Vai trò của truyền thông trong phát triển xã hội ở Việt Nam

Vai trò của truyền thông trong phát triển xã hội ở Việt Nam

 

1. Vai trò của báo chí – truyền thông trong việc tạo lập và định hướng dư luận xã hội ở Việt Nam hiện nay/ Đỗ Hải Hoàn

Tóm tắt: Truyền thông và dư luận xã hội có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại lẫn nhau. Truyền thông phản ánh và lan truyền dư luận xã hội, ngược lại dư luận xã hội vừa là đối tượng, vừa là đối tác của truyền thông. Bài viết này phân tích vai trò của báo chí – truyền thông đối với dư luận xã hội và thông qua các trường hợp thực tiễn hiện nay để làm rõ mối quan hệ đó.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học và Công nghệ, Đại học Duy Tân/ 2021, Số 48, Tr.155-163

2. Vai trò của báo chí trong công tác truyền thông về chính sách tự chủ đại học: Tiếp cận từ lý thuyết “Không gian công”/ Hoàng Lê Thúy Nga

Tóm tắt: Bằng việc tiếp cận lý thuyết “Không gian công” của Jurgen Habermas, tác giả đánh giá vai trò của báo chí đối với việc truyền thông về chính sách tự chủ đại học. Bài viết làm sáng tỏ một số nội dung chính: Báo chí thông tin về điểm mới, nội dung trọng tâm và hưởng sự chú ý của công chúng đến chính sách tự chủ đại học; Báo chí tạo lập không gian để các đối tượng liên quan đến chính sách tranh luận, phản biện xã hội về chính sách tự chủ đại học; Báo chí góp phần tạo sự đồng thuận trong quá trình thực thi chính sách.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học (Đại học Khánh Hòa)/ 2021, Số 01, Tr.45 – 50

3. Truyền thông đại chúng với phát triển niềm tin xã hội ở khu vực Trung Bộ/ Đoàn Triệu Long

Tóm tắt: Trên cơ sở phân tích kết quả nghiên cứu tác động của truyền thông đại chúng đến niềm tin xã hội trong thời gian qua ở Việt Nam nói chung và khu vực Trung Bộ nói riêng, bài viết tập trung vào làm rõ việc phát huy vai trò của truyền thông đại chúng trong xây dựng, củng cố niềm tin xã hội ở vùng Trung Bộ trong thời gian tới trên các khía cạnh: phát huy vai trò của truyền thông qua việc định hướng dư luận xã hội và xây dựng niềm tin cho con người; trong việc xây dựng đời sống xã hội, đề cao vị thế và tiếng nói của quần chúng nhân dân; trong việc ngăn chặn, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội trong việc đấu tranh chống các âm mưu tuyên truyền, xuyên tạc của các lực lượng đối lập, chống đối.

Nguồn trích: Tạp chí Lý luận Chính trị/ 2020, Số 09, Tr.79 – 85

4. Vai trò của mạng xã hội, phương tiện truyền thông trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2025/ Nguyễn Hồng Thái

Tóm tắt: Trong những năm gần đây, môi trường kinh doanh Việt Nam có những thay đổi đáng kể, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, thời gian qua, Việt Nam đang là một trong những nước có tốc độ phát triển Internet mạnh mẽ với nhu cầu, khả năng sử dụng ngày càng gia tăng. Mạng xã hội, các phương tiện truyền thông đóng vai trò quan trọng là kênh tuyên truyền hiện đại, một công cụ tiện dụng sẽ góp phần làm nên thành công của Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong giai đoạn 2021 – 2025.

Nguồn trích: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật/ 2021, Số 3, Tr.27-32

5. Giá trị thông tin truyền thông xã hội: Nghiên cứu thực nghiệm về hành vi bảo vệ sức khỏe cá nhân đối với COVID-19/ Lê Xuân Cừ

Tóm tắt: Thông tin trên nền tảng truyền thông xã hội (TTXH) giữ đóng vai trò quan trọng đối với cá nhân trong bối cảnh dịch bệnh. Mục đích của nghiên cứu này là kiểm tra giá trị của mô hình hành vi bảo vệ sức khỏe cá nhân dựa vào vai trò của giá trị thông tin trên nền tảng TTXH trong đại dịch COVID-19 tại Việt Nam. Mô hình nghiên cứu được thiết kế dựa trên sự tích hợp lý thuyết niềm tin sức khỏe và lý thuyết khả năng xây dựng thuyết phục. Một khảo sát trực tuyến được thực hiện trên 321 mẫu nghiên cứu bao gồm các cá nhân đã và đang sử dụng nền tảng TTXH để thu thập thông tin trong bối cảnh COVID-19. Kết quả cho thấy hành vi bảo vệ sức khỏe cá nhân được thúc đẩy bởi nhận thức rủi ro dịch bệnh và động lực bản thân. Hơn nữa, các yếu tố của giá trị thông tin (chất lượng thông tin và tin cậy thông tin) đóng vai trò chủ đạo để thúc đẩy nhận thức rủi ro dịch bệnh và động lực bản thân. Cuối cùng, các hàm ý lý thuyết và thực tiễn được thảo luận.

