Vai trò của văn học nghệ thuật trong công cuộc đổi mới

Nhìn lại vai trò, trách nhiệm của văn học nghệ thuật (VHNT) đã đóng góp gì vào quá trình 35 năm đổi mới của đất nước, hội thảo khoa học toàn quốc “VHNT với những vấn đề quan trọng cấp thiết của đất nước hôm nay”, đã chỉ ra nhiều khiếm khuyết và những tranh luận mang tính định hướng cho VHNT hiện nay.

Ý kiến của PGS.TS. Đào Duy Quát đã đặt ra trách nhiệm của VHNT trước tình trạng một bộ phận cán bộ đảng viên, quần chúng “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, tiêu cực xã hội và tệ nạn xã hội gia tăng. Trong đó, nguyên nhân nổi rõ là việc chạy theo thị hiếu tầm thường của một bộ phận công chúng.

Cụ thể là có nhiều tác phẩm tầm thường cả về tư tưởng và nghệ thuật với những biểu hiện chủ yếu xa lánh những vấn đề lớn của sự nghiệp đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, chạy theo các đề tài nhỏ nhặt tầm thường, chiều theo thị hiếu thấp kém của một bộ phận công chúng, buông bỏ chức năng giáo dục của VHNT.

Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc, nhiều tham luận cũng chỉ ra rằng trong thời gian qua chúng ta không có những tác phẩm để đời. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: “Nhiều năm nay không có bài hát nào hay cả”.

 Trong khi đi cùng với lịch sử, đất nước đã có rất nhiều bài hát, nhiều tác phẩm văn học “mang sức mạnh những binh đoàn” và có sức sống lâu bền cùng năm tháng. Khi tác giả không cùng nhịp thở thời đại, không nói được tiếng nói nhân dân, trăn trở cùng những vấn đề thời cuộc, xa rời cuộc sống sẽ “lãng quên sứ mệnh” và khó lòng có những tác phẩm lớn.

PGS.TS. Đào Duy Quát, cho rằng: “Không ít những tác phẩm truyền bá lối sống vô văn hóa, phản văn hóa, một số tác phẩm truyền bá những tư tưởng độc hại, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, đất nước”. Thực sự đây là tình trạng đáng báo động.

Tuy nhiên, nhà phê bình Ngô Thảo lại biện minh rằng: “Nói sự hư hỏng của cán bộ có tội của VHNT là hơi oan quá”. Theo ông Thảo, để phát triển VHNT, trong tương lai “phải huy động 11 triệu cán bộ thưởng thức VHNT”, “5 triệu đảng viên thì ít nhất cũng phải xem những phim về Bác Hồ, phải đào tạo nâng cao nhận thức, trình độ của đội ngũ cán bộ lãnh đạo về VHNT”.

Lập luận này có vẻ hơi thiếu tính biện chứng và thực tế. Bởi cuộc sống vẫn đang diễn ra với nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng lớn, hàng triệu người mỗi ngày vẫn bật ti vi xem phim Trung Quốc, phim Mỹ, phim Hàn…

Những tác phẩm văn học thế giới được dịch sang tiếng Việt Nam vẫn rất “hot” ngay trước khi ra sạp, nên cần xem lại sức vóc của nền VHNT Việt Nam đang đứng ở tầm mức nào? Tại sao chưa tạo nên sức hút và dễ bị chìm khuất giữa làn sóng VHNT thế giới ngay trong bộ phận công chúng Việt Nam.

Nhưng ở góc độ cơ chế sáng tác, chúng ta cần nhìn nhận phải có sự thông thoáng hơn trong lĩnh vực sáng tác. Kiến nghị của PGS.TS. Đào Duy Quát là vô cùng quan trọng: “Đặc biệt cần sớm ban hành luật về tự do sáng tạo trong VHNT, hoàn thiện hơn pháp luật về sở hữu trí tuệ, luật bản quyền”.

Với tư cách là độc giả, là khán giả, bản thân tôi vô cùng khao khát những tác phẩm có được chiều kích không gian sáng tác tự do hơn, sáng tạo hơn. Rút ra vấn đề sáng tác về đề tài lịch sử, chúng ta còn quá trói buộc, cứng nhắc, chính điều này làm những nhân vật lịch sử khó đi vào VHNT. Tại sao người Việt quá “mê mẩn” Quan Công, Lưu Bị, Khổng Minh, thậm chí nhiều gia đình Việt Nam còn thờ tượng Quan Công.

Một quan nhỏ như Bao Công có đến hàng trăm phiên bản phim và “gây nghiện” mấy thế hệ khán giả Việt Nam. Đó là họ được quyền sáng tác về những nhân vật lịch sử với góc nhìn huyền sử, dã sử, nhân vật lịch sử với tư cách nhân vật của nghệ thuật sáng tác.

Trong khi lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của chúng ta có biết bao nhân vật lịch sử lừng lẫy, rất dễ dựng thành phim, rất dễ đi vào đời sống văn học. Nhưng phần lớn tác giả Việt Nam còn thiếu nền tảng, thiếu cảm hứng lĩnh vực này (?!)

Trong lĩnh vực âm nhạc, nhiều tác giả xuất hiện theo xu hướng thị trường, bởi nó rất dễ sáng tác. Có loại âm nhạc mà ai cũng có thể sáng tác vài ba bài mỗi ngày, thứ nhạc chẳng có giai điệu, ca từ dễ dãi nhưng lại được ca tụng, đu bám.

Nhìn nhận từ hai phía, VHNT cần được có không gian sáng tạo nhưng chúng ta cũng cần những tác giả có tài năng, có nền tảng văn hóa, lịch sử dân tộc, cần có trái tim cùng nhịp đập với nhân dân. Đặc biệt, cần có nền tảng học thuật, khoa học mới có thể đi đường dài và những tác phẩm lớn mang hơi thở thời đại.

NGỌC TRẢNG