Vị bác sĩ gần 20 năm ‘thầm lặng’ giúp đỡ bệnh nhân nhiễm HIV
BS. Đặng Văn Ngọc, cán bộ chuyên trách về HIV của Trung tâm Y tế TX. Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Ảnh: Thùy Chi
Bác sĩ đi tìm bệnh nhân nhiễm virus HIV để điều trị
Anh là BS. Đặng Văn Ngọc, cán bộ chuyên trách về HIV của Trung tâm Y tế TX. Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đã gần hơn 20 năm qua vị bác sĩ này luôn tận tâm với những bệnh nhân nhiễm HIV, luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao và được đánh giá là những cá nhân điển hình cần được nhân rộng.
Nếu như ở những lĩnh vực y khoa khác, người bệnh tự tìm đến y, bác sĩ thì trong công tác phòng, chống HIV/AIDS, anh Đặng Văn Ngọc đã tự tìm đến bệnh nhân và những người yếu thế.
Chia sẻ về cơ duyên bới công việc hiện tại, BS. Ngọc cho biết, do sự kì thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV, những người yếu thế nên để hỗ trợ những người yếu thế anh đã tự tìm đến công việc này.
Khi mới làm công việc này, BS. Ngọc đã gặp rất nhiều khó khăn. Từ một phòng khám mới được mở từ 2011 với cơ sở vật chất hạn hẹp, thời điểm này nhiều bệnh nhân bị kỳ thị do đó không có bệnh nhân HIV đến điều trị, BS. Ngọc đã tự tìm đến bệnh nhân là những người nguy cơ cao để thuyết phục họ xét nghiệm và tiếp cận điều trị.
BS. Ngọc cho biết thêm thông tin, nhóm người có nguy cơ lây nhiễm cao là người nghiện ma túy, mua bán dâm, quan hệ tình dục đồng giới. Vì sợ bị kì thị, nên những người này vẫn luôn lẩn tránh, không tham gia xét nghiệm HIV và thay đổi nơi cư trú, việc tiếp cận với những người này rất khó, điều đó đồng nghĩa với việc phát hiện, điều trị cho người nhiễm HIV gặp nhiều khó khăn.
Đặc biệt, thị xã Phú Mỹ là nơi có nhiều người di cư từ nơi khác đến và làm việc tại các khu công nghiệp. Trước thực tế này, anh Ngọc đã xây dựng một đội ngũ đồng đẳng viên, tiếp cận viên nhiệt tình, tâm huyết thông qua những người có nguy cơ lây nhiễm cao, hoặc nhờ chính những bệnh nhân HIV/AIDS truyền thông trong nhóm của họ.
“Thông qua những đồng đẳng viên – chính những bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị, chúng tôi dần hình thành ra các nhóm giúp ích cho công tác phòng, chống lây nhiễm HIV trên địa bàn”, anh Ngọc chia sẻ.
Hiện thành viên chính thức làm việc cho anh là 16 người. Từ những thành viên chính thức đó phát triển nhiều cộng tác viên khác để tiếp cận với các cộng đồng nguy cơ cao. Cách làm này của anh Ngọc được đánh giá là hiệu quả, bền vững, nhất là trong bối cảnh mấy năm gần đây, các dự án hỗ trợ công tác phòng, chống HIV/AIDS bị cắt giảm mạnh khi nước ta trở thành quốc gia có thu nhập trung bình.
Tận tâm với công việc, xây dựng được mạng lưới đồng đẳng viên hoạt động tích cực, công tác tư vấn xét nghiệm HIV nên việc phát hiện ca lây nhiễm trên địa bàn thị xã cũng trở nên dễ dàng hơn. Việc cấp phát vật dụng can thiệp giảm hại đến đúng địa chỉ người cần dùng. Công tác điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc kháng virus ARV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc PrEP cũng đạt hiệu quả cao.