Nguồn trích: Tạp chí Kinh tế và Kinh doanh (ĐHQG Hà Nội)/ 2021, Số 4, Tr.1-9

6. Truyền thông bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số qua một số sách và báo in ở Việt Nam/ Cao Thị Hảo

Tóm tắt: Đề cập đến vấn đề truyền thông bằng ngôn ngữ dân tộc thiểu số (DTTS) ở một số sách và báo in, trong đó tập trung khảo sát thực trạng của báo in, sách in và sách dạy tiếng dân tộc viết bằng ngôn ngữ DTTS. Đây là một trong những phương thức giúp bảo tồn ngôn ngữ DTTS ở Việt Nam. Trong quá trình bảo tồn văn hóa dân tộc, ngôn ngữ của dân tộc có vai trò rất quan trọng, không chỉ là cầu nối để đồng bào tiếp nhận tri thức mà còn là nơi lưu giữ văn hóa và bản sắc của mỗi dân tộc thiểu số. Đặc biệt, trong bối cảnh ngôn ngữ dân tộc ngày càng bị mai một, ngay cả đồng bào dân tộc cũng mù chữ hoặc không dùng tiếng mẹ đẻ của mình thì vai trò của loại hình sách, báo này lại càng không thể thiếu trong truyền thông nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống tại vùng đồng bào DTTS ở Việt Nam.

Nguồn trích: Tạp chí Dân tộc học/ 2021, Số 03, Tr.71 – 82

7. Lý thuyết hành động tương giao của Habermas và giá trị của nó trong lĩnh vực truyền thông trên thế giới hiện nay/ Trương Ngọc Lân

Tóm tắt: Những năm gần đây, với sự phát triển của internet đã dẫn đến sự bùng nổ mạnh mẽ của truyền thông xã hội, làm thay đổi căn bản hệ sinh thái truyền thông trong thời đại chúng ta. Các phương tiện, hình thức truyền thông mới ra đời ngày một nhiều với những nội dung đa dạng, thông tin mới mẻ và cách truyền đạt phong phú hình thành nên một mạng lưới truyền thông rộng rãi, kết nối mọi người lại với nhau. Tuy nhiên, hệ quả của sự phát triển này là sự bùng nổ thông tin cùng với sự dịch chuyển thông tin với tốc độ chóng mặt gây nên những vấn nạn như thao túng thông tin hay tin giả,v.v… Lý thuyết hành động tương giao (communicative action) của Habermas – với tư cách là một lý thuyết triết học quan tâm đến hành vi giao tiếp giữa hai hay nhiều người với nhau mà mục đích cuối cùng hướng đến sự thông hiểu, đồng thuận với nhau – sẽ cung cấp một góc nhìn, đồng thời cũng là công cụ giúp cho con người nhìn nhận các vấn đề truyền thông hiện nay một cách đa chiều hơn, rộng hơn từ đó con người có thể cẩn trọng hơn và chắt lọc được những thông tin cần thiết cho bản thân từ vô vàn những thông tin trôi nổi trên mạng lưới truyền thông.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học và Công nghệ – Trường Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh/ 2021, Số 02, Tr.247-256

8. Tác động của truyền thông mạng xã hội đến tài sản thương hiệu của Lazada = The impact of social media on lazada’s brand equity/ Nguyễn Văn Tâm

Tóm tắt: Nghiên cứu nhằm mục đích phân tích tác động của việc sử dụng các phương tiện truyền thông mạng xã hội và các chức năng của nó đến tài sản thương hiệu Lazada. Cụ thể là phân tích trang mạng xã hội Instagram của thương hiệu này. Ngoài ra, nghiên cứu đồng thời kiểm tra tác động của việc sử dụng truyền thông mạng xã hội và các chức năng của nó đến các thành phần của tài sản thương hiệu. Kết quả cho thấy, việc sử dụng các cuộc hội thoại, danh tính và chức năng của nó có tác động tích cực đến nhận biết thương hiệu; chia sẻ, sự hiện diện và các chức năng có tác động đến sự liên tưởng thương hiệu; danh tiếng và chức năng của nó có tác động đến chất lượng cảm nhận; và mối quan hệ và chức năng của nó có tác động có ý nghĩa đến lòng trung thành thương hiệu.

Nguồn trích: Tạp chí Công thương/ 2021, Số 1, Tr.124-132

9. Truyền thông và quản trị thương hiệu đại học – Một số gợi ý cho Trường Đại học Nội vụ Hà Nội/ Lê Thanh Huyền, Vi Tiến Cường

Tóm tắt: Trong xu hướng cạnh tranh ngày càng gay gắt của giáo dục đại học (GDĐH) hiện nay, truyền thông và quản trị thương hiệu ngày càng thể hiện rõ được vai trò của mình trong quản trị đại học (QTĐH). Bài viết làm rõ những nội dung cơ bản về truyền thông và quản trị thương hiệu đại học (QTTHĐH), từ đó đưa ra những gợi ý cho Trường Đại học Nội vụ Hà Nội (ĐHNVHN) nâng cao hiệu quả của truyền thông và QTTHĐH trong thời gian tới.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học Nội vụ/ 2019, Số 32, Tr.51-57

