Vấn đề pháp lý liên quan đến giải thể doanh nghiệp
Vấn đề pháp lý liên quan đến giải thể doanh nghiệp
Ngày đăng: 25/04/2022 01:38 PM
Trong giai đoạn hiện nay, do chịu ảnh hưởng từ những biến động tiêu cực từ nền kinh tế toàn cầu, nền kinh tế Việt Nam có rất nhiều khó khăn. Các loại hình doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, là đối tượng chịu nhiều tác động nhất qua những biến động từ nền kinh tế. Có rất nhiều doanh nghiệp không thể trụ vững các đợt “sóng gió”, đặc biệt do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid – 19. Dịch bệnh đã tác động mạnh mẽ đến thị trường, dẫn đến việc các doanh nghiệp phải phá sản hoặc tiến hành các thủ tục để giải thể doanh nghiệp do không thể khắc phục những khó khăn bởi các yếu tố bất lợi mang lại.
Giải thể doanh nghiệp là việc doanh nghiệp chấm dứt hoạt động kinh doanh khi thấy sự tồn tại của doanh nghiệp không còn cần thiết hoặc bị giải thể theo quy định pháp luật. Nghĩa là bản thân doanh nghiệp có thể tự mình quyết định việc giải thể doanh nghiệp hoặc bị buộc phải tiến hành giải thể theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi vi phạm một trong các quy định của pháp luật.
Khác với phá sản, giải thể doanh nghiệp chỉ là một thủ tục hành chính nhằm chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp, theo ý chí của doanh nghiệp hoặc do cơ quan có thẩm quyền với điều kiện doanh nghiệp buộc phải bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác theo quy định của pháp luật. Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2020 đã có quy định tương đối rõ ràng về thủ tục giải thể doanh nghiệp.
Theo quy định tại điều 4 khoản 10 Luật Doanh nghiệp 2020, “Doanh nghiệp là tổ chức có tên riêng, có tài sản, có trụ sở giao dịch, được thành lập hoặc đăng ký thành lập theo quy định của pháp luật nhằm mục đích kinh doanh”. Ở Việt Nam hiện nay có rất nhiều các loại hình doanh nghiệp với các loại hình kinh doanh khách nhau, thường thì có các loại hình kinh doanh như: công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân thuộc mọi thành phần kinh tế, nhóm công ty,… Việc thành lập công ty để kinh doanh cũng trở lên đơn giản hơn bởi các dịch vụ tư vấn thành lập công ty rất phổ biến trên thị trường hiện nay. Chính vì vậy, việc lựa chọn được một hình thức doanh nghiệp phù hợp với tính chất kinh doanh, quy mô ngành nghề kinh doanh và khả năng của người bỏ vốn thành lập công ty là vô cùng quan trọng, có tác động tới sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp về sau.
Theo quy định tại khoản 1 điều 207, Luật Doanh nghiệp 2020 đã quy định doanh nghiệp bị giải thể trong trường hợp sau đây:
– Trường hợp 1: Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
– Trường hợp 2: Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân, của Hội đồng thành viên đối với công ty hợp danh, của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty đối với công ty trách nhiệm hữu hạn, của Đại hội đồng cổ đông đối với công ty cổ phần;
– Trường hợp 3: Công ty không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của Luật này trong thời hạn 06 tháng liên tục mà không làm thủ tục chuyển đổi loại hình doanh nghiệp;
– Trường hợp 4: Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.
Theo quy định tại Điều 211 Luật doanh nghiệp thì từ khi ra quyết định giải thể doanh nghiệp không được phép thực hiện các hoạt động sau:
– Cất giấu, tẩu tán tài sản;
– Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ;
– Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của doanh nghiệp;
– Ký kết hợp đồng mới, trừ trường hợp để thực hiện giải thể doanh nghiệp;Cầm cố, thế chấp, tặng cho, cho thuê tài;Chấm dứt thực hiện hợp đồng đã có hiệu lực;
– Huy động vốn dưới mọi hình thức.
Việc cấm những hành động trên nhằm mục đích bảo vệ lợi ích của chủ nợ, khách hàng và người tiêu dùng. Vì vậy, tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, cá nhân có hành vi vi phạm có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Có thể thấy rằng, vấn đề quan trọng nhất của giải thể doanh nghiệp là giải quyết những khoản nợ và những hoạt động mà doanh nghiệp đã giao kết chấm dứt tồn tại. Việc quy định doanh nghiệp chỉ được giải thể “khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác và doanh nghiệp không trong quá trình giải quyết tranh chấp tại Tòa án hoặc cơ quan trọng tài” nhằm đảm bảo tối đa quyền, lợi ích, của những người có liên quan tới hoạt động giải thể như người lao động, chủ nợ.
Trên là những tư vấn pháp lý về hoạt động giải thể doanh nghiệp mà The Lux Law Firm cung cấp. Chúng tôi luôn tự tin với đội ngũ chuyên viên pháp lý kinh nghiệm và chuyên nghiệp sẽ hỗ trợ được nhiều cho Quý đối tác/Quý khách hàng khi có nhu cầu liên quan.
Hãy liên hệ với Chúng tôi:
-
The Lux Law Firm
-
Lầu 5, Số 52 Đường Nguyễn Thị Nhung, Khu Đô Thị Vạn Phúc, Phường Hiệp Bình Phước, Thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
-
Hotline: (0283)6363568. M: 0987.290.273
-
Website: Theluxlawfirm.com.vn hoặc Theluxlaw.com