Vai trò của văn nghệ trong công tác tư tưởng hiện nay

Vai trò của văn nghệ trong công tác tư tưởng hiện nay

Thứ 6, 18/11/2022 – 8:0

*Thúy Quang

 

 Trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, nhận thức của Đảng ta về văn hóa, văn học, nghệ thuật đối với xây dựng nền tảng tinh thần xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam đã được  khẳng định trong Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) “về tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật trong thời kỳ mới” Đảng ta nhấn mạnh: “Văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân, thiện, mỹ của con người, là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam”. Đây là những đánh giá hết sức đúng đắn về vai trò của văn học, nghệ thuật, chứng tỏ sự quan tâm thường trực của Đảng và Nhà nước đối với văn học, nghệ thuật, đối với việc xây dựng con người và trong chức năng thực thi công tác tư tưởng chính trị thời kỳ đổi mới và hội nhập. 

Có thể nói trong lịch sử phát triển hàng nghìn năm của dân tộc, văn học, nghệ thuật Việt Nam đã hun đúc nên một truyền thống sâu sắc và độc đáo. Đó là nền văn học, nghệ thuật yêu nước và nhân văn, gắn bó máu thịt với Nhân dân và dân tộc, trở thành nguồn sức mạnh nội sinh to lớn, góp phần trực tiếp vào sự nghiệp dựng nước, giữ nước và phát triển đất nước. Ra đời, trưởng thành và phát triển trong những năm tháng cả dân tộc chiến đấu kiên cường, đầy hy sinh, gian khổ chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ, chiến đấu bảo vệ vững chắc biên cương, lãnh thổ của Tổ quốc, được nhân dân hết lòng yêu mến, đùm bọc và quý trọng, đội ngũ văn nghệ sĩ cách mạng Việt Nam đã không ngừng trưởng thành và lớn mạnh. Nhiều văn nghệ sĩ ra mặt trận, vừa cầm bút vừa cầm súng, nhiều người đã anh dũng hy sinh trong tư thế của người chiến sĩ, người anh hùng. Các thế hệ văn nghệ sĩ đã có mặt trên mọi mặt trận chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa, ngoại giao… trong bất cứ thử thách và hoàn cảnh nào, cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đến nay, nhìn lại, dù có thể chỉ ra một vài hạn chế có tính lịch sử khó tránh khỏi, thì chúng ta vẫn hoàn toàn có quyền tự hào rằng, giai đoạn văn học, nghệ thuật đó đã có những đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc, vì độc lập, tự do, vì thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân và khát vọng chủ nghĩa xã hội. 

Bước sang thời kỳ hòa bình, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, văn học, nghệ thuật của chúng ta vừa tiếp tục phát huy truyền thống của mình trong kháng chiến, vừa là một tiếng nói trách nhiệm và tâm huyết, góp phần cùng với Đảng và Nhân dân tiến hành công cuộc đổi mới có ý nghĩa cách mạng sâu sắc từ năm 1986 đến nay. Hơn 30 năm qua, từ sức tác động mạnh mẽ của tư tưởng đổi mới, văn học, nghệ thuật đã vượt qua nhiều thách thức và khó khăn, tiếp tục phát triển, nỗ lực phản ánh chân thật cuộc sống đấu tranh, lao động, sáng tạo của Nhân dân, bước đầu tạo dựng nên một diện mạo mới của văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại, trong đó, một mặt tiếp tục phát huy các giá trị tốt đẹp trong truyền thống văn hóa, văn nghệ dân tộc là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn sâu sắc, giàu bản sắc dân tộc, mặt khác, cố gắng bám sát hiện thực đời sống trong cuộc đấu tranh phong phú, phức tạp ngày hôm nay và nỗ lực vươn lên sự phát triển toàn diện, ngày càng hiện đại, đa dạng hóa về nội dung và phương thức biểu hiện… 

