Vai trò của nhà nước trong định hướng và can thiệp vào trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

0baa6a75362d1e27da3d5891dafae451-l-1658557058.jpg
Ảnh minh họa

Thông qua trách nhiệm xã hội, doanh nghiệp tạo ra những cơ hội về quảng bá, cạnh tranh và nâng cao vị thế về hình ảnh, giá trị thương hiệu sản phẩm của mình giúp cho doanh nghiệp phát triển bền vững.

– Quan điểm về trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Tại các nước có nền kinh tế phát triển, với tư cách là thành viên của những chủ thể trong nền kinh tế thị trường, ngoài nghĩa vụ tuân thủ các chế định của nhà nước, doanh nghiệp luôn có thái độ rõ ràng về trách nhiệm của mình đối với sự phát triển kinh tế – xã hội bền vững, có thể thấy rõ ở các mặt sau:

Trách nhiệm bên trong doanh nghiệp, đây là giá trị cốt lõi được kiến tạo từ bộ quy tắc ứng xử của doanh nghiệp, đó là trách nhiệm đối với người lao động về chính sách việc làm, chế độ và môi trường làm việc, sự quan tâm và chăm lo sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần nhằm đảm bảo lợi ích nhiều mặt cho người lao động trong và sau khi làm việc.

Những người trực tiếp làm việc và các cổ đông có đều có cơ hội học tập, phát huy sáng kiến, thể hiện mọi khả năng và năng lực đóng góp vào phát triển doanh nghiệp, sự minh bạch và công minh tiêu chuẩn sử dụng lao động và hệ thống đánh giá, đãi ngộ nhằm tạo ra đội ngũ lao động chất lượng, gắn kết bên nhau làm nên những giá trị sản phẩm cạnh tranh cao cho doanh nghiệp, trực tiếp vun đắp sự bền vững của doanh nghiệp.

Trách nhiệm đối với bên ngoài doanh nghiệp, được biểu hiện bằng những hành vi đa dạng trên nhiều lĩnh vực, có lĩnh vực liên quan đến trách nhiệm doanh nghiệp, có lĩnh vực tác động đến hoạt động doanh nghiệp nhưng cũng có lĩnh vực lại mang ý nghĩa cộng đồng xã hội, tuy nhiên trách nhiệm đối với bên ngoài doanh nghiệp luôn được xã hội ghi nhận như một nghĩa cử tiêu biểu và cao cả của doanh nghiệp

Đầu tiên là trách nhiệm với người tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp:

Khi sản phẩm của doanh nghiệp đưa đi tiêu thụ cũng là lúc doanh nghiệp thể hiện các chính sách về hàng hóa của mình đối với khách hàng. Trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế thì không chỉ người tiêu dùng mà đối tác tiêu thụ còn là các các tổ chức doanh nghiệp, các nhà phân phối nhập hàng đều là khách hàng liên quan đến trách nhiệm sản phẩm. Trách nhiệm của doanh nghiệp được thể hiện bằng các cam kết về chất lượng sản phẩm (mức độ ích lợi, an toàn), sự hợp lý về giá cả và đạo đức kinh doanh (minh bạch xuất xứ và thành phần nguyên liệu, chế biến và đóng gói, dịch vụ chăm sóc, các chế độ hậu mãi), cũng như cách thể hiện triết lý văn hóa doanh nghiệp (những tôn chỉ trong ứng xử với khách hàng, tính trung thực trong quảng bá và giới thiệu sản phẩm).

Khi thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp càng cao thì trách nhiệm gắn với người tiêu thụ có quy mô càng lớn. Ngày nay hàng hóa phổ biến toàn cầu đã không phải là điều xa xỉ trong sản phẩm của doanh nghiệp, vì thế trách nhiệm với người tiêu dùng sản phẩm của doanh nghiệp đã là một nguyên tắc hành động có tầm quan trọng đặc biệt đối với doanh nghiệp, bên cạnh sự hài lòng của các “Thượng đế” thì luôn có sư giám sát chặt chẽ của hệ thống pháp luật, do đó có thể coi trách nhiệm này là sự sống còn của doanh nghiệp, thái độ quay lưng hay bắt tay của người tiêu dùng sẽ dẫn đến sự tàn vong hay hưng thịnh của doanh nghiệp.