Hỗ trợ bệnh nhân HIV/AIDS điều trị bền vững
Tìm kiếm những bệnh nhân nhiễm HIV là công việc khó, tuy nhiên việc giúp cho những bệnh nhân HIV duy trì điều trị còn khó khăn hơn, bởi những bệnh nhân nhiễm HIV đa phần là những người có hoàn cảnh khó khăn, bất ổn trong công việc do tinh thần, sức khỏe, thể lực kém. Do đó, nếu tiếp tục kì thị những người nhiễm HIV thì rất khó để đạt được mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030. Vậy nếu muốn đạt được mục tiêu này thì cần phải duy trì được mục tiêu đa số những người nhiễm HIV đều biết được tình trạng bệnh của mình và được tiếp cận chăm sóc, điều trị bằng thuốc kháng virus ARV và những bệnh nhân này đều cần kiểm soát được tải lượng virus để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác.
Không chỉ dành thời gian tư vấn xét nghiệm, tư vấn điều trị thuốc ARV cho bệnh nhân, lắng nghe, đồng cảm, BS. Ngọc còn quan tâm đến đời sống của bệnh nhân, giúp họ tháo gỡ khó khăn trong cuộc sống và sẵn lòng giúp đỡ những bệnh nhân HIV, tất cả đều vì mục đích là giúp cho những người nhiễm HIV ổn định tâm lý, ổn định cuộc sống để bảo đảm điều trị bền vững.
Ngoài ra, BS. Ngọc còn dành thời gian của mình vào những ngày cuối tuần để tư vấn cho các bệnh nhân, bởi nhiều người nguy cơ cao, nhiều bệnh nhân phải đi làm trong tuần và chỉ có thời gian đi nghe tư vấn, thăm khám vào cuối tuần. Với đồng lương ít ỏi, nhưng anh Ngọc vẫn luôn tâm huyết với công việc mình đang làm. Anh tâm niệm: “Khi đã lựa chọn nghề y thì phải hết lòng vì bệnh nhân. Hiện nay vẫn còn nhiều bệnh nhân nhiễm HIV cần được sẻ chia, điều trị. Được nhìn những người bệnh nhân, từ những người như không còn sức sống, nhưng sau đó được điều trị và sống vui, sống khỏe thì tôi cảm thấy rất hạnh phúc”.
Bản thân anh Ngọc cũng đã từng bị nhiều người kì thị do là bác sĩ điều trị HIV, đã từng có thời gian anh từng bị gọi là “Ngọc HIV” và bị nhiều người xa lành. Từ đó anh thương cảm hơn với những bệnh nhân nhiễm HIV, điều này cũng thúc giục anh tận tâm hơn với những người nhiễm HIV, xem họ như những người thân trong gia đình.
Trong nhiều năm, anh Ngọc và nhiều đồng nghiệp đã giúp đỡ nhiều bệnh nhân trải qua nhiều cung bậc cảm xúc. Khi thấy những người bệnh hoang mang tuyệt vọng, anh càng quyết tâm kéo họ trở về với cuộc sống. Có những bệnh nhân tưởng chừng như sắp lìa xa cõi trần nhưng nhờ tuân thủ theo phác đồ điều trị nên đã cải thiện được sức khỏe, tham gia lao động và trở thành người có ích cho xã hội. Bất kể đêm khuya là thời gian để nghỉ ngơi, nhưng khi chuông điện thoai reo, bệnh nhân gọi đến để tư vấn điều trị thì anh Ngọc vẫn tận tình chỉ bảo, hướng dẫn cho người bệnh.
Tấm gương điển hình cần nhân rộng
Nhờ những cán bộ tâm huyết như anh Ngọc, công tác phát hiện lây nhiễm HIV ở thị xã Phú Mỹ dần trở nên dễ dàng hơn, việc cấp phát những vật dụng can thiệp, giảm hại đã đến đúng địa chỉ người cần dùng. Bên cạnh đó, công tác điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS bằng thuốc ARV, điều trị dự phòng trước phơi nhiễm bằng thuốc PrEP cũng đạt hiệu quả cao.
