Vì sao Bệnh viện Tuệ Tĩnh nợ lương nhân viên y tế?

Nguyên Giám đốc Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam cho biết, việc Bệnh viện Tuệ Tĩnh xin chuyển đổi thành đơn vị tự chủ tài chính là nguyên nhân của tình trạng nợ lương.

Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam được thành lập năm 2005 với 3 đơn vị trực thuộc là Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Viện nghiên cứu Y dược cổ truyền Tuệ Tĩnh và Trung tâm đổi mới đào tạo theo nhu cầu xã hội.

Bệnh viện Tuệ Tĩnh được thành lập năm 2006, là bệnh viện thực hành trực thuộc Học viện. Từ tháng 1/2019, Bệnh viện Tuệ Tĩnh được điều chỉnh tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với việc sử nguồn tài chính để thực hiện nhiệm vụ của đơn vị. Tuy nhiên sau 3 năm tự chủ, tại bệnh viện đã xảy ra tình trạng nợ lương của cán bộ công nhân viên, người lao động. Cụ thể hơn 160 nhân viên y tế phản ánh họ bị nợ 50% lương từ tháng 5/2021 đến nay.

Nguyên Giám đốc Học viện: ‘Tôi rất đau lòng’

Liên quan đến vấn đề này, GS.TS Trương Việt Bình, nguyên Giám đốc Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam, cho biết, việc Bệnh viện Tuệ Tĩnh xin chuyển đổi thành đơn vị tự chủ tài chính là nguyên nhân của việc nợ lương.

“Tôi là người thành lập ra Học viện Y Dược học cổ truyền Việt Nam, khi thấy các học trò của mình phải khổ sở vì nợ lương, tôi thấy rất đau lòng”, GS.TS Trương Việt Bình chia sẻ.

Cũng theo GS.TS Trương Việt Bình, khi thành lập Học viện, có 3 đơn vị trực thuộc và Bệnh viện Tuệ tĩnh là đơn vị thực hành.

{keywords}

Nhân viên y tế xuống đường với băng rôn yêu cầu trả lương.

“Năm 2019, không hiểu vì lý do gì ban giám đốc Học viện xin chuyển đổi Bệnh viện Tuệ Tĩnh sang bệnh viện tự chủ tài chính – tức là bệnh viện làm dịch vụ”, GS.TS Trương Việt Bình chia sẻ.

Nguyên giám đốc Học viện cho rằng, vấn đề nằm ở chỗ Bệnh viện Tuệ Tĩnh không phù hợp với cơ chế tự chủ tài chính. Theo ông Bình, Bệnh viện Tuệ Tĩnh thực hiện khám chữa bệnh theo các phương pháp y dược học cổ truyền. Bởi vậy nguồn thu rất ít, đặc biệt trong bối cảnh Covid-19 càng khiến bệnh viện khó khăn hơn.

“Để giải quyết vấn đề của Bệnh viện Tuệ Tĩnh hiện nay, Bộ Y tế cần xem xét đưa bệnh viện trở về với đúng chức năng nhiệm vụ mà mới đầu tôi đã thành lập. Đó là bệnh viện thực hành, để Học viện có thể chi trả lương cho cán bộ, viên chức của bệnh viện”, nguyên Giám đốc Học viện nói.

‘Dịch Covid-19, bệnh viện gần như không có bệnh nhân’

Phía Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam cũng đã đưa ra lời giải thích về việc Bệnh viện Tuệ Tĩnh nợ lương của nhân viên y tế suốt 8 tháng qua.

Theo Học viện, dịch bệnh Covid-19, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 từ cuối tháng 4/2021 đến nay đã ảnh hưởng lớn đến kế hoạch và kết quả hoạt động của Bệnh viện Tuệ Tĩnh.

Chính phủ và Bộ Y tế đã huy động nguồn lực của các cơ sở khám, chữa bệnh và các cơ sở đào tạo trong lĩnh vực y, dược tham gia chiến dịch chống dịch tại các tỉnh, thành có dịch, đồng thời đặt công tác phòng, chống dịch bệnh là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu đối với mỗi cơ sở y tế.

