Văn Thù Bồ Tát Sư Lợi – Đại Biểu Cho Trí Tuệ Siêu Việt

Trong Phật giáo, mỗi vị Phật sẽ có hai vị Bồ Tát làm thị gỉa. Cũng như Đức Phật A Di Đà có hai vị thị giả là Quán Thế Âm Bồ Tát và Đại Thế Chí Bồ Tát thì Đức Phật Thích Ca có Phổ Hiền Bồ Tát và Văn Thù Bồ Tát làm thị giả, xưng là Hoa Nghiêm Tam Thánh. Người đời còn biết đến Văn Thù Bồ Tát là một trong 8 vị Phật bản mệnh cho 12 con giáp. 

Truyền thuyết về Văn Thù Bồ Tát và danh xưng của Ngài

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát có tên gọi đầy đủ là Văn Thù Bồ Tát Ma Ha Tát, tiếng Phạn gọi là Manjushri, dịch ra là Văn Thù Thi Lợi, Mạn Thù Thất Lợi, dịch ý là Diệu Cát Tường, Diệu Đức. Trong đó, ý tứ của Diệu Âm, Diệu Đức là âm thanh êm ái nhẹ nhàng, đức độ ôn nhu thanh thuần. Trong các vị Bồ Tát đệ tử của Phật Thích Ca Mâu Ni, Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là thượng thủ, phụ giúp Đức Thế Tôn Hoằng Pháp nên được danh xưng là Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử Bồ Tát. 

Trong tất cả những kinh điển Phật Giáo Đại Thừa như kinh: Hoa Nghiêm, thủ Lăng Nghiêm, Pháp Hoa…có nhắc đến ngài Văn thù Sư Lợi thường thay mặt Đức Thế Tôn thuyết giảng chánh pháp, có nhiều khi Ngài lại là người dẫn dắt, giới thiệu cho thính chúng những bài giảng pháp quan trọng của Đức Bổn Sư.

Ngài thấu hiểu Phật tính bao gồm cả ba đức: Pháp thân, Bát Nhã và Giải thoát cho nên trong hàng Bồ tát Ngài là thượng thủ, đại diện cho trí tuệ đạo đức và chân lý tinh thần. Ngài chính là vị Bồ Tát tượng trưng cho kinh nghiệm giác ngộ và ánh sáng tri thức, đạt được thành quả tu hành thông qua phương tiện tri thức. Danh xưng của Ngài chính là xuất phát từ ý nghĩa Phật giáo mà Ngài mang, soi tỏ chúng sinh bằng tiếng nói dịu dàng và ánh sáng của đức độ.

duc-phat-thich-ca-va-hai-thi-gia-van-thu-bo-tat-vapho-hien-bo-tat

Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thấu triệt chân lý của thế gian, có khả năng soi rọi và chuyển hóa mọi khổ sở, phiền não, u minh, dục ái, ô nhiễm thành thanh tịnh, đưa chúng sinh vượt qua cảnh giới trần tục, tiến tới thân tâm an lạc, đạt tới sự giải thoát toàn diện cả về thân lẫn về tâm.

Văn Thù Sư Lợi là Vương Chúng thái tử- con trai thứ ba của vua Tránh Niệm. Từ nhỏ , Ngài đã có tâm tính giác ngộ, sau khi tu tập đã phát 23 lời nguyện, Ngài chứng ngộ thành Phật, xưng danh là Bồ Tát với trách nhiệm khai mở trí tuệ, đưa chúng sinh đến với giác ngộ, nhận ra con đường chân lý của tri thức để thoát khổ, gạt bỏ muộn phiền. 

Trong Phật Giáo Đại Thừa: Văn Thù Sư Lợi cùng với Phổ Hiền Bồ Tát (Samanta-bhadra) là hai vị hầu cận hai bên phải trái của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Śākyamuṇi) nên người đời xưng là Hoa Nghiêm Tam Thánh. Do Văn Thù Sư Lợi là Thượng Thủ (Pramukha) trong hết thảy Bồ Tát Đệ Tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, phụ giúp Đức Thích Tôn hoằng Pháp. Nhân đây được xưng là Văn Thù Sư Lợi Pháp Vương Tử (Mañjuśrī-dharma-rāja-putra) .

