Vào Ngày Tết Các Thầy Đồ Thường Làm Gì Trong Ngày Tết Cổ Truyền?

Vào Ngày Tết Các Thầy Đồ Thường Làm Gì

Những câu thơ ấy của nhà thơ Vũ Đình Liên nhắc đến tục xin chữ ngày xuân, vốn là nét văn hoá đặc trưng của người Việt, bắt nguồn từ sự hiếu học, sự trọng chữ, trọng tri thức. Nét đẹp văn hóa ấy đến nay vẫn được trân trọng, lưu truyền.

Bạn đang xem: Vào ngày tết các thầy đồ thường làm gì

Người Việt từ xưa có truyền thống thờ chữ, rước chữ, chơi chữ, xin chữ. Theo đó, thờ chữ và rước chữ là đối với những chữ của vua, được viết trong các sắc phong; còn dân gian thì chơi chữ và xin chữ lại là điều thiêng liêng giữa mọi tầng lớp nhân dân với các ông đồ vào những dịp lễ tết.

Xin chữ ngày Tết, không phải là một việc đơn giản như suy nghĩ của nhiều người, mà là một câu chuyện quan trọng của gia đình. Ông đồ ngày xưa rất được trọng vọng, những nhà có tiền thì mời thầy về tận nhà để dạy chữ cho con cái, những nhà bình thường thì gửi con đến nhà thầy, ngày lễ ngày tết phải sang tết thầy, như dân gian có câu “Mùng một tết cha, mùng hai tết mẹ, mùng ba tết thầy” là vậy.

Ngày Tết, công việc của thầy đồ càng bận hơn bởi mọi người đến xin chữ, đó là việc mà cả người xin chữ và người cho chữ đều hết sức trân trọng và nâng niu. Ông đồ thường dậy sớm chuẩn bị nghiền mực cho chu đáo, người xin chữ khăn áo chỉnh tề, sắm một chút lễ vật đến nhà thầy, lễ vật tùy gia cảnh của người xin chữ có thể là chai rượu, nải chuối, mấy lon gạo nếp, hay một phong bao mừng tuổi…

Chữ xin cũng tùy theo nguyện vọng của người xin chữ, trong năm mới người ta cầu mong điều gì nhất thì người ta xin, người cầu tài lộc thì xin chữ Tài chữ Lộc, người cầu con cái xin chữ Phúc, người cầu sức khỏe sống lâu xin chữ Thọ…

Có những ông đồ thì lại đến các chợ, hoặc nơi đông người qua lại, bày giấy mực ra để bán chữ. Những ông đồ chữ đẹp được mọi người chú ý rất nhiều, mỗi chữ cũng chẳng đáng bao nhiêu tiền, nên ai cũng muốn mua cho mình một vài chữ, và sắc đỏ của giấy, mùi thơm của mực cũng làm cho ngày Tết thêm màu sắc và hương vị. Ngoài cầu may mắn, người ta còn muốn xin cái đức độ, tài năng của ông đồ, lấy chữ để răn mình.

Tuy nhiên, cách nay khoảng một thế kỷ, ông tú Trần Tế Xương lúc đó đã có lời thơ buồn thấm thía: 

“Cái học nhà Nho đã hỏng rồi

Mười người đi học, chín người thôi!”.

Chữ Nho thất thế, cùng với đó là sự thắng thế của văn hóa Âu Tây, cho nên chỉ chục năm sau, tiếng thơ của Vũ Đình Liên xót xa: 

“Nhưng mỗi năm mỗi vắng

Người thuê viết nay đâu

Giấy đỏ buồn không thắm

Mực đọng trong nghiên sầu…

Năm nay đào lại nở

Không thấy ông đồ xưa

Những người muôn năm cũ

Hồn ở đâu bây giờ?”.

Có lẽ, nhà thơ Vũ Đình Liên đã sống trải trong bầu sinh khí ngàn đời của văn minh Á Đông cho nên chút vang bóng của hình ảnh ông đồ ngày Tết mới để lại nhiều dư vị đến thế!

