Về hệ thống chỉ tiêu tài chính phục vụ quản trị tài chính doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay
Hệ thống chỉ tiêu tài chính phục vụ quản trị tài chính doanh nghiệp
Quản trị tài chính (QTTC) doanh nghiệp (DN) là việc lựa chọn, đưa ra các quyết định và tổ chức thực hiện các quyết định tài chính nhằm đạt được các mục tiêu hoạt động của DN. Mỗi DN đều có những mục tiêu khác nhau trong từng thời kỳ phát triển. Hiện nay, các nhà kinh tế thường đề ra mục tiêu cơ bản QTTC hướng tới là nhằm tối đa hóa giá trị cho chủ sở hữu và tối đa hoá lợi nhuận trên vốn của DN. Chính vì vậy, QTTC trong DN bao gồm các nội dung như: Quản trị nguồn vốn huy động; quản trị tình hình sử dụng vốn (tài sản); quản trị khả năng thanh toán, quản trị dòng tiền, quản trị rủi ro của DN.
Hệ thống chỉ tiêu quản trị nguồn vốn huy động
Các chỉ tiêu đánh giá tình hình quản trị nguồn vốn là tổng nguồn vốn; nợ phải trả; vốn chủ sở hữu; tỷ trọng nợ phải trả, tỷ trọng vốn chủ sở hữu. Các chỉ tiêu nguồn vốn cho nhà quản trị thấy được tình hình nguồn vốn huy động của DN.
Tỷ trọng nợ phải trả = (Nợ phải trả x 100%)/Tổng nguồn vốn
Chỉ tiêu này cho biết cơ cấu nợ phải trả trong tổng nguồn vốn của DN
Tỷ trọng vốn chủ sở hữu = (Vốn chủ sở hữu x 100%)/Tổng nguồn vốn
Chỉ tiêu này cho biết cơ cấu vốn chủ sở hữu trong tổng nguồn vốn của DN. Thông qua tỷ trọng nợ phải trả và tỷ trọng vốn chủ sở hữu giúp cho nhà quản trị thấy chính sách huy động vốn của DN thiên về huy động từ nguồn vốn bên trong hay nguồn vốn bên ngoài và xu hướng như thế nào?
Hệ thống chỉ tiêu quản trị tình hình sử dụng vốn (tài sản)
Đối với các chỉ tiêu phản ánh tình hình sử dụng vốn của DN để phản ánh tình hình sử dụng vốn của DN, nhà quản trị DN sử dụng các chỉ tiêu: Tổng tài sản; Tài sản ngắn hạn; Tài sản dài hạn; Tỷ trọng tài sản ngắn hạn; Tỷ trọng tài sản dài hạn. Cụ thể:
– Chỉ tiêu tổng tài sản: Giúp nhà quản trị thấy được khái quát tình hình tài sản DN đã huy động vào phục vụ các hoạt động kinh doanh theo công thức sau:
Tổng tài sản = Tài sản ngắn hạn + Tài sản dài hạn
Để quản trị rủi ro tài chính của doanh nghiệp, nhà quản trị sẽ quan tâm đến các chỉ tiêu như: Hệ số nợ; Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn; Hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ.
Nội hàm về tổng tài sản có thể đánh giá khái quát trên 2 phương diện tài chính cơ bản: (i) Giá trị của tài sản là vốn kinh doanh, biểu hiện bằng tiền của toàn bộ giá trị tài sản được huy động, sử dụng vào hoạt động kinh doanh nhằm mục đích sinh lời. Vốn kinh doanh càng lớn thì năng lực về tài chính của DN càng cao so với các bên có vốn ít hơn nhưng có các điều kiện khác tương đồng, quy mô vốn lớn mang lại cho DN năng lực cạnh tranh mạnh mẽ trên thị trường vốn, khả năng tăng quy mô lãi và đó là cơ cở để tăng trưởng bền vững. Để vốn kinh doanh luôn phát huy hết vai trò của nó trong quá trình luân chuyển đòi hỏi DN phải có chính sách đầu tư, quản lý và sử dụng tài sản một cách tốt nhất. Nguồn vốn của DN phản ánh nguồn gốc, xuất xứ hình thành tổng tài sản DN hiện đang quản lý và sử dụng vào hoạt động kinh doanh.
