Vì sao nấu ăn cùng nhau sẽ giúp các đôi tình nhân nuôi dưỡng hạnh phúc bền chặt? – Tạp chí Đẹp
Lợi ích của việc tự tay nấu món mình thích đã quá rõ ràng nhưng những tác dụng tích cực của việc nấu ăn cùng người thương lại trông có vẻ rắc rối nhiều hơn niềm vui. Tạo thói quen cùng nhau vào bếp là chất xúc tác cải thiện mối quan hệ của hai người yêu nhau rất nhiều. Bất kể mức độ yêu thích nấu nướng của hai bạn là bao nhiêu, việc nấu nướng cùng nhau giúp ích cho việc xây dựng một mối quan hệ hài hòa và bền chặt.
Phát triển và thiết lập sự gắn kết sâu sắc
Bộ phim tài liệu “Cooked” trên Netflix của Michael Pollan – nhà báo, giáo sư người Mỹ, tác giả sách nổi tiếng của quyển sách “Nào tối nay ăn gì?” – đã tiết lộ một điều ít ai để ý rằng, nấu ăn chính là viên gạch xây nền móng vững chắc cho chuyện tình cảm. Một trong những điểm khác biệt cốt lõi của loài người với những giống loại khác đó là cách chúng ta ăn uống và thưởng thức thức ăn. Nếu gọi nấu ăn là “bản năng gốc” phân biệt chúng ta là con người, thì việc tận hưởng niềm vui nấu ăn cùng nhau là nền tảng thiết lập mối liên kết sâu sắc giữa hai người với nhau.
Tạo cơ hội lưu lại những ký ức đẹp đẽ
Những khoảng khắc đặc biệt và quan trọng trong cuộc đời chúng ta luôn gắn liền với các món ăn ngon. Từ buổi tối mừng “Ngày của Mẹ”, tiệc cưới với thực đơn được lựa chọn tỉ mỉ dựa trên sở thích hoặc ý nghĩa đằng sau món ăn đó của cô dâu và chú rể, đến chiếc bánh được sáng tạo riêng cho ngày sinh nhật… cho thấy sự chuẩn bị cho những khoảnh khắc ăn mừng này là một phần quan trọng của việc tạo ra những ký ức được kết cấu từ mùi vị, âm thanh và hình ảnh.
Một nghiên cứu vào năm 2002 cũng chỉ ra rằng, trí nhớ liên quan đến mùi hương thậm chí có thể mạnh hơn ký ức được gợi lên bằng các tín hiệu khác như lời nói hoặc hình ảnh. Cùng với người yêu tạo nên hương và mùi trong gian bếp có thể lưu giữ những ký ức đặc biệt, mạnh mẽ, tích cực và lâu dài.
Tập trung và tận hưởng khoảnh khắc của hiện tại
Nghiên cứu được thực hiện tại Đại học Stanford về cách mà công nghệ đang tác động đến giao tiếp của con người và tương tác giữa các cá nhân cho thấy, người thường xuyên tiếp xúc nhiều thông tin từ điện thoại không thể chú ý, nhớ lại thông tin, hoàn thành cùng lúc nhiều việc… một cách dễ dàng. Việc rèn luyện sự tập trung do đó ngày càng quan trọng đối với sức khỏe tinh thần.
Khi công nghệ thúc đẩy kỳ vọng về năng suất ngày càng sâu sắc trong cuộc sống, những khoảnh khắc cùng nhau nấu nướng hay ăn một bữa cơm ngày càng ít đi. Năng suất dường như làm giảm vai trò của giá trị gia đình và tình cảm. Thật không may, việc chú trọng đến năng suất lại trực tiếp dẫn đến tình trạng căng thẳng cao và chất lượng cuộc sống kém hơn.
Thế nên, cùng nhau nấu ăn và trò chuyện trong lúc nấu nướng sẽ giúp bạn có cơ hội tạm dừng nhịp sống bộn bề và tập trung vào những điều đơn giản. Nấu ăn cũng là một trải nghiệm thiền định, và sự tập trung đó cho phép bạn tận hưởng khoảnh khắc của hiện tại, cũng như đắm mình vào sự hạnh phúc với mối quan hệ hiện có.
Xây dựng tinh thần “làm gì cũng có nhau”
Nấu ăn sẽ phát triển trí tò mò, sự đánh giá cao lẫn nhau, kích thích sự sáng tạo và xây dựng tinh thần làm việc nhóm, tất cả những yếu tố trên đều được chứng minh là vô cùng quan trọng trong một mối quan hệ lãng mạn lành mạnh.
Khi được hỏi về tầm quan trọng của các hoạt động hàng ngày như thế nào trong một cuộc tình, tiến sĩ Sue Johnson, tác giả nổi tiếng và là nhà phát triển hàng đầu của Liệu pháp Tập trung vào Cảm xúc (EFT) chia sẻ rằng, bất kỳ hoạt động chung nào được thực hiện với sự chú tâm, sự gần gũi, tương tác đều tốt cho sự gắn kết của hai người yêu nhau. Sự kết nối tình cảm cũng cần thiết cho sự tồn tại của chúng ta như oxy và thức ăn. Một cặp đôi cảm thấy có sự kết nối tình cảm đáng tin cậy và có thể phối hợp nhịp nhàng với đối phương thường có thể cùng nhau làm tốt mọi việc.
Khơi dậy sự tò mò về nhau và phát triển sự giao tiếp
Nghiên cứu cho thấy một đôi tình nhân càng tò mò về đối phương, họ càng cảm thấy bị kích thích và tràn đầy năng lượng khi ở cạnh nhau. Nấu ăn cho phép cả hai trải nghiệm hương vị mới, một loại thức uống mới và thử nghiệm với các hương vị khác nhau. Mỗi một món ăn mở ra những cánh cửa mới, cho phép hai bạn đến một nơi khác của thế giới trong ngày, do đó khuyến khích những câu hỏi và các chủ đề cả hai quan tâm ngày càng phong phú. Bên cạnh đó, nấu ăn với một người đòi hỏi sự giao tiếp liên tục, từ những hướng dẫn làm bếp nhỏ nhất. Thường xuyên phát triển kỹ năng giao tiếp sẽ giúp hai bạn dễ dàng vượt qua mọi trở ngại cùng nhau.