Vai trò của truyền thông trong vấn đề bảo vệ, bảo đảm quyền con người

STTTT – Báo chí có vai trò là phương tiện thông tin thiết yếu của đời sống xã hội, là cơ quan ngôn luận của các cơ quan Đảng, nhà nước, các tổ chức chính trị, xã hội…, là diễn đàn của nhân dân; chức năng thông tin, định hướng thông tin là chức năng quan trọng hàng đầu của báo chí, truyền thông. Chính vì vậy, trong bảo vệ và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người, quyền công dân, không thể thiếu vai trò của truyền thông, báo chí.

Ảnh minh hoạ

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 03 cơ quan báo chí địa phương (Báo Yên Bái, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tạp chí Văn nghệ Yên Bái); 08 cơ quan báo Trung ương đặt văn phòng đại diện, cử phóng viên thường trú trên địa bàn tỉnh (Thông tấn xã Việt Nam, Báo Nhân dân, Báo Nông nghiệp Việt Nam, Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam khu vực Tây Bắc, Báo Tài nguyên và Môi trường, Báo Xây dựng, Báo); 140 (174) phóng viên có thẻ nhà báo. (đang hướng dẫn thủ tục đăng ký phóng viên thường trú của Báo Đại đoàn kết và Tạp chí Thời đại); 05 đơn vị cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền; 28 trang thông tin điện tử tổng hợp; 28 cơ quan, đơn vị xuất bản bản tin; 01 Cổng Thông tin điện tử tỉnh và 44 thành viên trên Cổng; có 173/173 xã, phường, thị trấn có Đài truyền thanh cơ sở, trong đó có 64 đài TTCS vô tuyến FM, 108 đài TTCS hữu tuyến (có dây) và 01 đài TTCS ứng dụng CNTT-VT (Trong 173 đài truyền thanh cơ sở có 77 đài hoạt động tốt, 50 đài hoạt động bình thường, 35 đài hoạt động kém và 11 đài hỏng).

Báo chí, truyền thông có vai trò quan trọng trong bảo vệ và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người, nhưng cũng có thể vi phạm quyền con người do nhiều nguyên nhân khác nhau. Hiện nay, với sự phát triển của khoa học, công nghệ, báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình, trở thành phương tiện thông tin đại chúng thiết yếu trong đời sống xã hội. Báo chí Việt Nam đã tích cực phát hiện, đấu tranh với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, các tệ nạn xã hội; truyền tải ý kiến của nhân dân đóng góp xây dựng chính sách, pháp luật, qua đó phát huy quyền làm chủ của người dân; đấu tranh giữ vững chủ quyền, lãnh thổ quốc gia; phản bác các luận điệu sai trái, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ. Tuy nhiên, thực tiễn hoạt động báo chí thời gian qua vẫn tồn tại một số vấn đề đáng lo ngại như: vi phạm quyền bí mật đời tư, đăng tải thông tin thiếu chọn lọc, nặng về phản ánh mặt trái, tiêu cực của xã hội; tin, bài giật gân, câu khách; tính trung thực của báo chí bị giảm sút. Do đó, cần nắm vững tính hai mặt của truyền thông, báo chí, phát huy mặt tích cực, hạn chế mặt tiêu cực trong bảo vệ, bảo đảm và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người ở Việt Nam hiện nay.

Luật Báo chí năm 2016 đã quy định rõ mối quan hệ giữa quyền con người và quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; đồng thời nhấn mạnh vai trò của truyền thông, báo chí trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, cũng như tuyên truyền quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quyền con người và chống các luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trên lĩnh vực quyền con người. trong đó quy định cụ thể về trách nhiệm của Nhà nước đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân: (1) Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi để công dân thực hiện quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí và để báo chí phát huy đúng vai trò của mình; (2) Báo chí, nhà báo hoạt động trong khuôn khổ pháp luật và được Nhà nước bảo hộ. Không ai được lạm dụng quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân; (3) Báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, truyền dẫn và phát sóng(6). Tuy nhiên, một số quy định bảo đảm quyền còn chưa cụ thể; việc lợi dụng quyền tự do báo chí để xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức vẫn diễn ra; quy định về quyền tiếp cận thông tin còn thiếu, chưa rõ ràng dẫn đến còn những hạn chế trong việc cung cấp thông tin cho báo chí.

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật” (khoản 1, Điều 14) và những quyền này: “Chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2 Điều 14). Theo các quy định của pháp luật quốc tế, quyền tự do báo chí (thực chất là quyền tự do ngôn luận của người dân qua báo chí) là một quyền có giới hạn, các hạn chế quyền này cần được quy định cụ thể trong luật. Vì vậy, Luật báo chí năm 2016 xây dựng quy định về quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân trên cơ sở triển khai thi hành Điều 14, Điều 25 Hiến pháp năm 2013.

