Vai trò của rừng đối với đời sống con người hay nhất (5 mẫu) – Ngữ văn lớp 8 – Trường THPT Trần Nguyễn Hãn – Hải Phòng

Vai trò của rừng đối với đời sống con người hay nhất (5 mẫu) – Ngữ văn lớp 8

Đề bài: Lấy chủ đề: vai trò của rừng đối với đời sống của con người. Em hãy viết một đoạn văn làm sáng tỏ chủ đề trên.

Vai trò của rừng đối với đời sống con người – mẫu 1

Con người sống, tồn tại, làm việc, giải trí hàng ngày trong một môi trường sống trong sạch. Một trong những yếu tố tạo nên sự trong sạch đó chính là “rừng”.

Không phải ngẫu nhiên mà trái đất được gọi là hành tinh xanh. Với diện tích lớn là biển, rừng và tầng ôzôn bao quanh, trái đất với điều kiện lý tưởng ấy là nơi bắt nguồn cho sự sống – một điều mà chưa hành tinh nào có. Đặc biệt là rừng – một yếu tố quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống con người.

Bạn đang xem: Vai trò của rừng đối với đời sống con người hay nhất (5 mẫu) – Ngữ văn lớp 8

Rừng là gì? Đó là một quần lạc sinh địa, trong đó sinh vật rừng, đất và khí hậu tạo thành một thể thống nhất, có quan hệ tương hỗ chặt chẽ với nhau. Nó được tạo nên bởi nhiều thành phần mà cây là thành phần chính. Vậy thì tại sao rừng lại có một ảnh hưởng lớn như vậy đến cuộc sống con người?

Như chúng ta đã biết, thành phần chính của rừng là cây xanh. Mà cây xanh lại có tác dụng rất lớn đối với môi trường sống. Không đơn thuần là tạo bóng mát, làm đẹp phố phường mà hơn hết cây xanh điều hòa khí hậu giúp cho không khí trong lành, làm sạch bầu khí quyển. Hãy thử tượng tưởng xem nếu như trái đất này không có cây xanh thì chắc chắn xung quanh ta sẽ chỉ là một bầu không khí bụi bặm, ô nhiễm nắng, nóng hoặc mưa lạnh giá, hạn hán ngập lụt sẽ giày xéo lên cuộc sống của người dân. Nói cách khác không có cây xanh sự sống của con người sẽ chấm dứt.

Cuộc sống con người không chỉ được quyết định ở yếu tố vật chất mà nó còn bị ảnh hưởng bởi điều kiện tự nhiên khách quan. Trong đó xói mòn đất là một hiện tượng tự nhiên thường xảy ra nơi những vùng đất trọc ít cây bao phủ. Xói mòn làm cho lớp đất mặt bị rửa trôi, tạo thành khe rãnh gây lũ lụt, đất trôi lở… ảnh hưởng nghiêm trọng tới sản xuất và đời sống con người. Rồi hiện tượng gió, gió mạnh ảnh hưởng lớn đến cây rừng làm giảm -90% sự đồng hóa thực vật, gió nóng làm giảm khả năng thụ phấn của cây, dèm cát vùi lấp đồng ruộng, nhà cửa… Tất cả những thiên tai khủng khiếp đó đều có thể được ngăn chặn hoặc giảm bớt bằng cách trồng cây xanh. Rừng điều hòa khí hậu, điều tiết dòng chảy trên mặt đất bảo vệ, cải tạo làm tơi xốp đất, giữ nước cho sản xuất, hạn chế sức phá hoại của gió ngăn sự di chuyển của cát vào sâu đất liền, ngăn chặn gió, bão, làm hại mùa màng, làng xóm. Không chỉ thế rừng còn là nguồn cung cấp cho con người gỗ, củi, hoa quả và các sản vật khác. Có thể nói rừng đóng một vai trò rất quan trọng trong đời sống của mỗi con người.

Không chỉ là yếu tố, thành phần chính trong hoàn cảnh sống của con người mà rừng còn là môi trường sống của rất nhiều động vật quý hiếm. Rừng có các loại cây từ thấp lên cao. Ở mỗi tầng là một môi trường hoàn cảnh thích nghi riêng biệt với từng loài vật. Nào thỏ, hươu, nai, hổ đến khỉ, vượn, sóc, chim… đó là những loài động vật rất quý hiếm mà môi trường sống duy nhất của chúng chính là rừng – thiên nhiên hoang dã.

