Vì sao hộ kinh doanh không thể là doanh nghiệp
Pháp lý cho cá nhân kinh doanh đã tương đối đầy đủ và rõ ràng, không cần làm rối thêm bằng cách đưa vào trong Luật doanh nghiệp nữa.
Ảnh: Total Business Magazine
Hiện nay các chuyên gia, tổ chức ở Việt Nam đang tích cực trao đổi về vị trí pháp lý và xây dựng pháp chế dành cho hộ kinh doanh. Tuy nhiên, vấn đề không nên chỉ dừng lại ở đó. Quan trọng hơn hết là tìm ra giải pháp cho phát triển doanh nghiệp cá nhân, phát triển nền kinh tế tư nhân. Chúng ta cần hiểu sâu sắc rằng chỉ bằng một luật như Luật doanh nghiệp, sẽ không thể đi hết được con đường mục tiêu đó.
Doanh nghiệp là chủ thể có hoạt động kinh doanh. Kinh doanh là chuỗi các hoạt động liên tục hoặc việc thực hiện các công đoạn của quá trình đầu tư, sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, cung ứng dịch vụ trên thị trường nhằm mục đích sinh lợi. Theo đó, dù là cá nhân hoặc nhóm cá nhân, hay pháp nhân (công ty) đều có thể là nội hàm của khái niệm doanh nghiệp. Lúc này khái niệm doanh nghiệp là khái niệm kinh tế, chưa phải là khái niệm pháp lý.
Phân biệt những điều cơ bản
Từ cách phân tích định nghĩa này, có người nói rằng việc đưa cá nhân – hộ kinh doanh vào Luật doanh nghiệp để thừa nhận họ là doanh nghiệp là vấn đề rất bình thường. Nhưng khi chủ trương như vậy, đồng nghĩa đang có sự nhầm lẫn giữa khái niệm pháp lý và khái niệm kinh tế.
Khi cần xem xét đến việc pháp luật nào sẽ xây dựng nền tảng cho doanh nghiệp theo khái niệm kinh tế, chúng ta phải xem xét đến tính chất của doanh nghiệp để điều chỉnh cho đúng. Khi pháp nhân (công ty) là chủ thể kinh doanh, họ luôn phải đối mặt với vấn đề cần cai quản (governance).
Cai quản là câu chuyện chỉ liên quan đến chủ thể là pháp nhân (công ty), bởi những người sở hữu mặc dù góp tài sản vào kinh doanh, nhưng trong rất nhiều trường hợp, họ không tự mình tham gia trực tiếp vào quá trình điều hành hoạt động kinh doanh, mà phải thông qua những nhà quản trị (ví dụ ở các công ty cổ phần, rất nhiều chủ doanh nghiệp – cổ đông không tham gia trực tiếp quản lý hoạt động của doanh nghiệp).
Chính vì thế, cần phải có cơ chế bảo đảm để những nhà quản trị doanh nghiệp luôn trung thực và cẩn trọng, hành động với lợi ích của công ty và cổ đông, tránh tình trạng nhà quản trị sẽ làm trái với lợi ích của chủ doanh nghiệp hoặc để tư lợi (trong kinh tế học được gọi là vấn đề người sở hữu – người điều hành (principal-agent problem)).
Thêm nữa, những người trực tiếp điều hành kinh doanh thường tiếp cận thông tin của doanh nghiệp – công ty dễ dàng hơn nhiều so với các cổ đông – chủ sở hữu (kinh tế học gọi là vấn đề bất đối xứng thông tin (information asymmetry)).
Các nước trên thế giới đã xây dựng pháp luật về kinh doanh chủ yếu nhằm điều chỉnh đối tượng doanh nghiệp là pháp nhân (công ty) do chỉ có công ty mới đối mặt với các vấn đề người sở hữu – người điều hành và bất đối xướng về thông tin. Đây là căn nguyên ra đời cho pháp luật công ty, với mục đích chính là để bảo vệ các bên có lợi ích liên quan trong quá trình hình thành, hoạt động và cả giải thể của công ty.
