Văn khấn quan lớn tuần tranh | Đồ thờ Phú Cường
Trong hàng Ngũ Vị Tôn Ông , cùng với Quan Lớn Đệ Tam, Quan Lớn Đệ Ngũ cũng là một vị quan lớn danh tiếng hết sức lẫy lừng, được nhân dân xa gần tôn kính phụng thờ. Tuy trong hàng Năm Toà Ông Lớn, ông được thỉnh cuối cùng nhưng bất cứ ai hầu Tứ Phủ, bất cứ dịp tiệc, đàn lễ nào đều phải thỉnh Quan Tuần Tranh về ngự. Dưới đây là bài văn khấn quan lớn tuần tranh cho những ai đi lễ đền ngài.
Bài văn khấn quan lớn tuần tranh
Đây là những lời văn khấn quan lớn tuần tranh ở đây hầu hết được viết thành thơ và được thể hiện bằng điệu chầu văn rất mượt mà, sôi nổi. Có thể nói, lễ hội đền Tranh là lễ hội hát chầu văn. Dưới đây là một trong những bài chầu văn được sử dụng nhiều nhất tại đền tranh hiện nay:
Lẫm liệt tung hoành uy gia,
Trừ tà sát quỷ nổi danh tướng tài.
Cảnh Thiên thai Quan Tuần ngự giá,
Bộ tiên nàng thứ tự dâng huê.
Chầu thôi lại trở ra về,
Truyền quân dâng nước Thuỷ tề mênh mông.
Cảnh am thanh nhiều bề lịch sự,
Vốn đặt bầy tự cổ vu lai.
Có phen xuất nhập trang đài,
Đào lan quế huệ xum vầy xướng ca.
Phú:
Nước Âu Lạc vào đời Thục Phán,
Giặc Triệu Đà có ý xâm lăng,
Triều đình ra lệnh tiến binh,
Thuyền bè qua bên sông Tranh rợp trời.
Công hộ quốc gia phong thượng đẳng,
Tước phong hầu truy tặng Đại vương,
Bảng vàng thánh thọ vô cương
Hiếu trung tiết nghĩa đôi đường vẹn hai.
Đấng anh hùng cổ kim lừng lẫy,
Khắp xa gần đã dậy thần cơ,
Cửa sông đâu có phụng thờ,
Ninh Giang lại nổi đền thờ Tuần Tranh
Gương anh hùng muôn đời soi tỏ,
Đất Văn Lang thiên cổ anh linh,
Bao phen đắp luỹ xây thành,
Khắc miền duyên hải, sông Tranh nức lòng.
Thơ:
Sông Tranh ơi hỡi bến sông Tranh,
Non nước còn ghi trận tung hoành,
Lẫm liệt oai hùng gương tráng sĩ,
Ngàn thu ghi nhớ dấu oai linh.
Ai về qua bến sông Tranh,
Nhớ người tráng sĩ tài danh tuyệt vời.
Dẫu rằng nước chảy hoa trôi,
Bến sông Tranh dù cạn, ơn người còn ghi.
Loa đồng hỏi nước sông Tranh,
Thanh long đao năm xưa cứu nước, anh hùng là ai?
Sông Tranh đáp tiếng trả lời,
Chỉ có thanh long đao Quan đệ ngũ, chính người trong phủ Ninh Giang
Oán:
Nhưng nào ngờ đâu khi đất trời thay đổi,
Người anh hùng cổ mang nặng xiềng gông.
Ngày hai nhăm tháng năm, Quan lớn bị bắt giam ở chốn Kỳ Cùng (1)
Quan oan vì tuyết nguyệt, bởi lòng ái ân.
Trước cung điện, triều đình xét hỏi,
Bắt long hầu chuyển khắp mọi nơi.
Quan lớn Tuần oan vì ong bướm lả lơi,
Chiết hoa, đoạt phụ tội trời không dung.
Bắt đày chốn sơn cùng, thuỷ kiệt,
Nỗi oan này thấu tỏ hỡi cao minh.
Gió lạnh sương sa vì đời bội bạc,
Sự ngay gian đảo lộn trắng đen.
Hỏi cây cỏ sao mưa dầu nắng dãi,
Lỡ hại người trong lúc phong ba.
Cỏ cây ơi có thấu tỏ lòng ta,
Sơn cùng thuỷ kiệt sương sa lạnh lùng.
Đường thiên lý quan san bỡ ngỡ,
Nợ trần hoàn quyết trả cho xong.
Tháng hai vừa tiết trung tuần,
Thử lòng ông lão, mộng trần ứng ngay.
Tỉnh giấc mộng mới hay sự lạ,
Đôi bạch xà tựa cửa hôm mai.
Trí đã quyết khỏi vòng cương toả,
Hay đâu còn mắc nợ oan khiên.
Ngài vừa hay có lệnh ban truyền,
Quan quân tầm nã khắp miền sông Tranh.
Thà thác vinh còn hơn sống nhục,
Cho sông Kỳ Cùng tắm ngọc Côn Sơn.
Tìm hiểu thêm về đền tranh
Đền Tranh hay còn gọi là đền Quan Lớn Tuần Tranh nằm ở gần bến đò Tranh, Tổng Bất Bế, huyện Vĩnh Lại thời Lê và Nguyễn, nay thuộc xã Đồng Tâm, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, thờ vị thần sông nước coi khúc sông.
