Vai trò của khoa học tổ chức và sự cần thiết đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học tổ chức trong Bộ, ngành Nội vụ

 

Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức ngành Nội vụ trong điều kiện hiện nay” 

1. Vai trò của khoa học tổ chức

Khoa học tổ chức cung cấp cơ sở lý luận, thực tiễn về tổ chức và hoạt động của các tổ chức nhà nước, các tổ chức xã hội và các tổ chức kinh tế.  Khoa học tổ chức có vai trò to lớn đối với hoạt động của con người và xã hội, cung cấp cho con người và xã hội những luận cứ khoa học để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra. Khoa học tổ chức quyết định hiệu lực, hiệu quả của quản lý, cung cấp cho nhà quản lý cơ sở khoa học xác định chức năng, cơ cấu tổ chức, mối quan hệ về quyền và trách nhiệm giữa các bộ phận trong cơ cấu tổ chức đó; đồng thời, cung cấp cho nhà quản lý cơ sở lý luận và thực tiễn tuyển dụng, quản lý, sử dụng, trọng dụng, phát huy tối đa sức mạnh và trí tuệ của con người với tính chất là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển của tổ chức.

Công tác tổ chức hiểu một cách cụ thể là lĩnh vực hoạt động có chức năng thành lập các đơn vị cần thiết (cơ cấu tổ chức cần thiết), theo yêu cầu công tác, xác lập mối quan hệ về nghiệp vụ và quyền hành giữa các cá nhân, đơn vị trong cơ quan, nhằm thiết lập một môi trường hoạt động thuận lợi để đạt mục tiêu chung của cơ quan. Chức năng tổ chức là chức năng quan trọng trong hoạt động quản trị, nhằm thiết lập một hệ thống các vị trí cho mỗi cá nhân và bộ phận phối hợp với nhau để thực hiện mục tiêu chiến lược của cơ quan, tổ chức. Công tác tổ chức bao gồm các nhiệm vụ: xác định mục tiêu, chiến lược của tổ chức; xác định cơ cấu bộ máy tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và mối quan hệ giữa các đơn vị cấu thành tổ chức, thiết kế tổ chức; xác định, tuyển chọn và quản trị nguồn nhân lực trong tổ chức; xác định cơ chế, phương pháp vận hành của tổ chức; tổ chức khoa học lao động trong tổ chức; bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật duy trì sự tồn tại và phát triển của tổ chức; duy trì truyền thống lịch sử, văn hóa của tổ chức; cải cách, hoàn thiện tổ chức.v.v… Trong những nhiệm vụ của công tác tổ chức, nhiệm vụ quan trọng nhất là đảm bảo nguồn nhân lực (biên chế) cho hoạt động của tổ chức. Công tác tổ chức chỉ có thể làm tốt khi dựa trên những quy luật, quan điểm, nguyên tắc, yêu cầu và những thành tựu của khoa học tổ chức.

Khoa học tổ chức có vị trí, vai trò quan trọng trong tổ chức và hoạt động của nhà nước thể hiện qua công tác tổ chức nhà nước. Đây là lĩnh vực hoạt động có ý nghĩa chính trị, pháp lý, khoa học và thực tiễn to lớn trong hoạt động của nhà nước, thể hiện ở việc nghiên cứu, vận dụng những thành tựu của khoa học tổ chức vào việc xây dựng, hoàn thiện tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước. Công tác tổ chức nhà nước có nhiệm vụ áp dụng những quy luật, nguyên tắc và khoa học tổ chức vào việc nghiên cứu đề ra mô hình tổ chức bộ máy nhà nước tối ưu, phân định, xác định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế quản lý và điều hành bộ máy nhà nước; nghiên cứu xây dựng, quản lý và sử dụng có hiệu quả đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) làm việc trong bộ máy nhà nước; nghiên cứu bảo đảm ngân sách – tài chính và các điều kiện, cơ sở vật chất, kỹ thuật cho các hoạt động của bộ máy nhà nước.v.v…

– Vai trò của khoa học tổ chức đối với cải cách nền hành chính:

Trong các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về cải cách nền hành chính nhà nước (Nghị quyết Trung ương 8 khóa VII, Nghị quyết Trung ương 3, Nghị quyết Trung ương 7 khóa VIII, Nghị quyết Trung ương 5 khóa X) và Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 và giai đoạn 2011-2020 đều đặt ra mục tiêu “xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh, chuyên nghiệp, hiện đại hóa, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả theo nguyên tắc của nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu của công cuộc xây dựng và phát triển đất nước”. Để đạt được mục tiêu đó, cải cách hành chính phải thực hiện được các nhiệm vụ như: xây dựng thể chế; cải cách, hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước; xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC; cải cách tài chính công; hiện đại hóa nền hành chính. Phần lớn các nội dung, nhiệm vụ của cải cách hành chính liên quan trực tiếp đến nội dung, nhiệm vụ của khoa học tổ chức và công tác tổ chức nhà nước. Ví dụ, để hoàn thiện bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương tới địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả cần phải vận dụng các quan điểm, nguyên tắc, yêu cầu, phương pháp của khoa học tổ chức trong xác định cơ cấu tổ chức, thiết kế tổ chức và cơ chế vận hành. Để xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC – với tính chất là trụ cột của nền hành chính cần phải vận dụng các quan điểm và phương pháp khoa học tổ chức trong tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, bố trí, sắp xếp, sử dụng và quản lý phù hợp, hiệu quả. Trong đó, quan trọng nhất là phải xác định được số lượng, chất lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn chức danh, ngạch bậc của đội ngũ CBCCVC. Ngoài ra, cần phải tổ chức khoa học lao động quản lý trong bộ máy hành chính nhà nước, xác định cơ chế quản lý và bảo đảm các điều kiện cần thiết cho bộ máy hoạt động… Để tất cả các nhiệm vụ được thực hiện có hiệu quả phải căn cứ trên những nguyên lý, nguyên tắc, yêu cầu của lý thuyết tổ chức khoa học hành vi và lý thuyết tổ chức quản lý hệ thống. Cải cách hành chính trong thời gian qua chưa đạt được kết quả như mong muốn có nguyên nhân chủ yếu do không quán triệt và vận dụng triệt để những quy luật, quan điểm, nguyên tắc, yêu cầu và phương pháp của khoa học tổ chức vào việc giải quyết các nội dung, nhiệm vụ đã đề ra.

– Vai trò của khoa học tổ chức trong Bộ, ngành Nội vụ

Theo quy định tại Nghị định số 58/2014/NĐ- CP ngày 16/6/2014 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nội vụ: “Bộ Nội vụ là cơ quan của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực: tổ chức hành chính, sự nghiệp nhà nước; chính quyền địa phương, địa giới hành chính; CBCCVC nhà nước; đào tạo, bồi dưỡng về chuyên ngành hành chính và quản lý nhà nước; hội, tổ chức phi chính phủ; thi đua – khen thưởng; tôn giáo; văn thư, lưu trữ nhà nước; thanh niên và quản lý nhà nước đối với các dịch vụ công thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ theo quy định của pháp luật”.

Để thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về ngành, các lĩnh vực được Chính phủ giao, Bộ Nội vụ cần nhận thức đúng, phải tôn trọng, tuân thủ các quan điểm, nguyên tắc tổ chức của bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực như: quan điểm toàn diện, quan điểm lịch sử, quan điểm phát triển, quan điểm hệ thống, quan điểm về sự tồn tại và phát triển có tính khách quan của tổ chức; quan điểm cơ cấu tổ chức phải đồng nhất và phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của tổ chức.v.v… Cần dựa trên các nguyên tắc như: xác định cơ cấu của chủ thể quản lý xuất phát từ đối tượng quản lý; không trùng lắp, chồng chéo hay bỏ sót chức năng, nhiệm vụ quản lý; thứ bậc hành chính chặt chẽ, thẩm quyền trách nhiệm rõ ràng; quản lý vừa tổng hợp vừa chuyên sâu; quản lý tập trung thống nhất công việc (chức năng, nhiệm vụ), con người, ngân sách – tài chính; tổ chức phân công lao động của cán bộ, công chức khoa học và hợp lý; tinh giản, tiết kiệm hiệu lực tối đa, hiệu quả kinh tế tối ưu.v.v… Ngoài ra, phải xác định mối quan hệ hợp lý giữa quản lý chuyên ngành và quản lý tổng hợp các yêu cầu, điều kiện và các yếu tố tác động, ảnh hưởng đến quản lý đa ngành, đa lĩnh vực của Bộ.