Thứ hai là trách xã hội của doanh nghiệp về sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường:

Khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường là quy định hàng đầu của các cơ quan quản lý Nhà nước khi cấp phép hoạt động sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, hầu hết các doanh nghiệp trong quá trình sản xuất, kinh doanh đều tác động trực tiếp hay gián tiếp đến môi trường, có thể thấy rõ những liên đới như: Sản xuất khai thác, chế biến, sử dụng các tài nguyên khoáng sản, lâm sản, thủy sản (nguyên vật liệu, vật nuôi, cây trồng) liên quan đến tài nguyên thiên nhiên trong lòng đất, nguồn nước và hệ sinh thái.

Sự vận hành của doanh nghiệp phải đảm bảo trách nhiệm sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên và gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, không làm ảnh hưởng đến môi trường sống hiện tại của con người cũng như của các thế hệ mai sau, ngoài ra còn bảo đảm sự cân đối phát triển bền vững giữa các thế hệ trong việc sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường. Trách nhiệm xử lý ô nhiễm môi trường (phế thải, rác thải, khí thải, nước thải, chất độc hại, chất thải công nghiệp,…)

Do quá trình hoạt động sản xuất, chế tạo, chế biến sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp mà có, cũng luôn được coi trọng hàng đầu, những quy định về tiêu chuẩn mà các doanh nghiệp cần phải tuân thủ không chỉ ngay từ quá trình hình thành cơ sở sản xuất mà còn duy trì thường xuyên trong hoạt động sản xuất, trong quá trình phát triển luôn cải tiến hoặc áp dung, thay thế các thiết bị khoa học công nghệ tiên tiến để giảm thiểu tác động tối đa đến môi trường, vừa tăng năng xuất để doanh nghiệp phát triển bền vững vừa bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong khu vực hoạt động của doanh nghiệp. Những khách hàng ở các nước phát triển cũng đã đưa ra các điệu kiện cho các doanh nghiệp có sản phẩm khi xuất khẩu hàng hóa của mình phải tuân thủ các quy định về trách nhiệm xã hội và môi trường, phải thuyết minh xuất xứ nguyên liệu sản xuất chế biến không liên quan đến tàn phá môi trường, gây tác hại cho cộng đồng, đây cũng chính là nền tảng để doanh nghiệp tham gia vào phát triển kinh tế bền vững.

Một khía cạnh khác cũng liên quan đến môi trường xã hội mà không thể không gắn trách nhiệm của doanh nghiệp, đó là sự tham gia của doanh nghiệp trong quá trình lành mạnh hóa các khế ước xã hội, đồng thuận với công tác triệt tiêu các tệ nạn xã hội tại khu vực như phòng chống ma túy, không tiếp tay cho tham nhũng, không sử dụng các chi phí vô hình,….góp phẩn ổn định môi trường xã hội, tạo điều kiện giữ vững trật tự, an ninh trong khu vực sản xuất của doanh nghiệp.

 Thứ ba là trách nhiệm đóng góp cho cộng đồng xã hội của doanh nghiệp:

Sự thể hiện trách nhiệm này thường được coi là hành vi đạo đức của doanh nghiệp, ngoài những nghĩa cử trong hoạt động từ thiện (xây dựng trường học, xây nhà tình nghĩa tại địa bàn của doanh nghiệp, giúp đỡ nhóm xã hội bị thiệt thòi, quyên góp ủng hộ đồng bào gặp hoạn nạn,…), trách nhiệm còn thể hiện ở sự nỗ lực sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ, lòng tin, các hậu thuẫn về an sinh xã hội đối với cộng động xã hội trên địa bàn doanh nghiệp. Trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng không chỉ đem lại lợi ích trước mắt cho phía địa phương và doanh nghiệp mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Nhận thức được tầm quan trọng và ích lợi của việc thực hiện trách nhiệm xã hội với cộng đồng địa phương, hướng tới sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững tại khu vực, doanh nghiệp không chỉ củng cố được uy tín với khách hàng mà còn làm đẹp hình ảnh của mình dưới con mắt của Nhà chức trách, sự tôn vinh các doanh nghiệp thực hiện tốt trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, luôn củng cố sức mạnh của doanh nghiệp, tạo được sự gắn bó và hài lòng của người lao động đối với doanh nghiệp, thu hút được lực lượng lao động có chuyên môn và yêu nghề cho doanh nghiệp, vì thế trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp ngày càng được coi trọng và trở thành một trong những yêu cầu không thể thiếu được đối với doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp Việt Nam và nhận thức về trách nhiệm xã hội

