Văn hóa tiêu dùng của sinh viên ở Hà Nội

Văn hóa tiêu dùng (VHTD) là một thành tố của văn hóa, chứa đựng triết lý, nhu cầu, giá trị và hành vi tiêu dùng của mỗi cá nhân, nhóm và toàn xã hội. Nghiên cứu VHTD tức là nghiên cứu tâm lý, thị hiếu, thói quen tiêu dùng, phương thức thanh toán của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tiêu dùng. Mỗi nhóm đối tượng trong xã hội sẽ có một trình độ, thị hiếu, thẩm mỹ, thói quen và hành vi VHTD khác nhau. Sinh viên là lực lượng xã hội hùng hậu, có sức khỏe, trình độ học vấn, tiềm năng sáng tạo, khả năng tiếp cận và làm chủ khoa học hiện đại. Họ là nhóm người có vị trí chuyển tiếp, chuẩn bị cho một đội ngũ trí thức có trình độ và nghề nghiệp tương đối cao trong xã hội. Đây là đối tượng đang trong độ tuổi định hình lối sống, phong cách và nhân cách văn hóa, do vậy cần có sự nghiên cứu và định hướng đúng đắn về VHTD của họ. Đặc biệt, trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, mạng xã hội cùng với quá trình giao lưu, hội nhập văn hóa quốc tế đang diễn ra mạnh mẽ và sâu rộng ở Việt Nam đã tác động to lớn tới VHTD của giới trẻ, trước hết là thị hiếu và hành vi tiêu dùng. Sự tác động đó diễn ra trên cả hai khía cạnh: tích cực và tiêu cực. Do vậy, nhận diện VHTD của sinh viên Thủ đô Hà Nội có ý nghĩa nhất định trong giải quyết mối quan hệ giữa văn hóa với các yếu tố kinh tế tác động đến thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay.

Văn hóa tiêu dùng là gì?

Trên thế giới, các học giả chủ yếu tiếp cận VHTD ở góc độ hành vi. VHTD nhấn mạnh đến các tác động văn hóa – xã hội, tâm lý của hành vi mua bán và chi tiêu. VHTD không chỉ đơn giản là quá trình những sản phẩm thương mại được tiêu thụ bởi người tiêu dùng mà còn thể hiện mối quan hệ giữa văn hóa và hành vi người tiêu dùng với tư cách là một hình thức đặc biệt. Còn ở Việt Nam, có hai cách tiếp cận cơ bản về VHTD mà các nhà nghiên cứu đưa ra: tiếp cận dưới góc độ thói quen, hành vi và tiếp cận dưới góc độ giá trị.

Ở cách tiếp cận thứ nhất, một số học giả cho rằng, VHTD chính là tập quán, thói quen tiêu dùng, biểu hiện một ý nghĩa văn hóa nhất định. VHTD của một dân tộc là cách thức tiêu dùng, thói quen tiêu dùng sản phẩm của dân tộc đó. VHTD không chỉ là vấn đề thuần túy văn hóa mà là một vấn đề có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội to lớn, cần có chính sách phát triển hàng hóa mang thương hiệu quốc gia, đặc trưng văn hóa và phù hợp với tâm lý, nhu cầu tiêu dùng của người Việt Nam. “VHTD là toàn bộ mối quan hệ, phương thức, cách thức sử dụng sản phẩm văn hóa, phản ánh môi trường văn hóa của sáng tạo (sản xuất nói chung) và tiêu dùng (tiêu thụ nói riêng) về văn hóa; là khả năng đưa chất lượng văn hóa vào tiêu dùng văn hóa và tiêu dùng thông thường, biểu hiện mức sống, phong cách sống, nếp sống, lối sống của cá nhân, nhóm xã hội, gia đình, toàn bộ xã hội trong tiêu dùng văn hóa theo chuẩn mực chân, thiện, mỹ của nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” (1). Theo quan niệm này, văn hóa được dùng như một tính từ để chỉ cách chúng ta tiêu dùng các sản phẩm văn hóa và tiêu dùng có văn hóa.

