Vì sao Chân Tử Đan từng “luyện công” với các học viên nữ?

Chân Tử Đan là một ngôi sao võ thuật nổi tiếng, trên màn ảnh anh đã thể hiện xuất sắc hình ảnh vị võ sư Diệp Vấn của hệ phái Vịnh Xuân Quyền.

Diệp Vấn là loạt phim xoay quanh võ sư nổi tiếng cùng tên và được xem là nhân vật góp công lớn trong việc hình thành nên hệ phái Vịnh Xuân Quyền tại Hong Kong (Trung Quốc).

Tuy không phải người đầu tiên vào vai Diệp Vấn trên màn ảnh nhưng Chân Tử Đan (hay Chung Tử Đơn) được đánh giá là diễn viên thể hiện xuất sắc nhất hình ảnh vị võ sư danh tiếng của hệ phái Vịnh Xuân Quyền.

Vì sao Chân Tử Đan từng "luyện công" với các học viên nữ? - Ảnh 1.

Chân Tử Đan được đánh giá là diễn viên thể hiện xuất sắc nhất hình ảnh vị võ sư Diệp Vấn.

Chân Tử Đan sinh năm 1963, là một nam diễn viên người Trung Quốc. Ngoài ra, anh còn là một đạo diễn, nhà chỉ đạo võ thuật và nhà sản xuất điện ảnh nổi tiếng. Chân Tử Đan đã nghiên cứu võ học từ nhỏ dưới sự chỉ bảo của người mẹ tài ba (bà Mạch Bảo Thuyền là võ sư chuyên nghiên cứu Thái Cực Quyền và võ thuật Bắc Thiếu Lâm, đồng thời là thạc sĩ võ thuật quốc tế).

Khác với nhiều người bình thường chỉ học theo một phái võ, anh đã bái sư và làm đệ tử của Thái Cực Quyền, Wushu cùng nhiều môn phái võ học cổ truyền của Trung Quốc. Anh đã nhận nhiều sư phụ làm thầy trong đó có Ngô Bân – người dạy võ cho Lý Liên Kiệt.

Võ thuật của Chân Tử Đan cũng là một đề tài khiến nhiều người nghiên cứu để tìm ra sự khác biệt bởi nó quá lợi hại. Anh được xếp hạng 4 trong số 10 ngôi sao võ thuật Trung Hoa nguy hiểm nhất khi thực chiến.

Vì sao Chân Tử Đan từng "luyện công" với các học viên nữ? - Ảnh 2.

Chân Tử Đan là cái tên quen thuộc với khán giả đam mê thể loại phim võ thuật.

Là anh hùng trong phim nhưng ngoài đời Chân Tử Đan bị cho là ngôi sao ngông cuồng, ngạo mạn nhất Trung Quốc. Lần tìm về quá khứ của Chân Tử Đan, người ta hiểu rằng những năm tháng thiếu thời cô đơn, nghèo khó, nổi tiếng từ sớm có ảnh hưởng không hề nhỏ tới cuộc sống, tính cách của anh sau này.

Năm Chân Tử Đan 11 tuổi, gia đình anh chuyển đến Mỹ sinh sống. Tại đây mẹ anh tiếp tục mở võ đường, thu nhận võ sinh và đặt tên là Phòng nghiên cứu võ thuật Trung Quốc.

Với sự nghiêm khắc của mẹ và niềm đam mê dành cho võ thuật, Chân Tử Đan nhanh chóng nổi danh trong làng võ thuật.

Thuở thiếu thời Chân Tử Đan xem đi xem lại đến cả trăm lần các bộ phim nổi tiếng của Lý Tiểu Long như Tinh võ môn, Long tranh hổ đấu, Mãnh long quá giang… ngoài mẹ, Lý Tiểu Long là người có ảnh hưởng lớn đến sự nghiệp tài tử họ Chân.

Vì sao Chân Tử Đan từng "luyện công" với các học viên nữ? - Ảnh 3.

Chân Tử Đan rất đam mê võ thuật.

Đam mê võ thuật khiến Chân Tử Đan bỏ bê chuyện học hành. Thực ra một phần cũng là do Chân Tử Đan bị ảnh hưởng triết lý của Lý Tiểu Long cho rằng học văn hóa là điều không cần thiết. Cũng từ đó đã xảy ra một biến cố lớn làm thay đổi cuộc đời anh, Chân Tử Đan từng chia sẻ: “16 tuổi, tôi và cha xảy ra tranh cãi, tức giận, tôi bỏ nhà ra đi. Nghĩ mình có chút võ nghệ, tôi đến khu đèn đỏ và xin việc làm. Lúc đó nghĩ đi nghĩ lại, tôi vẫn cho rằng, mình tài giỏi như thế có thể tự xin nuôi bản thân.

Không ngờ đến làm mới thấy, khu phố đêm có nhiều nhóm xã hội đen. Các băng nhóm tranh giành địa bàn xảy ra chém giết hàng ngày, người bị thương cũng quá nhiều. Lúc này, tôi mới thấy hoảng sợ và tìm cách nghỉ việc. Nghe lời mẹ, tôi rời nước Mỹ quay trở về Bắc Kinh, tránh xa vùng đất thị phi”.

Sau khi trở về Bắc Kinh, Chân Tử Đan được mẹ gửi gắm cho võ sư Ngô Bân, với hy vọng con trai sẽ học được những tinh túy của võ học truyền thống Trung Quốc.

Thời điểm đó, Chân Tử Đan là võ sinh ngoại quốc duy nhất, tự nhận mình là người Mỹ và cao hơn người khác một bậc, ngông nghênh và không coi ai ra gì.

Do nhiều thời gian sống và học võ ở Mỹ nên võ thuật của Chân Tử Đan khá cứng nhắc trong khi võ thuật truyền thống Trung Quốc lại đề cao sự mềm dẻo, nhẹ nhàng. Võ sư Ngô Bân mới nghĩ ra cách để Chân Tử Đan học cùng với các học viên nữ để rèn luyện sự uyển chuyển trong các đòn thế. Và tránh để Chân Tử Đan giảm ý chí, ông đã phải nói lừa rằng, vào nhóm đó là để học luyện chân.

Vì sao Chân Tử Đan từng "luyện công" với các học viên nữ? - Ảnh 4.

Để Chân Tử Đan học cùng với các học viên nữ để rèn luyện sự uyển chuyển trong các đòn thế.

Về sau, chính những đòn thế của võ thuật truyền thống Trung Quốc đã góp phần không nhỏ trong việc gây dựng tên tuổi của Chân Tử Đan qua các vai diễn trên màn ảnh, đỉnh cao là loạt phim điện ảnh Diệp Vấn. Trong phim, anh đã sử dụng Vịnh Xuân Quyền một cách đầy biến hóa kết hợp với cách ra đòn cực nhanh nhẹn và mạnh mẽ.

Vì sao Chân Tử Đan từng "luyện công" với các học viên nữ? - Ảnh 5.

Chân Tử Đan (trái) và võ sư Ngô Bân.

Nhiều người cho rằng, nếu không có khoảng thời gian được đào tạo bởi sư phụ Ngô Bân thì võ thuật của Chân Tử Đan khó có được sự đa dạng và đạt được cảnh giới cao như hiện tại.

Sau hơn 30 năm tham gia sự nghiệp điện ảnh, Chân Tử Đan đã sở hữu “gia tài” nghệ thuật đồ sộ với những tác phẩm đình đám như: Tinh võ môn, Thiếu niên Hoàng Phi Hồng, Anh hùng, Thiên cơ biến, Sát phá lang, Họa Bì, Diệp Vấn…