Những năm gần đây, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam đã phần nào chiếm được tình cảm thân thiện của cộng đồng, cùng với sự sự tham gia vào các chương trình chung tay giúp đỡ người nghèo vào dịp cuối năm, công tác từ thiện cho nhóm xã hội bị thiệt thòi, nuôi dưỡng các đối tượng chính sách khó khăn,…những thiết bị tiên tiến đã dần được thay thế để không chỉ tạo ra sản phẩm mang lại hiệu quả cho doanh nghiệp mà còn hạn chế tác hại gây ra đối với môi trường, xã hội. Tuy nhiên, con số này là chưa nhiều và chưa đủ thuyết phục đối với với yêu cầu về trách nhiêm xã hội của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay. Nguyên nhân vẫn được xác định từ nhận thức ở các khía cạnh sau:

Trước tiên, nhận thức về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với Nhà nước:

Nghiên cứu trong hành trình doanh nghiệp Việt cho thấy, quá trình thành lập và vận hành doanh nghiệp trải qua tới 24 cửa tác nghiệp. Trong thời kỳ đầu đổi mới, có giai đoạn doanh nghiệp phải ứng xử với không ít những chính sách bất cập, chồng chéo liên quan đến sản xuất, kinh doanh xuất nhập khẩu, mà có lúc họ đã ca thán về các văn bản phải hứng chịu như: Năm không, ba đợi bốn mất (Không đồng nhất, không đồng thời, không minh bạch, không thực tế, không hiệu quả; Phải đợi xin ý kiến, đợi phê duyệt, đợi trình ký; Dẫn đến mất thời gian, mất cơ hội, mất tiền bạc, mất bạn hàng), cũng không ít mối quan hệ phải sử dụng đến tiền, thậm chí họ còn nhận được những đề nghị giúp cơ quan chức năng nhà nước trong những dịp kỷ niệm ngày thành lập, dịp tểt hay ngày lễ, vì phải đối mặt với nhiều bức xúc trong xã hội nên trách nhiệm của họ là cố làm trọn nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước là đủ.

Từ nhận thức trên, nhiều doanh nghiệp đã không không ngần ngại tìm cách lách luật, né tránh trách nhiệm xã hội, vi phạm các quy định pháp luật về lương bổng, chế độ bảo hiểm, an toàn lao động, sử dụng các hành vi gian lận trong kinh doanh, báo cáo tài chính không đúng; sản xuất, kinh doanh hàng kém chất lượng, cố ý gây ô nhiễm môi trường,…chỉ vì mục đích là lợi nhuận và tránh bị phát hiện vi phạm luật định.

Thứ hai, nhận thức về trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất kinh doanh:

Đa số các doanh nghiệp Việt Nam thuộc doanh nghiệp nhỏ và vừa, khả năng tài chính hạn chế, vốn nhỏ và ngắn, do vậy họ luôn viện cớ về khó khăn này và trách nhiệm của mình chỉ là hoàn thành các chế độ chính sách đối với người lao đông khi sử dụng họ theo hợp đồng ký kết, trong thực tế các điều khoản hợp đồng lao động bao giờ đưa ra đều có lợi cho doanh nghiệp, nhiều thỏa thuận không được minh bạch như chế độ đào tạo, bồi dưỡng, công tác đánh giá, khen thưởng, sáng kiến, an toàn lao động,…họ coi việc việc sử dụng lao động đã là chia sẻ và góp công đối với xã hội rồi, chỉ cần làm tốt việc trả lương cho công nhân khi làm việc là đủ, thậm chí coi người lao động chỉ là công cụ trong dây truyền sản xuất, nhiều thiết bị lỗi thời, môi trường làm việc không tốt, công tác bảo hiểm, an toàn lao động kém do tiềm lực tài chính hạn hẹp từ phía doanh nghiệp, không đủ trang bị trong sản xuất mà người lao động đều phải chấp nhận, không ít trường hợp đã xảy ra tình trạng lãn công, đình công do doanh nghiệp vi phạm hợp đồng.