– Tỷ trọng tài sản ngắn hạn và tỷ trọng tài sản dài hạn: Phản ánh cơ cấu tài sản của DN:
Tỷ trọng tài sản ngắn hạn = (Tài sản ngắn hạn x 100%)/Tổng tài sản
Chỉ tiêu này cho biết mức độ đầu tư vào tài sản ngắn hạn trong tổng tài sản của DN:
Tỷ trọng tài sản dài hạn = (Tài sản dài hạn x 100%)/Tổng tài sản
Chỉ tiêu này cho biết, mức độ đầu tư vào tài sản dài hạn trong tổng tài sản của DN. Chỉ tiêu này phản ánh cơ cấu tài sản, cơ cấu tài sản phản ánh chính sách đầu tư vốn của DN có phù hợp với đặc thù kinh doanh và có mang lại hiệu quả không. Để đánh giá hiệu quả của việc sử dụng vốn, nhà quản trị cần sử dụng các chỉ tiêu như: Hiệu suất sử dụng toàn bộ vốn; Hiệu suất sử dụng vốn cố định và tốc độ luân chuyển vốn lưu động (vòng quay vốn lưu động và thời gian một vòng quay vốn lưu động); Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản và tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ.
– Hiệu suất sử dụng toàn bộ vốn. Chỉ tiêu này cho biết khả năng tạo ra doanh thu và thu nhập từ một đồng tài sản của DN. Trong đó: Tổng doanh thu và thu nhập = Doanh thu thuần từ bán hàng và cung cấp dịch vụ + Doanh thu hoạt động tài chính + Thu nhập khác theo công thức sau:
Hiệu suất sử dụng toàn bộ vốn = Tổng doanh thu và thu nhập/Tổng tài sản bình quân
– Hiệu suất sử dụng tài sản cố định: Giúp cho nhà quản trị thấy được tình hình quản lý và sử dụng tài sản cố định của DN có hiệu quả hay không. Chỉ tiêu này cho biết khả năng tạo ra doanh thu thuần từ một đồng vốn cố định của DN.
– Tốc độ luân chuyển vốn lưu động: Giúp nhà quản trị thấy được tình hình quản trị vốn lưu động của DN có hiệu quả hay không?. Tốc độ luân chuyển vốn lưu động của DN được thể hiện thông qua 2 chỉ tiêu số vòng quay vốn lưu động và thời gian một vòng quay vốn lưu động.
– Tốc độ luân chuyển hàng tồn kho: Thông qua tốc độ luân chuyển hàng tồn kho sẽ thấy được tình hình quản trị vốn tồn kho dự trữ của DN có hiệu quả hay không? Tốc độ luân chuyển hàng tồn kho của DN được thể hiện thông qua 2 chỉ tiêu vòng quay hàng tồn kho và số ngày một vòng quay hàng tồn kho. Cụ thể:
Vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn hàng bàn (DTT)/Hàng tồn kho bình quân
Chỉ tiêu này bình quân trong kỳ nghiên cứu hàng tồn kho của DN quay được bao nhiêu vòng.
Số ngày một vòng quay hàng tồn kho = Số ngày trong kỳ (360 (90…))/Vòng quay hàng tồn kho
Chỉ tiêu này bình quân trong kỳ nghiên cứu hàng tồn kho của DN quay một vòng hết bao nhiêu ngày. Vòng quay hàng tồn kho của DN càng lớn thì số ngày một vòng quay hàng tồn kho càng nhỏ dẫn đến tốc độ luân chuyển hàng tồn kho càng nhanh và ngược lại
– Tốc độ luân chuyển các khoản phải thu: Thông qua tốc độ luân chuyển các khoản phải thu sẽ thấy được tình hình quản trị các khoản phải thu của DN. Tốc độ luân chuyển các khoản phải thu của DN được thể hiện thông qua 2 chỉ tiêu vòng quay các khoản phải thu và kỳ thu tiền trung bình.
Vòng quay các khoản phải thu = Doanh thu thuần (doanh thu bán chịu)/Các khoản phải thu bình quân
Chỉ tiêu này bình quân trong kỳ nghiên cứu các khoản phải thu của DN quay được bao nhiêu vòng.
Kỳ thu tiền trung bình = Số ngày trong kỳ (360 (90…))/Vòng quay các khoản phải thu
Chỉ tiêu này cho thấy, vòng quay các khoản phải thu của DN càng lớn thì kỳ thu tiền trung bình càng nhỏ dẫn đến tốc độ luân chuyển các khoản phải thu càng nhanh và ngược lại.
– Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản cho biết khả năng tạo ra lợi nhuận sau thuế từ tổng tài sản bình quân trong kỳ.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản = (Lợi nhuận sau thuế x 100%)/Tổng tài sản bình quân
– Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu cho biết khả năng tạo ra lợi nhuận sau thuế từ vốn chủ sở hữu trong kỳ.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu = (Lợi nhuận sau thuế x 100%)/Vốn chủ sở hữu bình quân
Hệ thống chỉ tiêu quản trị khả năng thanh toán
Để có khả năng thanh toán thì DN phải nâng cao hiệu quả hoạt động thông qua các chỉ tiêu hiệu suất sử dụng vốn và khả năng sinh lời (các chỉ tiêu này đã được đề cập ở nội dung quản trị tình hình sử dụng vốn). Cụ thể:
Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn: Chỉ tiêu này cho biết DN có khả năng thanh toán được bao nhiêu lần nợ ngắn hạn bằng tài sản ngắn hạn.
Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn = Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn
Hệ số khả năng thanh toán nhanh: Chỉ tiêu này cho biết, DN có khả năng thanh toán nhanh được bao nhiêu lần nợ ngắn hạn bằng tài sản ngắn hạn trừ đi hàng tồn kho.
Hệ số khả năng thanh toán nhanh = (Tài sản ngắn hạn – Hàng tồn kho)/Nợ ngắn hạn
Hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn: Chỉ tiêu này cho biết, DN có khả năng thanh toán ngay được bao nhiêu lần nợ đến hạn bằng các khoản tiền và tương đương tiền.
Hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn = Tiền và tương đương tiền/Nợ đến hạn.
Hệ thống chỉ tiêu quản trị dòng tiền
Việc quản trị dòng tiền của các DN được thể hiện rõ nét trong lập kế hoạch dòng tiền (dòng tiền vào và dòng tiền ra) và xác định dòng tiền thuần của DN.
Dòng tiền thu vào trong kỳ = Dòng tiền thu vào từ hoạt động kinh doanh + Dòng tiền thu vào từ hoạt động đầu tư + Dòng tiền thu vào từ hoạt động tài chính.
Dòng tiền chi ra trong kỳ = Dòng tiền chi ra từ hoạt động kinh doanh + Dòng tiền chi ra từ hoạt động đầu tư + Dòng tiền chi ra từ hoạt động tài chính.
Thông qua lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của DN nhà quản trị sẽ biết được lượng tiền thuần gia tăng hoặc suy giảm trong kỳ. Theo đó: Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ = Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh + Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động đầu tư + Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính
Hệ thống chỉ tiêu quản trị rủi ro tài chính
Để quản trị rủi ro tài chính của DN, nhà quản trị sẽ quan tâm đến các chỉ tiêu như: Hệ số nợ; Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn; Hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ.
Trong đó:
Hệ số nợ = Nợ phải trả/Tổng tài sản
Chỉ tiêu này cho biết, trong tổng tài sản của DN có bao nhiêu phần được tài trợ từ vốn vay và vốn đi chiếm dụng. Chỉ tiêu này càng lớn thì mức độ phụ thuộc về tài chính của DN đối với bên ngoài càng cao và ngược lại.
Hệ số khả năng thanh toán nợ ngắn hạn; hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn của DN càng nhỏ (càng xa 1) và có xu hướng càng giảm thì nguy cơ rủi ro càng cao và ngược lại.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên tổng tài sản; Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ càng nhỏ, có xu hướng càng giảm thì nguy cơ rủi ro càng cao và ngược lại.
Tỷ suất lợi nhuận sau thuế trên doanh thu = Lợi nhuận sau thuế x 100%)/Tổng doanh thu và thu nhập
Chỉ tiêu này càng lớn thì hiệu quả kinh doanh của DN càng cao, giảm thiểu được nguy cơ rủi ro.
Như vậy, qua phân tích hệ thống chỉ tiêu tài chính phục vụ TCDN cho thấy, muốn phát triển bền vững, DN cần quan tâm đến công tác phân tích tài chính để có thể đánh giá đúng thực trạng và tiềm năng phát triển của công ty.
Tài liệu tham khảo:
1. Nguyễn Trọng Cơ, Nghiêm Thị Thà (2017), Giáo trình Phân tích tài chính doanh nghiệp, NXB Tài chính;
2. Nguyễn Văn Được, Báo cáo và phân tích tài chính doanh nghiệp, NXB Giao thông Vận tải;
3. Dương Thị Thanh Hiền (2019), Một số chỉ tiêu phân tích thể hiện dấu hiệu khả nghi khi đọc báo cáo tài chính, Tạo chí Tài chính, kỳ 2 – tháng 8/2019;
4. Nguyễn Ánh Tuyết (2018), Quản trị tài chính doanh nghiệp và hệ công cụ quản trị tài chính, Tạp chí Kế toán và Kiểm toán.