Vai trò của trí thức tinh hoa trong đời sống chính trị – nghiên cứu trường hợp Thiền sư Vạn Hạnh » Tran Nhan Tong Ins
PGS.TS Lại Quốc Khánh
Phó Viện trưởng Viện Trần Nhân Tông, ĐHQGHN
Là người tiếp nhận, lưu giữ, sáng tạo và truyền bá tri thức, tầng lớp trí thức có vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử tồn tại và phát triển của các cộng đồng người. Trong tầng lớp trí thức, bộ phận ưu tú, tinh hoa, càng có vai trò quan trọng. Với trí tuệ, đạo đức và năng lực xuất chúng, họ chính là những người nhận diện và đề xuất phương án xử lý các vấn đề trọng đại, có tính bước ngoặt trong đời sống xã hội.
Trong chỉnh thể đời sống xã hội, đời sống chính trị chiếm vị trí đặc biệt quan trọng, đúng như Kinh Lễ của Nho gia đã chỉ rõ: “Nhân đạo, chính vi đại”[ 人道,政為大]. Các vấn đề của đời sống chính trị có tính phổ quát, liên quan đến vận mệnh của toàn xã hội, của cả cộng đồng người. Chính vì thế, vai trò của tầng lớp trí thức nói chung, của bộ phận trí thức tinh hoa nói riêng, trong đời sống chính trị, càng to lớn.
Trong suốt chiều dài lịch sử tồn tại và phát triển, dân tộc Việt Nam, do vị trí địa – tự nhiên, địa – văn hóa – địa chính trị của mình, thường xuyên phải đối mặt với những thách thức to lớn, có ý nghĩa sống còn. Để vượt qua thách thức, tận dụng thời cơ, vai trò của tầng lớp trí thức, trong đó có trí thức tinh hoa đã được phát huy cao độ. Ôn cố tri tân, tổng kết, đúc rút những vấn đề có tính quy luật về vai trò của trí thức, trong đó có trí thức tinh hoa, đối với đời sống xã hội nói chung, đời sống chính trị nói riêng, để phát huy có hiệu quả hơn nữa vai trò của trí thức Việt Nam hiện nay là nhiệm vụ quan trọng. Với tinh thần trân trọng di sản của các bậc tiền nhân, bài viết này mong muốn góp phần làm rõ thêm vai trò của trí thức tinh hoa trong đời sống chính trị thông qua nghiên cứu trường hợp Thiền sư Vạn Hạnh và vai trò của ông trong thời kỳ đầu kỷ nguyên độc lập, tự chủ của dân tộc. Đây cũng là nén tâm nhang của kính dâng lên Ngài nhân kỷ niệm 1000 năm Thiền sư viên tịch.
- Khung lý thuyết
Trí thức
Trí thức là một thuật ngữ quen thuộc trong xã hội hiện đại. Tuy nhiên, thuật ngữ này mới chỉ ra đời cách đây hơn một thế kỷ ở Châu Âu. Trong tiếng Anh thông dụng hiện nay, có hai từ liên quan đến khái niệm trí thức là intelligentsia (tầng lớp trí thức) và intellectual (người trí thức).
Từ intelligentsia có nguồn gốc từ Nga, do nhà văn, nhà báo Nga P.D. Boborykin đề xuất trong những năm 1860, được dùng để chỉ riêng một nhóm người có học thức và đạo đức ở mức cao đã truyền bá triết học Đức vào Nga với mong muốn cải thiện tình trạng lạc hậu của xã hội Nga so với thế giới văn minh Tây Âu lúc bấy giờ.
