Vai trò của tài chính doanh nghiệp trong kinh doanh là gì?
5/5 – (1 bình chọn)
Tài chính là một phần quan trọng cấu thành nên doanh nghiệp bên cạnh nhân lực, vật lực, công nghệ,… Quá trình phát triển của nền kinh tế giới đã cho chúng ta thấy vai trò của tài chính doanh nghiệp to lớn như thế nào với không chỉ chính doanh nghiệp đó mà còn với sự phát triển chung của xã hội.
Trong bài viết này, Luận văn quản trị sẽ giúp các bạn hiểu rõ bản chất của tài chính doanh nghiệp và vai trò quan trọng của nó, đồng thời cung cấp cho các bạn thêm các kiến thức về khái niệm và chức năng của tài chính doanh nghiệp.
Khái niệm tài chính doanh nghiệp
Theo Wikipedia, Tài chính doanh nghiệp là một phân môn của ngành Tài chính, nghiên cứu về quá trình hình thành và sử dụng các của cải trong doanh nghiệp nhằm mục tiêu tối đa hóa lợi ích chủ sở hữu.
Một doanh nghiệp có phát triển hay không có thể dựa vào tình hình tài chính của doanh nghiệp để đánh giá. Thông thường một doanh nghiệp có tài chính mạnh, nắm bắt được bản chất tài chính và quản lý chặt chẽ sẽ có tiềm năng phát triển bền vững hơn so với các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính nhỏ và sự quản lý lỏng lẻo.
Tuy nhiên, trong trường hợp một doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế không lớn nhưng lại được quản lý chặt chẽ thì chúng ta lại cần dựa vào những yếu tố khác để đánh giá.
Vai trò của tài chính doanh nghiệp
Khi mà nền kinh tế thị trường phát triển, cạnh tranh ngày càng trở nên gay gắt, một doanh nghiệp có thể kiểm soát, sử dụng và huy động nguồn vốn càng hiệu quả thì khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp đó càng lớn. Có thể thấy tài chính đóng vai trò quan trọng cho sự thành công này. Sau đây là những vai trò của tài chính doanh nghiệp.
-
Thu hút, huy động các nguồn tài chính giúp doanh nghiệp đầu tư phát triển hiệu quả
Một trong những nhân tố tiền đề hình thành nên doanh nghiệp chính là nguồn vốn kinh doanh. Nguồn vốn này bao gồm có vốn chủ sở hữu và vốn vay được huy động từ các hình thức tài chính khác nhau.
Đối với các công ty nhà nước, vốn chủ sở hữu được huy động chủ yếu từ ngân sách nhà nước. Đối với doanh nghiệp kinh doanh khác thì vốn chủ sở hữu có thể là vốn từ chủ doanh nghiệp, từ các cổ đông của công ty. Doanh nghiệp càng phát triển, tài chính doanh nghiệp càng hiệu quả thì khả năng huy động vốn càng lớn từ các nguồn đầu tư hoặc từ giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Còn các khoản vay thì doanh nghiệp có thể huy động từ các ngân hàng, từ trái phiếu, từ tín phiếu,… Cũng như nguồn vốn, muốn bán được trái phiếu, tín phiếu và vay được những khoản lớn từ ngân hàng thì doanh nghiệp cần cho mọi người thấy được báo cáo tài chính, cách mà doanh nghiệp sử dụng tài chính của mình như thế nào để tạo lòng tin và thúc đẩy quyết định có lợi cho mình.
Khi đã huy động được nguồn tài chính cần thiết, doanh nghiệp có thể dùng nó để đầu tư cho các dự án của mình, đó là một đòn bẩy tài chính sẽ giúp doanh nghiệp gia tăng doanh thu, lợi nhuận nhanh chóng nếu quyết định đầu tư thông minh.
-
Đòn bẩy kích thích thích hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp
Vai trò của tài chính doanh nghiệp có thể kể đến tiếp theo như là một đòn bẩy các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các quyết định tài chính liên quan đến chiến lược kinh doanh, kế hoạch sản xuất và các chiến lược đầu tư của doanh nghiệp là minh chứng rõ ràng nhất cho vai trò này.
