Vai trò của hoạt động tín dụng ngân hàng trong phát triển nền kinh tế xanh

Tổng quan hoạt động tín dụng ngân hàng cho phát triển nền kinh tế xanh

Về góc độ nền kinh tế, phát triển bền vững đã và đang trở thành mối quan tâm hàng đầu của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam đang đứng trước thách thức vừa bảo đảm đáp ứng đủ nguồn vốn cho sự nghiệp phát triển nền kinh tế, vừa bảo đảm phát triển nền kinh tế bền vững và hội nhập.

Tình trạng ô nhiễm môi trường như đã nói ở trên diễn ra ở mức độ lớn, khó kiểm soát, rõ ràng là gây rủi ro cho người sản xuất, rủi ro cho người tiêu dùng… từ đó ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện nghĩa vụ trên hợp đồng tín dụng của khách hàng đối với ngân hàng. Ngoài việc phát sinh nợ xấu, điều này còn khiến ngân hàng không mở rộng được tín dụng, không phát triển được các dịch vụ phi tín dụng khác. Sự phát triển bền vững của ngân hàng nói riêng và nền kinh tế nói chung tất yếu sẽ bị ảnh hưởng.

Ngày 24/3/2015, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Chỉ thị 03/CT-NHNN về thúc đẩy tăng trưởng xanh và quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng. Theo đó, yêu cầu hệ thống ngân hàng tập trung nguồn lực để cấp tín dụng cho các dự án, phương án sản xuất, kinh doanh thân thiện môi trường và xã hội, góp phần hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) thực hiện tăng trưởng xanh.

Thực hiện chủ trương trên, trong thời gian qua các tổ chức tín dụng (TCTD) đã dành nhiều nguồn vốn cho các dự án xanh như: Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất (cho vay vốn mua thiết bị máy móc nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, cho vay trồng rừng…); phát triển nông thôn mới (vấn đề vệ sinh, nước sạch và môi trường nông thôn; giao thông nông thôn, chợ đầu mối…) có ý nghĩa trực tiếp trong phát triển bền vững, trong phát triển nền kinh tế xanh…

Đổi mới cơ chế và chính sách cho vay theo mục tiêu phát triển bền vững nông nghiệp – nông thôn và thực hiện chiến lược phát triển nền kinh tế xanh

Để tháo gỡ những khó khăn về đáp ứng nhu cầu vay của các DN hoạt động ở nông thôn, phục vụ lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn hay có số lượng khách hàng đông đảo là hộ nông dân, NHNN đã tổ chức các hội nghị, diễn đàn kết nối giữa ngân hàng thương mại (NHTM) và DN ở các địa phương để tìm tiếng nói chung, giải đáp những thắc mắc… để khơi thông dòng vốn cho vay.

Đặc biệt, là đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, những vướng mắc về chính sách, cơ chế cho vay đã được tháo gỡ bằng quy định mới của Chính phủ. Theo đó, ngày 09/6/2015, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, có hiệu lực thi hành từ ngày 25/7/2015, thay thế Nghị định số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010.

Chính sách mới đã bổ sung đối tượng được vay vốn phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; bao gồm cả những cá nhân, hộ gia đình sinh sống trên địa bàn thành phố, thị xã nhưng tham gia sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, và đối tượng khách hàng hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nhưng nằm ngoài khu vực nông thôn.

Mức cho vay không có tài sản bảo đảm tăng gấp 1,5-2 lần so với quy định cũ. Cụ thể, mức cho vay không có tài sản đảm bảo tối đa là 100 triệu đồng đối với cá nhân, hộ gia đình; tối đa 300 triệu đồng đối với hộ kinh doanh; tối đa 1 tỷ đồng đối với hợp tác xã, chủ trang trại. Ngoài ra, còn bổ sung thêm hai nhóm đối tượng được vay vốn không có tài sản bảo đảm.

