Vĩ mô là gì? Vi mô là gì? Phân biệt giữa vĩ mô và vi mô

Trong cuộc sống, chúng ta thường sử dụng từ “vi mô” và “vĩ mô”, ví dụ: Kinh tế vi mô, kinh tế vi mô. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu nghĩa của các từ này. Hãy cùng Luật Minh Khuê tìm hiểu nhé!

1. Vĩ mô là gì?

Thông thường, “vĩ mô” là từ dùng để mô phỏng tầm rộng lớn hoặc rất lớn, tuỳ vào cách sử dụng thì “vĩ mô” có thể mang chức năng của một danh từ hoặc tính từ. Trong đó, danh từ “vĩ mô” là quy mô lớn nhất và bao quát toàn hệ thống, có một phạm vi rộng lớn, còn tính từ “vĩ mô” chỉ phạm vi toàn bộ môi trường hay nền kinh tế. Đây là một từ có ý nghĩa trái ngược hoàn toàn với “vi mô”.

 

2. Vi mô là gì?

Như đã nói ở trên, “vĩ mô” mang ý nghĩa thể hiện một phạm vi rộng lớn, bao quát, còn “vi mô” có ý nghĩa của một phạm vi nhỏ hép, chi tiết, cụ thể, một khía cạnh nhỏ trong một hệ thống lớn.

 

3. Kinh tế vĩ mô và kinh tế vi mô là gì?

Kinh tế vĩ mô hay còn được hiểu là kinh tế trên một diện rộng (Macroeconomic), là một phân ngành kinh tế học chuyên nghiên cứu về đặc điểm, cấu trúc và hành vi của cả nền kinh tế nói chung. 

Kinh tế vi mô (Microeconomics) là ngành của kinh tế học, quan tâm, nghiên cứu hành vi của các chủ thể trong nền kinh tế cũng như quá trình xác định giá và lượng của các đầu vào nhân tố và sản phẩm trong các thị trường cụ thể. 

 

4. Kinh tế học vĩ mô

Kinh tế học vĩ mô nghiên cứu những vấn đề bao trùm toàn bộ nền kinh tế như: sản lượng quốc gia, tăng trưởng kinh tế, thất nghiệp, lạm phát, tổng cung, tổng cầu, các chính sách kinh tế quốc gia, thương mại quốc tế. Phạm vi của kinh tế học vĩ mô là nghiên cứu nền kinh tế như một tổng thể thống nhất.

  • Phạm vi nghiên cứu: tổng sản phẩm, việc làm, lạm phát, tăng trưởng, chu kì kinh tế, vai trò ổn định kinh tế vĩ mô của chính phủ,…
  • Phương pháp nghiên cứu: Kinh tế học vĩ mô sử dụng tích cực phương pháp mô hình hoá. Gần như mỗi hiện tượng kinh tế vĩ mô lại được mô tả bằng một mô hình riêng với những giả thiết riêng.
  • Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu kinh tế học vĩ mô nhằm giải thích mối quan hệ giữa các yếu tố như thu nhập, sản lượng, tiêu dùng, thất nghiệp, lạm phát, tiết kiệm, đầu tư, buôn bán đa quốc gia và tài chính đa quốc gia. Các mô hình này và các dự báo do chúng đưa ra được cả chính phủ lẫn các tập đoàn lớn sử dụng để giúp họ phát triển và đánh giá các chính sách kinh tế và các chiến lược quản trị. 

 

5. Kinh tế học vi mô 

Kinh tế học vi mô nghiên cứu những hành vi của các chủ thể kinh tế, như doanh nghiệp, hộ gia đình,… trên một thị trường cụ thể. 

  • Phạm vi nghiên cứu: Các lý luận cơ bản cho kinh tế học như cung, cầu, giá cả, thị trường; Các lý thuyết về hành vi người tiêu dùng; Lý thuyết về hành vi của người sản xuất; Cấu trúc thị trường; Thị trường các yếu tố sản xuất: Lao động – vốn – tài nguyên; Vai trò của Chính Phủ trong nền kinh tế thị trường; Các lý luận về trao đổi, phúc lợi kinh tế; Các lý luận thất bại về thị trường,…
  • Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp mô hình hoá; Phương pháp so sánh tĩnh; Phương pháp phân tích cận biên,…
  • Mục tiêu nghiên cứu: Nghiên cứu kinh tế học vi mô nhằm phân tích cơ chế thị trường thiết lập ra giá cả tương đối giữa các mặt hàng và dịch vụ và sự phân phối các nguồn tài nguyên giới hạn giữa nhiều cách sử dụng khác nhau. Kinh tế vi mô phân tích thất bại của thị trường, khi thị trường không vận hành hiệu quả cũng như miêu tả những điều kiện cần có trong lý thuyết cho việc cạnh tranh hoàn hảo.