Tất cả các quan điểm, nguyên tắc, yêu cầu trong tổ chức bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực chính là các quan điểm, nguyên tắc, yêu cầu của khoa học tổ chức trong xác định cơ cấu tổ chức và thiết kế tổ chức bộ máy nói chung. Từ các phân tích nêu trên, có thể khẳng định khoa học tổ chức có vai trò quan trọng; là công cụ, chìa khóa thành công trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ, ngành Nội vụ.

2. Sự cần thiết đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng của khoa học tổ chức trong ngành Nội vụ

Khoa học tổ chức với tư cách là một ngành đào tạo khoa học mang tính chất chuyên môn nghiệp vụ chuyên sâu trong hệ thống các khoa học xã hội, đồng thời có mối liên hệ với nhiều ngành khoa học khác. Đây là ngành khoa học tổng hợp mang tính ứng dụng cao, có nội dung, phạm vi, đối tượng nghiên cứu rộng, liên quan đến nhiều ngành nghề, lĩnh vực khác và có ý nghĩa chính trị, pháp lý, thực tiễn to lớn đối với hoạt động của nhà nước, xã hội và con người.

Khoa học tổ chức gắn kết chặt chẽ với công tác tổ chức nhà nước, một lĩnh vực hoạt động không thể thiếu được đối với nhà nước. Nó cung cấp cho lĩnh vực công tác này những luận cứ khoa học hay những cơ sở lý luận và thực tiễn cơ bản để thực hiện và giải quyết có hiệu quả các nhiệm vụ đặt ra.

Khoa học tổ chức với tư cách là một ngành đào tạo, trang bị cho học viên những kiến thức, kỹ năng cơ bản, phẩm chất đạo đức nghề nghiệp để hành nghề tổ chức hay làm công tác tổ chức. Cụ thể, nó cung cấp, trang bị cho người học những tri thức, kiến thức và hiểu biết về tổ chức; khoa học tổ chức, những quy luật hình thành, phát triển, triệt tiêu của tổ chức; những quan điểm, nguyên tắc, yêu cầu, phương pháp và kỹ năng xác định mục tiêu, cơ cấu, chức năng của tổ chức và thiết kế tổ chức, hệ thống tổ chức. Chuyên ngành đào tạo khoa học tổ chức cung cấp cho người học những cơ sở lý luận và thực tiễn xác định biên chế, tuyển dụng, đào tạo, quản lý và sử dụng nguồn lực con người trong tổ chức; những vấn đề lý luận và thực tiễn tổ chức khoa học lao động trong tổ chức; cơ sở khoa học xác định các nguồn lực và điều kiện vật chất kỹ thuật duy trì sự tồn tại và phát triển của tổ chức; cơ sở khoa học xác định cơ chế, phương thức vận hành và ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ vào quản lý, điều hành tổ chức.v.v…