Chính phủ cũng quy định riêng về chính sách tín dụng khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp theo mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao. Đối với các DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã ký hợp đồng cung cấp, tiêu thụ đối với tổ chức, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp, mức cho vay không có tài sản bảo đảm lên tới 70% giá trị dự án, phương án cho vay theo mô hình liên kết.

Đối với các DN, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã đầu mối ký hợp đồng thực hiện dự án liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp, mức cho vay không có bảo đảm bằng tài sản lên tới 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh theo mô hình liên kết.

Nhằm hạn chế rủi ro trong lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ quy định cụ thể hơn về nguyên tắc, quy trình xử lý các khoản nợ vay gặp rủi ro do thiên tai, dịch bệnh trên phạm vi rộng hoặc do nguyên nhân khách quan bất khả kháng đối với khách hàng vay vốn; khuyến khích khách hàng vay vốn tham gia mua bảo hiểm trong nông nghiệp thông qua quy định: TCTD giảm lãi suất cho vay với mức tối thiểu 0,2%/năm so với lãi suất của những khoản cho vay cùng loại và có thời hạn tương ứng.

Thực tế cho thấy, 5 năm gần đây, thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới cũng như hội nhập quốc tế, chuẩn bị thực hiện các cam kết của Hiệp định Đối tác Kinh tế Xuyên Thái Bình Dương (TPP)… NHNN Việt Nam đã đề nghị Chính phủ ban hành một hệ thống văn bản quy phạm pháp luật khá đồng bộ.

Đồng thời, ban hành một số quy định có liên quan, bao gồm: Các chính sách về nông nghiệp, nông thôn, liên quan đến hộ sản xuất ở nông thôn; các chính sách về cấp tín dụng ưu đãi; chính sách liên quan đến cấp tín dụng cho hộ gia đình chính sách sách và vùng khó khăn. Các chính sách kể trên đã tạo ra một khung pháp lý khá hoàn chỉnh, tạo tiền đề, điều kiện to lớn cho hoạt động tín dụng đối với phát triển nông nghiệp, nông thôn theo xu hướng hội nhập và xây dựng nông dân theo chủ trương của Đảng.

Các công cụ điều hành chính sách tiền tệ và nghiệp vụ góp phần xây dựng nông thôn mới và phát triển bền vững sản xuất nông nghiệp

Từ tháng 5/2012, NHNN quy định trần lãi suất cho vay nội tệ đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Trong đó, chủ yếu là phát triển nông nghiệp – nông thôn, linh hoạt chủ động điều chỉnh giảm lãi suất theo diễn biến thị trường, đảm bảo thường xuyên thấp hơn lãi suất cho vay các lĩnh vực khác từ 1,5% – 2,0%/năm đối với lãi suất cho vay VND.

NHNN cũng quy định tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các NHTM có tỷ trọng cao cho vay nông nghiệp – nông thôn cũng thấp hơn, khuyến khích mở rộng dòng vốn tín dụng đến lĩnh vực này. Bên cạnh đó, cơ chế cho vay tái cấp vốn của NHNN cũng khuyến khích các NHTM mở rộng cho vay nông nghiệp, nông thôn. Những tháng đầu năm 2016, lãi suất VND cho vay khách hàng của các TCTD đối với các lĩnh vực ưu tiên nói trên chỉ dao động quanh mức 6-7%/năm. Tính chung trong tổng cơ cấu dư nợ nền kinh tế, thì lãi suất cho vay nội tệ từ 10%/năm trở xuống chiếm tới 70,4%.

Vai trò của các NHTM trong phục vụ xây dựng nông thôn mới và phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững

Trong những năm đổi mới vừa qua nói chung và giai đoạn tập trung xây dựng nông thôn mới gần đây (2011-2016) nói riêng, kinh tế nông thôn và hộ sản xuất nông – lâm – ngư nghiệp cung cấp một khối lượng lớn hàng hoá cho nhu cầu tiêu thụ trong nước, đặc biệt nhiều mặt hàng cho kim ngạch xuất khẩu lớn. Bên cạnh đó, đời sống của người nông dân và bộ mặt nông thôn có những chuyển biến căn bản. Một trong những nguyên nhân quan trọng là sự hỗ trợ vốn tín dụng cho lĩnh vực kinh tế rộng lớn này.