Thứ ba, nhận thức về trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội

Từ sự thiếu minh bạch về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, khung pháp lý chưa hoàn thiện dẫn đến nhận thức sai lệch cho các doanh nghiệp, bên cạnh sự thiếu nguồn vốn và kỹ thuật để thực hiện các chuẩn mực trách nhiệm xã hội, nhiều chi phí cho trách nhiệm xã hội doanh nghiệp chưa được hạch toán vào chi phí sản xuất, nếu thực hiện trách nhiệm xã hội sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp, năng suất lao động bị ảnh hưởng hoặc giảm khả năng cạnh tranh ban đầu, thâm hụt lợi ích trước mắt, do đó các doanh nghiệp vừa và nhỏ không muốn thực hiện trách nhiệm xã hội.

Một lý do nữa khiến cho doanh nghiệp còn chần chừ, chưa coi trọng trách nhiệm xã hội doanh nghiệp trong quá trình hoạch định chiến lược phát triển doanh nghiệp, đó là chính quyền địa phương chưa có các chính sách khuyến khích, ưu tiên với những doanh nghiệp tích cực tham gia trách nhiệm xã hội doanh nghiệp, thiếu sự hỗ trợ và tạo ra những yêu cầu mới cho thị trường nội địa từ phía nhà nước, chưa tạo ra được hệ ý thức cho cộng đồng doanh nghiệp và coi trách nhiệm xã hội doanh nghiệp là nhiệm vụ chung của tất cả cộng đồng doanh nghiệp. Từ đó cho thấy cần có một cú “hích” nhằm đột phá nhận thức này một cách đầy đủ hơn.

3. Định hướng và can thiệp vào trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp

Trong quá trình phát triển nền kinh tế bền vững có sự tham gia không nhỏ của cộng đồng doanh nghiệp, nhằm giải quyết các vấn đề lớn như: An ninh năng lượng; xóa đói giảm nghèo, tạo công ăn việc làm; bảo vệ môi  trường, sử dụng hiệu quả năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng chống tham nhũng; thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ,…Phát huy vai trò của doanh nghiệp là một nhiệm vụ của chính quyền nhà nước trong hoạt động quản lý, phù hợp trong từng giai đoạn phát triển kinh tế đất nước.

Công cuộc cải cách kinh tế giai đoạn 2011-2020, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ cấu trúc lại các doanh nghiệp nhà nước và hoàn thiện, ổn định mô hình vào năm 2015, đây là thời điểm để nhà nước thể hiện vai trò chủ đạo của mình đối với trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong giai đoạn hội nhập quốc tế cũng như xây dựng nền công vụ chuyên nghiệp, trách nhiệm và hiện đại nhằm nâng cao chất lượng đời sống cộng đồng. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp tuy mới mẻ với các doanh nghiệp Việt Nam, nhưng không vì vậy mà chúng ta khoanh tay đứng nhìn trước thảm họa ngày càng tăng về môi trường cũng như những hậu quả tiêu cực về xã hội do các doanh nghiệp gây ra,  định hướng và can thiệp của Nhà nước nhằm thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay là một đảm bảo cho chiến lược phát triển kinh tế bền vững ở nước ta.

Định hướng trách nhiệm

Một là, nhà nước xây dựng một khung pháp lý bắt buộc các doanh nghiệp phải thực thi trách nhiệm xã hội ngay trong luật (luật hóa), bao gồm hệ tiêu chí toàn diện về trách nhiệm xã hội, đây là giải pháp hữu hiệu nhất đối với việc thực hiện trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp.

Các chương trình trách nhiệm xã hội định hướng không chỉ để quan tâm sản xuất, mà còn đối với nâng cao vị thế xã hội và cải thiện đời sống của người dân. Vì vậy, mô hình của trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp cần phải được xây dựng từ mô hình ” lấy sản xuất làm trung tâm ” chuyển sang mô hình ” lấy con người làm trung tâm “. Như vậy, các chương trình trách nhiệm xã hội thích ứng với việc thực hiện nguyên tắc phân cấp, tham gia, trao quyền, bảo vệ môi trường, làm việc theo mạng lưới xã hội, khía cạnh lãnh thổ và kinh tế địa phương. Có thể xây dựng theo mô hình sau nhằm đưa ra một hệ thống quản trị tốt.

img-5863-1658556959.jpg
 

Hai là, tất cả các doanh nghiệp phải có bộ quy tắc ứng xử cho riêng mình, trong đó thể hiện rõ trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp phải là một trong những mục tiêu phát triển bền vững doanh nghiệp mình, bộ quy tắc này làm cơ sở để tạo ra danh mục phí cho giá thành sản phẩm cũng như nền tảng của quy chế dân chủ và hành vi đạo đức doanh nghiệp. Song song với bộ quy tắc ứng xử doanh nghiệp, Bộ Công thương nên xây dựng và ban hành những những quy định chung về văn hóa doanh nghiệp.