Từ intellectual có nguồn gốc từ Pháp (intellectuel), ra đời trong một sự kiện chống bất công vào năm 1898, khi nhà văn Émile Zola viết một bản kháng nghị có chữ ký của nhiều nhà văn, nghệ sĩ, nhà khoa học nổi tiếng gửi cho tổng thống Pháp, yêu cầu xét xử lại bản án oan sai mà nhà cầm quyền áp đặt cho một sĩ quan Do Thái là Dreyfus. Chủ bút của tờ Tia sáng – Tiến sĩ Clemenceau (sau trở thành Thủ tướng Pháp) – đã sử dụng cụm từ “Tuyên ngôn của những người trí thức” (Manifeste des intellectuels) để mô tả bản kháng nghị này. Từ đây, từ intellectuel (người trí thức) trong tiếng Pháp được dùng để chỉ những người không chỉ có học vấn cao, làm nghề sáng tạo các giá trị tinh thần mà còn sẵn sàng lên tiếng phản biện các vấn đề bất cập của xã hội và dấn thân đấu tranh đến cùng cho lẽ phải, cho những giá trị tốt đẹp của con người.
Từ khi thuật ngữ này ra đời đến nay, trên thế giới đã có rất nhiều định nghĩa khác nhau về trí thức mà ý nghĩa của nó so với nguyên gốc có thể đã ít nhiều thay đổi tùy theo lập trường, quan điểm và góc độ tiếp cận của mỗi người. Chẳng hạn, nhà Đông phương học Edward Said quan niệm: “Người trí thức, như tôi hiểu, không phải là người làm hòa dịu, cũng không phải là người tạo dựng sự đồng thuận, mà là người dấn hết thân mình, hứng mọi hiểm nguy, luôn luôn lấy phê phán làm cơ sở; trí thức là người từ chối, dù phải trả với giá nào, những công thức dễ dãi, những tư tưởng nhàm cũ, những kết luận chiếu lệ nơi lời nói và hành động của những người có quyền hoặc của những đầu óc máy móc. Đâu phải họ chỉ từ chối một cách thụ động mà thôi: họ còn tích cực, công khai nói lên tiếng nói của họ. (….) người trí thức không quên những tiếng nói và những người đã bị lãng quên”[2].
Ở Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã định nghĩa người trí thức trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc” như sau: “Trí thức là hiểu biết. Trong thế giới chỉ có hai thứ hiểu biết: một là hiểu biết sự tranh đấu sinh sản. Khoa học tự nhiên do đó mà ra. Hai là hiểu biết tranh đấu dân tộc và tranh đấu xã hội. Khoa học xã hội do đó mà ra. Ngoài hai cái đó, không có trí thức nào khác. Một người học xong đại học, có thể gọi là có trí thức. Song y không biết cày ruộng, không biết làm công, không biết đánh giặc, không biết làm nhiều việc khác. Nói tóm lại: công việc thực tế, y không biết gì cả. Thế là y chỉ có trí thức một nửa. Trí thức của y là trí thức học sách, chưa phải trí thức hoàn toàn. Y muốn thành một người trí thức hoàn toàn, thì phải đem cái trí thức đó áp dụng vào thực tế. Vì vậy, những người trí thức đó cần phải biết rõ cái khuyết điểm của mình. Phải khiêm tốn. Chớ kiêu ngạo. Phải ra sức làm các việc thực tế [3].
Trong Nghị quyết Hội nghị TW 7 khóa X (2008) về “Xây dựng đội ngũ trí thức trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đảng Cộng sản Việt Nam định nghĩa: “Trí thức là những người lao động trí óc, có trình độ học vấn cao về lĩnh vực chuyên môn nhất định, có năng lực tư duy độc lập, sáng tạo, truyền bá và làm giàu tri thức, tạo ra những sản phẩm tinh thần và vật chất có giá trị đối với xã hội”.
Từ những quan niệm trên, có thể định nghĩa: Trí thức là người có trình độ hiểu biết cao, có đạo đức trong sáng, có năng lực vận dụng hiểu biết vào thực hành và có tinh thần dấn thân để thực hiện trách nhiệm với xã hội.
Trí thức tinh hoa
Từ “tinh hoa” hoặc “tinh anh”, tiếng Anh là “elite”, tiếng Pháp là “élite”, có nguồn gốc từ tiếng Latin “eligere”, có nghĩa là “lựa chọn”.
Học giả Nguyễn Văn Vĩnh cho rằng: “khi người ta nói ngắn gọn chữ tinh hoa, chúng ta hiểu là những gì vượt lên trên số đông, về cảm quan, về kiến thức, về độ lịch lãm và do đó, về cả văn hóa chung, những người được giáo dục kỹ càng”[4].