Ước tính đến hết tháng 6/2016, dư nợ cho vay trên địa bàn các xã của toàn quốc đạt 650.000 tỷ đồng; trong đó, dư nợ cho vay của các NHTM đạt 495.000 tỷ đồng; dư nợ cho vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội trên địa bàn các xã của toàn quốc đạt 95.000 tỷ đồng; Dư nợ cho vay của Ngân hàng Phát triển Việt Nam với Chương trình kiên cố hóa kênh mương, phát triển đường giao thông nông thôn, cơ sở nuôi trổng thủy sản, làng nghề nông thôn, các chương trình cho vay từ nguồn tài trợ nước ngoài phục vụ xây dựng nông thôn mới đạt 61.050 tỷ đồng.

Có khoảng 8,25 triệu khách hàng đang dư nợ, chủ yếu là hộ gia đình hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, diêm nhiệp, thủy sản, đánh bắt và chế biến hải sản, làm dịch vụ và ngành nghề ở nông thôn.

Các chính sách lớn trong lĩnh vực phát triển bền vững nông nghiệp – nông thôn của toàn ngành Ngân hàng

– Về cho vay thu mua lúa gạo: Đây là lĩnh vực đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn cho nền kinh tế, liên quan đến việc làm và thu nhập của hàng triệu hộ nông dân. Doanh số cho vay mua lúa gạo tạm trữ vụ Đông Xuân 2014 – 2015 đạt 8.292 tỷ đồng, đạt 99% chi tiêu được giao, cao nhất trong các đợt thu mua từ trước tới nay.

– Về triển khai thực hiện Chương trình cho vay thí điểm phục vụ phát triển nông nghiệp theo Nghị quyết 14/NQ-CP của Chính phủ: NHNN đã phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ, lựa chọn 28 DN trong toàn quốc triển khai thực hiện 31 dự án tại 22 tỉnh, thành phố. Các DN này tham gia chương trình cho vay thí điểm mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Tính đến nay, tổng số tiền các TCTD cam kết cho các DN vay theo Chương trình nói trên lên tới 5.627 tỷ đồng, doanh số giải ngân đến nay đạt 5.850 tỷ đồng, dư nợ 2.009,6 tỷ đồng.

– Về thực hiện chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp: Việc thực hiện chính sách này theo Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg, ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ cũng đang có kết quả tích cực. Tính đến nay tổng dư nợ cho vay các đối tượng khách hàng khác nhau theo chương trình này lên tới khoảng gần 3.300 tỷ đồng, tăng 78,6% so với đầu năm; trong đó, dư nợ cho vay hỗ trợ lãi suất đạt trên 1.930 tỷ đồng, dư nợ cho vay theo lãi suất tín dụng đầu tư ước tính đạt khoảng hơn 370 tỷ đồng.

Thực hiện chính sách tín dụng hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ (theo Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 07/7/2014 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản), ngày 15/8/2014, Thống đốc NHNN đã ban hành Thông tư số 22/2014/TT-NHNN hướng dẫn thực hiện chính sách này; đồng thời, phối hợp với một số địa phương và bộ ngành liên quan tổ chức hội nghị triển khai tại chỗ để phổ biến rõ hơn chính sách, cũng như nắm bắt khó khăn và có biện pháp tháo gỡ.

Tính đến nay, các NHTM đã ký hợp đồng đóng mới, nâng cấp 271 tàu, với tổng số tiền 2.908 tỷ đồng, dư nợ đến thời điểm nói trên đạt 1.120 tỷ đồng. Các hộ ngư dân, chủ tàu đã được giải ngân vốn vay theo quy định, triển khai đóng tàu vỏ thép có công suất lớn hơn, thời hạn vay lên tới trên 10 năm.

