Vì sao doanh nghiệp Việt ‘ngại’ chuyển đổi số? – Tạp chí Kinh tế Sài Gòn

(KTSG Online) – Quy mô chỉ ở mức nhỏ hoặc vừa, năng lực công nghệ hạn chế, chi phí lao động thấp, một bộ phần giao dịch kinh tế thiếu tính minh bạch là những yếu tố khiến nhiều doanh nghiệp Việt Nam e ngại khi đầu tư cho chuyển đổi số.

Thông tin này được bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), chia sẻ tại hội thảo về thúc đẩy tăng trưởng xanh, hướng tới phát triển bền vững sáng 24-9.

Bà Thuỷ ước tính, có khoảng 100.000 cửa hàng tại Việt Nam đang sử dụng phần mềm Kiot Việt cho hoạt động quản lý bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ và bán hàng đa kênh cùng hàng trăm nghìn doanh nghiệp đang trực tiếp kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Sendo, Tiki, Lazada, Shopee…

Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng dịch vụ tiếp thị số qua các kênh Facebook, Google, Youtube, Tiktok, Instagram, 24h, Admicro, Eclick, Adtima … như là một phương pháp tiếp thị quan trọng trong hoạt động tiếp thị, bán hàng.

Tuy nhiên, một thực trạng đáng lưu ý là hoạt động chuyển đối số trong lĩnh vực quản trị doanh nghiệp diễn ra còn chậm, số lượng doanh nghiệp ứng dụng các giải pháp như ERP, HRM, E-Office, phần mềm chấm công, tính lương còn hạn chế

Nhiều doanh nghiệp chỉ ở ở giai đoạn đầu trong việc ứng dụng các giải pháp chuyển đổi số vào hoạt động quản trị, vận hành nội bộ. Cụ thể, khoảng hơn 60% doanh nghiệp sử dụng các phần mềm kế toán và hơn 200.000 doanh nghiệp sử dụng phần mềm hóa đơn điện tử.

Lý giải thực trạng này, bà Thuỷ cho biết doanh nghiệp cũng phải đối mặt với một số khó khăn trong quá trình chuyển đối số.

Trước hết, chi tiêu cho nghiên cứu khoa học của Việt Nam còn thấp và chưa thực chất khi chỉ bằng 0,4% GDP trong khi con số này của Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc lần lượt là 3,3%, 2,2%, 2,1%.

Ngoài ra, tỷ lệ giao dịch kỹ thuật số của Việt Nam chỉ chiếm 22% so với 34% của Indonesia và 62% của Thái Lan. Tỷ lệ thanh toán trực tuyến khi mua sắm trên internet còn thấp, chỉ đạt 10% so với 49% của Indonesia và 52% của Malaysia, hầu hết vẫn thanh toán bằng tiền mặt khi nhận hàng.

Cũng theo bà, chi phí lao động ở Việt Nam thấp, số lượng doanh nghiệp Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị còn chưa nhiều, nhiều giao dịch kinh tế tại Việt Nam còn thiếu tính minh bạch, ảnh hưởng gây tâm lý e ngại cho doanh nghiệp khi áp dụng công nghệ cũng là trở ngại cho việc thúc đẩy chuyển đổi số.

Phần lớn các doanh nghiệp Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, năng lực công nghệ còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp, cá nhân sở hữu các bằng sáng chế công nghệ, chủ yếu sử dụng các công nghệ sẵn có của nước ngoài để tùy biến, phát triển. Lực lượng nhân lực công nghệ thông tin còn thiếu kỹ năng cần thiết.

Bên cạnh đó, hành lang chính sách, pháp luật của Nhà nước về chính phủ điện tử, các giao dịch, thủ tục hành chính trên nền tảng số vẫn đang trong quá trình hoàn thiện.

Để thúc đẩy doanh nghiệp chuyển đổi số, bà Thủy khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng các công nghệ của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 như Cloud Computing, IoT, Công nghệ Robotic, Công nghệ thực tế ảo VR, tận dụng các yếu tố công nghệ để thay đổi cách thức vận hành. Ngoài ra, cần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong toàn doanh nghiệp.

“Nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của chuyển đổi số trong doanh nghiệp quyết định sự thành bại của quá trình chuyển đổi số” bà thuỷ nói.

Bên cạnh đó, nâng cao năng lực quản trị nội bộ để chuẩn bị đủ điều kiện thực hiện chuyển đổi. Theo đó, mô hình quản trị cần được tổ chức một cách linh hoạt, phù hợp với yêu cầu quản trị của từng thời kỳ. Doanh nghiệp cũng cần chuẩn hóa quy trình kinh doanh trước khi ứng dụng công nghệ chuyển đổi số.

Về nguồn nhân lực, chuyển đổi số cần có nguồn nhân lực chất lượng cao để có thể làm chủ công nghệ mới, phục vụ cho việc triển khai chuyển đổi số và đó cũng là điều mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp khó khăn. Vì vậy, doanh nghiệp cần chuẩn bị nguồn nhân lực nội bộ có chuyên môn tốt để sẵn sàng cho quá trình chuyển đổi số.