Vì sao Hoàng Công Lương từ kêu oan vô tội sang xin hưởng án treo?

Cường Ngô

  –  

Thứ năm, 13/06/2019 08:31 (GMT+7)

Trước ý kiến của HĐXX cho rằng bác sĩ Hoàng Công Lương phải biết: nếu không xét nghiệm nước mà đưa vào chạy thận, sẽ có nguy cơ dẫn đến chết người – vị bác sĩ này đã nhận thức được hành vi của mình là lỗi vô ý, cẩu thả.

Hiểu rõ hơn về tội danh của mình

Ngày 12.6, TAND tỉnh Hòa Bình mở phiên xét xử Hoàng Công Lương và bốn người khác có đơn kháng cáo trong vụ án tai biến chạy thận ở Bệnh viện đa khoa Hòa Bình, làm 9 người chết.

Theo chủ tọa phiên tòa – thẩm phán Nguyễn Văn Vận, sau phiên sơ thẩm, bị cáo Lương có ba đơn kháng cáo, với ba nội dung đối lập. Đơn đầu tiên, Hoàng Công Lương kháng cáo kêu oan, sau đó, Lương lại kháng cáo xin miễn trách nhiệm hình sự. Trong đơn kháng cáo thứ 3, Hoàng Công Lương xin được xem xét lại tội danh, giảm hình phạt, hưởng án treo.    

Lý do, được bác sĩ Hoàng Công Lương đưa ra, sau phiên tòa sơ thẩm, bác sĩ này đã nghiên cứu, hiểu rõ hơn về tội Vô ý làm chết người. Bị cáo giữ lại đơn kháng cáo cuối cùng, tuy nhiên, xin rút lại phần xem xét tội danh.

“Bị cáo đã nhận thức được lỗi của mình, khi để xảy ra sự cố y khoa chạy thận, bị cáo mong được HĐXX giảm nhẹ hình phạt”, bị cáo Lương nói.

Bị cáo Hoàng Công Lương tại tòa. Ảnh: Cường NgôBị cáo Hoàng Công Lương tại tòa. Ảnh: Cường Ngô

Tại tòa phúc thẩm, Hoàng Công Lương khai, cuối năm 2010, anh được cử đi học lớp lọc máu cơ bản tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội). Khóa học có ba đối tượng gồm: bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên. Với đối tượng nào thì đào tạo chuyên môn sâu về lĩnh vực đó.

Tại đơn nguyên thận nhân tạo có bác sĩ Lương, Huyền, Linh cùng làm nhiệm vụ của bác sĩ điều trị. Tuy nhiên, theo quy định, bệnh án phải có chữ ký của người được cấp đầy đủ chứng chỉ hành nghề, mới thanh toán được bảo hiểm y tế. Hai bác sĩ Huyền và Linh chưa được đào tạo nên chưa đủ thẩm quyền để ký vào hồ sơ bệnh án.

Chủ tọa giải thích, Hoàng Công Lương là bác sĩ điều trị, được đào tạo chuyên môn về lọc máu, mà chỉ nghe điều dưỡng thông báo đã đưa máy vào vận hành ngay có làm nguy hiểm cho bệnh nhân. Hoàng Công Lương có trách nhiệm cao nhất trong ba bác sĩ, bởi có chữ ký của bác sĩ Lương mới được ra y lệnh chạy thận.

Nam bị cáo buộc phải biết nếu không xét nghiệm nước mà đưa vào chạy thận, sẽ có nguy cơ dẫn đến chết người. Sự cố xảy ra là điều không ai mong muốn. Hành vi của Lương là vô ý cẩu thả.

Căn cứ để bị cáo Hoàng Công Lương xin được hưởng án treo, theo luật sư Hoàng Văn Hướng (người bào chữa cho Hoàng Công Lương) cho biết, quá trình công tác, Hoàng Công Lương là bác sĩ mẫu mực, có nhiều thành tích, chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

“Hoàng Công Lương có nhiều tình tiết giảm nhẹ được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật Hình sự; có các điều kiện cho hưởng án treo áp dụng theo Nghị quyết 02 của TAND tối cao, như gia đình có công với cách mạng, ông nội nhận nhiều huân, huy chương cách mạng, bác ruột là liệt sĩ”, luật sư được Hoàng Công Lương ủy quyền nói.

Về vấn đề này, HĐXX cho rằng –  sẽ cân nhắc để đưa ra được bản án đúng người đúng tội, song vẫn phù hợp với chính sách khoan hồng của Nhà nước.

Chưa có một quy trình từ trên xuống dưới, toàn làm việc theo thói quen

Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Hoàng Đình Khiếu – cựu Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình – cho biết, khoa hồi sức tích cực giao Hoàng Công Lương trực tiếp phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo. Tuy nhiên, chỉ phân công bằng miệng tại các cuộc họp giao ban, không có văn bản.

“Bị cáo có báo cáo với giám đốc để quyết định bổ nhiệm không?”, HĐXX truy vấn. Ông Khiếu đáp rằng đã có báo cáo với Giám đốc về việc phân công Hoàng Công Lương làm nhiệm vụ cho Lương còn lại quyền bổ nhiệm thuộc về Ban giám đốc bệnh viện.

Ông Khiếu giải thích thêm các hoạt động chuyên môn ở bệnh viện đều giải quyết qua cuộc họp giao ban hàng ngày. Thực tế là công việc như sửa chữa, quy trình mọi người cứ vậy mà làm.

“Một quy trình từ trên xuống dưới là chưa có, toàn làm việc theo thói quen”, ông Khiếu phân trần.

Sáng nay (13.4), HĐXX mời đại diện Bộ Y tế hỏi về việc vì sao đơn vị này không tham gia tố tụng tại phiên tòa nhưng lại có văn bản về quá trình giải quyết vụ án cho các cơ quan tố tụng.

Ông Quang - đại diện Bộ Y tế.Ông Quang – đại diện Bộ Y tế. Ảnh: Ngô Cường

Lúc 8h, đại diện Bộ Y tế là ông Vũ Huy Quang – Cục trưởng Cục Pháp chế đã đến TAND tỉnh Hòa Bình và làm làm thủ tục tham dự phiên tòa.