Vay nợ Techcombank, doanh nghiệp phá sản vì nợ đeo bám cả thập kỷ – Tạp chí điện tử Nghề nghiệp và Cuộc sống

Sau khi mời doanh nghiệp vay vốn để hoạt động, Techcombank đã bị tố “bỏ bom” doanh nghiệp, chiếm giữ tài sản bất hợp pháp, khiến họ vướng vào kiện tụng, mất đi cơ hội phát triển, đứng trên bờ vực phá sản.

Mới đây, tòa soạn Nghề nghiệp & Cuộc sống nhận được đơn tố cáo của ông Hà Trung Kiên – Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Hà Sơn Bình (Công ty Hà Sơn Bình) tới Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) về thủ tục tín dụng và thế chấp tài sản (TTTD-TCTS) giữa Công ty Hà Sơn Bình và Techcombank từ tháng 4/2011.

Ngân hàng nhận thế chấp tài sản nhưng không giải ngân

Theo ông Hà Trung Kiên cho biết, ngày 16/4/2011 Công ty Hà Sơn Bình có nhập một lô 33 xe oto HuynDai Getz và có nhu cầu vay 1.000.000.000VNĐ (Một tỷ đồng chẵn) tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ Thương Việt Nam – Techcombank Sơn Tây (PDG Sơn Tây, CN Hà Tây). Tài sản thế chấp là toàn bộ quyển sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền trên đất tại địa chỉ cụm 2, xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội, thửa đất 224, tờ bản đồ số 06, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và tài sản gắn liền với đất BA 228849 do UBND huyện Phúc Thọ cấp ngày 25/1/2011 cho ông Nguyễn Nho Am; ông Nguyễn Nho An và Đặng Thị Nhâm nhận cho/tặng theo xác nhận ngày 16/2/2011 Phòng tài nguyên môi trường UBND huyện Phúc Thọ. Techcombank chấp nhận việc thế chấp tài sản bằng Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba, số 976/HĐTC-BĐS/TCB ngày 8/6/2011. Tài sản này được vay tối đa 1.790.000.000VNĐ (Một tỷ bảy trăm chín mươi triệu đồng chẵn).

Sau khi hoàn tất quá trình thẩm định, ngày 9/6/2011, Công ty Hà Sơn Bình kí Hợp đồng tín dụng ngắn hạn số 385/HĐTD/NH-PN/TCB-STY và Khế ước nhận nợ và Cam kết trả sợ số 385, nhận giải ngân trước số tiền 500.000.000VNĐ với mục đích bổ sung vốn kinh doanh.

Ông Kiên cho biết, vì tài sản đảm bảo được vay tối đa số tiền 1.790.000.000VNĐ (Một tỷ bảy trăm chín mươi triệu đồng) mà Techcombank mới giải ngân được 500.000.000VNĐ (Mức vay tối đa tại Techcombank Sơn Tây) nên số tiền còn lại là 1.290.000.000 (Một tỷ hai trăm chín mươi triệu đồng) Công ty Hà Sơn Bình muốn vay để trả nốt cho lô hàng trước đó là ngày 1/4/2011 đã kí nhập 44 xe oto con HuynDai Getz.

Tuy nhiên, vì hạn mức tại Techcombank Sơn Tây chỉ được vay tối đa là 500.000.000VNĐ nên Techcombank Sơn Tây đã làm văn bản yêu cầu Techcombank hội sở cấp hạn mức tín dụng lên 6 tỷ bằng việc bổ sung thêm 6 tài sản thế chấp. Bao gồm: 03 tài sản của ông Hà Thế Cường và bà Lê Thị Minh Phương gồm: (1) Tài sản thế chấp tại xóm Đình, xã Trưng Vương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, thửa đất số 800, tờ bản đồ số 27 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AK02409, số vào sổ cấp GCNQSDĐ 1735 do UBND TP Việt Trì cấp ngày 31/7/2007; (2) Toàn bộ quyền sử dụng đất tại địa chỉ xóm Đình, xã Trưng Vương, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, thửa đất 801, tờ bản đồ số 27 theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AP 882167, số vào sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 2251 do UBND TP Việt Trì cấp ngày 16/9/2009; (3) Toàn bộ quyền sử dụng đất và sở hữu tài sản gắn liền trên đất tại địa chỉ Tổ 35, khu 12 phường Thanh Miếu, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, thửa đất số 88, tờ bản đồ số 40 theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AL 258757, số và sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất 4496 do UBND TP Việt Trì cấp ngày 5/5/2009.