Trong rừng có rất nhiều loài gỗ quý hiếm như đinh, lim, sến, táu, hao., rồi các loại thuốc quý như sâm, tam thất rất có lợi cho sức khoẻ. Hay có những khu rừng được con người trồng lên để phục vụ cho sự sống, công nghiệp như rừng cao su.

Bên cạnh đó rừng còn là môi trường sinh thái trong lành – một địa điểm du lịch lý thú, một danh lam thắng cảnh tuyệt với đầy bí ẩn, hoang dã và tràn đầy hấp dẫn, lôi cuốn.

Ảnh hưởng lớn và có tính chất quyết định đến sự sống con người, rừng còn rất có ích với các lĩnh vực khác như nông nghiệp, công nghiệp, du lịch, dịch vụ… Hiểu rõ được những lợi ích và ảnh hưởng của rừng ta mới thấy rõ vị trí và tầm quan trọng của nó như thế nào.

Đất nước ta với ba phần tư diện tích là rừng, đồi núi – một điều kiện thiên nhiên tuyệt vời. Vậy mà giờ đây diện tích rừng đó còn lại bao nhiêu? Không hiểu rõ tầm quan trọng của rừng, rất nhiều người đã chặt phá cây bừa bãi nhất là những người dân thiếu hiểu biết “đốt nương làm rẫy” khai phá rừng một cách vô ý thức. Nhưng cũng có những người biết được lợi ích của rừng hiểu được sự sai trái trong hành động của mình nhưng vẫn chặt trộm, khai khác rừng trái phép để kiếm lợi về mình. Hậu quả của những việc chặt phá, khai thác thiếu quy củ, đốt rừng, phá rừng ấy thật không thể tưởng tượng được. Ta từng tự hào với cánh rừng U Minh rộng lớn, phong phủ nhưng chỉ vì thiếu ý thức, công tác quản lý kém mà hàng trăm, hàng nghìn hecta rừng bị phá hủy, thiêu rụi trong ngọn lửa làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và thiệt hại hàng trăm tỷ đồng của nhà nước. Những vùng đồi xanh đẹp đẽ xưa kia, những cánh rừng nguyên sinh xưa kia giờ đây chỉ còn là những quả đồi trọc, những khu rừng thứ sinh. Tiếp theo đó là những thảm họa thiên nhiên liên tục xảy ra nào hạn hán, nào lũ lụt, nào sụt lở đất… làm thiệt hại bao tiền của và đau đớn hơn là lấy đi tính mạng của không ít những ngưòi dân vô tội. Không có rừng thì lấy cái gì để ngăn chặn lũ lụt, điều hòa không khí, để chống xói mòn, để bảo vệ làng mạc? Những tai hại to lớn và khủng khiếp ấy đều chỉ vì một sự vô ý thức, sự thiếu hiểu biết và hám lợi của một số cá nhân gây ra.

Mất rừng đồng nghĩa với việc môi trường sống của con người đang dần dần bị tàn phá, hủy hoại. Những loài động vật hoang dã cũng mất đi môi trường sống của mình. Đã bao loài động vật bị tuyệt chủng, bị đưa vào danh sách đỏ. Nguy cơ tuyệt chủng tất cả cũng vì chặt phá rừng.

Hiểu rõ tầm quan trọng, thấy rõ những hậu quả của việc tàn phá rừng, chúng ta thêm phần yêu quý và biết bảo vệ rừng hơn.

Hiện nay Đảng và chính quyền nhà nước ta đã có những biện pháp thích hợp và quản lý chặt chẽ trong việc khai thác rừng. Bằng cách khai thác hợp lý kết hợp với việc tái tạo rừng, nhiều khu rừng đã được phục hồi “phủ xanh đồi trọc”.