Tiếp cận từ góc độ giá trị, các nhà nghiên cứu nhận định VHTD mang cả một chiều sâu triết lý, ý thức tiêu dùng bắt nguồn từ truyền thống mấy nghìn năm của văn hóa dân tộc. VHTD của người Việt là sự thể hiện các giá trị văn hóa của con người Việt Nam trong tiêu dùng cá nhân và trong tiêu dùng sản xuất. Những giá trị văn hóa cơ bản của con người Việt Nam được thể hiện ở: tinh thần yêu nước, lòng tự hào, ý chí tự cường dân tộc; lối sống, nếp sống cao đẹp, trung thực, cần kiệm, nhân nghĩa, kỷ cương; lao động cần cù với lương tâm nghề nghiệp, lao động có kỹ thuật, có năng suất cao vì lợi ích của bản thân, gia đình, tập thể, xã hội… phải thấm sâu, lan tỏa thành hệ giá trị chỉ đạo tư tưởng, tình cảm và hành động của cá nhân và tập thể lao động trong tiêu dùng cá nhân và tiêu dùng sản xuất (2).

Khi nghiên cứu về VHTD dưới góc nhìn văn hóa, có thể hiểu khái quát về VHTD như sau: VHTD là một thành tố của văn hóa nói chung, bao gồm tổng thể hữu cơ các yếu tố triết lý, giá trị, chuẩn mực, tâm lý tiêu dùng, biểu hiện qua hành vi tiêu dùng của cá nhân, nhóm, cộng đồng nhất định. Nghiên cứu VHTD tức là nghiên cứu tâm lý, thị hiếu, thói quen tiêu dùng, phương thức thanh toán của người tiêu dùng đối với các sản phẩm tiêu dùng. Đó là một khâu quan trọng trong nghiên cứu thị trường, giúp các doanh nghiệp đưa ra các sản phẩm phù hợp với sở thích cá nhân, nhóm xã hội và bản sắc văn hóa của dân tộc, nhằm thu được lợi nhuận cao và kinh doanh bền vững.

Đặc điểm của sinh viên ở Thủ đô Hà Nội

Sinh viên là một nhóm xã hội đặc thù, khác với các nhóm xã hội khác về lứa tuổi, đặc điểm tâm sinh lý, trình độ học vấn và môi trường sống. Đây là lứa tuổi đang phát triển và trưởng thành về mọi mặt: thể chất và tinh thần, nhu cầu tình cảm và lý trí, về năng lực, tư duy năng động và tính sáng tạo hướng tới sự phát triển hài hòa hoàn thiện nhân cách. Nhóm xã hội này đang nhập cuộc và khẳng định mình trong xã hội, nhạy cảm với cái mới và sẵn sàng tiếp nhận cái mới theo cả hai hướng tích cực và tiêu cực.

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2017 nước ta hiện có 235 trường đại học, học viện (bao gồm 170 trường công lập, 65 trường ngoài công lập,) với số lượng 1,7 triệu sinh viên, phân bổ không đồng đều giữa các vùng trong cả nước (3). Riêng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội hiện có 67 trường đại học, 30 Học viện, 33 trường cao đẳng, riêng số sinh viên đại học là gần 600 nghìn em (4). Con số này cho thấy, số lượng sinh viên ở Thủ đô Hà Nội là tương đối lớn nên những vấn đề liên quan theo đó cũng phức tạp hơn. Sinh viên học tập ở thủ đô đến từ nhiều vùng miền trong cả nước, đời sống văn hóa chịu sự chi phối của phong tục, tập quán của quê hương họ cũng như ở tại địa bàn cư trú. Sinh viên là chủ thể hoạt động văn hóa, các thiết chế văn hóa và sản phẩm văn hóa phục vụ những hoạt động văn hóa của chủ thể đó. Sinh viên đang sống và học tập trong một thiết chế văn hóa – xã hội, là trường học. Trong thiết chế văn hóa – xã hội lớn này lại bao gồm những thiết chế văn hóa nhỏ khác để phục vụ cho đời sống văn hóa của sinh viên. Đây là nơi mà các hoạt động văn hóa diễn ra một cách tập trung, phản ánh những giá trị kết tinh của đời sống văn hóa sinh viên của một trường đại học, là chiếc cầu nối giữa sáng tạo và thưởng thức, là nơi diễn ra quá trình chuyển tải những giá trị văn hóa tới cộng đồng nói chung và cụ thể ở đây là đến với sinh viên – những chủ thể văn hóa nói riêng.