Trong tín ngưỡng thờ hệ thống các vị Thánh trong Đạo Mẫu, Đức Thánh Quan đệ ngũ Tuần Tranh là vị thường được mời ngự giá đồng thường xuyên nhất. Vậy quan lớn đệ ngũ tuần tranh là ai ? Qua một số giá hầu đồng riêng biệt, khác nhau cả về địa điểm cũng như địa phương. Đã có những phương pháp đối chiếu đủ để chứng minh rằng không có sự liên hệ giữa các Thanh Đồng khi được Thánh giáng cho biết tên của Ngài là Cao Lỗ – Đây là một nhân vật lịch sử đã được ghi trong Đại Việt Sử ký toàn thư, Ngoại kỷ quyển I
Cao Lỗ là một Đại thần – Danh Tướng của Thục Phán An Dương Vương. Ông sinh ra tại xã Cao Đức, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh ngày nay. Ông là người chế ra nỏ liên châu (nỏ thần). Vào thời Hùng Vương thứ 18, Cao Lỗ là một vị Đại Tướng kỳ tài của nước Văn Lang độc lập. Ông là người có công lớn trong việc trống quân xâm lược nhà Tần.
Vì có công lớn nên ông được giao chức vụ đứng đầu trong Triều đình. Ông đem lòng yêu công chúa Mị Châu – con gái An Dương Vương Thục Phán, nhưng Mị Châu lại phải lòng Trọng Thủy là con Triệu Đà được nhiều lần đi sứ cầu hòa đến An Dương Vương.
Triệu Đà dùng mưu đưa con Trọng Thủy lấy công chúa Mị Nương để tìm bí mật về tổ chức quân sự và quy cách vũ khí nỏ liên châu.Cao Lỗ can ngăn An Dương Vương không cho Mị Châu lấy Trọng Thủy, vì thế An Dương Vương bắt đầu nghi ngờ Cao Lỗ, nên vẫn cho đồng ý kết thông gia với Triệu Đà mà tin rằng sự hòa hiếu để tránh được chiến tranh xâm lược của Nam Việt
Quân Triệu Đà tấn công, nhưng không giành ngay được thắng lợi tuyệt đối. Nỏ liên châu cũng không còn phát huy tác dụng như trước vì quân Triệu Đà đã có cách chống lại. An Dương Vương cho rằng Cao Lỗ đã để lộ bí mật quân sự, lại thêm một số quyền thần vốn ghen ghét sàm tấu thêm khép ông vào tội chém. Nhưng vì ông có công lớn, trong án có những sự không sáng tỏ bởi vậy nên Triều đình chỉ bãi hết chức đầy Cao Lỗ
Do bị oan ức không thể giãi bầy được, lại thêm tính cương trực không chịu khuất, khi đến nơi đi đầy, quân áp giải vừa mở gông cùm, Cao Lỗ đã thề lấy cái chết để rõ mình vô tội và nhẩy xuống sông Kỳ Cùng (lạng sơn) tự vẫn. Sau khi ông chết ngày 25/5 năm Nhâm Thân ( năm 179 Tr.CN),
Sau khi ông chết, dân Việt nhớ ghi công đức lập đền thờ ông tại nơi ông tuẫn tiết ở bên sông Kỳ Cùng và tại nơi ông sinh ra. Theo một số truyền thuyết và một số bài hát văn chầu lễ Thánh Quan Lớn Tuần Tranh thì ông sinh ra tại Ninh Xá, Ninh Giang, tỉnh Hải Dương ngày nay.
Lễ hội đền tranh
Đền Tranh một năm có ba mùa lễ hội. Hội tháng 2, từ ngày 10-20 / 2, trọng hội vào 14 – ngày sinh của quan lớn Tuần Tranh, đây là hội chính hàng năm. Hội tháng 5, từ ngày 20-26 / 5, trọng hội vào 25 – ngày hoá của Đức thánh. Lễ hội đền Tranh có quy mô rộng lớn, thu hút khách nhiều tỉnh phía Bắc, một trong những hội lớn của Hải Dương, có sức hấp dẫn lạ thường, đặc biệt với các bà các cô ở các thành phố, bởi thế khách thập phương đến đây rất đông. Không chỉ trong những ngày hội (thường kéo dài tới 7 ngày) mà những ngày thường cũng không ít khách đến lễ và không thể thiếu tiết mục hát chầu văn.
Nửa thế kỳ trôi qua, thị trấn đã trải qua những thăng trầm qua hai cuộc chiến tranh, đền Tranh được dựng lại và tôn tạo trên địa phận thôn Tranh Xuyên xã Đồng Tâm. Không những đền được tôn tạo lại rất bề thế uy nghiêm mà còn được mở rộng rất nhiều, bên cạnh còn có chùa Tranh mới được xây dựng thêm. Không chỉ ngày hội mà ngày thường khách đến lễ cũng rất đông.
Đền Tranh hiện nay có 11 ban thờ:
1- Ban thờ Phật
2- Ban thờ Thánh mẫu
3- Ban thờ Ngọc hoàng Thượng đế
4- Ban thờ Ngũ vị tôn ông
5- Ban thờ Tứ phủ chầu bà ( Thiên phủ, Địa phủ, Thuỷ phủ, Nhạc phủ)
6- Ban thờ Quan lớn Tuần Tranh
7- Ban thờ Sơn trang.
8- Ban thờ Động chúa sơn lâm
9- Ban thờ Thành hoàng: Quý Minh và Vũ Đô Mạnh
10- Ban thờ Mẫu địa
11- Ban thờ Đức thánh Trần