Chính vì mang trên mình trọng trách như vậy nên vị Bồ Tát này được kính ngưỡng với ý nghĩa là khai thị và thức tỉnh chúng sinh. Ngài xưng Đại Trí – trí tuệ lớn, trí tuệ thấu cõi, biện tài vô ngại, dùng trí tuệ của mình dẹp tan mọi chướng ngại, không lùi bước trước bất cứ khó khăn, khổ não nào, đứng ra lý giải những phạm trù tinh yếu cốt lõi của triết lý đạo Phật

Theo phong thủy và tâm linh, Bồ Tát Văn Thù là Phật bản mệnh của người tuổi Mão, có địa vị hiển hách, uy danh lẫy lừng.

Hình tượng Văn Thù Bồ Tát

Văn Thù Bồ Tát là vị Phật đại diện cho trí tuệ. Trí tuệ của Ngài là sự hiểu biết tường tận chân lý , có khả năng soi rọi, phiền não, dục vọng, tham ái thành thanh tịnh, đưa nhận thức vượt ra khỏi mọi phạm trù và được giải thoát. Hình tượng của Văn Thù Bồ Tát trong dân gian được lưu truyền với nhiều hình tướng khác nhau, nhưng có một điểm chung là vẻ ngoài thanh tú, trang nghiêm. 

Hình tượng của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát có nhiều loại. Hoặc tượng Văn Thù mặc áo cỏ, hoặc tượng Văn Thù mang tướng Tăng, hoặc làm hình Đồng Tử, hoặc tướng vượt qua biển… song, tượng Văn Thù có tay phải cầm cây kiếm trí, tay trái cầm hoa sen xanh (hoặc cầm quyển Kinh Bát Nhã), cưỡi trên con sư tử xanh là thường thấy.

Hình tượng cầm cây kiếm ngồi trên lưng sư tử biểu thị cho sự sắc bén của Pháp Môn. Tay phải cầm cây kiếm báu Kim Cương chặt đứt tất cả phiền não của chúng sinh, dùng tiếng rống của sư tử không sợ hãi, trấn tỉnh chúng sinh đang bị mê đắm. Mật Tông Phật Giáo dựa vào số chữ nhiều ít tại Mật Bộ mà phân ra là: Nhất Tự Văn Thù, Ngũ Tự Văn Thù, Lục Tự Văn Thù, Bát Tự Văn Thù…hoặc dựa vào hình trạng của búi tóc trên đỉnh đầu của Ngài mà chia ra: Nhất Kế Văn Thù, Ngũ Kế Văn Thù, Bát Kế Văn Thù… .)Ngũ Tự Văn Thù, tên Phạn là Mañju-ghoṣa, dịch âm là Mạn Thù Già Sa, dịch nghĩa là Diệu Âm, tức dùng năm chữ A La Ba Tả Na làm Chân Ngôn của Văn Thù Bồ Tát .

A (゚_ A): nghĩa là vốn vắng lặng không có sinh (Tỳ Lô Giá Na Phật nói)

 La (ᜐ_RA): nghĩa là vốn trống rỗng lìa bụi bặm (A Súc Phật nói) 

Ba (ᛈ_PA): nghĩa là vốn chân thật không có nhiễm dính, lìa dơ bẩn (Bảo Sinh Phật nói) 

Tả (ᘔ_ CA): nghĩa là vốn trong sạch, hành màu nhiệm (Quán Tự Tại Vương Như Lai nói)

 Na (ᚼ_ NA): nghĩa là vốn trống rỗng, không có Tự Tính (Bất Không Thành Tựu Như Lai nói) 

hinh-tuong-van-thu-su-loi-bo-tat

Dù Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát ở trong bất kỳ hình tướng nào thì mọi chi tiết trong đó đều biểu thị trí tuệ và tâm từ bi của Ngài. 

Mũ Phật trên đầu tượng trưng cho ngũ trí Phật, năm xoáy là biểu tượng của nội chứng ngũ trí: nhất thiết chủng trí, đại viên kính trí, bình đẳng tính trí, diệu quan sát trí, thành sở tác trí.

