Vì sao cứ Tết đến là người Hà Nội lại có khay mứt mời khách đến chơi?

Nhắc đến Tết của người Việt, nhất định không thể thiếu mứt Tết. Giống như “miếng trầu là đầu câu chuyện”, mứt là món được bày trang trọng trên bàn trà của mọi gia đình, là món “khai vị” cho mọi cuộc viếng thăm, chúc tụng, cũng là thức quà đặc biệt ngày xuân để cả gia đình cùng quây quần bên nhau thưởng thức.

Vì sao cứ Tết đến là người Hà Nội lại có khay mứt mời khách đến chơi? - Ảnh 1.

Hộp mứt Tết hoa đào “huyền thoại” thời bao cấp.

Nhưng không đơn thuần chỉ có vậy, mứt Tết còn là nét đẹp văn hóa lâu đời của người Hà Nội, gắn liền với những hồi ức khó phai về một thời cuộc sống còn chưa được sung túc nhưng rất đỗi bình dị, an yên, người người sống với nhau chân thành, gần gũi

Mứt là một món ăn ngọt được chế biến từ các loại trái cây và một số loại củ nấu với đường đến độ khô từ 65% – 70%. Nguyên liệu đường trong mứt rất cần thiết và cần đạt nồng độ khoảng 55% – 60%. Đường không chỉ đóng vai trò làm ngọt mà còn có tác dụng bảo quản và tăng độ đông cho mứt.

Trong những năm trước đây, cứ mỗi dịp Tết về, người người nhà nhà lại quây quần cùng nhau, riu riu lửa hồng, tự tay nấu đường làm mứt để chuẩn bị cho những ngày đầu năm. Mọi người mời nhau những vị ngọt mà chính bản thân gửi gắm vào đó thay cho lời chúc tốt lành nhất.

Một khay mứt Tết truyền thống luôn có hình tròn, chia làm 8 ô với đầy đủ các loại mứt như mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, mứt lạc, mứt quất, mứt sen,… tương ứng với vị chua, cay, ngọt, bùi như chính hương vị của cuộc sống cũng như thể hiện sự hòa quyện của bốn mùa trong năm.

Mứt hạt sen “gia đình sum họp, con cháu đầy nhà”

Vì sao cứ Tết đến là người Hà Nội lại có khay mứt mời khách đến chơi? - Ảnh 2.

Mứt hạt sen mang ý nghĩa gia đình sum họp, con cháu đầy nhà

Những hạt sen phơi khô, bảo quản chăm chút từ khi còn tươi ngon vụ hè, gần cuối năm mới đem ra ngào đường, làm mứt. Những viên mứt nhỏ tròn, màu hanh vàng, bọc trong lớp vỏ lấm tấm đường, mang vị ngọt ngào mà tinh tế. Không ai có thể ăn nhiều mứt sen một lúc, bởi thật ra mứt có vị ngọt rất sắc. Nhưng đôi lúc nhẩn nha một vài viên, nhấp một ngụm trà thơm, vị ngọt, vị chát cùng hơi nóng ấm quyện hòa lại tạo cảm giác thư thái thú vị, khiến câu chuyện đầu xuân thêm vui vẻ, rộn ràng.

Mứt dừa “gia đình quây quần, sum vầy, hạnh phúc”

Vì sao cứ Tết đến là người Hà Nội lại có khay mứt mời khách đến chơi? - Ảnh 3.

Mứt dừa nhiều màu sắc hấp dẫn, là món mứt được lựa chọn nhiều nhất trong ngày Tết

Mứt dừa từ lâu đã được các gia đình lựa chọn trong ngày Tết nguyên đán, là một món cổ truyền không thể thiếu trong khay mứt ngày Tết.

Mứt dừa dễ làm, lại thơm và dễ ăn nên thường được các bà, các mẹ lựa chọn để tự tay thực hiện. Mứt được làm từ cơm dừa bào mỏng cùng đường cát trắng, thành phẩm có vị ngọt thơm tự nhiên, vị ngậy béo đặc trưng của cùi dừa. Tùy theo sở thích mà khi chế biến, mứt dừa được thêm màu sắc bắt mắt cũng từ những nguyên liệu thiên nhiên…

Mứt gừng mang ý nghĩa “cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc”

Vì sao cứ Tết đến là người Hà Nội lại có khay mứt mời khách đến chơi? - Ảnh 4.

Mứt gừng mang ý nghĩa cuộc sống đầm ấm, hạnh phúc

Trong thời tiết se lạnh của những ngày đầu xuân, ngồi nhâm nhi một lát mứt gừng cay cùng tách trà nóng thì quả thật là thi vị, hạnh phúc.

Là một món không thể thiếu trong khay mứt ngày Tết, mứt gừng mang ý nghĩa cầu mong cho một năm mới ấm áp và hạnh phúc cho mọi gia đình.

Một chút ngòn ngọt phủ quanh vị cay cay nồng ấm của gừng mang lại cảm giác thích thú cho người thưởng thức. Bên cạnh đó, mứt gừng còn có tác dụng giải độc, làm ấm người và kích thích tiêu hóa cho những ngày Tết ăn uống không điều độ.

Mứt quất tượng trưng cho “may mắn, an lành và thịnh vượng”

Vì sao cứ Tết đến là người Hà Nội lại có khay mứt mời khách đến chơi? - Ảnh 5.

Cây quất cũng như mứt quất tượng trưng cho may mắn, an lành, thịnh vượng cho năm mới

Ra trái và chín vào đúng dịp Tết nguyên đán, quất như là “trái ngọt” đầu năm của mọi nhà với mong muốn một năm bội thu. Cũng như quất cây, ý nghĩa của mứt quất tượng trưng cho may mắn và thịnh vượng trong năm mới.

Mứt quất có vị vừa ngòn ngọt của đường, vừa chua chua của múi quất, giòn giòn thơm thơm của vỏ quất . Những mùi vị này tạo cho người dùng cảm giác thanh mát lẫn nồng ấm rất thích hợp để dùng vào dịp Tết, khi tiết trời se se lạnh.

Mứt bí đao “cầu mong sức khỏe tốt, mang đến sự phát triển”

Vì sao cứ Tết đến là người Hà Nội lại có khay mứt mời khách đến chơi? - Ảnh 6.

Mứt bí đao không những có nhiều ý nghĩa tốt mà còn rất tốt cho sức khỏe

Bí đao có lẽ chẳng còn xa lạ với chúng ta, ta thấy bí đao ở nhân bánh như bánh trung thu, bánh pía thơm ngon và cả Mứt Tết cổ truyền. Bí đao có tính mát, nhiệt lượng thấp, nhiều khoáng chất, là thực phẩm tốt cho da, tóc, người muốn giảm cân. Với những khoáng chất bổ dưỡng có trong bí đao khiến mứt Bí trở thành biểu tượng cho sự phát triển, sức khỏe tốt.

Sau lớp ngoài giòn ngọt trắng tinh, bên trong là lớp dẻo thanh mát thơm mùi bí đao. Ngoài mùi vị thơm ngon và mang nhiều ý nghĩa may mắn trong năm mới, mứt bí đao còn có công dụng như bài thuốc giải khát, lợi tiểu, tiêu độc cho những cuộc vui tới bến ngày Tết.

K.N (th)