Đồng hành cùng anh Ngọc nhiều năm trong chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng, cộng tác viên Trang Thị Hồng Đoan (Nhóm đồng đẳng Tháng Năm, TX. Phú Mỹ) cho biết, sự nhiệt tình trách nhiệm của anh đã truyền cảm hứng và động lực cho chị gắn bó với công việc thiện nguyện này nhiều năm qua. Theo chị Đoan, chứng kiến những bệnh nhân HIV/AIDS đang từ xanh xao, gầy yếu trở thành người khoẻ mạnh như bình thường khi được uống thuốc đều đặn, lại thầm cảm phục sự bền bỉ, kiên trì của anh Đặng Văn Ngọc đối với từng bệnh nhân.
Ông Lê Văn Đoàn, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế TX. Phú Mỹ cho biết, mô hình phòng, chống HIV dựa vào cộng đồng của cán bộ chuyên trách Đặng Văn Ngọc đã giúp Trung tâm luôn hoàn thành xuất sắc các mục tiêu của chương trình. Lực lượng cán bộ làm công tác phòng, chống HIV/AIDS ở đây rất mỏng, chưa kể thời gian qua, một số nhân viên y tế nghỉ việc. Khối lượng công việc nhiều nhưng anh Ngọc vẫn cần mẫn, tận tâm và đam mê với công việc.
“Thời điểm khó khăn nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội. Bệnh nhân không thể đến lĩnh thuốc, anh Ngọc đã kịp thời phân công mọi người đến tận nơi phát thuốc điều trị cho họ. Bản thân anh cũng tích cực vừa phát thuốc vừa nghĩ ra cách để không lộ danh tính của bệnh nhân”, ông Đoàn nói.
BS. Cao Kim Thoa, Phó Trưởng Phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) nhận định: “Chúng tôi đã đi rất nhiều tỉnh thành, địa phương. Khi đến Trung tâm Y tế TX. Phú Mỹ thì thấy cán bộ chuyên trách chương trình phòng, chống HIV/AIDS Đặng Văn Ngọc thực hiện rất tốt vai trò và công việc tại nơi đây, là gương điển hình tiêu biểu cần nhân rộng trong công tác phòng, chống HIV/AIDS”.
BS. Thoa cho biết thêm, kết quả công tác chăm sóc, điều trị HIV ở T.X Phú Mỹ đạt hiệu quả rất cao. 100% số người phát hiện HIV được điều trị ngay trong ngày, đây là kết quả mà không phải cơ sở khám chữa bệnh nào cũng có thể đạt được. “Đối với kết quả kiểm soát nhiễm HIV ở nhóm MSM, ở phòng khám các bạn làm rất tốt, đặc biệt chỉ tiêu PrEP với 6 tháng đầu năm, đã có 259 trường hợp điều trị mới trong 6 tháng thì đây được coi là nỗ lực rất lớn thì mới có thể đạt được”, BS. Thoa cho hay.
Mặc dù dịch bệnh HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm cả về số người nhiễm, bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS và số ca tử vong. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa bảo đảm tính bền vững, dịch bệnh HIV/AIDS vẫn đang tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu không có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả. Trong khi đó, địa bàn TX. Phú Mỹ lại là nơi giáp với TPHCM và có đông người ngoại tỉnh đến làm ăn sinh sống. Nếu không tích cực với công việc dự phòng lây nhiễm và phát hiện sớm các ca bệnh HIV thì không thể duy trì được các kết quả của chương trình phòng chống HIV/AIDS. Đây cũng chính là điều mà BS. Đặng Văn Ngọc vẫn đang trăn trở, tiếp tục cống hiến để giúp đỡ ngày càng nhiều bệnh nhân HIV/AIDS kéo dài sự sống.
Phải là người kiên trì, tâm huyết và giàu tình yêu thương con người mới có thể thực hiện được những công việc khó khăn của chương trình phòng chống HIV/AIDS. Những việc mà BS. Ngọc và đồng nghiệp đang nỗ lực ngày đêm được ví như những chiếc “phao cứu sinh” giúp cho những bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn, giúp cho họ cải thiện sức khỏe và sống có ích cho xã hội.
Thùy Chi