 

6. Phân biệt giữa vĩ mô và vi mô

Mặc dù “vĩ mô” và “vi mô” có khái niệm hoàn toàn trái ngược nhau, tuy nhiên bộ phận cấu thành của hai khái niệm này đều cần bổ sung cho nhau mới tạo nên nền kinh tế và không thể chia cắt nhau trong nền kinh tế.

 
Kinh tế vĩ mô
Kinh tế vi mô

Định nghĩa
Kinh tế vĩ mô là một trong những môn học nghiên cứu về nền kinh tế trong bình diện tổng thể, cụ thể trong đó nghiên cứu bao gồm cấu trúc, đặc điểm, hành vi của cả nền kinh tế nói chung
Kinh tế vi mô là việc nghiên cứu về hành vi của người tiêu dùng, hộ gia đình có sự tham gia trong nền kinh tế và doanh nghiệp

Đối tượng
Phân tích các biên số kinh tế về tổng hợp 
Phân tích các biến số kinh tế về cá thể

Ứng dụng 
Áp dụng cho những vấn đề và môi trường bên ngoài
Áp dụng cho những hoạt động nội bộ

Phạm vi nghiên cứu 
Toàn bộ các sản phẩm, lạm phát, việc làm, chu kì kinh tế, tăng trưởng, vai trò trong việc ổn định kinh tế vĩ mô từ chính phủ,…
Nghiên cứu về các lý luận của cơ bản trong kinh tế, lý thuyết hành vi từ người tiêu dùng và người sản xuất, thị trường trong các yếu tố sản xuất, cấu trúc thị trường,…

Phương pháp nghiên cứu
Sử dụng phương pháp về mô hình hoá
Sử dụng phương pháp về mô hình hoá, phương pháp phân tích cận biên, phương pháp so sánh tĩnh

Tầm quan trọng
Giúp duy trì mức ổn định giá chung, cùng với đó là giải quyết các phát sinh chính trong nền kinh tế: giảm phát, lạm phát,…
Giúp xác định mức giá của sản phẩm dựa vào các yếu tố sản xuất trong nền kinh tế

 

 

7. Ví dụ về kinh tế vĩ mô và kinh tế vi mô

– Ví dụ về kinh tế vĩ mô như:

  • Nghiên cứu, thống kê về xuất nhập khẩu trong từng giai đoạn của cả nước;
  • Nghiên cứu thống kê về thu nhập bình quân đầu người trên cả nước;
  • Nghiên cứu, thống kê về tỷ lệ thất nghiệp trong thời gian nhất định;
  • Nghiên cứu, thống kê về tổng cung và cầu của một sản phẩm trong giai đoạn nhất định

– Ví dụ về kinh tế vi mô như: 

  • Nghiên cứu về thị hiếu của người tiêu dùng trong một thời gian nhất định
  • Nghiên cứu về thị hiếu của người dùng khi ngân sách chi tiêu hạn chế;
  • Nghiên cứu về hành vi của doanh nghiệp khi lựa chọn sản phẩm;
  • Nghiên cứu thị trường cạnh tranh tốt nhất.

>> Xem thêm Môi trường vĩ mô là gì? Các yếu tố môi trường vĩ mô ảnh hưởng đến doanh nghiệp

Tất cả các nghiên cứu dù là nghiên cứu vi mô hay nghiên cứu vĩ mô thì đều nhằm đáp ứng nhu cầu định hướng nền kinh tế trong giai đoạn mới. Các doanh nghiệp khi có thông tin về nhu cầu tiêu dùng của khách hàng trong một khu vực cụ thể có thể sáng tạo sản phẩm nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dùng trong nền kinh tế. Đối với nhà nước, nghiên cứu kinh tế vĩ mô và vi mô giúp nhà nước nhận thấy những điểm còn thiếu sót trong nền kinh tế là tìm ra cách khắc phục. Vì vậy, để nền kinh tế phát triển bền vững và ổn định thì việc nghiên cứu kinh tế vi mô và vĩ mô luôn cần gắn liền và bổ trợ cho nhau.

Trên đây là toàn bộ thông tin xoay quanh vấn đề “vi mô” và “vĩ mô” mà Luật Minh Khuê muốn cung cấp cho bạn đọc. Nếu bạn còn thắc mắc liên quan đến vấn đề này hay bất kì vấn đề pháp lý nào khác thì vui lòng liên hệ Tổng đài tư vấn trực tuyến pháp luật 24/7: 1900.6162 để được tư vấn và hỗ trợ nhiệt tình. Xin trân trọng cảm ơn!