Trong khi đó, cá nhân (bao gồm cả nhóm cá nhân – hộ doanh nghiệp) là chủ sở hữu nhưng đồng thời là người kinh doanh thực chất. Họ sẽ sử dụng chính ý chí, suy nghĩ và hành động của mình để thực hiện việc kinh doanh. Do đó không đặt ra vấn đề cai quản với các cá nhân kinh doanh.
Từ phía quản lý nhà nước, một số người nhấn mạnh vào sự cần thiết phải quản lý cá nhân kinh doanh để đảm bảo họ luôn tuân thủ pháp luật, với lý do “quản lý tốt thì mới có thể tuân thủ pháp luật tốt”. Nhưng như tôi đã trình bày, cai quản (governance) là vấn đề không thể đặt ra với cá nhân kinh doanh như với pháp nhân kinh doanh. Nên nhớ, cá nhân kinh doanh vốn vẫn cần tuân thủ pháp luật và trên thực tế, họ đang chịu sự điều chỉnh của hàng loạt các quy phạm pháp luật chuyên ngành rồi, bao gồm pháp luật về thuế, môi trường, lao động, an toàn thực phẩm, trật tự an toàn xã hội…
Tức là việc đảm bảo tuân thủ của đối tượng này không phải là vai trò của Luật doanh nghiệp, nó là năng lực của các cơ quan thi hành và quản lý pháp luật chuyên ngành.
Vị trí pháp lý của hộ kinh doanh
Khoản 1 điều 66 nghị định 78/2015/NĐ-CP định nghĩa về hộ kinh doanh như sau: “Hộ kinh doanh do một cá nhân hoặc một nhóm người gồm các cá nhân là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hoặc một hộ gia đình làm chủ, chỉ được đăng ký kinh doanh tại một địa điểm, sử dụng dưới mười lao động và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”.
Đồng thời, điều 101 Bộ luật dân sự 2015 quy định: “Trường hợp hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân tham gia quan hệ dân sự thì các thành viên của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân là chủ thể tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự hoặc ủy quyền cho người đại diện tham gia xác lập, thực hiện giao dịch dân sự”.
Theo đó, hộ kinh doanh không phải là một chủ thể pháp lý. Các thành viên là cá nhân tham gia hộ kinh doanh đó mới là chủ thể pháp lý. Hộ kinh doanh chỉ là cách gọi chung cho những nhóm cá nhân kinh doanh với trách nhiệm vô hạn (“chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với hoạt động kinh doanh”).
Vì tất cả những điều đó, cá nhân kinh doanh là một chủ thể khác với công ty kinh doanh, dù trong khái niệm kinh tế thì hai chủ thể đều là doanh nghiệp, nhưng trong khái niệm pháp lý, những cơ chế và yêu cầu pháp lý đối với hai chủ thể này là khác hẳn. Có thể ví von hai loại hình kinh doanh này giống như gạo nếp, gạo tẻ, tuy cùng là gạo nhưng không thể cho chung vào nấu trong một nồi, vì mỗi loại có chức năng và lý do tồn tại riêng.
Hộ kinh doanh như một chủ thể doanh nghiệp không tồn tại trong Luật doanh nghiệp hiện hành, nhưng hộ kinh doanh thực chất đã có tư cách pháp lý trong rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật từ rất lâu rồi, nổi bật là trong Bộ luật dân sự. Cũng cần tính đến thực tế hộ kinh doanh là khái niệm sinh ra từ thực tiễn mang tính truyền thống và văn hóa của Việt Nam, bắt đầu từ “hộ gia đình”.