Ba là, tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin bằng nhiều hình thức về ý nghĩa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, có thể thí điểm đưa vào trường học, trước tiên là ở các khối trường kinh tế, các khóa học dành cho doanh nghiệp, lãnh đạo doanh nghiệp, tổ chức các hội thảo theo khu vực địa phương có sự tham gia của người đứng đầu doanh nghiệp.

Bốn là, với trách nhiệm của mình – chính quyền địa phương hỗ trợ và tạo ra những yêu cầu mới cho thị trường nội địa, các cơ hội phục vụ hoạt động của doanh nghiệp, đảm bảo các mội trường về trật tự, an ninh, pháp lý, tài chính,…giúp doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Can thiệp trách nhiệm

Dựa vào các điều kiện sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp mà nhà nước thể hiện vai trò can thiệp của mình trong hoạt động quản lý, buộc các doanh nghiệp phải tham gia chương trình trách nhiệm xã hội, nếu không thực hiện có thể sẽ khó có cơ hội tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế, đó là:

– Chất lượng sản phẩm hàng hóa là một quy định do cơ quan có trách nhiệm thực hiện, nếu điều kiện xác nhận cần có thêm yêu cầu bắt buộc về chứng minh trách nhiệm của xã hội của doanh nghiệp thì đây sẽ là cơ sở để nhà nước dễ dàng can thiệp.

– Điều kiện về xuất khẩu hàng hóa và ký gửi bán hàng nội địa, các doanh nghiệp có đủ năng lực xuất khẩu sản phẩm của mình thì không thể khước từ trách nhiệm xã hội của mình. Doanh nghiệp muốn hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu hàng hóa của mình, cần phải có được chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) do VCCI hoặc Bộ Công thương cấp, đây sẽ là “cửa” để nhà nước can thiệp điều kiện “đủ “khi doanh nghiệp tham gia vào trách nhiệm xã hội, Tờ khai hải quan cũng là nơi có thể thực hiện vai trò can thiệp của nhà nước khi doanh nghiệp hoàn thành trách nhiệm xã hội của mình để xuất khẩu hàng hóa ra khỏi biên giới. Hàng hóa ký gửi bán, phân phối, kinh doanh nội địa cũng có thể có quy định về trách nhiệm xã hội khi nhà nước sử dụng vai trò quản lý của mình.

– Các điều kiện về vinh danh doanh nghiệp, bảng vàng lưu danh, khen thưởng về thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ,…tiêu biểu hàng năm, ngoài các tiêu chí chung cần chú trọng đến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và coi đây là tiêu chí bắt buộc theo khung quy định.

– Tăng cường kiểm tra thường xuyên theo bộ tiêu chuẩn những danh mục tác động môi trường, xử lý nghiêm những vụ việc gây ô nhiễm môi trường, các vụ sản xuất thực phẩm chứa chất có hại cho sức khỏe con người, những vụ hàng nhái, hàng giả, gian lận thương mại,… cũng như cần tìm nguyên nhân của cụ thể dẫn đến các hậu quả của các hiện tượng đó và những giải pháp để khắc phục dứt điểm.

Cách tiếp cận, định hướng và can thiệp vào chiến lược trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, sớm tiêu chuẩn hóa chương trình trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, gắn ý thức của cộng đồng doanh nghiệp với trách nhiệm tuân thủ các nguyên tắc xã hội, tuân thủ luật pháp và sự gắn kết với cộng đồng là một mắt xích quan trọng của nhà nước nhằm tạo niềm tin và sự tôn trọng của người lao động, người tiêu dùng và cộng đồng, khi doanh nghiệp tham gia thực hiện trách nhiệm xã hội, coi trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là một chiến lược dài hạn mới thực sự đạt được mục tiêu phát triển bền vững của xã hội./.