Tác động của con người tới tái sinh tự nhiên là rất lớn bởi trong tái sinh tự nhiên thường gặp hoàn cảnh bất lợi, ảnh hưởng đến sự nảy mầm của hạt sự sinh trưởng của cây con. Để khắc phục người sản xuất phải chủ động tạo hoàn cảnh sống thích hợp bằng cách chặt phá những cây, cành mọc quá rậm, phát bớt bụi rậm để hạt dễ tiếp xúc nảy mầm và xới đất tơi xung quanh gốc. Là học sinh, sinh viên chúng ta có thể góp sức nhỏ của mình trong công cuộc cải tạo rừng bằng cách tuyên truyền tầm quan trọng của rừng, hậu quả của việc khai thác trái phép và có thể trồng cây quanh nhà để góp phần làm trong sạch không khí, môi trường sống trong xóm làng.

Hãy yêu quý và bảo vệ rừng để trái đất của chúng ta mãi là hành tinh xanh. “Tổ quốc Việt Nam yêu dấu, có sạch đẹp mãi được không. Điều đó tuỳ thuộc hành động của bạn, chỉ thuộc vào bạn mà thôi”

Vai trò của rừng đối với đời sống con người – mẫu 2

Rừng là món  quà vô giá mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Rừng mang lại cho con người biết bao lợi ích. Trước tiên rừng cung cấp gỗ cho đời sống sinh hoạt cũng như cuộc  sống của ta. Từ rừng về đến thành phố, nông thôn, làng bần, những gây gỗ tạp vào bếp làm củi, vào những nhà máy sản xuất giấy, những công ty gia dụng để trở thành những đồ vật đẹp đẽ. Khắp nơi trong nhà đâu đâu cũng thấy  những đồ vật bằng gỗ, từ chiếc bàn thờ gia tiên đến cái bàn, cái ghế, cái tủ, ngay cả chiếc giường êm ái mà ta vẫn hay nằm. Những loại gỗ quý như lim, sến, táu, gu…  thì lên những tàu thủy ra cảng xuất khẩu. 

Thế mới thấy, rừng đóng góp  không nhỏ trong sự phát triển kinh tế của con người, không chỉ vậy, rừng còn mang đến những loài thảo dược quý hiếm. Từ xưa tới nay. trong y học, các thầy thuốc đều tìm ra muôn vàn cây thuốc quý trong rừng về làm thuốc bổ, thuốc chữa bệnh nan y. Ông bà, tổ tiên ta vẫn thường dùng thuốc gia truyền ấy mà thanh lọc cơ thể, chữa các bệnh tiêu hóa hay bệnh ngoài da. Trên thị trường hiện nay những cây nấm linh chi hay những hộp sâm được bày bán với giá cao, mang lại sức khỏe cho con người.

Ngoài ra, rừng còn là ngôi nhà của muôn thú, rất nhiều loài động vật quý hiếm thường  sinh sống sau những tán cây rậm rạp ấy. Âm thanh của rừng là bản hòa phối của sự hoang dã, tiếng chim kêu, vượn hú, tiếng những chú khỉ thoăn thoắt truyền cành hay tiếng bò sột soạt trên mặt đất của người loài rắn. Tất cả đều tạo nên một nét đẹp vô cùng tự nhiên.

Nhờ có rừng mà thế giới động vật mới được bảo vệ và càng thêm phong phú. Đặc biệt hơn, rừng còn là lá chắn vô hình, ngăn chặn các hiện tượng lũ quét, sạc nở đất hay xói mon, bạc màu đất, Hàng ngàn, hàng vạn chiếc rễ cắm sâu vào trong lòng đất, giữ lại những miếng đất quý báu, cản lại những dòng nước mưa tuôn xối xả. Nhờ những từng cây anh hùng ấy, mà những cánh đồng mới trĩu hạt bội thu vì không mất mùa do ngập úng, những bông hoa mới tỏa ngát hương. Như vậy rừng chính là ngôi nhà che chở và bảo vệ cho đồng bằng màu mỡ.

Không thể không kể đến rừng là lá phổi xanh của trái đất, điều hòa khí hậu. Rừng có hàng vạn cây, trên mỗi cây có hàng vạn chiếc lá, mỗi chiếc lá ấy như một lá phổi thu nhỏ, thải ra ôxi có lợi cho sự hô hấp của con người. Cũng vì có rừng mà lượng khí các bô níc trong không khí luôn ổn định, khiến cho khí hậu toàn cầu luôn ôn hòa. Nhờ lá phổi xanh ấy mà khói bụi không thể xâm nhập nhiều vào cơ thể con người, giúp ta tránh được các bệnh về đường hô hấp. Còn có rừng thì ta còn được hưởng không khí trong lành, còn được bảo vệ khỏi căn bệnh nguy hiểm.

