Văn hóa là một lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội
(CLO) Các ý kiến tham luận tại Hội nghị Văn hoá toàn quốc đều khẳng định, văn hóa là một lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội; có quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội nói riêng, với tổng thể chiến lược phát triển quốc gia nói chung.
Chiều 24/11, Hội nghị Văn hoá toàn quốc tiếp tục diễn ra tại hội trường Diên Hồng (Nhà Quốc hội) với phần tham luận của các đại biểu. Hội nghị tập trung thảo luận xung quanh việc quán triệt triển khai chiến lược phát triển văn hoá Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030.
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng đã có bài chia sẻ với nhiều nội dung trọng tâm. Trong đó, nêu bật những nội dung cụ thể hoá chiến lược về kinh tế, xã hội, phát triển đất nước gắn liền với phát triển văn hoá.
Các đại biểu tham dự Hội nghị.
Chiến lược tập trung vào các nội dung: Tiếp tục cụ thể hoá các quan điểm trong Nghị quyết XIII của Đảng rõ hơn, sâu hơn và phù hợp hơn với tình hình thực tiễn hiện nay; Xây dựng, phát triển văn hoá đậm đà bản sắc dân tộc nhân văn, dân chủ, thống nhất trong đa dạng các cộng đồng, các dân tộc là sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân.
Trong đó, Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, những người làm văn hoá nghệ thuật đóng vai trò nòng cốt; Phát triển văn hoá vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hoá, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống đẹp; Phát huy mọi nguồn lực để phát triển văn hoá trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc; Chủ động hợp tác, quảng bá các giá trị văn hoá Việt Nam ra thế giới…
GS.TS Lê Hồng Lý, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phát biểu tham luận.
Trong khuôn khổ Hội nghị, các ý kiến tham luận đều khẳng định, văn hóa là một lĩnh vực trọng yếu của đời sống xã hội; có mối quan hệ chặt chẽ với sự phát triển của các lĩnh vực chính trị, kinh tế, xã hội nói riêng, với tổng thể chiến lược phát triển quốc gia nói chung.
Cụ thể, nhìn nhận văn hoá ở trong mọi khía cạnh của cuộc sống, GS.TS Lê Hồng Lý, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam cho rằng, để khơi dậy những động lực và sức mạnh văn hoá, trước hết phải tạo ra được một xã hội có môi trường văn hoá nhân bản, lành mạnh và tiến bộ, mọi thứ trong môi trường đó phải rõ ràng, minh bạch.
Theo GS.TS Lê Hồng Lý, ngoài ra, cần có những chính sách, cơ chế phù hợp với lòng người để khơi dậy được triệt để nhất động lực văn hoá của con người trên mọi hoạt động, mọi khía cạnh của cuộc sống. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, trong lĩnh vực kinh tế, xã hội, động lực văn hoá và sức mạnh nội sinh của nó có thể đem lại một sức mạnh vô biên và nguồn lực kinh tế to lớn.
N.Hường