Người làm công tác tổ chức hay hành nghề tổ chức cần phải hiểu biết và vận dụng thành thục những kiến thức và kỹ năng về tổ chức, nói cách khác, cần phải có kiến thức và kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ về tổ chức. Bên cạnh đó, cần phải có đạo đức, sự đam mê nghề nghiệp tổ chức. Thực tiễn cho thấy, công tác tổ chức nói chung, công tác tổ chức nhà nước nói riêng liên quan đến tất cả các lĩnh vực hoạt động trong đời sống nhà nước và xã hội. Do đó, những người lãnh đạo, quản lý các cấp, các ngành phải am hiểu, nắm chắc và chỉ đạo sát sao trong suốt quá trình từ khi xác định mục tiêu, chủ trương, đường lối, chính sách đến tổ chức thực hiện, biến chúng thành hiện thực. Tổ chức và công tác tổ chức nhà nước có nội dung và phạm vi hoạt động tương đối rộng liên quan đến tất cả các cấp từ Trung ương đến cơ sở và tất cả các ngành, các lĩnh vực. Ở bất cứ cấp, ngành, lĩnh vực, cơ quan, tổ chức nào cũng phải xây dựng bộ máy tổ chức và triển khai công tác tổ chức trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ quản lý của mình. Do đó, những nhà lãnh đạo, quản lý, cán bộ, công chức làm công tác tổ chức nhà nước phải am hiểu, nắm chắc chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng tổ chức, phải được đào tạo, bồi dưỡng một cách bài bản, hệ thống về chuyên ngành khoa học tổ chức. Những người làm nghề tổ chức nói chung, tổ chức nhà nước nói riêng phải được chọn lựa cẩn thận, được đào tạo những kiến thức cơ bản về khoa học tổ chức, về chính trị, kinh tế, tâm lý, xã hội học, văn hóa ứng xử, giao tiếp và đặc biệt là đạo đức nghề nghiệp. Những người làm nghề tổ chức phải có tâm, có tầm, có quan điểm toàn diện, trung thực, trong sáng, tham mưu đề xuất về tổ chức bộ máy, về tuyển chọn, bố trí sử dụng đúng người, đúng việc. Cán bộ làm công tác tổ chức nhà nước ngoài tài năng phải công tâm, am hiểu chuyên môn, có trình độ văn hóa cao và có tầm nhìn chiến lược. Những người làm công tác tổ chức nhà nước là những người tuyển chọn, đào tạo nhân tài, những nhà quản lý giỏi cho đất nước, do đó họ phải có đủ tri thức và có tâm để bố trí sử dụng đúng người, đúng việc, đánh giá sử dụng đúng nhân tài. Ngoài ra, những người làm công tác tổ chức phải có bản lĩnh vững vàng, dũng cảm bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, bảo vệ và tôn trọng những người có năng lực, trung thực và tận tụy với công việc.

Vì vậy, trong đào tạo chuyên ngành khoa học tổ chức, ngoài việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ còn phải đào tạo, bồi dưỡng đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức làm công tác tổ chức hay hành nghề tổ chức, mà trước hết là cán bộ, công chức đang làm việc trong Bộ Nội vụ, ngành Nội vụ.

PGS. TS. Văn Tất Thu – Nguyên Thứ trưởng Bộ nội vụ

———————-

Tài liệu tham khảo:

1. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ V, VI, VII.

2. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khóa VII, Trung ương 3, Trung ương 7 khóa VIII, Trung ương 5 khóa X về cải cách hành chính.

3. Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 – 2010 và các văn bản triển khai của Bộ Nội vụ, 2003.

4. Nghị quyết số 30C/NQ-CP ngày 08/11/2011 của Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020.

5. Khoa học tổ chức và quản lý – một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nxb Thống kê, H.1999.

6. PGS. TS. Nguyễn Hữu Chi, Lý thuyết tổ chức, Nxb CTQG, H.2012.

7. GS. Đoàn Trọng Truyến, Hành chính học đại cương, Nxb CTQG, H.1997.

8. Học viện Hành chính quốc gia, Giáo trình quản lý học đại cương, Nxb Khoa học kỹ thuật, H.2010.

9. Một số lý thuyết và kinh nghiệm tổ chức nhà nước trên thế giới, Nxb CTQG, H. 2005.

10. Tập bài giảng Chính trị học, Nxb CTQG, H.1999.

11. Giáo trình Luật Hành chính, Nxb Đại học quốc gia, H.1997.

12. Giáo trình Luật Hiến pháp Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, H.1998.

13. Nghiên cứu xã hội học, Nxb CTQG, H. 1997.

14. PGS. TS. Văn Tất Thu, Tổ chức và hoạt động của Văn phòng Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Nxb CTQG, H.2011.

15. PGS. TS. Văn Tất Thu, Tổ chức Bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực, Nxb CTQG, H.2013.

16. PGS. TS. Văn Tất Thu, Về khoa học tổ chức và công tác tổ chức nhà nước, Tạp chí Xã hội học, số 3 (319/2012).

17. Khoa học tổ chức và công tác tổ chức trong cải cách nền hành chính, Tạp chí Tổ chức nhà nước, số 1/2013.

18. Báo cáo đề tài khoa học cấp bộ: Tổ chức khoa học lao động trong các cơ quan hành chính nhà nước, nghiệm thu năm 2000 (do TS. Văn Tất Thu làm chủ nhiệm).

tcnn.vn