Ngoài ra rừng còn là mỏ than đá cho con người khai thác, khi những chiếc lá còn xanh, chúng đã góp hết sức cho  đời mà đến khi úa vàng, chúng chẳng trở nên vô dụng, từng chiếc lá rơi, góp phần vào sự hình thành than đá. Sau bao năm cần mẫn, những chiếc lá đã hóa thành than đá cứng nhắc, tiếp tục mang lại lợi ích cho con người. Thật không kể sao cho hết lợi ích của những cánh rừng xanh ngút ngàn. Rừng đã góp công sức không nhỏ trong những cuộc chiến tranh, góp phần cùng con người giành độc lập cho đất nước. Nhà thơ Tố Hữu đã viết:

” Núi giăng thành lũy sắt dày

Rừng che bộ đội, rừng cây quân thù”

Vậy đấy, rừng bảo vệ, che chở giúp bộ đội ngụy trang mà an tâm chiến đấu, dễ dàng lên đường hành quân. Rừng trở thành mồ chôn của biết bao tên giặc, cùng dân tộc ta đón mừng chiến thắng. Hòa bình ta dành được hôm nay cũng có bóng dáng của những tán lá xanh từ những khu rừng.

Không chỉ có ý nghĩa vật chất, rừng còn giá trị  lớn về mặt tinh thần. Rừng là nơi thăm quan và thu hút vô vàn khách du lịch ưa khám phá và kiếm tìm sự thư giãn. Đến với rừng là đến với thiên nhiên, ta như được hòa mình vào thế giới tự nhiên kỳ thú, sôi động. Đến với thiên nhiên ta tìm thấy sự yên tĩnh thoải mái, nhẹ nhàng trong tâm hồn. Hơn nữa, rừng còn là cảm hứng nghệ thuật cho biết bao nhà văn, nhà thơ và họa sĩ nổi tiếng. Ai trong chúng ta không biết đến ” Mùa thu vàng” của họa sĩ người Nga Levitan.

Trong thơ ca, rừng xuất hiện không ít để gợi cảm xúc, khơi dậy lòng đồng cảm và đánh thức sự rung động trong lòng người đọc. Tóm lại, rừng có rất nhiều lợi ích và không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta.

Vai trò của rừng đối với đời sống con người – mẫu 3

Vai trò quan trọng nhất của rừng đối với sự sống trên trái đất là thanh lọc không khí, cung cấp ôxi cho sự sống. Rừng là lá phổi của trái đất. Đời sống càng phát triển, càng nhiều nhà máy, càng nhiều các loại động cơ… càng cần có nhiều rừng để cân bằng không khí.

Trong việc bảo vệ đất, chống xói mòn, ngăn lũ lụt rừng cũng có vai trò quan trọng. Rễ cây rừng lâu năm rậm rạp bền bỉ bám đất, giữ đất chống lại những trận càn quét của lũ lụt. Lá rừng rậm rạp cản lại vận tốc của những cơn mưa rừng dữ dội tránh xói mòn. Còn gì nữa? Thân cây gỗ lớn, những loại cây bụi tầng thấp cản lại vận tốc dòng chảy của lũ, tạo thời gian để đất ngấm nước, ngăn lại những cơn lũ ào ạt.

Bên cạnh vai trò cân bằng tự nhiên, rừng còn là một tài nguyên quý giá tạo điều kiện cho kinh tế phát triển. Không ai có thể phủ nhận nguồn lợi có được từ những thân gỗ lâu năm, từ những loại thảo dược, từ những động vật rừng, từ các khu du lịch sinh thái…

Có thể nói, rừng là nguồn tài nguyên vô giá, nếu mất đi thì khó có thể khôi phục lại được.