Các bộ luật dân sự năm 1995, 2005 đều có quy định về hộ gia đình và tổ hợp tác, tức mặc nhiên thừa nhận sự tồn tại của “hộ” có chức năng kinh doanh. Tuy từ “hộ” không còn giá trị trong mối quan hệ hiện đại và khái niệm hộ đã bị loại bỏ khỏi Bộ luật dân sự 2015 nêu trên (coi “hộ” chỉ là nhóm những cá nhân), chúng ta nên thẳng thắn nhìn nhận rằng, “hộ” kinh doanh đã tồn tại rất lâu trong thế giới pháp luật chúng ta và là một thực tiễn sống động không thể phủ nhận.
Nghị định 78/2015/NĐ-CP nói trên quy định về đăng ký doanh nghiệp cũng áp dụng cho cả cá nhân, nhóm cá nhân và hộ gia đình. Ngoài ra, các cá nhân đó khi tham gia hoạt động kinh doanh sẽ trở thành thương nhân theo quy định của Luật thương mại. Tóm lại, pháp lý cho cá nhân kinh doanh đã tương đối đầy đủ và rõ ràng, không cần làm rối thêm bằng cách đưa vào trong Luật doanh nghiệp nữa.
Phát triển doanh nghiệp cá nhân và kinh tế tư nhân
Ông Vũ Tiến Lộc, chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), nói trên báo Hải Quan Online ngày 21-2-2019: “Bản chất hộ kinh doanh là doanh nghiệp, trong các nền kinh tế, không ai bỏ khu vực này ra khỏi luật. Các hộ kinh doanh là doanh nghiệp siêu nhỏ và nhỏ nhưng không được coi là doanh nghiệp thì đó chính là điểm nghẽn lớn của pháp luật Việt Nam”. Nhưng thực tế pháp luật Việt Nam chưa bao giờ loại bỏ những chủ thể này khỏi pháp luật, mà ngược lại, đã thừa nhận vị trí pháp lý của họ từ rất lâu và bền vững.
Phát triển kinh doanh của cá nhân kinh doanh hoặc phát triển kinh tế tư nhân sẽ không thể thực hiện bằng việc đưa cá nhân kinh doanh vào Luật doanh nghiệp với lý do nêu trên. Quan trọng là Nhà nước nhận định vai trò của cá nhân kinh doanh hoặc kinh tế tư nhân như thế nào trong nền kinh tế quốc gia một cách rõ ràng và mạnh mẽ, tạo ra những chính sách hỗ trợ các chủ thể thuộc kinh tế tư nhân về vốn, đào tạo kỹ năng, năng lực kinh doanh, chính sách thuế… Điều này chỉ khả thi khi Nhà nước thật sự coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân, dù là hộ kinh doanh hay là doanh nghiệp.
Tôi đồng ý với nhận định của ông Vũ Tiến Lộc khi ông nói về việc Việt Nam “có đến gần 5 triệu hộ kinh doanh cá thể. Các hộ kinh doanh cá thể có đóng góp rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của đất nước. Dù chiếm đến hơn 30% GDP nhưng khung khổ chính sách áp dụng đối với chủ thể kinh doanh này hiện còn rất thiếu, có sự chưa bình đẳng so với các doanh nghiệp hoạt động chính thức” (Hải Quan Online ngày 21-2-2019) cũng như mong muốn của nhiều người muốn tạo điều kiện cho các cá nhân kinh doanh và kinh tế tư nhân phát triển. Tuy nhiên, biện pháp thực hiện phải phù hợp với mục đích của chính sách, các quy phạm pháp lý chuyên môn và riêng biệt cụ thể.
Để kết luận, việc coi hộ kinh doanh là doanh nghiệp không chỉ sai, mà còn nhầm lẫn về mục đích của Luật doanh nghiệp, đồng thời lờ đi mục tiêu và biện pháp đúng đắn cho việc phát triển kinh tế tư nhân, và cuối cùng là làm rối rắm một cách không cần thiết nhiều khái niệm pháp lý đã lâu đời và bền vững. ■
(*) ÔNG Fushihara Hirota là chuyên gia pháp luật người Nhật Bản, ông viết bằng tiếng Việt.