Từ điển Oxford Advanced Learner’s Dictionary của Đại học Oxford (Anh) định nghĩa từ “elite” là: social group considered to be the best or important because their power, talent, wealth, etc[5], có nghĩa: nhóm xã hội được coi là ưu tú hoặc quan trọng do quyền lực, tài năng, của cải, v.v..
Từ điển Larousse của Nhà xuất bản Larousse (Pháp) định nghĩa từ “élite” là: petit groupe considéré comme ce qu’il y a de meilleur, de plus distingué[6], có nghĩa: nhóm nhỏ được coi là những người có phẩm chất ưu tú, lỗi lạc, tao nhã.
Như vậy, nói đến tinh hoa là nói đến nhóm xã hội thường ít về số lượng, nhưng có phẩm chất ưu tú, vượt trội, hoặc có vị thế quan trọng hơn so với số đông.
Trên thế giới, quan niệm về trí thức tinh hoa đã từng được một số học giả đưa ra. Học giả người Nga G. Pomerants cho rằng, phần ưu tú nhất của giới trí thức (trí thức tinh hoa) không phải là một tầng lớp mà chỉ là một nhóm người – “đấy là một nhóm nhỏ những con người có khả năng tự phát hiện lại những báu vật, những giá trị của văn hóa”[7]. Quan niệm này sau đó được nhắc lại và bổ sung bởi một học giả người Nga khác là Aleksandr Solzhenitsyn. Ông cho rằng, sẽ là không sai khi gọi những trí thức đích thực là “giới tinh hoa quên mình”, và sự phát hiện lại các báu vật và các giá trị văn hóa của họ được thực hiện “không phải bằng sự uyên bác, không phải bằng chuyên môn khoa học, mà bằng phẩm hạnh, chấp nhận hy sinh hạnh phúc và trong trường hợp cần thiết, chấp nhận hy sinh cả mạng sống”[8]. Học giả Hoa Kỳ Charles Kadushin cho rằng, trí thức tinh hoa có thể được định nghĩa gần như là một chuyên gia trong việc giải quyết những vấn đề về giá trị và thẩm mỹ với ý tưởng phổ quát có chất lượng cao và có thể truyền bá ý kiến của mình về những vấn đề đó cho công chúng[9].
Ở Việt Nam, cũng đã có một số quan niệm về trí thức tinh hoa được đề xuất. Chẳng hạn, tác giả Nguyễn Huệ Chi cho rằng, nếu nhà trí thức chỉ giỏi về chuyên môn, chỉ tập trung vào chuyên môn thì không thể được coi là trí thức tinh hoa. Trí thức tinh hoa phải là những người có trách nhiệm dẫn đạo xã hội, tạo ra những định hướng có tầm để xã hội phát triển theo đúng hướng[10].
Từ quan niệm về trí thức, về tinh hoa và tham khảo một số quan niệm về trí thức tinh hoa như trên, có thể định nghĩa: trí thức tinh hoa là bộ phận ưu tú trong tầng lớp trí thức, với những phẩm chất xuất chúng về trí tuệ, đạo đức, năng lực thực hành và mức độ hoàn thành trách nhiệm xã hội, có khả năng thúc đẩy sự phát triển của xã hội.
Vai trò
Khái niệm vai trò có liên quan đến khái niệm vị thế. Vị thế là vị trí của một người/nhóm người trong cơ cấu tổ chức xã hội, do phẩm chất của người/lớp người đó tạo nên, đồng thời chịu sự đánh giá, thừa nhận của xã hội.
Khái niệm vai trò là một khái niệm bắt nguồn từ việc sắm vai và diễn trò của diễn viên trên sân khấu, sau đó trở thành một thuật ngữ được sử dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực khoa học cũng như trong đời sống xã hội. Nhà Nhân học người Mỹ Ralph Linton cho rằng, khi một người thực hiện quyền và trách nhiệm tương ứng với vị thế của anh ta, thì khi đó người này đang thực hiện vai trò[11]. Còn nhà xã hội học người Mỹ Ian Robertsons cho rằng, vai trò là tập hợp các chuẩn mực, hành vi, nghĩa vụ và quyền lợi gắn với một vị thế nhất định[12].