01 tài sản của ông Bùi Thế Phương và bà Bùi Thị Thanh Nga tại xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây, TP Hà Nội theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số BĐ 701018.

01 tài sản của hộ gia đình ông Vũ Trọng Hùng tại xã Việt Xuân, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất N518057.

01 tài sản của ông Phạm Văn Tuấn và  bà Hà Thị Hương tại xã Long Xuyên, huyện Phúc Thọ, TP Hà Nội theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất AL393399.

Ngày 7/7/2011 Techcombank Sơn Tây hoàn tất việc kí các Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba – tài sản thế chấp là các tài sản nêu trên. Sau đó, Công ty Hà Sơn Bình đã được giải ngân số tiền còn lại là 1.290.000.000VNĐ (Một tỷ hai trăm chín mươi triệu đồng), để thanh toán cho lô hàng 44 xe oto con HuynDai Getz. Nhưng tài sản thế chấp cho khoản vay này vẫn là của vợ chồng ông Nguyễn Nho An và Đặng Thị Nhâm. Được thể hiện rõ tại Hợp đồng cung cấp hạn mức tín dụng số 405/HĐHMTD/TCB SYT và khế ước nhận nợ và trả nợ số 405/01.

Sự việc vẫn diễn ra bình thường cho đến khi Công ty Hà Sơn Bình có nhu cầu vay cho lô hàng tiếp theo. Theo đó, ngày 15/7/2011 Công ty Hà Sơn Bình ký mua 20 xe HuynDai HD100, có nhu cầu cần Techcombank Sơn Tây giải ngân thanh toán 2.025.000.000VNĐ (Hai tỷ không trăm hai mươi năm mươi triệu đồng) bằng 03 tài sản của ông Hà Thế Cường và bà Lê Thị Minh Phương như đã nêu ở trên. Lần lượt là các Hợp đồng thế chấp tài sản của bên thứ ba: số 666/HĐTC-BĐS/TCB; số 667/HĐTC-BĐS/TCB; số 668/HĐTC-BĐS/TCB nhưng lại không được giải ngân. Vấn đề phát sinh từ đây.

“Trước khi kí phụ lục hợp đồng mua 20 xe oto HuynDai HD100 của Công ty CP oto Hà Nội ngày 15/7/2011 thì tôi đã hỏi ngân hàng có cho vay không thì tôi mới ký và ngân hàng bảo đồng ý và yêu cầu xoá 03 tài sản thế chấp của ông Hà Thế Cường và bà Lê Thị Minh Phương đã kí trước đấy. Sau đấy lại thế chấp lại 3 tài sản này vào ngày 12/7/2011”, ông Kiên nói.

Cũng theo ông Kiên, sau khi Techcombank Sơn Tây không giải ngân nên ngày 25/7/2011, Công ty Hà Sơn Bình đã có giấy đề nghị Techcombank Sơn Tây trả lại 6 tài sản đã thế chấp. Tuy nhiên, Techcombank Sơn Tây chỉ trả lại 3/6 tài sản đã thế chấp. Còn lại 3 tài sản còn lại của ông Hà Thế Cường và bà Lê Thị Minh Phương thế chấp lại đã không trả từ đó cho đến nay.

“Điều vô lý là 6 tài sản thế chấp ngày 7/7/2011 ngân hàng không cho vay thêm một đồng nào đã xoá hợp đồng thế chấp đủ rồi. Sau đó 03 tài sản kí Hợp đồng thế chấp ngày 12/7/2011 ngân hàng cũng không cho vay thêm đồng nào nhưng lại giữ lại và không trả cho đến ngày hôm nay. Như vậy là ngân hàng đã chiếm giữ tài sản bất hợp pháp”, ông Kiên cho biết thêm.

Sau 8 năm đình chỉ, doanh nghiệp bất ngờ bị Tòa án triệu tập xét xử

Theo phản ánh, mặc dù nhận thế chấp tài sản nhưng không thực hiện việc giải ngân cho khách hàng, Techcombank Sơn Tây lại liên tục từ ngày 10/10/2011 đến 2/11/2011 đã ra thông báo thu hồi nợ trước hạn với Công ty Hà Sơn Bình.

