Văn hóa – Văn nghệ – Múa lân ngày Tết – một nét văn hóa đặc sắc…

Múa lân ngày Tết – một nét văn hóa đặc sắc không thể thiếu trong những ngày Tết

   

Từ xa xưa, lân đã là một trong bốn linh vật “Long – Lân – Qui –
Phụng” cao quý, linh thiêng và được người dân thờ cúng ở các đình, đền
thờ. Cứ độ vào những dịp lễ, Tết khi tiếng trống thùng thình, thùng
thình nổi lên, mọi người đều nghĩ ngay đến những chuyển động khỏe khoắn,
uy dũng của những con lân đầy màu sắc cùng điệu cười rất đỗi hồn nhiên
của ông Địa, đâu đó đã xóa tan đi cái không khí se lạnh của những ngày
giáp xuân. Ngày Tết là thế, con lân dường như đã trở thành món ăn tinh
thần không thể thiếu đối với tất cả mọi người trong văn hóa Á Đông nói
chung và của người Việt Nam nói riêng. Tuy nhiên lại ít ai biết rằng,
múa lân ngày Tết cũng được xuất phát từ một truyền thuyết dân gian.


Hình ảnh tái hiện Ông Địa với vẻ mặt tươi cười, hiền hậu dẫn dụ con lân

Tương truyền từ rất lâu, trên trần gian xuất hiện một con quái
thú luôn đi phá hại dân lành, gây ra bao nhiêu lầm than, khốn đốn. Mỗi
năm, con quái thú đó xuất hiện dưới trần gian một lần vào ngày Rằm tháng
tám để bắt người và thú vật ăn thịt, gieo rắc kinh hoàng cho khắp mọi
nơi. Người dân kêu thán, cúng vái và tìm mọi cách diệt trừ nó nhưng đều
thất bại trước sự hung hãn, mạnh bạo của nó. Vào một ngày nọ, người ta
thấy xuất hiện một người thầy tu với vẻ ngoài mập mạp, gương mặt phúc
hậu, hiền hòa, trên miệng lúc nào cũng cười toe toét, trên tay ông có
cầm linh chi thảo phẩy phẩy như để dẫn nhử con quái thú này. Như một
phép màu, con quái thú ấy liền đi theo ông và được ông dạy cho nó biết
ăn cỏ, từ đó con quái thú ấy đã thuần tính, quy phục theo ông. Từ đó,
hằng năm ông đều cho con quái thú đó xuống trần nhảy múa, mang đến cho
mọi người sự may mắn và phát tài phát lộc, đó cũng là một cách tạ lỗi
với nhân gian của con lân. Kể từ đó trong dân gian truyền tụng: “Kỳ lân
xuất thế, thiên hạ thái bình”.

Hình ảnh người thầy tu đó chính là
Đức Phật Di Lặc, còn con quái thú đó chính là con lân, hình ảnh đó đôi
khi ta cũng thường bắt gặp ở các tượng Đức Phật Di Lặc cưỡi trên lưng
con Kỳ Lân, đó cũng là con linh thú của người. Trong những dị bản khác,
cho rằng hình ảnh người thầy tu thuần phục con lân đó được thay bằng ông
thổ địa, ở Việt Nam hình tượng đó lại hóa trong nhân vật ông Địa với
cái bụng phệ to tròn, tay cầm quạt lá, mang mặt nạ, miệng cười rộng
toét, hai hàm răng to đều, biểu hiện cho sự vui tươi, lạc quan và trù
phú. Ông địa chỉ huy con lân, bảo gì lân cũng phải làm theo.

Truyền
thuyết về múa lân cũng phản ánh bài học về sự phục thiện, quay đầu là
bờ trong tín ngưỡng của người Á Đông, cũng điều dạy con người hãy luôn
hướng về nẻo thiện, không gì là quá muộn nếu ta biết sai và sửa chữa,
khắc phục những lỗi lầm của mình. Xuất phát từ chính truyền thuyết trên
mà múa lân thường được tổ chức vào các dịp Tết Trung thu, Tết Nguyên
đán, xông đất, các dịp khai trương, khánh thành công trình,.v.v… như
là một cách để người ta cầu mong sự thái bình, an yên.

Múa lân
ngày Tết giờ đây không chỉ là một nét đẹp văn hóa đặc trưng, mà còn là
biểu tượng của sự hài hòa, cân đối giữa những mưu cầu từ cuộc sống với
tính giáo dục từ triết lý nhân sinh. Một năm mới nữa lại đến, chúng ta
sẽ tiếp tục tin rằng những điều tốt đẹp vẫn diễn ra như những vũ khúc
tuyệt đẹp và ý nghĩa mà loại hình văn hóa múa lân mang lại./.

Trọng Phúc – CAAG