Như vậy, vai trò được hiểu là sự thực hiện vị thế của một người/nhóm người trong xã hội.
Đời sống chính trị
Có nhiều quan niệm khác nhau về chính trị.
Từ “chính trị” (potitics) xuất hiện sớm ở phương Tây, bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp – Polis, có nghĩa là thành bang, hay hẹp hơn là nơi mà các công dân tụ tập, bàn thảo việc công.
Ở phương Đông, từ “chính trị” xuất hiện sớm ở Trung Quốc, trong Thượng Thư và Chu Lễ. Thượng Thư viết: “đạo trị chính trị, trạch nhuận dân sinh”, có nghĩa là chính trị có đạo của nó, có thể làm lợi cho trăm họ. Chu Lễ viết: “chưởng kỳ chính trị cấm lệnh”, có nghĩa là nắm giữ pháp lệnh trong lĩnh vực hình, chính, quản lý.
Theo quan niệm của Tôn Trung Sơn, “ý nghĩa của hai chữ chính trị, nói một cách đơn giản, thì chính là việc của dân chúng, trị là quản lý, quản lý việc của dân chúng thì gọi là chính trị”.
Theo quan điềm của các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lênin, chính trị có nghĩa là: (1) “biểu hiện tập trung của kinh tế”; (2) “cuộc đấu tranh giữa các giai cấp”; (3) “tham gia vào công việc của nhà nước, là định hướng cho nhà nước, xác định phương thức, nhiệm vụ và nội dung hoạt động của nhà nước”; (4) “một môn khoa học, một loại nghệ thuật”.
Như vậy, đời sống chính trị là một bộ phận của đời sống xã hội, trong đó diễn ra các hoạt động, các mối quan hệ giữa các chủ thể ở các cấp độ khác nhau, xoay quanh quyền lực chính trị mà trung tâm là giành, giữ và thực thi quyền lực nhà nước.
Toàn bộ các khái niệm nêu trên chính là khung lý thuyết để nghiên cứu trường hợp vai trò của Thiền sư Vạn Hạnh trong đời sống chính trị Việt Nam giai đoạn đầu thời kỳ độc lập, tự chủ.
- Trường hợp Thiền sư Vạn Hạnh
Thiền sư Vạn Hạnh (? – 1018) là Thiền sư thuộc thế hệ thứ 12 dòng Thiền Tì ni đa lưu chi. Thiền sư Vạn Hạnh sinh năm nào hiện chưa rõ. Nhưng nếu căn cứ vào tình tiết được ghi lại trong Đại Việt sử ký toàn thư là vào năm Kỷ Dậu (Cảnh Thuỵ) năm thứ 2 (1009), Thiền sư có nói với Lý Công Uẩn rằng: “Tôi đã hơn 70 tuổi rồi…”[13], thì có thể ước đoán ông sinh vào khoảng những năm 30 của thế kỷ X. Về ngày mất của ông, các sách Việt sử lược và Đại Việt sử ký toàn thư ghi lại khá cụ thể, thống nhất: “Năm Ất Sửu, hiệu Thuận Thiên năm thứ 16 (1025). Sư Vạn Hạnh hoá”[14]. Nhưng Thiền uyển tập anh lại chép vào ngày 15 tháng 5 năm Thuận Thiên thứ 9 (1018), sư không bệnh mà hoá”[15].
