Về miền Tây… nhớ trái Bần ngày Tết
Tôi đã từng được đặt chân về miền Tây sông nước, nơi dòng Cửu Long chảy vào đất Việt, cuộn mình qua những cù lao nặng trĩu trái ngọt. Ở đó, có một loại cây mọc hoang, nở hoa tháng 6 âm lịch, trái chín tháng 11, 12 âm lịch…Người miền Tây khéo léo chế biến thành “đặc sản” Tết mang hương vị đất phương Nam…
THCL Tôi đã từng được đặt chân về miền Tây sông nước, nơi dòng Cửu Long chảy vào đất Việt, cuộn mình qua những cù lao nặng trĩu trái ngọt. Ở đó, có một loại cây mọc hoang, nở hoa tháng 6 âm lịch, trái chín tháng 11, 12 âm lịch… Người miền Tây đã khéo léo chế biến thành “đặc sản” Tết mang hương vị đất phương Nam.
Dòng Mê Kông chảy vào Việt Nam chia thành 2 nhánh sông Tiền, sông Hậu rồi hóa thành “chín rồng” đổ ra biển cả. Từ đó, hàng nghìn nhánh sông nhỏ, kênh rạch “tỏa” ra khắp vùng đồng bằng châu thổ, mang phù sa màu mỡ bồi đắp cho vùng đất trũng. Mảnh đất ấy, người dân hay gọi bằng cái tên thân thuộc: miền Tây.
Miền Tây, cái tên gợi nhớ cho mỗi người vùng đất trù phú của vùng đất phương Nam, với những đồng lúa thẳng cánh cò bay, hay những miệt vườn nặng trĩu trái ngọt. Miền Tây, vùng hạ lưu sông Cửu Long, mỗi năm đều đón những trận lũ từ thượng nguồn đổ về, mang theo nhiều sản vật cho vùng hạ du. Cuộc sống người miền Tây vì thế mà gắn liền với kênh rạch, ghe thuyền…
Ở vùng đất “chín rồng”, mạng lưới kênh rạch chằng chịt… ở đâu có kênh, có rạch là cây bần, cây đước, cây sú mọc lên. Vốn xưa là loài cây mọc hoang, chịu được ngập úng… người dân nơi đây chỉ coi cây bần làm chất đốt. Nhưng cũng có những năm tháng cơ cực, lúa chẳng đủ ăn… Người dân thử tìm những loại trái cây gần gũi để chế biến thành thức ăn, qua được những năm đói kém. Ấy thế mà người miền Tây mới có câu ca dao: “Cảm thương ô dước, bời lời/ Cha sao mẹ sến, dựa nơi gốc bần”.
Cây bần nở hoa vào 6 đến tháng 9 âm lịch, trái bần xanh ăn có vị chua của thịt quả, vị chát của hạt, khi trái chín, trái bớt chua hơn, pha chút vị ngọt thanh khó tả.
Tôi còn nhớ chuyến đi miền Tây cách đây không lâu, khi chiếc ghe luồn lách qua những con rạch nhỏ đưa đoàn khách tham quan những rặng cù lao trồng trái cây, nuôi ong mật của bà con nơi đây, một vị khách lớn tuổi bỗng nói lớn: “Anh ơi, cho ghe chạy chậm lại một chút.” Rồi cô nhanh tay hái những trái xanh hơi dẹt sai lúc lỉu trên đầu. Cô bảo “trái bần đó”. Xa quê lâu năm, nhìn thấy trái bần xanh như gợi nhớ về tuổi thơ gian khó, lúc đó chẳng có nhiều món ăn vặt như bây giờ… chỉ cần vài trái bần xanh chấm muốt hạt cắt vài lát ớt tươi, cái vị chua chua, chát chát lúc sau hơi ngọt nơi cuống họng khiến người ta nhớ mãi.
Trên hành trình về miền đất phương Nam, thỉnh thoảng tôi bắt gặp hình ảnh chú ba, chú bảy đi rải lưới, đặt đó bắt cá… hái vài trái bần chua cùng xị rượu, lênh đênh trên chiếc ghe nhỏ ngâm nga câu vọng cổ: “Vậy mà 3 tháng nữa năm con chưa về thăm ngoại 1 lần, thương là thương ngoại tuổi già lụm cụm, tấm thân già lặng lội ruộng đồng bưng, lúc ra cầu ao là hố mương sâu, khi ra ruộng bờ mương đứt nối, thương cháu có chồng xa trái bần chua ngoại cũng giở ý ngoại là muốn cho con đỡ nhớ quê nhà…”
Cây bần có nhiều công dụng, nếu như gỗ bần người dân chặt phơi khô làm chất đốt, thì hoa bần, trái bần lại dùng làm thức ăn. Trái bần lúc xanh có thể ăn sống kèm gỏi tai heo, còn khi chín thì đem nấu canh chua là “ngon số dzách”. Có nhiều món ngon đến từ trái bần chín như canh cá bông lau, canh cá bống sao… Nhưng có lẽ, món ăn đặc trưng ngày Tết của người miền Tây là món canh cá ngát nấu trái bần dốt (trái bần lúc chín).
Cá ngát rửa sạch, cắt khúc… Nước lẩu nêm nếm cho vừa ăn, khi sôi cho trái bần dốt vào nấu nhừ, rồi tán nhuyễn bỏ hạt lọc lấy nước chua. Khi ăn, cho từng khúc cá vào nồi, cho thêm ngò om, rau quế… để tăng hương vị. Đợi nước sôi, trụng rau muống, hoa chuối, cù nèo… ăn kèm từng miếng thịt cá ngát thơm lừng, chua dịu nơi đầu lưỡi.
Ngày nay, khi trái bần trở thành “thương hiệu” của vùng Nam Bộ, người ta có thể bắt gặp trái bần đóng hộp trong các siêu thị. Vì thế mà có thể thưởng thức trái bần quanh năm, nhưng có những hương vị chỉ được trọn vẹn khi được thưởng thức vào những ngày đặc biệt, do những người đặt biệc nấu… Đó là những món ăn của người miền Tây, do người miền Tây nấu… Trong tâm thức của tôi, một người con phương Bắc… ngày Tết Nam Bộ có những nét đẹp thật riêng, không chỉ là những thuyền ghe tất bật chở sản vật trong những phiên chợ nổi, hay những món ăn như cọng súng, bông điên điển mùa nước nổi… Mà đôi khi chỉ là vị chua chát của một loài cây mọc hoang… chẳng ngoa khi nói rằng Tết miền Tây sẽ thiếu trọn vẹn khi thiếu đi những món ngon từ trái bần – một loài cây đặc hữu của vùng đất chín rồng.
Khi cái nắng bắt đầu dịu đi, miền Tây trở mình bừng sáng trong sắc vàng của những đóa hoa mai, lúc ấy ngày Tết đang cận kề. Nếu như người miền Bắc phải có câu đối, bánh chưng, dưa hành ngày Tết. Thì người miền Tây phải có hoa mai, bánh tét… cũng như nồi canh cá ngát nấu trái bần chua… thứ hương vị miền Tây chẳng lẫn vào đâu được. Không chỉ gợi nhớ lại những tháng ngày khó khăn cùng cực, trái bần còn gắn chặt vào đời sống văn hóa của người miền Tây, cũng như trở thành những món ăn “độc đáo” chỉ có thể thưởng thức trọn vẹn khi đặt chân tới vùng đất phương Nam trù phú.
Quang Nam