Ngày 18/4/2012 Công ty Hà Sơn Bình nhận được thông báo thụ lý vụ án kinh doanh thương mại số 02/2012/KDTM-ST do Techcombank khởi kiện Công ty Hà Sơn Bình tại Tòa án Nhân dân TX Sơn Tây, Hà Nội. Công ty Hà Sơn Bình đã làm đơn giải trình về vụ việc với Tòa án Nhân dân TX Sơn Tây. Sau khi xem xét, TAND TX Sơn Tây đã quyết định đình chỉ giải quyết vụ án.

Theo ông Kiên, để thực hiện hợp đồng mua lô 20 xe oto công ty đã ký kết nhưng Techcombank Sơn Tây không giải ngân đã khiến Công ty Hà Sơn Bình đã phải trật vật xoay sở vốn bên ngoài, bán lỗ… dẫn đến khó khăn về tài chính.

Ngày 22/7/2013, tại buổi làm việc với đại diện Techcombank, ông Kiên cho biết Công ty Hà Sơn Bình hiện tại không còn hoạt động, không còn khả năng để xoá nợ khoản vay tại ngân hàng nên đã đồng ý với phương án cho xử lý tài sản đảm bảo khoản vay của Hợp đồng thế chấp số 976/HĐTC-BĐS/TCB ngày 8/6/2011 để xoá nợ. Đồng thời đề nghị tạo điều kiện để lấy 3 tài sản đã thế chấp nhưng chưa đảm bảo cho khoản vay nào để thu xếp tài chính nhưng không nhận được hồi âm từ Techcombank Sơn Tây.

Tiếp đến, sau 8 năm đình chỉ vụ án, ngày 21/10/2020 TAND Thị xã Sơn Tây bất ngờ ra thông báo thụ lý vụ án. Tại phiên toà xét xử sơ thẩm ngày 26/7/2022 vừa qua, TAND Thị xã Sơn Tây quyết định buộc Công ty Hà Sơn Bình thanh toán cho Ngân hàng Techcombank tổng số tiền cả gốc và lãi là 8.469.776.401VNĐ ( Tám tỷ bốn trăm sáu mươi chín triệu bảy trăm bảy mươi sáu nghìn bốn trăm linh một đồng). Đồng thời buộc Công ty Hà Sơn Bình sau ngày xét xử sơ thẩm tiếp tục phải chịu lãi suất phát sinh trên dự nợ gốc theo lãi suất thoả thuận Tại Hợp đồng tín dụng số 385/HĐTD/NH-PN/TCB-STY, Khế ước nhận nợ số 385 và Hợp đồng hạn mức tín dụng số 405/HĐHMTD/TCB SYT, khế ước nhận nợ số 405/01. Nếu công ty không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ nêu trên và lãi phát sinh thì Techcombank có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án có thẩm quyền kê biên, phát mãi các tài sản đảm bảo.

Tuy nhiên ông Hà Trung Kiên đã không đồng ý với phán quyết của TAND Thị xã Sơn Tây và làm đơn kháng cáo với các lý do cần làm rõ: Về thời hiệu khởi kiện: Theo quy định tại Điều 319 Luật thương mại 2005 thì thời hiệu khởi kiện tranh chấp Hợp đồng tín dụng đã hết, vì vậy Techcombank không còn quyền khởi kiện tranh chấp Hợp đồng tín dụng với Công ty Hà Sơn Bình; Về chủ thể ký kết hợp đồng: Theo đó, ông Hà Trung Kiên là người ký kết các giao dịch tại Techcombank nhưng không có uỷ quyền của người đại diện theo pháp luật thời điểm đó là ông Nguyễn Văn Bình. Vì vậy các giao dịch là vô hiệu.

Theo ông Kiên, việc một ngân hàng nhận thế chấp tài sản đảm bảo nhưng không giải ngân khoản vay và cũng không xử lý tài sản đảm bảo đã thế chấp cho khoản vay đã giải ngân tại thời điểm mà bên vay – Công ty Hà Sơn Bình đã đồng ý cho tiến hành xử lý tài sản đảm bảo nhưng ngân hàng không thực hiện mà để đến gần 10 năm sau mới tiếp tục khởi kiện yêu cầu thanh toán và cộng thêm một khoản lãi suất khổng lồ (gần gấp 4 lần khoản nợ gốc) là một hành vi không thể chấp nhận cả về mặt tình và lý.