10. Tạo mô hình thực hàng dùng mạng truyền thông Profinet cho mục đích giáo dục/ Võ Thu Hà, Đặng Thị Tuyết Minh, Vũ Huy Hiện

Tóm tắt: Bài báo trình bày nghiên cứu xây dựng, thiết kế, lập trình và chế tạo mô hình thí nghiệm dùng mạng truyền thông profinet PLC. Đó là sự thiết lập truyền thông PLC S7-1200 (PLC1) – PLC S7-1200 (PLC2) – Biến tần G120C được điều khiển giám sát qua màn hình HMI. Tín hiệu tốc độ đặt và tốc độ thực của động cơ được hiển thị trên màn hình HMI, PLC1 truyền giá trị tốc độ đặt yêu cầu còn PLC2 điều khiển biến tần G120C truyền động cho động cơ làm việc theo tốc độ đặt. Các kết quả được khảo sát đánh giá bằng chạy thực nghiệm mô hình, quan sát trực tiếp trên phần mềm TIA PORTAL cho thấy hệ thống hoạt động tốt với dữ liệu giữa các PLC được truyền nhanh chóng và chính xác.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học và Công nghệ (Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội)/ 2020, Số 4, Tr.19-25

11. Truyền thông thương hiệu cho các doanh nghiệp F&B trong thời đại công nghệ 4.0/ Đào Thị Dịu

Tóm tắt: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mang đến cho các doanh nghiệp nhiều cơ hội và thách thức trong hoạt động xây dựng và phát triển thương hiệu. Cách mạng công nghiệp 4.0 với sự bùng nổ của internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đã làm thay đổi cách thức quản trị tại các doanh nghiệp F&B. Tận dụng công nghệ để tiếp cận và thỏa mãn tối đa nhu cầu của khách hàng và công chúng là bài toán doanh nghiệp F&B quan tâm hàng đầu.

Nguồn trích: Tạp chí Kinh tế Châu Á – Thái Bình Dương/ 2020, Số 567, Tr.22-24

12. Giải pháp truyền thông marketing cho hoạt động tuyển sinh tại Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên/ Nguyễn Minh Huệ, Phạm Hoàng Linh, Trần Thị Mai Linh

Tóm tắt: Sự tác động của các chính sách xã hội hóa giáo dục của Việt Nam, chính sách tăng cường tính tự chủ cho các trường đại học đã làm cho lĩnh vực giáo dục truyền thông vượt ra ngoài khuôn khổ và trở thành một lĩnh vực kinh doanh thực sự – kinh doanh dịch vụ giáo dục, đào tạo. Các trường đại học nói chung, Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên hiện nay phải cạnh tranh gay gắt trong vấn đề tuyển sinh cho các năm học mới. Chính từ nhu cầu tồn tại và phát triển của mình, buộc các trường đại học, trong đó có Trường Đại học Kinh tế và Quản trị kinh doanh Thái Nguyên phải chú trọng hơn nữa đến công tác truyền thông marketing, nhằm đẩy mạnh thu hút tuyển sinh.

Nguồn trích: Tạp chí Kinh tế và Dự báo/ 2020, Số 10, Tr.65-67

13. Quản lý kinh tế truyền thông trong bối cảnh hiện nay ở nước ta/ Nguyễn Thị Ngọc Hoa

Tóm tắt: Truyền thông (cùng với công nghệ thông tin) là công cụ quan trọng hàng đầu để hình thành xã hội thông tin, rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Trong giai đoạn hiện nay, phải nhìn nhận truyền thông là một ngành kinh tế. Để quản lý tốt “ngành kinh tế ” này, cần làm rõ các vấn đề đặt ra trong quản lý kinh tế truyền thông hiện nay, từ đó đề xuất các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong bối cảnh mới của đất nước.

Nguồn trích: Tạp chí Kinh tế và Dự báo/ 2021, Số 17, Tr.6 – 10

14. Pháp luật về truyền thông qua mạng xã hội, qua thực tiễn truyền thông tuyển sinh tại Trường Đại học Luật, Đại học Huế/ Ngô Minh Tiến, Đỗ Thị Quỳnh Trang

Tóm tắt: Hiện nay, sự phát triển của Internet và mạng xã hội đã làm thay đổi cách thức thực hiện tuyển sinh của các trường đại học và các cơ sở đào tạo. Ứng dụng giải pháp truyền thông trực tuyến thông qua mạng xã hội đối với công tác tuyển sinh đang mang lại một số hiệu quả nhất định để thu hút người học. Bài báo nghiên cứu tình hình thực hiện quảng cáo truyền thông tuyển sinh qua mạng xã hội của Trường Đại học Luật, Đại học Huế, từ đó đề xuất một số giải pháp để tăng hiệu quả hoạt động tuyển sinh đại học của Nhà trường trên cơ sở pháp luật về quảng cáo.

Nguồn trích: Tạp chí Khoa học – Trường Đại học Huế/ 2021, Số 6C, Tr.181-196