Thiền sư Vạn Hạnh là người luôn quan tâm đến đời sống chính trị và đã tham gia vào nhiều sự kiện chính trị quan trọng của đất nước. Ông đã đóng góp nhiều ý kiến giúp vua Lê Đại Hành chống giặc ngoại xâm và dựng nước. Ông cũng đã góp phần giúp Lý Công Uẩn lên ngôi, mở ra một vương triều tồn tại hơn 200 năm, đặt nền móng cho nền độc lập, tự chủ vững bền của dân tộc. Chính trong những biến cố lớn của đời sống chính trị, ông đã phát huy vai trò của mình, được vua Lê Đại Hành tin tưởng, được vua Lý Thái Tổ và các đời vua Lý kính trọng. Nghiên cứu trường hợp vai trò của Thiền sư Vạn Hạnh trong đời sống chính trị đất nước thời kỳ đầu kỷ nguyên độc lập, tự chủ của dân tộc cung cấp cơ sở quan trọng để nhận thức về vai trò của trí thức, đặc biệt là trí thức tinh hoa Việt Nam đối với lịch sử dân tộc, qua đó gợi mở những vấn đề về phát huy vai trò của trí thức Việt Nam hiện nay.
Trước hết, cần phải khẳng định ngay rằng, Thiền sư Vạn Hạnh là một trí thức tinh hoa tiêu biểu của dân tộc Việt Nam buổi đầu kỷ nguyên độc lập. Ông là người có những phẩm chất trí tuệ nổi bật, có trình độ hiểu biết sâu rộng, và có những phẩm chất đạo đức cao đẹp. Trong những tư liệu lịch sử ít ỏi ghi chép về ông còn tồn tại đến nay, có thể nhận rõ điều này. Sách Thiền uyển tập anh chép: “Thiền sư họ Nguyễn, người hương Cổ Pháp. Gia đình mấy đời thời Phật. Thuở nhỏ thông minh khác thường, học thông ba giáo (tam học), đọc kỹ trăm nhà (bách luận), nhưng coi nhẹ công danh phú quý. Năm 21 tuổi xuất gia, cùng Định Huệ theo hầu học đạo với Thiền Ông đạo giả ở chùa Lục Tổ. Những khi công việc rỗi rãi, sư chăm chỉ học hỏi không biết mệt. Sau khi Thiền Ông tịch diệt, sư chuyên tâm tu tập pháp môn Tổng trì Tam ma địa, lấy đó làm sự nghiệp”[16]. Đoạn ghi chép trên cho thấy, về đạo đức, Thiền sư là người “coi nhẹ công danh phú quý”; về trí tuệ, Thiền sư đã kết hợp phẩm chất thiên bẩm “thông minh khác thường” với sự nỗ lực “chăm chỉ học hỏi không biết mệt” để phát triển trí tuệ của mình. Có nhà nghiên cứu đã đi sâu luận giải sự phát triển trí tuệ Phật học của Thiền sư Vạn Hạnh từ sự uyên bác Tam học – Bách luận, đến quá trình tu tập pháp môn Tổng trì Tam ma địa, đến trình độ nhập Thiền đến tầng Nhậm vận và đến trình độ Dung tam tế[17]. Có thể thấy, Thiền sư đã đạt đến trình độ hiểu biết cao siêu, xuất chúng so với đương thời, được thừa nhận rộng rãi. Ngô Thì Sỹ trong Việt sử tiêu án đã đánh giá: “Vạn Hạnh có kiến thức cao siêu, thần toán biết trước mọi việc, cũng là tay xuất sắc trong giới thiền sư…”.
Một trong những biểu hiện nổi bật năng lực trí tuệ của Thiền sư Vạn Hạnh, là ông có khả năng tiên tri dưới hình thức lời sấm. Thiền uyển tập anh ghi: “Bấy giờ sư nói ra điều gì, thiên hạ đều coi như lời sấm ngữ”[18]. Có nhiều sự kiện lịch sử chứng minh năng lực tiên tri của Thiền sư Vạn Hạnh, chẳng hạn sự kiện năm Thiên Phúc thứ nhất (980), nhà Tống sai Hầu Nhân Bảo đem quân sang xâm lược nước ta, đóng quân ở gò Tử Cương núi Giáp Lãng. Vua Lê Đại Hành đã mời Thiền sư đến hỏi tình thế thắng bại thế nào. Thiền sư đáp: “Chỉ trong ba, bày ngày, giặc tất phải lui”. Sau quả đúng như thế[19]. Việc vua Lê mời Thiền sư đến hỏi ý kiến cho thấy sự thừa nhận và đánh giá rất cao của người đứng đầu chính quyền đối với ông. Vua Lý Thái Tổ đã phong ông làm Quốc sư. Khi ông viên tịch, đích thân Vua cùng các quan và người dân đã làm lễ trà tỳ cho ông và xây tháp đựng xá lợi của ông để phụng thờ. Vị thế của ông được xác lập bằng chính năng lực trí tuệ của ông.