 Bên cạnh vai trò của Đảng, Nhà nước trong hoạch định chính sách bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, cần chú trọng đến vai trò của truyền thông, báo chí trong truyền tải quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhằm đưa chính sách, pháp luật vào cuộc sống. Đồng thời, truyền thông, báo chí còn phát hiện và phê phán các hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân, qua đó đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, lợi ích của Nhà nước; tham gia vào cuộc đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận nhằm bảo vệ quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực quyền con người, quyền công dân.

Trong công tác truyền thông về vấn đề bảo vệ, bảo đảm quyền con người đòi hỏi truyền thông, báo chí cần phát huy hơn nữa vai trò định hướng dư luận xã hội và tuyên truyền phổ biến một số nội dung như: Những thành tựu trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân sau 30 năm đổi mới. Trong đó nổi bật là bước tiến trong quan điểm, nhận thức lý luận của Đảng, Nhà nước về bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân là quan điểm xuyên suốt, nhất quán đã được thể hiện rõ trong Cương lĩnh chính trị, các văn kiện Đại hội của Đảng; Hệ thống chính sách, pháp luật của Việt Nam ngày càng hoàn thiện và phù hợp với các chuẩn mực quốc tế về quyền con người. Hiến pháp năm 2013 đánh dấu bước phát triển lớn trong tư duy về bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Trên cơ sở đó, nhiều bộ luật được xây dựng, ban hành đã cụ thể hóa các nguyên tắc, quy định về quyền con người, quyền công dân trong Hiến pháp và các công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên; Các quyền con người cụ thể về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội và văn hóa được bảo vệ và bảo đảm ngày càng tốt hơn. Đặc biệt, các thiết chế trong bảo vệ, bảo đảm quyền con người đang dần được hoàn thiện. Tuyên truyền quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước trong giáo dục, đào tạo, nâng cao nhận thức xã hội về quyền con người, quyền công dân, về thực thi các nghĩa vụ quốc gia đối với các điều ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam đã tham gia; về kết quả các cuộc đối thoại, hợp tác với các cơ chế của Liên Hợp quốc về nhân quyền, và hợp tác quốc tế về quyền con người. Phát hiện, phê phán những hành vi vi phạm pháp luật, vi phạm quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của người dân;  Quan điểm, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân là rõ ràng và nhất quán. Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức, quản lý xã hội, không tránh khỏi những sai sót, do hạn chế về năng lực, nhận thức của cán bộ, công chức, dẫn tới các quyền con người, quyền công dân, quyền làm chủ của nhân dân còn bị vi phạm. Do vậy, truyền thông, báo chí cần tích cực phát hiện, đấu tranh với các hành vi tiêu cực, vi phạm quyền con người, quyền công dân. Thực tế thời gian qua, nhiều vụ việc tiêu cực đã được các cơ quan báo chí phát hiện, nhờ đó quyền và lợi ích hợp pháp của công dân và Nhà nước được bảo vệ. Nêu những gương người tốt, việc tốt trong bảo vệ, đấu tranh về quyền con người; xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm quyền con người, quyền công dân; đồng thời thông tin việc xử lý những hành vi lợi dụng quyền con người, quyền tự do dân chủ để gây rối trật tự, qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp về quyền con người ở Việt Nam hiện nay.

Đặc biệt cần tăng cường định hướng dư luận, đấu tranh phản bác các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc  trên lĩnh vực quyền con người thường là vu cáo Chính phủ đàn áp những người hoạt động chính trị, các nhà báo, blogger; hạn chế quyền tự do ngôn luận, internet, tư do lập hội, biểu tình, tự do tôn giáo; vu cáo Việt Nam đàn áp những người bất đồng chính kiến, can thiệp quyền tự do của công dân; tình trạng tham nhũng gia tăng, nạn bạo hành gia đình…Âm mưu, thủ đoạn của các thế lực phản động, thù địch thường sử dụng là: thông qua các tổ chức quốc tế, vu cáo Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền; lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để phá hoại tư tưởng, tác động “tự diễn biến” vào nội bộ ta; kích động tư tưởng ly khai, tự trị ở các vùng dân tộc thiểu số; gia tăng móc nối một số đối tượng chống đối trong nước và bọn phản động nước ngoài để chống phá Việt Nam; lợi dụng những sai sót trong tổ chức quản trị xã hội để lôi kéo, kích động người dân biểu tình với khẩu hiểu bảo vệ chủ quyền biển đảo, bảo vệ môi trường,… nhưng thực chất là nhằm gây rối trật tự, trị an xã hội, chống Đảng, Nhà nước.

Để phát huy hơn nữa vai trò của truyền thông, báo chí trong bảo vệ, đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người, cần  nắm vững các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về bảo vệ, bảo đảm và đấu tranh trên lĩnh vực quyền con người; thực hiện tốt các nguyên tắc, quy định của Hiến pháp, pháp luật về quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí; cần nắm vững tính hai mặt của thiết chế truyền thông, báo chí trong bảo vệ quyền con người và quyền công dân…

Hoàng Ngọc