Trong điều kiện đó, Bệnh viện Tuệ Tĩnh phải triển khai đồng bộ nhiều giải pháp để phòng chống dịch bệnh, phải thực hiện giãn cách, giảm số lượng bệnh nhân, hạn chế tiếp nhận người bệnh không phải trường hợp cấp cứu.

Bệnh viện gần như không có bệnh nhân, công suất sử dụng giường bệnh trong quý I năm 2021 đạt 15%, quý II năm 2021 đạt 51,19% và quý III năm 2021 đạt 12,1% so với số giường bệnh theo kế hoạch.

“Chính vì vậy, nguồn thu của Bệnh viện không đủ để trang trải chi phí hoạt động thường xuyên, chỉ ưu tiên trả lương và các khoản trích nộp theo lương”, Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam nêu.

Cũng theo lãnh đạo Học viện, tuy nguồn thu giảm rất lớn, nhưng bệnh viện vẫn phải tăng chi để thực hiện các giải pháp phòng, chống lây nhiễm do dịch bệnh Covid-19. Đó là mua sắm trang phục chống dịch, dung dịch sát khuẩn, khử khuẩn; chi phí phục vụ công tác tiêm chủng cho viên chức, người lao động và thân nhân cán bộ, viên chức, cử cán bộ tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch tại các địa phương. Trong các đợt dịch vừa qua, Học viện và Bệnh viện đã cử gần 500 giảng viên, sinh viên tham gia phòng chống dịch tại Bắc Giang, TP.HCM và Hà Nội.

Vì khó khăn đó, từ tháng 5/2021 đến nay, Bệnh viện chỉ tạm chi 50% tiền lương dẫn đến đời sống của viên chức, người lao động gặp rất nhiều khó khăn.

Việc này đã khiến nhân viên y tế có động thái nhằm đòi quyền lợi. Cụ thể, ngày 17/12 và ngày 24/12/2021 một số viên chức, người lao động Bệnh viện Tuệ Tĩnh tập trung, yêu cầu trả lương theo đúng hợp đồng làm việc.

Tiếp đó, vào chiều ngày 11, ngày 12 và ngày 13/1/2022, tại cổng Học viện, khoảng 50 viên chức, người lao động cũng đã căng băng rôn, biểu ngữ với các nội dung yêu cầu thực hiện hợp đồng làm việc, tự chủ của Bệnh viện Tuệ Tĩnh và trả lương bị nợ cho người lao động.

Ngọc Trang

Vụ 40 nhân viên y tế 'xuống đường' đòi nợ lương: Học viện Y học cổ truyền lên tiếng

Vụ 40 nhân viên y tế ‘xuống đường’ đòi nợ lương: Học viện Y học cổ truyền lên tiếng

Trước sự việc 40 cán bộ y tế Bệnh viện Tuệ Tĩnh “xuống đường” gây sức ép đòi nợ lương, Học viện Y học học cổ truyền đề nghị Bộ Y tế hỗ trợ kinh phí để trả lương người lao động.

BV Tuệ Tĩnh ‘xin’ ứng tiền: ‘Chuyện 10,2 tỷ đồng, chúng tôi nghe suốt 2 tháng qua’

BV Tuệ Tĩnh ‘xin’ ứng tiền: ‘Chuyện 10,2 tỷ đồng, chúng tôi nghe suốt 2 tháng qua’

Theo đại diện công đoàn Bệnh viện Tuệ Tĩnh, Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam đã đề nghị Bộ Y tế ứng tiền để trả lương từ 2 tháng trước nhưng hiện tại nhân viên y tế bệnh viện vẫn chưa nhận được bất cứ khoản nào.

Vụ nhân viên y tế bị ‘bỏ đói’: Bệnh viện Tuệ Tĩnh ‘xin’ Bộ Y tế tạm ứng 10,2 tỷ đồng

Vụ nhân viên y tế bị ‘bỏ đói’: Bệnh viện Tuệ Tĩnh ‘xin’ Bộ Y tế tạm ứng 10,2 tỷ đồng

Học viện Y – Dược học cổ truyền Việt Nam đề nghị Bộ Y tế tạm ứng trước cho Bệnh viện số tiền là 10,2 tỷ đồng để chi trả lương, phụ cấp nợ từ tháng 5/2021 cho cán bộ viên chức và người lao động.