Liên quan đến vấn đề trên, Luật sư Chu Thị Út Quỳnh – Thuộc Hãng luật Lê Hồng Hiển và Cộng sự cho hay hiện nay việc xử lí hành vi nhận thế chấp tài sản của khách hàng nhưng không giải ngân theo thỏa thuận đã được pháp luật quy định. Cụ thể tại khoản 1 Điều 351 và Điều 419 Bộ luật Dân sự quy định. Theo đó, khi Ngân hàng và phía doanh nghiệp đã kí kết hợp đồng thế chấp vay tài sản, có nghĩa là hai bên đã thực hiện một giao dịch dân sự. Tuy nhiên, trong trường hợp này, doanh nghiệp thế chấp tài sản để bảo đảm cho một khoản vay nhất định nhưng phía Ngân hàng lại không thực hiện đúng nghĩa vụ giải ngân theo thỏa thuận là đã vi phạm hợp đồng, ảnh hưởng đến công việc làm ăn và cơ hội phát triển của doanh nghiệp nên Ngân hàng sẽ phải chịu trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ, và chịu một mức bồi thường thỏa đáng cho doanh nghiệp.

Thứ hai, khi doanh nghiệp đã phải tính đến phương án thế chấp tài sản, có nghĩa là doanh nghiệp đang trong tình thế rất cần vốn cho hoạt động kinh doanh. Do vậy, pháp luật cần phải có các biện pháp chế tài đầy đủ, chi tiết hơn nữa nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho doanh nghiệp khi thực hiện thủ tục thế chấp tài sản để vay vốn tại các ngân hàng. Nếu phía khách hàng vi phạm hợp đồng thì cần có một mức thời hiệu khởi kiện hợp lý cho phía ngân hàng, tránh tình trạng sau một thời gian rất dài ngân hàng lại muốn tiến hành khởi kiện khách hàng vi phạm nghĩa vụ, cùng với việc Tòa án thường kéo dài thời gian giải quyết các vụ án về tranh chấp Hợp đồng tín dụng sẽ làm tăng thêm gánh nặng về mặt tài chính cho phía doanh nghiệp nhất là về việc tính lãi chậm trả, lãi quá hạn.

Ngoài ra, liên quan đến việc Techcombank không tiến hành giải ngân nhưng vẫn giữ tài sản thế chấp của doanh nghiệp, Luật sư Quỳnh cho biết việc thế chấp tài sản được quy định từ Điều 317 đến Điều 327 Bộ luật Dân sự năm 2015. Thế chấp vay vốn ngân hàng được quy định cụ thể tại Quyết định số 217/QĐ-NH1 của Ngân hàng nhà nước về việc ban hành quy chế thế chấp, cầm cố tài sản và bảo lãnh vay vốn ngân hàng. Theo đó, “Thế chấp tài sản vay vốn Ngân hàng là việc bên vay vốn (gọi là bên thế chấp) dùng tài sản là bất động sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ trả nợ (bao gồm nợ gốc, lãi và tiền phạt lãi quá hạn) đối với bên cho vay (gọi là bên nhận thế chấp)”.

Bên cho vay có nghĩa vụ chuyến giao tiền vay đầy đủ, đúng thời hạn và địa điểm cho khách hàng vay sử dụng (nghĩa vụ giải ngân). Nghĩa vụ này phát sinh do thỏa thuận cho vay trong hợp đồng theo điều 23 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Các phương thức giải ngân của ngân hàng được quy định tại các Điều 4,5,6,7 của Thông tư 21/2017/TT-NHNN ngày 29/12/2017 quy định về phương thức giải ngân vốn cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng.

Như vậy, việc ngân hàng không giải ngân nhưng vẫn giữ tài sản thế chấp của doanh nghiệp là vi phạm hợp đồng, trái với quy định của pháp luật.

Đồng thời, Luật sư Nguyễn Đức Hậu – Trưởng Văn phòng luật sư Hùng Vương, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của vợ chồng ông Hà Thế Cường và bà Lê Thị Minh Phương cũng yêu cầu Ngân hàng Techcombank trả lại tài sản vì các tài sản này không thế chấp cho khoản vay nào. Đồng thời làm đơn kháng cáo đề nghị TAND thành phố Hà Nội xét xử phúc thẩm buộc Ngân hàng phải trả lại cho vợ chồng ông Hà Thế Cường và bà Lê Thị Minh Phương 3 giấy chứng nhận QSD đất trong Hợp đồng thế chấp, số 666, 667, 668, vì lý do Ngân hàng không giải ngân dẫn đến Hợp đồng thế chấp vô hiệu.