Vai trò của rừng đối với đời sống con người – mẫu 4

Rừng là tài nguyên quý giá của con người, rừng cung cấp cho ta lương thực, thực phẩm, rừng cung cấp nguyên liệu trong công nghiệp, rừng là nơi con người nghiên cứu, tìm tòi, khám phá, tham quan du lịch.

Thử hỏi rằng nếu không có rừng với các loài động thực vật phong phú thì những món thức ăn, những trái cây chín,… chúng ta kiếm đâu ra? Thứ hỏi rằng nếu không có rừng thì lấy đâu ra những bột gỗ để chế tạo giấy, lấy đâu ra gỗ để làm nhà. Tủ, giường, bàn…? Thử hỏi rằng nếu không có rừng là nơi cư trú của nhiều loài động thực vật quý hiếm thì các nhà sinh vật học lấy đâu ra nơi nghiên cứu khoa học, nơi bảo tồn các động vật hoang dã? Và nếu không có rừng thì mọi người sẽ không biết được những cảnh đẹp kỳ thú của thiên nhiên.

Nói tóm lại, chúng ta đang dựa vào rừng để phát triển kinh tế, để đảm bảo những điều kiện quan trọng cho sự phát triển. Nhưng vượt lên trên tất cả, tác dụng to lớn nhất của rừng từ muôn đời nay chính là cung cấp khí oxi đảm bảo sự sống cho con người. Rừng với tán lá vĩ đại là nơi điều hoà khí hậu, hút khí độc các-bô-níc và tạo ra khí ô-xi, vì vậy người ta còn coi rừng như một lá phổi xanh của Trái Đất, ngôi nhà chung của nhân loại. Cùng với dó, rừng là nhân tố quan trọng giúp chống xói mòn rửa trôi đất, bảo vệ đất khỏi những cơn mưa lũ,… Có thể khẳng định vai trò to lớn không gì có thể thay thế được của rừng đối với đời sống con người. Vì vậy, bảo vệ rừng và phát triển rừng chính là nhiệm vụ hàng đầu của nhân loại ngày nay.

Vai trò của rừng đối với đời sống con người – mẫu 5

   Tại sao nhà nước ta luôn luôn khuyến khích người dân trồng rừng phủ xanh đất trống đồi núi trọc? Đó là bởi vì rừng có vai trò to lớn với đời sống con người. Rừng là một hệ sinh thái với nhiều loài nhưng cây rừng giữ vai trò chủ yếu. Những cánh rừng bạt ngàn xanh như một lá phổi khổng lồ cung cấp oxi, đem lại bầu không khí trong lành cho cuộc sống con người. Hằng năm, rừng cho sản lượng gỗ không nhỏ, nhiều loại gỗ quý có giá trị kinh tế cao. Trong rừng còn có rất nhiều những loại cây thuốc quý có giá trị dược liệu phục vụ sự phát triển y học. Rừng còn điều hòa nước, bảo vệ và ngăn chặn gió bão. Mỗi mùa bão lũ, cây rừng chống xói mòn, rửa trôi, sạt lở đất, bảo vệ bình yên cho cuộc sống con người. Rừng là nơi trú ngụ, môi trường sống của rất nhiều những loại động thực vật quý hiếm, tàng trữ nguồn gen quý và đảm bảo sự đa dạng sinh học trên Trái đất. Mối quan hệ và tầm quan trọng của rừng đối với cuộc sống của mỗi con người là mối quan hệ hữu cơ và không một quốc gia nào không hiểu. Thế nhưng, mỗi năm vẫn có những cánh rừng bị phá hủy, nhiều vùng đất trở nên xói mòn không thể cải tạo được nữa. Thiết nghĩ, mỗi con người, cần nâng cao nhận thức, hiểu vai trò, lợi ích của rừng để tích cực trồng và bảo vệ rừng , khai thác rừng hợp lí, kiên quyết lên án những hành vi phá hoại rừng….vì chỉ có như vậy mới bảo vệ được cuộc sống của chính chúng ta.

Xem thêm các bài Văn mẫu thuyết minh, phân tích, dàn ý tác phẩm lớp 8 khác:

Mục lục Văn mẫu | Văn hay lớp 8 theo từng phần:

Đăng bởi: THPT Trần Nguyên Hãn

Chuyên mục: Học Tập Lớp 8