Có nhiều cách lý giải năng lực tiên tri của Thiền sư Vạn Hạnh. Không ít người cho rằng, chính những thành tựu chuyên tâm tu tập pháp môn Tổng trì Tam ma địa nói riêng, thành tựu tu hành Phật pháp nói chung của ông đã mang đến cho ông năng lực này. Cách lý giải này có đúng hay không, chỉ có những người đã chứng nghiệm năng lực mà pháp môn Tổng trì Tam ma địa mang lại mới có thể khẳng định chắc chắn. Tuy nhiên, cho dù cách giải thích đó có đúng, thì việc phân tích sử liệu cho thấy, sở dĩ Thiền sư Vạn Hạnh có năng lực tiên tri, một phần quan trọng là do ông có tầm hiểu biết sâu rộng, đặc biệt là hiểu biết về thời thế, nhân sinh. Đọc lời Thiền sư Vạn Hạnh khuyên Lý Công Uẩn, ta có thể thấy rõ điều này: “Gần đây, tôi thấy lời sấm lạ, biết rằng họ Lý cường thịnh tất dấy nên cơ nghiệp. Nay xem trong thiện hạ, người họ Lý rất nhiều, nhưng không ai bằng Thân vệ, là người khoan từ, nhân thứ, lại được lòng dân chúng, mà binh quyền nắm trong tay. Người đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân vệ thì còn ai đương nổi nữa…”[20]. Rõ ràng, chính Thiền sự Vạn Hạnh đã nói rõ việc ông kết hợp sấm ngữ với phân tích tình hình thực tế để khẳng định tính tất yếu của việc Lý Công Uẩn lên ngôi. Trong bối cảnh xã hội loạn lạc, vua Lê Ngoạ Triều thì tàn ngược độc ác, trời người đều oán giân, Lý Công Uẩn lại là người về phẩm chất cá nhân thì “nhân từ, khoan thứ”, về điều kiện bên ngoài thì “được lòng dân chúng”, lại đang “binh quyền nắm trong tay”. Hội đủ các điều kiện như thế, “Người đứng đầu muôn dân chẳng phải Thân vệ thì còn ai đương nổi nữa”. Năng lực tiên tri do tu hành Phật pháp mang lại, kết hợp với trí tuệ uyên bác, khả năng phân tích tình hình sắc bén, đó chính là những phẩm chất rất nổi bật của bậc trí thức tinh hoa mà Thiền sư Vạn Hạnh là một đại biểu.
Năng lực tiên tri giúp Thiền sự Vạn Hạnh thấy trước nhiều điều. Ông có tầm nhìn vượt xa người đương thời. Ông thấy trước tiền đồ của Lý Công Uẩn. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vua sinh ra mới 3 tuổi, mẹ ẵm đến nhà Lý Khánh Văn. Khánh Văn bèn nhận làm con nuôi. Bé đã thông minh, vẻ người tuấn tú khác thường. Lúc còn nhỏ đi học, nhà sư ở chùa Lục Tổ là Vạn Hạnh thấy, khen rằng: “Đứa bé này không phải người thường, sau này lớn lên ắt có thể giải nguy gỡ rối, làm bậc minh chủ trong thiên hạ. Lớn lên, không chăm việc sản nghiệp, chỉ học kinh sử qua loa, khảng khái có chí lớn”[21]. Sách Việt sử lược cũng nhắc lại chi tiết này[22]. Ông thấy trước việc Lý Công Uẩn lên ngôi. Thiền uyển tập anh có ghi: Thiền sư Vạn Hạnh khi biết Lý Công Uẩn lên ngôi ở Hoa Lư, đã “nói với chú và bác của Lý Công Uẩn: – Thiên tử đã băng hà, Lý Thân vệ đang ở nhà. Người nhà Thân vệ túc trực trong thành nội có tới hàng ngàn. Nội trong ngày, Thân vệ ắt có được thiên hạ… Chú bác Lý Công Uẩn nghe xong lấy làm lo sợ, sai người ruổi gấp [về Hoa Lư] hỏi tin thì quả đúng như lời sư nói”[23], v.v..