Ảnh: Sưu tầm

Thế nhưng, đến những năm đầu của thế kỷ XXI này, hơn mười hai năm qua, phố ông đồ chung quanh Nhà Văn hóa Thanh niên có thể coi là một “Đặc sản” của Tết Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh những nét vui tươi, trẻ trung của Nhà Văn hóa Thanh niên cũng là Trường Thi Gia Định ngày xưa đang lắng đọng trong tâm hồn người ôn cố, thì “Hồn dân tộc lại đang sáng bừng trên giấy điệp” trong những nét thư pháp tài hoa của những “Ông đồ” thư pháp chữ Việt. Ngoài một, hai ông đồ già áo the khăn xếp, hầu hết các ông đồ trẻ thuộc lứa tuổi 8X, 9X lịch lãm trong các bộ áo dài, khăn đóng truyền thống. Điểm lạ tạo nên sự hấp dẫn chính là có một số “Bà đồ” trẻ trung cùng múa bút phục vụ nhu cầu của khách xin chữ. Tuổi trẻ đến với thư pháp chủ yếu bởi sức hút nghệ thuật tài hoa và phóng túng của bộ môn này. Ông đồ, bà đồ ngày nay không chỉ cho chữ Hán như ngày xưa, mà các ông đồ ở phố ông đồ Nhà Văn hóa Thanh niên còn có thể cho chữ quốc ngữ viết theo lối thư pháp…Không chỉ thấu đạt những chuẩn tắc trong thư pháp, họ còn định hình được phong cách riêng của mình, thể hiện sự phóng túng trong ý tưởng, cẩn trọng trong việc bồi giấy chọn bút…

*

Bà đồ tại phố ông đồ NVH. Thanh niên: Ảnh – Sưu tầm

Chữ xin cũng tùy theo nguyện vọng của người xin chữ. Từ nhiều năm nay, người lớn thì thường thích các chữ “Phúc”; “Lộc”; “Thọ” ; “An Khang” “Cát Tường”, “Như Ý”… nhằm cầu mong sự bình yên cho gia đình con cháu. Một số khách hàng khác chỉ xin chữ quanh 4 chữ kinh điển gồm: “Tâm”, “Phúc”, “Đức”, “Nhẫn”. Người đi học thường xin chữ “Trí”, “Tài”, “Nhẫn”. Người buôn bán, kinh doanh xin chữ “Hưng”, “Thịnh”, “Phát”, “Lộc”, “Tín”, “Vượng”, “Phát Tài” mong ho cộng việc kinh doanh được phát triển, thuận buồm xuôi gió. Người đi làm xin chữ “Danh”. Xin cho gia đình thường là chữ “Phúc”, “Lộc”, “Thọ”, “Tâm”, “An”. Nhiều người thích xin chữ “Nhẫn” (nhẫn nại, nhẫn chịu…) nhưng không phải chữ này hợp với mọi người bởi mỗi người lại có cái lý riêng để xin chữ “Nhẫn”.

Xem thêm: Doraemon Có Bao Nhiêu Bảo Bối, Doraemon Có Tất Cả Bao Nhiêu Bảo Bối

Người thành đạt xin chữ “Nhẫn Nại” để cầu tỉnh táo. Người trung niên xin chữ “Tâm”, chữ “Đức”, chữ “Nhẫn”. Thanh niên nam nữ xin chữ: “Danh”, “Duyên”, “Hiếu”, “Trung”. Tặng bố mẹ xin chữ: “Tâm”, “An Khang”, “Bình An”. Có người đầu năm xin chữ “Thọ” để mừng các cụ cao tuổi. Các bạn trẻ thường xin chữ “Trí tuệ”, “Chí”, “Minh”, “Thành”, “Tài”, “Đạt”, “Nhẫn”, “Đăng Khoa” để cầu học hành tấn tới. “Chí” nghĩa là phải có ý chí quyết vượt mọi khó khăn; “Thành” có nghĩa là nên việc; “Đạt” là thoả mãn yêu cầu; “Đắc” là được, “Nhẫn” là kiên trì nhẫn nại trong mọi việc. Còn các cháu thiếu nhi thì thường được bố mẹ chọn cho các chữ “Học”, “Hiếu”, “Lễ”; “Nghĩa”, “Tiến” mong con mình lớn lên từ những điều kỳ vọng của bố mẹ trở thành những người con hiếu thảo của gia đình, một công dân có ích cho xã hội…