Những yếu tố tác động đến VHTD của sinh viên ở Hà Nội

Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế

Hoạt động kinh tế là hoạt động xã hội cơ bản nhất của con người, tiếp biến trong đời sống văn hóa xã hội và phản ánh những đặc điểm, tính chất lịch sử, văn hóa khác nhau của mỗi quốc gia, dân tộc. Sự phát triển của nền kinh tế thế giới thúc đẩy tiêu dùng diễn ra mạnh mẽ trên mọi phương diện. Cùng với quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, hoạt động tiêu dùng của các nhóm đối tượng cũng chịu ảnh hưởng mạnh mẽ, trong đó có sinh viên. Sinh viên là nhóm đối tượng dễ tiếp cận và tiếp nhận các trào lưu tiêu dùng mới. Nền kinh tế phát triển tạo ra nhiều sản phẩm mới, dịch vụ mới, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của con người trong xã hội nói chung và đối tượng sinh viên nói riêng, theo hướng ngày càng văn minh, hiện đại.

Quá trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ

Xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế là xu hướng khách quan tác động mạnh mẽ đến mỗi quốc gia, dân tộc và mỗi cá nhân. Thanh niên, sinh viên, lực lượng đang chuẩn bị gia nhập vào lực lượng sản xuất mới, tất nhiên chịu sự tác động rất lớn của quá trình này. VHTD toàn cầu được thúc đẩy bởi sự mở rộng của các doanh nghiệp được tổ chức dựa trên nguyên tắc thị trường, tác động đồng thời đến hệ tư tưởng và quá trình xã hội, liên tục được tạo ra và tái tạo thông qua các mối quan hệ, thực hành và các công nghệ thay đổi của “trung gian thị trường” (5).

Tác động tích cực của quá trình hội nhập quốc tế đến VHTD của sinh viên thể hiện ở chỗ: do tác động của toàn cầu hóa và chính sách mở cửa, trình độ hiểu biết mọi mặt của sinh viên ngày càng được nâng cao, không chỉ giới hạn trong những kiến thức được tiếp thu từ nhà trường. Sinh viên đi đầu trong việc tiếp nhận, bổ sung những giá trị văn hóa của nhân loại và dân tộc vào hành trang của mình. Nhiều sinh viên đã và đang thay đổi lối sống của mình, họ chuyển sang lối sống phù hợp hơn với thời đại của công nghiệp và bùng nổ thông tin, trong đó có sự biến đổi về VHTD cá nhân. Phần lớn sinh viên đến từ nhiều vùng quê khác nhau, khi hòa nhập vào cuộc sống ở đô thị có mức độ tác động của toàn cầu hóa cao hơn, đã chuyển từ cuộc sống có phần khép kín, phụ thuộc, thụ động sang cuộc sống cởi mở, năng động, tự lập, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phù hợp với xu thế thời đại. Đây chính là giá trị văn hóa mà sinh viên tự tích lũy được. Thông qua hoạt động tiêu dùng, sinh viên thể hiện triết lý, thị hiếu tiêu dùng, phong cách cũng như mức độ hội nhập của bản thân trong thời đại mới.

Tác động từ văn hóa, xã hội, cá nhân và tâm lý

Tất cả những yếu tố này đều cho ta căn cứ để tiếp cận và phục vụ người tiêu dùng một cách hiệu quả hơn.

