ngoái. Cô sẽ xem tất cả story của anh chàng và nhóm bạn để biết người cũ đang làm gì.

Nhiều người vẫn lén lút theo dõi người yêu cũ trên mạng xã hội.

Alice chọn sinh nhật giả khi tạo tài khoản và sử dụng một cái tên nam tính nhằm đánh lạc hướng mọi người. Để “vỏ bọc thêm hoàn hảo”, cô gái 24 tuổi quyết định chỉ theo dõi các tài khoản có liên quan đến bóng đá, theo Independent.

“Bất cứ khi nào tôi truy cập tài khoản giả, tất cả đều là hình ảnh của các cầu thủ. Đó hoàn toàn không phải là tôi”, Alice vui vẻ kể.

Cô cảm thấy thoải mái vì hầu hết bạn bè cũng làm những điều như vậy. “Cả hai người bạn cùng phòng của tôi đều có tài khoản giả để theo dõi người yêu cũ”.

Từ tò mò đến rình mò

Nhà trị liệu tâm lý Anna Jackson có nhiều khách hàng 18-30 tuổi và đã gặp không ít người thú nhận tạo tài khoản giả để theo dõi bạn trai/bạn gái cũ.

Bà nói rằng việc “kiểm tra” người yêu cũ vì tò mò là điều hoàn toàn bình thường. “Đó là bản chất của con người. Có thể ví nó như làm điều gì đó hơi sai trái nhưng không hẳn là phạm tội, chẳng hạn như đi trên cỏ mặc dù nhìn thấy biển báo yêu cầu bạn không được đi. Đó là thứ mà bạn có thể cảm thấy hồi hộp khi thực hiện”, nhà trị liệu giải thích.

Tuy nhiên, bà Jackson cũng cảnh báo rằng việc không ngừng lén lút theo dõi người yêu cũ có thể tạo ra thói quen không lành mạnh. Bà nói rằng đó là dấu hiệu của việc vẫn còn vương vấn với mối quan hệ cũ và điều này chỉ khiến mọi chuyện thêm khó khăn.

len lut theo doi anh 1

Việc theo dõi có thể biến tướng từ tò mò thành rình mò người khác trên mạng.

“Bạn không cho phép mình có không gian để xử lý những cảm xúc thực sự sâu sắc đó, chẳng hạn như nỗi buồn hay sự tổn thương. Như vậy, bạn chắc chắn không thể vượt qua chuyện tình cũ để bắt đầu tìm hiểu người mới”.

Đàn ông hay phụ nữ đều có thể sử dụng tài khoản giả mạo với mục tiêu “rình mò” trang cá nhân của người cũ hoặc làm những điều tương tự.

Michael đã dùng “Instagram giả mạo” của mình để chia sẻ những điều anh không bao giờ dám nói trên trang cá nhân chính thức. Anh ghi lại bất cứ điều gì mình muốn mà không có giới hạn.

“Tôi còn sử dụng nó khi cần kiểm tra story của ai đó mà không muốn lộ mặt. Tôi cũng muốn xem xem có ai chặn mình hay không”, Michael cho biết.

Chữa lành hậu chia tay

Nhà trị liệu tâm lý Lisa Lawless nói rằng “giám sát trực tuyến” đã trở nên phổ biến trong giới trẻ.

“Việc theo dõi người yêu cũ có thể rất hấp dẫn với nhiều người. Một số người làm điều đó như một cách để khép lại sau khi chia tay, trong khi những người khác nuôi dưỡng mong muốn níu kéo mối quan hệ”, nhà trị liệu giải thích.

Bà Lawless cho rằng đôi khi ai đó có thể đang tìm kiếm câu trả lời cho những tiếc nuối hoặc chuyện không ổn trong quá khứ.

Tuy nhiên, giống như nhà trị liệu Jackson, bà không nghĩ rằng hành vi này là cách tốt nhất để kết thúc mối quan hệ. Chuyên gia cảnh báo rằng việc đeo bám người yêu cũ trên mạng xã hội có thể dẫn đến cảm giác “ám ảnh”, “ghen tị” hoặc thậm chí là “trầm cảm” kéo dài.

“Tốt hơn hết là mỗi cá nhân cần tập trung vào việc chữa lành và phát triển chính bản thân”, bà Lawless đưa ra lời khuyên.

len lut theo doi anh 2

Bị ám ảnh về người yêu cũ trên mạng xã hội không giúp ích cho quá trình phục hồi hậu chia tay.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng việc phục hồi sau chia tay có thể bị ảnh hưởng nếu chúng ta vẫn duy trì sự kết nối với người yêu cũ trên mạng xã hội.

Bà Lawless cho rằng nó cũng có thể làm tăng cảm xúc tiêu cực và dẫn đến việc đau khổ hơn khi chia tay. “Việc làm này cũng ức chế sự phát triển cá nhân trong giai đoạn hậu chia tay”.

Alice và Michael đều nhận thức được rằng hành vi của họ có thể bị coi là “độc hại”. Cả hai biết mình nên chấm dứt việc “rình mò” người cũ càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, họ cũng e ngại về khả năng từ bỏ thói quen. “Tôi rất đau lòng, khó chịu khi phát hiện người yêu cũ có tình mới. Tôi đã cố xóa tài khoản giả nhiều lần nhưng không thể nhớ nổi mật khẩu để hủy kích hoạt. Vì vậy, thay vào đó, tôi cứ đăng nhập mỗi ngày như một thói quen xấu khó bỏ”, Alice chia sẻ.

Thí nghiệm sự bền chặt của các đôi

Trong cuốn Bạn đỡ ngu ngơ rồi đấy của tác giả David McRaney, nhà tâm lý học James Graham đã làm một thí nghiệm và đi tới kết luận rằng bởi vì con người luôn có nhu cầu được phát triển, mở rộng, trau dồi khả năng và vốn kiến thức, nên khi được kết hợp, học hỏi từ người yêu, biến chúng thành những kỹ năng, triết lý và bản ngã của bản thân, thì mối liên kết giữa bạn với người ấy sẽ được củng cố tốt hơn bất kỳ hành động lãng mạn nào.