Vì đâu loạt doanh nghiệp xây dựng vừa và nhỏ thua lỗ?

Cụ thể, báo cáo tài chính của Công ty CP Đầu tư và Xây lắp Sông Đà (SDD) ghi nhận, quý 2/2022, SDD đạt 4 tỷ đồng doanh thu, giảm gần 5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, riêng khoản doanh thu hợp đồng xây dựng không ghi nhận bất kỳ một đồng nào, chủ yếu là doanh thu bán điện. Do chi phí tài chính tiếp tục cao chủ yếu là lãi vay khiến SDD ghi nhận lỗ thuần 1,3 tỷ đồng. Dù vậy con số này đã giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước lỗ 2,6 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tới kỳ này của SDD 28 tỷ đồng.

Việc tiếp tục thua lỗ khiến vốn chủ sở hữu của SDD giảm còn 133 tỷ đồng đến thời điểm cuối tháng 6 vừa qua, con số của đầu năm là 136 tỷ đồng. Nợ phải trả của SDD tăng mạnh trong kỳ, từ 116 tỷ đồng lên 194 tỷ đồng, vay nợ tài chính 81,5 tỷ đồng, chiếm 42% trong cơ cấu nợ.

Lỗ kỷ lục trong kỳ vừa qua phải nhắc đến VC9 – Công ty CP Xây dựng số 9. Doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ VC9 đạt 128 tỷ đồng tăng 121% lợi nhuận gộp đạt 22 tỷ đồng tăng 365%. Doanh thu tài chính tăng nhưng chi phí tài chính cũng tăng mạnh, cộng với khoản lỗ khác 18 tỷ đồng dẫn đến lợi nhuận sau thuế của VC9 âm 8,3 tỷ đồng so với năm ngoái có lãi 163 tỷ đồng.

Khoản lợi nhuận khác được thuyết minh là chi phí liên quan đến khoản báo nợ tiền chậm nộp các khoản điều tiết ngân sách trung ương 100% của Cục thuế Tp.HCM làm lợi nhuận mục này giảm mạnh. Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng tăng 1786% so với cùng kỳ năm 2021 dẫn đến lợi nhuận sau thuế âm nặng.

Trong khi đó giá vốn bán hàng tăng cao trong kỳ cũng đã bào mòn lợi nhuận của Viglacera Đông Triều (DTC). Trong kỳ, DTC ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng nhẹ so với năm ngoái từ 132 lên 139 tỷ đồng nhưng giá vốn hàng bán tăng cao dẫn đến lợi nhuận gộp giảm còn 13 tỷ đồng trong khi năm ngoái là 16 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng mạnh dẫn đến lợi nhuận thuần chỉ còn 607 triệu đồng trong khi cùng kỳ năm ngoái lãi 2,4 tỷ đồng.

Hàng tồn kho của DTC tăng hơn 10 tỷ đồng trong khi tăng các khoản phải thu dẫn đến dòng tiền kinh doanh của doanh nghiệp âm 5,6 tỷ đồng trong khi năm ngoái dương 6,2 tỷ đồng.

Vì đâu loạt doanh nghiệp xây dựng vừa và nhỏ thua lỗ?  - Ảnh 1

Một doanh nghiệp khác trong ngành xây dựng cũng bão lỗ trong kỳ là Licogi 14. Nếu không vì đầu tư tài chính, doanh nghiệp này đã có thể báo lãi trong quý 2 vừa qua. Cụ thể, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ L14 đạt 87,8 tỷ đồng, lãi gộp 42 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, chi phí tài chính tăng gấp 6 lần dẫn đến L14 phải báo lỗ 367 tỷ đồng.

Thuyết minh báo cáo tài chính cho thấy, riêng khoản dự phòng giảm giá các khoản đầu tư ngắn hạn, dài hạn là 375 tỷ đồng. Tức là khoản đầu tư chứng khoán của Licogi 14 đang lỗ 375 tỷ đồng.

Công ty CP Đầu tư Xây dựng Lương Tài (LUT) cũng ghi nhận doanh thu lợi nhuận giảm mạnh trong kỳ vừa qua. Theo đó, quý 2/2022, doanh thu của LUT đạt 20,6 tỷ đồng giảm hơn một nửa so với cùng kỳ ngăm ngoái. Nguyên nhân do có những công trình thi công đang bị tạm ngưng, nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu từ khách hàng không nhiều các hợp đồng mua bán nguyên vật liệu cũng bị giảm theo nên doanh thu giảm. Lợi nhuận do đó chỉ còn 32 triệu đồng trong khi năm ngoái lãi 373 triệu đồng.

Giai đoạn khó khăn chật vật của các doanh nghiệp trong ngành xây dựng, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, đã dần đến đúng với những nhận định trước đó của Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Na. Như VnEconomy đưa tin, ngày 29/6, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ về thực trạng ngành xây dựng. Báo cáo nêu rõ sáu khó khăn, thách thức mà các doanh nghiệp xây dựng đang gặp phải mà chưa tìm được phương hướng giải quyết.

Các khó khăn này gồm biến động giá cả vật liệu quá lớn; thủ tục pháp lý đầu tư bất động sản chưa được tháo gỡ; tình trạng nhà thầu bị nợ đọng…

“Với những khó khăn chính như vậy, các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam thật sự đang đối mặt nguy cơ tàn lụi dần. Hiện khá nhiều doanh nghiệp xây dựng tập trung tìm kiếm công việc ở các dự án FDI vì cơ chế giá của họ hợp lý bám sát giá thị trường vật liệu, cơ chế đấu thầu minh bạch và cơ chế thanh toán sòng phẳng. Nhưng thực tế không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được các công trình vốn FDI. Vì vậy có thể nói đa số các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam đều đứng trước thách thức hết sức khốc liệt” VACC bày tỏ.

Mặc dù vậy, vẫn có những hiếm hoi doanh nghiệp báo lãi tăng vượt trội so với cùng kỳ năm ngoái. Chẳng hạn, tại Vinaconex 1 (VC1), quý 2/2022, công ty này ghi nhận doanh thu tăng 354% từ 25,5 tỷ đồng lên 116 tỷ đồng. Doanh thu tài chính và chi phí tài chính giảm, chi phí quản lý doanh nghiệp giảm theo giúp VC1 báo lãi tăng 59% đạt 2 tỷ đồng trong khi năm ngoái đạt 1,3 tỷ đồng. Hay Cường Thuận Idico vẫn ghi nhận lãi 27 tỷ đồng trong quý 2, tăng mạnh so với khoản lãi cùng kỳ năm ngoái là 17 tỷ đồng.