Các yếu tố văn hóa bao gồm nền văn hóa, nhánh văn hóa và tầng lớp xã hội của một con người, là nguồn gốc cơ bản nhất của những hành vi. Khi tiêu dùng, mọi sở thích, mong muốn, cách thức lựa chọn của một người đều phản ánh rõ nét những giá trị văn hóa mà người đó đã và đang chịu ảnh hưởng. Mỗi nền văn hóa đều có những nhánh văn hóa nhỏ hơn tạo nên đặc thù, bao gồm dân tộc, tôn giáo, các nhóm chủng tộc và vùng địa lý. Những yếu tố này luôn có ảnh hưởng sâu sắc tới sự quan tâm, cách đánh giá về giá trị hàng hóa, dịch vụ của mỗi người. Các nhánh văn hóa khác nhau có lối sống riêng, phong cách tiêu dùng riêng và tạo nên những phân khúc thị trường quan trọng. Mỗi nhánh văn hóa sẽ có những thói quen khác nhau, cách ứng xử khác nhau. Sự tồn tại của các tầng lớp xã hội là vấn đề tất yếu trong hầu hết mọi xã hội và con người ở tầng lớp xã hội khác nhau sẽ có cách nhìn nhận và xác định giá trị VHTD khác nhau; sinh viên cũng không ngoại lệ.

Các yếu tố cá nhân có ảnh hưởng khá mạnh đến VHTD của sinh viên, nhất là lứa tuổi, giới tính, khả năng tài chính, lối sống và cá tính, sự tự ý thức của người đó. Các giai đoạn, chu kỳ sống cũng có quan hệ chặt chẽ với tiêu dùng. Sự khác biệt này có bởi nhu cầu, khả năng tài chính, nhận thức của mỗi người gắn chặt với độ tuổi, chu kỳ sống. Lối sống phác họa một cách đầy đủ và sinh động nhất chân dung một con người, cá tính và ý thức về bản thân có mối quan hệ chặt chẽ với thói quen bộc lộ trong hành vi mua sắm. Ngoài ra, VHTD của sinh viên còn chịu ảnh hưởng của bốn yếu tố tâm lý là động cơ, nhận thức, sự hiểu biết, niềm tin.

Nhận diện VHTD của sinh viên ở Hà Nội

Thông qua những thông tin có được từ khảo sát thực tiễn, có thể nhận diện những nét chung nhất về VHTD của sinh viên ở Thủ đô Hà Nội trên bốn phương diện thành tố sau đây:

Thứ nhất là triết lý tiêu dùng. Triết lý tiêu dùng của sinh viên, hiểu một cách đơn giản nhất, chính là những tư tưởng phản ánh thực tiễn tiêu dùng thông qua con đường trải nghiệm, suy ngẫm, khái quát hóa hoạt động tiêu dùng của họ.

Triết lý tiêu dùng đầu tiên nổi bật nhất trong VHTD của sinh viên ở thủ đô chính là ưu tiên sự tiện lợi. Sự tiện lợi được hiểu không chỉ phục vụ cho hoạt động học tập mà còn đáp ứng được các nhu cầu giải trí và sinh hoạt hằng ngày. Từ việc ưa chuộng tiêu dùng các loại đồ ăn nhanh, cửa hàng tiện lợi, thời trang tối giản đến các hoạt động giải trí hiện đại như xem phim, chơi games trực tuyến… các bạn sinh viên đã cho thấy triết lý ưu tiên sự tiện lợi, đơn giản, tiết kiệm thời gian và công sức. Do vậy, đối tượng tiêu dùng trẻ này đã và đang hòa nhập, nhạy bén với xu thế tiêu dùng của xã hội hiện đại một cách tương đối dễ dàng.

Triết lý tiêu dùng thứ hai cần được nhấn mạnh trong VHTD của sinh viên ở Thủ đô Hà Nội là việc lựa chọn những sản phẩm có giá cả hợp lý, phù hợp với túi tiền, bởi họ chịu sự giới hạn về tài chính của bản thân. Có hai nguồn chính tạo nên thu nhập của sinh viên: nguồn phụ cấp từ gia đình và thu nhập từ làm thêm. Ngoài ra, một số sinh viên có kết quả học tập tốt còn có thể có thêm nguồn thu nhập thứ ba từ học bổng. Mức tài chính này ở mỗi nhóm sinh viên cũng có sự khác biệt nhất định. Nguồn tài chính có hạn song phải chi tiêu rất nhiều thứ từ ăn uống, nhà ở, học phí, đi lại, giải trí và các chi phí cá nhân khác nữa, cho nên khi lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm, các bạn sinh viên đều phải chú ý tới khả năng chi trả của mình mà lựa chọn sản phẩm cho phù hợp.