Lưỡi kiếm là trí huệ sắc bén, biểu tượng đặc trưng của Văn Thù Sư Lợi hàm nghĩa chặt đứt mọi vô minh phiền não khổ ải, kiên quyết đoạn tuyệt với những tối ám xấu xa luôn trói buộc chúng sinh, đẩy chúng sinh vào bất hạnh bể khổ, vào luân hồi sinh tử và đưa con người đến với thánh đường trí tuệ đầy viên mãn.

Trên tay cầm kinh Bát Nhã, cành hoa sen và kết ấn chuyển pháp luân, tượng trưng cho sự thức tỉnh và giác ngộ cùng trí tuệ sâu rộng. Đến với Phật pháp, con người sẽ tiến tới cảnh giới của tâm từ bi, trí rộng mở, xa rời tất cả những tham sân si tầm thường của đời sống.

Sư tử xanh – chúa tể rừng xanh với sức mạnh và uy lực vượt trội, biểu tượng cho công năng của trí tuệ. Bồ Tát do trí tuệ viên mãn thuyết pháp giúp chúng sinh tỉnh ngộ , phá dẹp tất cả tà thuyết. Khi chánh pháp vang nên, tất thảy tà pháp bị diệt, cũng như con sư tử khi rống lên thì tất cả muôn thú phải nể phục. 

Ngày vía Văn Thù Bồ Tát

4/4 âm lịch hàng năm là ngày vía Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát. Trong ngày này, ngoài việc tổ chức lễ cúng để thể hiện sự kính ngưỡng, trân trọng với Ngài, chúng Phật tử và tất thảy chúng sinh nên chăm chỉ làm việc thiện, tích phúc  đức. Nhắc lại những truyền thuyết, hạnh nguyện cùng với hiểu biết về đức độ của Ngài để học tập và noi theo, sống đời trân quý.

23 Hạnh Nguyện Của Văn Thù Bồ Tát

Văn Thù Bồ Tát khi thành Phật đã phát 23 hạnh nguyện cao đẹp, nguyện dành cuộc đời mình để hoàn thành đại nguyện, hướng chúng sanh đến con đường giác ngộ và tu dưỡng. 

Dưới đây là 23 hạnh nguyện của Ngài khi thành Phật:

Thứ nhất, công đức cúng dường Phật tăng, hồi hướng bồ đề, nguyện trải qua hằng hà sa kiếp Bồ Tát để hóa độ chúng sinh, không vì lợi ích của mình mà cầu chứng quả.

Thứ hai, nguyện độ hóa tất cả chúng sinh muôn loài ở mười phương tám hướng, phát tâm cầu đạo vô thượng chánh đẳng giác, giữ gìn tâm bồ đề bền chắc và khuyến hóa lục độ.

 Thứ ba, nguyện giáo hóa vô số chúng sinh ở các thế giới đều thành Phật thuyết pháp, trong khi thuyết pháp làm sao để mọi người đều thấu triệt.

Thứ tư, nguyện trong khi tu đạo Bồ Tát sẽ làm vô lượng việc Phật và sinh ra đời nào cũng quyết tu theo đạo.

Thứ năm, nguyện bao nhiêu chúng sinh mình dạy dỗ đều được thanh tịnh, có phép thiền định ở cõi phạm thiên, tâm ý không còn điên đảo, có như vậy mới đích thực là thành đạo.

Thứ sáu, nguyện mang mọi hạnh nguyện đến cõi Phật trang nghiêm và nguyên coi hết thảy cõi Phật hiệp chung lại thành một thế giới. Trong cõi ấy không có cát bụi, chông gai, dơ bẩn cũng không có những cảm xúc thô lậu, ác độc và xấu xa. Hết thảy chúng sinh đều hoá sinh và tụ tập pháp thiền định, vui vẻ tự nhiên, không cần vật chất ăn uống. 

Thứ bảy, nguyện cho tất thảy đều là bậc Bồ Tát, căn tính cao thượng, tâm trí sáng suốt, xa rời sự tham lam, hờn giận, ngu si và tu được các môn phạm hạnh.