Theo luật sư Nguyễn Đức Hậu,  Điều 118 Bộ luật Dân sự quy định về “Mục đích của giao dịch dân sự”. “Mục đích của giao dịch dân sự là lợi ích mà chủ thể mong muốn đạt được khi xác lập giao dịch đó”.

Hơp đồng thế chấp giữa vợ chồng ông Cường và bà Phương và Ngân hàng Techcombank là giao dịch dân sự, Ngân hàng giữ Giấy tờ về tài sản thế chấp của vợ chồng anh Cường chị Phương để đảm bảo cho khoản vay 2.025.000.000đ nhưng không giải ngân, như vậy là mục đích của người thế chấp không đạt được.

Đồng thời, Điểm c, Khoản 1, Điều 117 Bộ luật Dân sự quy định về “Điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự” như sau : Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của Luât, không trái đạo đức xã hội.

Như vậy, mục đích vợ chồng anh Cường và chị Phương thế chấp tài sản là để Techcombank cho vay tiền, nhưng Techcombank không cho vay tiền là Ngân hàng vi phạm pháp luật dẫn đến giao dịch giữa vợ chồng anh Cường chị Phương và Ngân hàng là giao dịch vô hiệu, theo quy định tại Điều 122. “Giao dịch dân sự không có một trong các điều kiện được quy định tại điều 117 của Bộ luật này thì vô hiệu”.

Luật sư Hậu khẳng định các Hợp đồng thế chấp số 666, 667, 668 ngày 12/07/2011 giữa thân chủ ông và Ngân hàng, với mục đích thế chấp là Công ty TNHH một thành viên Hà Sơn Bình được vay khoản tiền hơn 2 tỷ đồng nhưng trên thực tế Công ty TNHH một thành viên Hà Sơn Bình không được giải ngân khoản tiền này như vậy là mục đích thế chấp của thân chủ không đạt được dẫn đến các hợp đồng thế chấp nêu trên vô hiệu.

Một số quy định liên quan đến việc trả lại tài sản thế chấp:

  • Về trả lại tài sản thế chấp, Điều 322 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

 “1. Trả các giấy tờ cho bên thế chấp sau khi chấm dứt thế chấp đối với trường hợp các bên thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp.

  1. Thực hiện thủ tục xử lý tài sản thế chấp theo đúng quy định của pháp luật.”

Theo đó:

Trường hợp 1: Theo khoản 1 Điều 322 Bộ luật Dân sự 2015 thì bên nhận thế chấp có nghĩa vụ trả các giấy tờ cho bên thế chấp sau khi chấm dứt thế chấp đối với trường hợp các bên thỏa thuận bên nhận thế chấp giữ giấy tờ liên quan đến tài sản thế chấp.

Trường hợp 2: Xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ: Khi người vay ngân hàng không còn khả năng thanh toán thì ngân hàng sẽ thu hồi số nợ không thanh toán được bằng cách xử lý tài sản đảm bảo mà người đó dùng để bảo đảm khi vay. Việc xử lý tài sản bảo đảm được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Như vậy, để xác định khách hàng có được trả lại tài sản thế chấp không và thủ tục trả tài sản thế chấp như thế nào thì chúng ta cần xem xét đến việc các bên đã thực hiện đúng và đủ nghĩa vụ cần thiết hay chưa, từ đó chúng ta mới áp dụng quy quy định cho phù hợp và chính xác.

  • Chế tài nếu Ngân hàng không trả lại Khách hàng tài sản thế chấp

Nếu Ngân hàng không thực hiện đúng nghĩa vụ trả lại tài sản thế chấp cho khách hàng thì căn cứ Điều 25 Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại hoạt động cho vay. Ngân hàng đó có thể sẽ phải chịu một số trách nhiệm theo quy định sau:

“1. Tổ chức tín dụng và khách hàng được thỏa thuận về việc phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật đối với trường hợp tổ chức tín dụng hoặc khách hàng không thực hiện đúng nội dung trong thỏa thuận cho vay, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 13 Thông tư này.
2. Tổ chức tín dụng và khách hàng có thể thỏa thuận về việc bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm mà không phải bồi thường thiệt hại hoặc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại. Trường hợp tổ chức tín dụng và khách hàng có thỏa thuận về phạt vi phạm nhưng không thỏa thuận về việc vừa phải chịu phạt vi phạm và vừa phải bồi thường thiệt hại thì bên vi phạm nghĩa vụ chỉ phải chịu phạt vi phạm.”

T. Trang