Trong nhiều năm qua, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân tỉnh đã luôn quan tâm lãnh chỉ đạo, định hướng văn học, nghệ thuật, làm cho văn học, nghệ thuật Tuyên Quang gắn bó sâu sắc với cách mạng, với nhiệm vụ của từng giai đoạn, tự nguyện phục vụ sự nghiệp đấu tranh và xây dựng của Nhân dân, hiểu biết và gắn bó máu thịt với cuộc sống của Nhân dân, đó chính là cội nguồn sản sinh ra những tác phẩm, những công trình văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị, có sức tác động và ảnh hưởng tích cực đối với quần chúng. Đội ngũ văn nghệ sĩ trên địa bàn tỉnh tham gia sáng tạo tác phẩm và các công trình văn học, nghệ thuật có chất lượng, chiều sâu, góp phần định hướng và xây dựng con người mới. Nhiều tác phẩm của các văn nghệ sĩ Tuyên Quang khai thác chất liệu về vùng đất, con người Tuyên Quang hào hùng trong quá khứ, khát vọng vươn lên trong cuộc sống nên đã có được tiếng vang trong và ngoài nước, được công chúng yêu nghệ thuật đón nhận. Những tác phẩm văn học, nghệ thuật ấy là kết quả từ chủ trương, đường lối văn hóa văn nghệ đúng đắn của Đảng, kết hợp với tài năng sáng tạo của người nghệ sĩ, góp phần tích cực vào công tác tư tưởng của Đảng, vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Trước hết, phải kể đến các tác phẩm văn xuôi của các tác giả Tuyên Quang trong những năm qua đã bám sát và am hiểu những trăn trở của đời sống xã hội để phản ánh những cái hay, cái đẹp, đồng thời lên án cái xấu, cái ác của cuộc sống hiện thực  “phò chính, trừ tà” góp phần tích cực trong công tác tư tưởng của Đảng về xây dựng con người mới. Điển hình là nhà văn Trịnh Thanh Phong, một tác giả viết tiểu thuyết, truyện ngắn nổi tiếng, ông đã cho ra đời nhiều tác phẩm có giá trị, trong đó tiêu biểu là tiểu thuyết “Ma làng” một trong những cuốn tiểu thuyết xuất sắc viết về đề tài nông thôn miền núi, thể hiện sâu sắc những biến chuyển quy luật của hiện thực làng quê Việt Nam. Cái hay của “Ma làng” là thể hiện được những nhân vật vô cùng ấn tượng về tính cách, khắc họa thành công chân dung của người dân miền núi trước và sau đổi mới với những lề thói, tập tục xưa cũ cùng sự tiếp nhận cái mới một cách thực dụng và hồn nhiên, tạo nên một bức tranh nông thôn rất đời, rất thực, đầy sinh sắc. “Ma làng” của nhà văn Trịnh Thanh Phong đã được chuyển thể thành phim truyện Việt Nam dài tập trình chiếu rộng rãi và được công chúng hoan nghênh đón nhận. Ngoài “Ma làng”, ông còn có nhiều Tiểu thuyết, truyện ngắn được giải thưởng “Cánh đồng chum”; “Đồng làng đom đóm”; “Cổ tích đời người”; “Ngày thơ dại”…

Cùng thế hệ với nhà văn Trịnh Thanh Phong, cố nhà văn Đinh Công Diệp với truyện ngắn “Rừng có tiếng người” Tiểu thuyết được Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao Giải xuất sắc về đề tài miền núi; nhà văn Phù Ninh với những tác phẩm như tiểu thuyết, kịch nói viết về lịch sử “Tân Trào rạng ngày Độc lập”, “Trần Nhật Duật”, “Người con gái Thăng Long”… tác phẩm của ông đã giúp người đọc tiếp cận, hiểu biết thêm về lịch sử của vùng đất anh hùng đã từng là Thủ đô Khu Giải phóng – Thủ đô Kháng chiến. Dựa trên các tư liệu của các bậc tiền bối từng hoạt động, gần gũi với Bác Hồ, qua những nhân chứng lịch sử sống trên mảnh đất Tân Trào, nhà văn Phù Ninh đã tái hiện được thời gian sống và làm việc những ngày gian khổ của Bác Hồ cùng với Trung ương Đảng lãnh đạo cách mạng đến thành công, đồng thời qua đó cũng thấy được tình cảm, sự che trở, giúp đỡ, bảo vệ của đồng bào Tuyên Quang đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, đối với cách mạng. Các tác phẩm của nhà văn Phù Ninh đã có tác dụng lớn trong việc giáo dục truyền thống lịch sử cho các thế hệ, đặc biệt là đoàn viên thanh niên. Tiếp sau thế hệ của các nhà văn đàn anh, nhà văn Vũ Xuân Tửu với một loạt truyện ngắn tiểu thuyết viết về đề tài miền núi: “Đám cháy trên cánh rừng đầu nguồn”, “Con chim lửa”, “Chuyện trong làng ngoài xã”… với sức viết phong phú, đặc sắc về đề tài miền núi, ông được trao Giải Nhất cuộc thi truyện ngắn tạp chí Văn nghệ Quân đội. Bên cạnh đó một số tác giả viết văn xuôi có sức sáng tạo dồi dào đã cho ra đời những tác phẩm hay, có giá trị như: Tác giả Đỗ Anh Mỹ, Nguyễn Đình Lãm, Hoàng Kim Yến, Bùi Quang Khánh,…

Các tác phẩm thơ của các tác giả Tạ Bá Hương với các tập thơ: “Đêm trở giấc”, “Đôi mắt đợi”; Đinh Công Thủy “Giấc mơ hạt thóc”; Nguyễn Tuấn với tập thơ “Lời sông hát”; Cao Xuân Thái “Mưa về Thành Tuyên”, “Nắng sông Lô”; Ngọc Hiệp “Lời ru giăng mắc”, “Tua rua trên núi”, “Hoa lòng”… Với những trải nghiệm và sáng tác dày dặn đã cho ra đời những tác phẩm hay, say đắm lòng người về quê hương, đất nước, tình yêu với mảnh đất Tuyên Quang, góp phần tuyên truyền, quảng bá những nét đẹp văn hóa xứ Tuyên.