Điểm nổi bật thứ ba trong triết lý tiêu dùng của sinh viên ở Hà Nội chính là thông qua hành vi tiêu dùng, các bạn sinh viên thể hiện văn hóa thẩm mỹ, phong cách cá nhân, cá tính và sự sáng tạo, đồng thời tương xứng với lứa tuổi trẻ trung của mình. Thời đại của những người tiêu dùng thông minh nằm ở sự tiêu dùng văn minh, hiện đại, phù hợp với văn hóa dân tộc song vẫn bắt kịp xu thế toàn cầu. Thông qua lối ăn mặc, phong cách cá nhân và hành vi tiêu dùng của mình, các bạn sinh viên thể hiện sự trẻ trung, năng động, cá tính và gu thẩm mỹ của mình.

Thứ hai là thị hiếu tiêu dùng. Xuất phát từ triết lý tiêu dùng của bản thân, sinh viên xác lập hệ thống các giá trị, chuẩn mực dẫn dắt hành vi tiêu dùng của mình… Sinh viên ở Hà Nội có rất nhiều cơ hội để tiếp cận với VHTD của xã hội văn minh, hiện đại, với nhiều chủng loại sản phẩm phong phú, đa dạng và được sự trợ giúp của công nghệ tiên tiến. Kéo theo sự phát triển mạnh mẽ của thị trường tiêu dùng toàn cầu, nhu cầu tiêu dùng của sinh viên hiện nay cũng đa dạng, phức tạp hơn, nhu cầu cao không chỉ trong tiêu dùng vật chất mà còn cả trong các hoạt động tiêu dùng văn hóa tinh thần.

Thứ ba là hành vi tiêu dùng. Khi được hỏi về nhóm sản phẩm mà các bạn sinh viên sử dụng nhiều nhất, kết quả cho thấy, đứng đầu là thực phẩm (47%), tiếp đến là các sản phẩm quần áo và làm đẹp (28%), trong khi đó nhóm sản phẩm giáo dục lại chiếm cơ cấu thấp (6%) (6). Có một sự chênh lệch trong lựa chọn các nhóm sản phẩm tiêu dùng của sinh viên nam và sinh viên nữ, thể hiện rõ nét hành vi tiêu dùng của sinh viên từng giới. Các bạn sinh viên nam có xu hướng tiêu dùng nhiều hơn cho nhóm thực phẩm, nhóm sản phẩm giáo dục và thông tin – liên lạc. Trong khi đó, các bạn sinh viên nữ lại tiêu tốn nhiều cho nhóm quần áo và các sản phẩm làm đẹp, tiết kiệm và các khoản khác như sinh nhật bạn bè, giao lưu ngoài xã hội.

Trước sự bùng nổ của mạng xã hội toàn cầu, sinh viên dễ tiếp cận với nhiều thông tin từ các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Instagram… Các trang bán hàng hầu như đều cập nhật đầy đủ thông tin về sản phẩm, từ kiểu dáng, màu sắc, chất liệu, nguồn gốc xuất xứ đến giá cả của sản phẩm. Do vậy, xu hướng mua hàng qua mạng xã hội đang rất phổ biến hiện nay, đặc biệt là đối tượng sinh viên đại học. Tuy nhiên, một kênh thông tin quan trọng không thể bỏ qua từ bạn bè, người thân giới thiệu cũng được các bạn sinh viên hết sức lưu tâm. Lựa chọn sản phẩm thông qua tham khảo lời khuyên từ bạn bè, gia đình giúp chủ thể tiêu dùng có được sự tin cậy, lời khuyên hợp lý từ những người thân quen vốn đã và đang dùng sản phẩm đó. Điều này giúp giảm thiểu nhiều rủi ro khi lựa chọn tiêu dùng các sản phẩm.