Những lời cầu chúc như: “Chúc mừng năm mới”, “Mã đáo thành công”, “Phúc lộc song hoàn”, “An khang thịnh vượng”, “Tân niên hạnh phúc”, “Ngũ phúc lâm môn”… là sự gửi gắm mơ ước, tiêu chí, là một món ăn tinh thần với mục đích rất chính đáng trong cuộc sống con người, gia đình và xã hội.

Ông đồ cho chữ tại NVH. Thanh niên: Ảnh – Sưu tầm

Ngoài ra, nếu ông đồ thấy người đến xin chữ thực cần đến may mắn, họ sẽ cho chữ “May mắn”; hoặc sau một hồi trò chuyện, ông đồ nhận thấy người này cần hơn cả là phải biết chăm sóc mẹ mình nhiều hơn để thực sự được an lòng, ông đồ sẽ cho chữ “Hiếu”.

Tuy nhiên, tục cho chữ không phải người muốn chữ nào cho chữ ấy mà nhiều lúc, các ông đồ đều nhìn thấy thần sắc của từng người để cho chữ. 

*

Ông đồ tại NVH. Thanh niên: Ảnh – Sưu tầm

Phố ông đồ ở Nhà Văn hóa Thanh niên không chỉ tái hiện tục xin chữ, cho chữ của dân tộc Việt từ ngàn đời, mà còn là một phố đầy hoa Tết, đầy những cửa hàng bày bán đầy ấp các loại hàng thủ công làm xinh xắn quà tặng; còn là các chương trình biểu diễn văn hóa nghệ thuật, thể dục thể thao…Cho nên, bên cạnh những người đi xin chữ, mua chữ còn có không ít người đến phố ông đồ để mua sắm chút ít quà tặng gửi cho người thân quen dịp Xuân về, Tết đến. Ngoài ra, cũng có không ít người mặc trang phục đẹp đến phố ông đồ để chụp vài kiểu ảnh để lưu niệm.

Du khách xin chữ đầu năm tại phố ông đồ NVH. Thanh niên: Ảnh – Sưu tầm

Xuân đã gõ cửa phố phường. Tết sắp về. Người người lại rộn ràng rủ nhau đi xin chữ cầu lộc, cầu tài, cầu may mắn. Phố ông đồ ở Nhà Văn hóa Thanh niên như một biểu tượng bất diệt của sức sống văn hóa ngàn đời, đưa người ta trở về với nét phong tục xưa, cái Tết xưa ấm cúng.

Ông đồ Vũ Ngọc Kỳ của đất Hà Thành thấy sự sống lại của tục xin chữ ngày xuân ở phố ông đồ, đã cảm xúc làm một bài thơ họa lại bài thơ “Ông Đồ” như sau:

“Hôm nay đi chợ tết

Bỗng gặp lại ông đồ

Bao lâu rồi vắng bóng

Tưởng chỉ còn trong thơ

Vẫn mực tàu giấy đỏ

Bên phố đông người qua

Ngọn bút vờn trên giấy

Thư pháp quả tài hoa…

Nét văn hóa dân tộc

Tự nghìn xưa đến giờ

Đón xuân bên câu đối

Thắp sáng bao ước mơ”.

Xem thêm: Viết Về 1 Lễ Hội Bằng Tiếng Anh, Viết Về Lễ Hội Bằng Tiếng Anh Hay Nhất (36 Mẫu)

Một số hình ảnh tại phố ông đồ NVH. Thanh niên.

*

*

*

*

Một số hình ảnh của các văn nghệ sĩ tại phố ông đồ NVH. Thanh niên: Ảnh -Vương HoHo