Về lĩnh vực nghệ thuật, có thể nói các nghệ sĩ ở Tuyên Quang qua nhiều thế hệ đã góp tên tuổi của mình bằng những tác phẩm để đời có giá trị cao về nội dung và nghệ thuật đóng góp tích cực cho công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu về hình ảnh đất và người Tuyên Quang trong công cuộc xây dựng và phát triển của tỉnh nhà. Trước hết phải kể đến thế hệ đàn anh như cố Họa sĩ Văn Làn, Văn Đức, cố nhạc sĩ Phạm Công Khanh; Cố nghệ sĩ nhiếp ảnh Hải Hà; họa sĩ Công Mỹ, Mai Hùng; Lê Cù Thuần; nghệ sĩ nhiếp ảnh Quang Chính, Quang Minh, Mạnh Cường,… nhà đạo diễn biên kịch Nguyễn Vũ Phan, Phạm Xuân Đặng,… nhạc sĩ Tân Điều, Quang Minh, Tăng Thình,… đã cho ra đời hàng loạt các tác phẩm có giá trị, góp phần tuyên truyền giáo dục, đặc biệt thế hệ trẻ về tình yêu quê hương đất nước, từ đó có đóng góp xây dựng và phát triển tỉnh nhà ngày một giàu đẹp, văn minh.

Đặc biệt hơn nữa, hoạt động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được tỉnh tổ chức triển khai có hiệu quả, sáng tạo. Là vùng đất lịch sử, nơi chứng kiến nhiều hoạt động và mãi khắc ghi sâu đậm hình ảnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với những sự kiện trọng đại của dân tộc. Những sự kiện, điều kiện đó là những lợi thế để giới văn nghệ sĩ, nhà báo đi sâu khai thác những tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí có giá trị, giúp cho công chúng hiểu đầy đủ, sâu sắc hơn về việc học tập và làm theo Bác, từ đó có chuyển biến tích cực trong nhận thức, tình cảm và hành động; hình thành phong trào tu dưỡng, rèn luyện học tập và làm theo Bác. Kể từ khi phát động cuộc vận động sáng tác, quảng bá về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách

Hồ Chí Minh” từ năm 2009 đến nay, đã có hàng nghìn tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí của giới văn nghệ sĩ, nhà báo, những người làm công tác văn hóa, văn nghệ của tỉnh tham gia với sự tâm huyết, tài năng và đầy trách nhiệm đã sáng tác được hàng nghìn tác phẩm về chủ đề học tập và làm theo Bác, trong đó đã có trên 300 tác phẩm và gần 100 tập thể xuất sắc được trao Giải thưởng của tỉnh, của Trung ương. Đặc biệt Tuyên Quang đã vinh dự có 5 tác phẩm văn học, nghệ thuật và 3 tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác tuyên truyền, quảng bá được Ban Tuyên giáo Trung ương trao Giải thưởng.

Thực tế đã cho thấy, trong công tác tư tưởng của Đảng, bất cứ một chủ trương, chính sách nào được đưa ra mà không có sự tuyên truyền, hướng dẫn cụ thể, không được quần chúng đồng tình, ủng hộ thì những chủ trương, chính sách đó không thể đi vào cuộc sống và sẽ thất bại. Chính vì vậy để nâng cao hiệu quả của công tác tư tưởng hiện nay thì việc phát huy vai trò của văn học, nghệ thuật trong công tác tư tưởng của Đảng là hết sức cần thiết, bởi văn học, nghệ thuật là lĩnh vực tác động chủ yếu vào con người, đồng thời cả lý trí và tình cảm nhận thức và cảm xúc, tư duy và tâm hồn con người; văn học, nghệ thuật luôn hướng tới khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống Nhân dân và dự báo cho cả tương lai, do vậy nó luôn là môi trường độc đáo giữ vị trí đặc biệt và làm phong phú, sinh động cho toàn bộ hoạt động của công tác tư tưởng của Đảng.

Để tạo điều kiện cho văn học, nghệ thuật phát triển, Đảng và Nhà nước ta cần tiếp tục quan tâm, khuyến khích mọi tìm tòi, tôn trọng tự do sáng tạo của người nghệ sĩ, xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù đối với văn học, nghệ thuật và văn nghệ sĩ phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội của từng địa phương và cả nước. Chúng ta luôn luôn mong muốn, tin tưởng, kỳ vọng đội ngũ văn nghệ sĩ có nhiều tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật; phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện hiện thực đất nước ta trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển. Hơn lúc nào hết, người nghệ sĩ phải bám sát cuộc sống, dám đi vào những mũi nhọn của cuộc sống trong nông nghiệp, công nghiệp, trong thương trường, trên mặt trận an ninh, quốc phòng; đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số, biên cương, hải đảo để phát hiện và phản ánh những nhân tố mới, cách làm hay, những vấn đề mới nảy sinh trong xã hội, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các nhiệm vụ của xã hội. Chỉ có như vậy, văn học, nghệ thuật của chúng ta mới có những tác phẩm hay, lay động lòng người và cần thiết cho công chúng góp phần hữu hiệu trong công tác tư tưởng của Đảng.

T.Q

                                                                    

 

Lượt xem:138


Bản in