Thứ tư là phương thức thanh toán. Thế giới hiện nay đang bước vào cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0, những thành tựu số hóa đã đưa con người trên khắp hành tinh xích lại gần nhau hơn, VHTD cũng vì thế mà có những bước tiến mới. Có hai phương phức thanh toán mà xã hội Việt Nam đang áp dụng: phương thức thanh toán trực tiếp bằng tiền mặt và phương thức thanh toán gián tiếp không dùng tiền mặt. Sinh viên thích mua sắm trực tuyến bởi đây là hình thức mua sắm hiện đại, tiện lợi, tiết kiệm thời gian, tiết kiệm chi phí đi lại, dễ dàng thực hiện và có thể tìm hiểu thông tin trước khi mua, thêm nữa, còn được giao hàng tận nhà. Dù là với hình thức mua hàng trực tuyến hay trực tiếp, người mua cũng có thể lựa chọn phương thức thanh toán có dùng tiền mặt hay qua chuyển khoản. Khi được hỏi về phương thức thanh toán thường xuyên sử dụng, 61% các bạn sinh viên thường thanh toán bằng tiền mặt, số còn lại sử dụng phương thức thanh toán qua thẻ hoặc ngân hàng điện tử (7). Phương thức thanh toán bằng tiền mặt là hình thức thanh toán truyền thống, quen thuộc, đơn giản do các bên trực tiếp chi trả tiền mặt cho nhau, không qua trung gian. Còn tiêu dùng thanh toán không dùng tiền mặt, mặc dù mới xuất hiện, nhưng đang được ưa chuộng trong giới trẻ với một số ưu điểm nổi bật: đơn giản, dễ thực hiện, hạn chế rủi ro từ việc mang theo tiền mặt, dễ dàng hơn khi thanh toán quốc tế và kiểm tra chi tiêu lưu trên hệ thống.

Phương thức thanh toán là một thành tố trong hoạt động tiêu dùng, biểu hiện và tạo nên những nét khác biệt trong VHTD của cá nhân, nhóm hay toàn xã hội. Sự biến đổi trong phương thức thanh toán của sinh viên cũng cho thấy sự thay đổi về tư duy, tâm lý, triết lý tiêu dùng, biểu hiện trong hoạt động tiêu dùng. Phương thức thanh toán góp phần định hình VHTD của xã hội hiện đại, trong đó nhấn mạnh đến đối tượng tiêu dùng trẻ tuổi đang trong quá trình hội nhập với VHTD toàn cầu.

Với đặc điểm sôi nổi, nhiệt tình, có trình độ nhận thức khái quát, nhạy bén, sinh viên có thể nhanh chóng tiếp thu và nắm bắt với cái mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận xét: “Óc của những người tuổi trẻ sạch như một tấm lụa trắng, nhuộm xanh thì nó sẽ xanh, nhuộm đỏ thì nó sẽ đỏ” (8). Vì vậy, để hình thành thói quen tiêu dùng hợp lý, thông minh, xây dựng VHTD cho tương lai, cần chú trọng trước hết vào giới trẻ. Đó là con đường lâu dài cho sự phát triển kinh tế nước nhà cũng như hòa vào dòng chảy công cuộc xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc hiện nay. Xây dựng VHTD cho sinh viên trong bối cảnh sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức là một hướng đi lâu dài, mang tầm chiến lược, nhằm xây dựng một thế hệ người tiêu dùng thông thái cho tương lai.

_______________

1. Lê Như Hoa, Văn hóa tiêu dùng, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 1998, tr.59.

2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Kỷ yếu Hội thảo Văn hóa tiêu dùng hàng Việt Nam – Từ nhận thức đến hành động, Hà Nội, 2014, tr.16.

3, 4. Tổng cục Thống kê, Niên giám thống kê, 2017, tr.715, 747.

5. Holt, John A. Quelch, Earl L. Taylor, How Global Brands Compete (Các nhãn hiệu toàn cầu cạnh tranh nhau ra sao), Harvard Business Review, 82 (September, 2004), pp.70.

6, 7. Theo kết quả điều tra xã hội học của tác giả trong công trình Văn hóa tiêu dùng của sinh viên Thủ đô Hà Nội (qua khảo sát ba trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Ngoại thương và Học viện Báo chí Tuyên truyền), 2017.

8. Hồ Chí Minh toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.489.

Tác giả: Lê Thị Trang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 440, tháng 10-2020