– Về cho vay phục vụ tái canh cây cà phê ở khu vực Tây Nguyên: Agribank là ngân hàng chủ lực, đi đầu và triển khai mạnh mẽ chương trình này, đã tổ chức hội thảo tại Đắk Lắk, diễn đàn tại Lâm Đồng để thúc đẩy kết quả thực hiện, được các địa phương tích cực hưởng ứng. Tính đến nay có khoảng trên 6.000 khách hàng được vay hơn 725,38 tỷ đồng.

Để phát huy vai trò của hoạt động tín dụng ngân hàng trong phát triển kinh tế xanh

Một là, để đẩy mạnh hoạt động tín dụng xanh và triển khai nhiệm vụ của NHNN đối với Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020, trong giai đoạn tới, NHNN cần xây dựng các giải pháp cụ thể hơn nhằm thúc đẩy các sản phẩm ngân hàng – tín dụng xanh, hỗ trợ các DN thực hiện tăng trưởng xanh. NHNN cần khẩn trương rà soát, điều chỉnh và hoàn thiện thể chế về ngân hàng và tín dụng phù hợp với những mục tiêu tăng trưởng xanh.

Hai là, việc cho vay vốn các dự án đầu tư, các NHTM chỉ có thể thẩm định về mặt tài chính, chứ không thể thẩm định về mặt môi trường. Do đó, các bộ ngành, các cơ quan chức năng cần tăng cường hoàn thiện thể chế, ban hành các biện pháp cụ thể, tăng cường chất lượng các khâu thẩm định dự án, tăng cường kiểm tra kiểm soát về vệ sinh, an toàn thực phẩm…

Ba là, dự báo trong cả giai đoạn đến năm 2020, trong số các NHTM thì Agribank tiếp tục là công cụ tài chính nhà nước quan trọng để Chính phủ, NHNN thực hiện giải pháp vốn tín dụng ngân hàng cho phát triển nông nghiệp – nông thôn. Do đó, NHNN cần tiếp tục có giải pháp hỗ trợ, để Agribank đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu; cũng như có biện pháp về cơ chế tái cấp vốn, xử lý nợ xấu… linh hoạt hơn nữa cho Agribank.

Bốn là, thời gian qua, sự phối hợp, việc tháo gỡ vướng mắc khó khăn… của các bộ ngành có liên quan, của các địa phương trong triển khai các chính sách tín dụng cho các chương trình lớn về phát triển nông nghiệp – nông thôn theo hướng bền vững còn hạn chế, cần được khẩn trương khắc phục.

Năm là, chính sách bảo hiểm có vai trò quan trọng để các TCTD mở rộng vốn tín dụng an toàn, hiệu quả cho phát triển nông nghiệp – nông thôn theo xu hướng hội nhập, bền vững, đảm bảo môi trường, nhưng triển khai chưa đạt được hiệu quả như mong đợi. Do đó, trong năm 2016 cần sớm sơ kết, tổng kết, đánh giá sát quá trình triển khai thời gian qua, để thực hiện có hiệu quả Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ trong thời gian tới.

Sáu là, các NHTM cần tiếp tục chủ động, bám sát tham gia tích cực, mở rộng vốn tín dụng an toàn, hiệu quả thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp, nông thôn, chiến lược phát triển kinh tế xanh của Đảng và Chính phủ; tiếp tục nâng cao trình độ cán bộ tín dụng am hiểu về lĩnh vực nông nghiệp – nông thôn, trong thẩm định các dự án cho vay.

Bảy là, Chính phủ và các bộ ngành, các địa phương cần có giải pháp cụ thể hơn, quyết liệt hơn trong tái cơ cấu mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề ở nông thôn, rà soát lại quy hoạch và đầu tư mạnh mẽ, có hiệu quả cho khuyến nông, khuyến lâm và khuyến ngư.

Tài liệu tham khảo:

1. Các báo cáo chuyên đề của NHNN;

2. Nghị định số 55/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;

3. www.sbv.gov.vn.