Điều quan trọng ở đây là, Thiền sư Vạn Hạnh không chỉ có trí tuệ cao viễn, mà luôn vận dụng trí tuệ đó để làm tròn vai trò mà vị thế của ông đòi hỏi.
Thiền sư đã đem trí tuệ để đưa ra những tư vấn chính sách mang tính chiến lược, quyết định cho các bậc minh quân. Chẳng hạn, khi thấy rõ thời cơ thắng lợi nếu đem quân đánh Chiêm Thành, ông đã “tâu xin cấp tốc tiến quân, nếu không sẽ lỡ dịp”. Vua Lê Đại Hành tin tưởng ông, đem quân đi đánh, quả nhiên thu được toàn thắng[24].
Thiền sư còn đem trí tuệ để khai minh cho xã hội. Khi xuất hiện nhiều điềm lạ, ông đã giúp giải thích những điềm đó, qua đó định hướng nhân tâm thuận theo thời vận. Chẳng hạn, khi nghe tiếng tụng kinh râm ran quanh mộ Hiển Khánh đại vương, ông đã giải thích rằng: “Trong vòng ba tháng nữa, quan Thân vệ sẽ chống đỡ xã tắc, cầm giữ ấn chữ quốc”[25]. Sau này lịch sử đã chứng minh sự giải thích của ông là hoàn toàn đúng đắn.
Không chỉ như vậy, bản thân nhà trí thức tinh hoa – Thiền sư Vạn Hạnh còn dấn thân hành động. Thiền uyển tập anh còn ghi lại, khi thấy trước sự diệt vong tất yếu của nhà tiền Lê, ông đã nỗ lực hành động để thúc đẩy sự sụp đổ của vương triều hủ bại này; khi thấy trước tiền đồ của Lý Công Uẩn, ông đã dày công giúp đỡ, đào tạo vị vua tương lại; khi thấy trước việc Lý Công Uẩn lên ngôi, ông lập tức “yết bảng các ngả đường” để bố cáo, qua đó góp phần “dọn đường” cho sự việc Lý Công Uẩn lên ngôi được thêm phần thuận lợi, v.v.. Rõ ràng, trí tuệ đỉnh cao của Thiền sự Vạn Hạnh đã được ông sử dụng vì nước, vì dân. Trí tuệ ấy đã được sử dụng để đánh bại giặc ngoại xâm, giữ gìn độc lập, chủ quyền cho dân tộc; Trí tuệ ấy đã được sử dụng để tư vấn chính sách, soi sáng cho xã hội, thúc đẩy xã hội phát triển thuận theo quy luật, thúc đẩy vương triều hủ bại súp đổ, góp phần mở ra vương triều Lý, mở ra kỳ nguyên độc lập, tự chủ cho dân tộc.
Đặc biệt, là người có công lao to lớn với đất nước, với mấy triều vua, song với trí tuệ – đạo đức sáng ngời, ông đã vượt thoát vòng danh lợi, để rồi khi thời khắc đến, ông buông bỏ nhẹ nhàng tất cả. “Vô bố úy” – “Không sợ hãi”: đó là bản lĩnh của bậc trí thức tinh hoa đã đạt tới chữ Minh trong hiểu đạo, hiểu đời, hiểu người. Và thực chất, chính cuộc đời đầy bản lĩnh của Thiền sư Vạn Hạnh là biểu hiện sinh động nhất những phẩm chất ưu việt của nhà trí thức tinh hoa trước thời cuộc.