Khi có nguyên tắc quản lý tài chính doanh nghiệp chặt chẽ và sự phân bổ tài chính hợp lý vào các hoạt động liên quan đến sản xuất như nguyên vật liệu, trang thiết bị, nghiên cứu phát triển, nhân lực thì việc sản xuất sẽ được tối ưu nhất về mặt chi phí, từ đó thúc đẩy việc kinh doanh của doanh nghiệp, tạo ra doanh thu lớn hơn, lợi nhuận cao hơn.
Lúc này, khi kinh doanh hiệu quả, doanh nghiệp sẽ tính đến phương án mở rộng sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ, mở rộng ngành hàng đưa doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ hơn nữa.
-
Tăng hiệu quả sử dụng vốn
Nguồn vốn của doanh nghiệp không phải vô hạn, sử dụng vốn một cách tiết kiệm và hiệu quả là điều rất quan trọng. Đặc biệt trong tình hình cạnh tranh gay gắt hiện nay, mỗi đồng vốn bị lãng phí sẽ đưa doanh nghiệp của bạn đến gần hơn với bến bờ thất bại.
Tài chính doanh nghiệp sẽ giúp điều tiết và phân bổ vốn một cách hiệu quả. Doanh nghiệp thường sẽ lựa chọn sử dụng các đòn bẩy tài chính để gia tăng hiệu quả và giá trị của vốn doanh nghiệp. Nhưng đòn bẩy tài chính lại là một con dao hai lưỡi, nếu không biết cách sử dụng hợp lý, nó có thể làm cho nguồn vốn của doanh nghiệp bị tiêu tán nhanh chóng.
-
Công cụ kiểm soát, đánh giá tình tình hình sản xuất kinh doanh
Tất cả các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đều được ghi chép lại và những người làm tài chính sẽ tổng hợp nó để phân tích và đánh giá. Những số liệu này đến cuối cùng đều được quy đổi về các số liệu tài chính.
Nhìn vào các chỉ số này, chủ doanh nghiệp sẽ biết được doanh nghiệp của mình có đang hoạt động hiệu quả hay không thông qua các chỉ tiêu: hiệu quả sử dụng vốn, hệ số nợ, tỷ lệ nợ và nguồn vốn, tỷ lệ giữa các khoản vay và vốn của chủ sở hữu,…
Nhờ vào đó các nhà quản trị sẽ có những quyết định quan trọng để điều chỉnh hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, đưa ra chiến lược phát triển giúp doanh nghiệp lớn mạnh hơn trong tương lai.
Chức năng của tài chính doanh nghiệp
- Hình thành, tạo lập và luân chuyển vốn:
Nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp luôn có đủ kinh phí để thực hiện trôi chảy, đúng kế hoạch.
- Phân phối lại thu nhập:
Nhằm giúp doanh nghiệp sử dụng đồng tiền sao cho hiệu quả, từ đó kích thích và thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.
- Kiểm tra, giám sát quá trình luân chuyển vốn:
Nhằm giúp doanh nghiệp kiểm soát và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn.
Trên đây là tổng hợp các kiến thức nền tảng giúp bạn hiểu tổng quát nhất về khái niệm, chức năng và vai trò của tài chính doanh nghiệp. Hy vọng những kiến thức mà chúng tôi cung cấp sẽ giúp ích cho bạn. Cảm ơn các bạn đã đón đọc bài viết của Luận văn quản trị. Hẹn gặp lại các bạn trong các bài viết tiếp theo.
Nguồn: Luanvanquantri.com
Tôi là Phương Tâm, dù học quản trị kinh doanh nhưng tôi lại yêu thích viết lách, tôi đã theo đuổi nó hơn 5 năm và thử sức với nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện tại, tôi là người lên kế hoạch và chịu trách nhiệm về mặt nội dung của website Luận văn Quản trị.