Thứ tám, chúng sinh về cõi Phật đều đủ tướng mạo Tỳ Khưu, cạo tóc, mặc y phục chỉnh đốn.

Thứ chín, nguyện đem bố thí, trước hết dâng cúng cho các Đức Phật, Bồ Tát, Thanh Văn và Duyên Giác, sau nữa là chúng sinh nghèo hèn và các loài ngạ quỷ đói khát để tất cả đều no đủ.

Thứ mười, có sức thần thông, tiêu dao tự tại, không gì ngăn cách, đi khắp thế giới để cúng dường Phật, bố thí và diễn thuyết các pháp cho chúng sinh nghe.

Làm sao để thịnh nguyện Văn Thù Bồ Tát Sư Lợi

Văn Thù Bồ Tát là vị Phật đại diện cho trí tuệ và ánh sáng của trí tuệ, Ngài dùng đại trí của mình để xóa bỏ mọi tăm tối, ác nghiệp trong cuộc đời, thấu hiểu đạo lý, giác ngộ Phật pháp, rõ ràng về chân lý giác ngộ siêu việt. Ngài dùng trí tuệ của mình để giáo hóa chúng sanh, đưa chúng sanh thoát khỏi mê lầm, giác ngộ, tỉnh thức trong đời sống. 

Người ta nghĩ Ngài là vị Bồ tát cứu độ, nhưng Ngài chỉ là người giúp chúng sinh giác ngộ, bản thân mỗi chúng ta đã có đầy đủ tình yêu, trí tuệ, lòng từ bi, trắc ẩn, chỉ là chưa phát huy hết những điều đẹp đẽ sẵn có trong tâm hồn mỗi người, chúng ta bị vô minh che lấp, không chịu thức tỉnh nên không đón nhận và sử dụng được những kho báu trí tuệ sẵn có, không nhận ra bản chất thân tâm bản tính của mình. 

Vì vậy, khi gặp khổ nạn, lầm đường lạc lối, đánh mất tự tính chân tâm thì hãy cầu khấn, kính ngưỡng, hướng tâm tới Văn Thù Bồ Tát Sư Lợi để được ngài khai thông trí tuệ, nhận ra ánh sáng giác ngộ nội tại bên trong mỗi người. Chỉ khi bạn hiểu chính mình, nhìn nhận mọi chuyện trong ý thức bản chất tinh khiết , thuần nhất, chứa đựng tình yêu thương, lòng trắc ẩn tự nhiên bên trong chính mình, đó là lúc chúng ta thực sự thỉnh được Bồ Tát Sư Lợi.

van-thu-bo-tat-su-loi-va-nhung-hanh-nguyen-cao-dep

Hãy luôn thành tâm, thấu hiểu và dõi theo những hạnh nguyện của Ngài, noi theo lối sống tỉnh thức, khơi dậy tình yêu thuần khiết, trí tuệ nơi chân tâm của mình và góp phần lan tỏa những giá trị cao đẹp tới mọi người xung quanh. Có như vậy chúng ta mới thoát khỏi mọi mê lầm, tăm tối, xây dựng một cộng đồng hòa ái, an lạc và hạnh phúc. 

Trí tuệ luôn song hành với hiểu biết, lòng từ bi, tình yêu, luôn sẵn sàng phát tâm bồ đề, tu hạnh lành, giữ giới, gieo nhân thiện và cảm hóa chúng sanh cùng tu tập với mình. 

Nếu hay đi chùa chiền lễ lạt nhưng tâm không thành, thân không an, cúng dường chỉ với mục đích mưu cầu cho những lợi ích cá nhân, cho dù quỳ dưới chân Phật, đi chùa, nghe kinh nhưng không thấu được trí tuệ nhà Phật , không hiểu từ bi của Ngài, không học hỏi được những thâm ý sâu xa thì cũng coi như vô ích, dâng hương lễ Phật chỉ là nghi thức. 

Bài viết trên được Viễn Chí Bảo sưu tầm và tổng hợp từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau. Hi vọng sẽ mang đến cho các bạn những hiểu biết về Phật giáo.