Tóm lại, Thiền sư Vạn Hạnh là một trí thức tinh hoa nổi bật của dân tộc thời kỳ đầu kỷ nguyên độc lập, tự chủ; ông đã tạo lập một vị thế quan trọng trong lịch sử và chính ông đã hoàn tất vai trò của nhà trí thức tinh hoa mà vị thế của ông đòi hỏi. Vai trò đó, không có sự khái quát nào đúng đắn, toàn diện hơn lời suy tôn trong bài kệ mà Vua Lý Nhân Tông truy tặng ông:
“Vạn Hạnh dung tam tế,
Chân phù cổ sấm ky (cơ).
Hương quan danh Cổ Pháp,
Trụ tích trấn vương kỳ”
Hình ảnh vị Thiền sư chống gậy trấn giữ vương triều cao lồng lộng như một tượng đài trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc.
Thiền sư Vạn Hạnh, bằng cuộc đời của ông, đã khẳng định vai trò của tầng lớp trí thức nói chung, của bộ phận trí thức tinh hoa nói riêng là trụ cột của các chế độ chính trị tốt đẹp ở Việt Nam, đồng thời nó cũng đúc kết nên một chân lý của lịch sử: chế độ chính trị nào biết dựa vào tầng lớp trí thức chân chính, biết xây dựng chính trị trên nền tảng trí tuệ và văn hóa, thì chế độ đó sẽ vững vàng trước mọi thách thức và lập nên những đại nghiệp./.
[2] http://tuanvietnam.vietnamnet.vn/gs-cao-huy-thuan-co-mot-nguoi-tri-thuc-nhu-the
[3] Hồ Chí Minh: Toàn tập, tập 5. Nxb CTQG, Hà Nội, 2013, tr. 275.
[4] http://www.tannamtu.com/a/news?t=8&id=1005998
[5] Oxford Advanced Learner’s Dictionary, Oxford University Press, London, 1992.
[6] Dictionaire Le Nouveau Petit Larousse, Editions Larousse, Paris, 1996.
[7] Nhiều tác giả (Nga): Về trí thức Nga, Nxb Tri Thức, Hà Nội, 2009, tr. 197.
[8] Như trên, tr. 228-229.
[9] http://www.nationalaffairs.com/public_interest/detail/who-are-the-elite-intellectuals
[10] http://tuanvannguyen.blogspot.com/2009/06/pham-cach-cua-nguoi-tri-thuc.html
[11] Lê Ngọc Hùng: “Ba nấc thang phát triển lý thuyết về vị thế và vai trò của con người trong cấu trúc xã hội”, Tạp chí Nghiên cứu Con người, số 1 (40), 2009, tr. 51.
[12] Nguyễn Đình Tấn: Cơ cấu xã hội và phân tầng xã hội (sách chuyên khảo), Nxb Lý luận Chính trị, Hà Nội, 2005, tr. 52.
[13] Đại Việt sử ký toàn thư, Bản dịch, tập 1, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1993, tr. 238.
[14] Việt sử lược, Bản dịch, Nxb Thuận Hoá, Huế, 2005, tr. 75; Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, sđd, tr. 247.
[15] Thiền uyển tập anh, sđd, tr. 191-192.
[16] Thiền uyển tập anh, Bản dịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2014, tr. 173.
[17] Chẳng hạn xem Nguyễn Đăng Thục: Lịch sử tư tưởng Việt Nam, tập III. Nxb Tp. Hồ Chí Minh, 1998; Nguyễn Đăng Thục: Thiền học Việt Nam. Nxb Thuận Hóa, 1997.
[18] Thiền uyển tập anh, Bản dịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2014, tr. 173.
[19] Thiền uyển tập anh, Bản dịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2014, tr. 173.
[20] Ủy Ban KHXH Việt Nam, Viện Văn học: Thơ văn Lý – Trần, tập 1. Nxb KHXH, Hà Nội, 1977, tr. 216.
[21] Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, sđd, tr. 240.
[22] Việt sử lược, Bản dịch, Nxb Thuận Hoá, Huế, 2005, tr. 71.
[23] Thiền uyển tập anh, Bản dịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2014, tr. 174-175.
[24] Thiền uyển tập anh, Bản dịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2014, tr. 173.
[25] Thiền uyển tập anh, Bản dịch, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2014, tr. 178.