Vai trò của giáo dục văn hoá giao tiếp học đường đối với sự hình thành, phát triển nhân cách học sinh THPT ở nước ta hiện nay

Học sinh trung học phổ thông (THPT) đang ở độ tuổi khôn lớn, trưởng thành, nên ngoài việc giáo dục tri thức khoa học thì giáo dục văn hóa giao tiếp học đường có ý nghĩa quan trọng trong sự hình thành và phát triển nhân cách. Bài viết tập trung phân tích các chuẩn mực văn hóa học đường; và phát huy vai trò của văn hóa giao tiếp nhằm khắc phục những hạn chế và phát huy ưu điểm trong nhân cách học sinh THPT ở nước ta hiện nay. Trên cơ sở đó, nêu lên nhóm giải pháp cơ bản nhằm nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa giao tiếp cho học sinh THPT hiện nay.

Văn hóa giao tiếp học đường

Dân gian ta có câu “lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hay “được lời như cởi tấm lòng”. Quan niệm này răn dạy con người ta sống phải học ăn, học nói, học gói, học mở, sao cho phù hợp với văn hóa, thuần phong, mỹ tục của dân tộc Việt Nam. Vì thế, ngay từ khi mới lọt lòng ông bà, cha mẹ đã đặc biệt quan tâm tới giáo dục văn hóa giao tiếp, ứng xử cho con cháu phù hợp với gia giáo, gia phong của gia đình, dòng họ và truyền thống quê hương đất nước. Mối quan hệ giữa người với người được duy trì và phát triển khi họ phải có những hiểu biết về nhau thông qua quá trình giao tiếp và tác động qua lại lẫn nhau. Văn hóa giao tiếp là hình thức thể hiện phẩm chất và nội tâm của con người trong các quan hệ xã hội. Chủ nghĩa Mác khẳng định: Ngôn ngữ là cái vỏ vật chất của tư duy, là hình thức biểu đạt tư tưởng của con người. Vì thế, giáo dục văn hóa giao tiếp học đường cho học sinh THPT có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong rèn luyện và phát triển nhân cách, đáp ứng mục tiêu đào tạo của bậc học THPT hiện nay.

Theo tác giả Trần Đình Thích thì: “Văn hóa giao tiếp là một bộ phận trong tổng thể văn hóa nhằm chỉ các quan hệ giao tiếp có văn hóa của mỗi người trong xã hội, là tổ hợp của các thành tố lời nói, cử chỉ, hành vi, thái độ, cách ứng xử” [6;1].

Văn hóa giao tiếp học đường là toàn bộ những giá trị, chuẩn mực quy định hành vi, thái độ và phong cách ứng xử nhân văn giữa người với người trong môi trường giáo dục THPT (giữa thầy với thầy, thầy với trò; giữa trò với trò; giữa trò với cán bộ, nhân viên trong nhà trường). Như vậy, giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà trường cho học sinh THPT cần chú ý tới các chuẩn mực trong các mối quan hệ giữa học sinh với thầy cô giáo và cán bộ; giữa học sinh với học sinh và giữa học sinh với cơ sở vật chất; và văn hóa ứng xử với bản thân học sinh trong nhà trường. Các chuẩn mực đạo đức học đường phải đảm bảo môi trường giáo dục văn hóa, mẫu mực trong các mối quan hệ; đồng thời phải chú ý tới giáo dục tư tưởng, quan điểm của chế độ xã hội chủ nghĩa; đạo đức truyền thống của dân tộc và khả năng tự nhận thức, tự đánh giá bản thân trong môi trường giáo dục nhà trường và khả năng hòa nhập vào các môi trường giáo dục gia đình và xã hội.

Đặc điểm học sinh THPT

Học sinh bậc THPT là tất cả những người có độ tuổi từ 16 đến 18, đang trong giai đoạn hoàn thiện và phát triển nhân cách. Đây là giai đoạn gắn với lứa tuổi dậy thì và đang có chuyển biến tích cực từ vị thành niên sang tuổi trưởng thành. Ở độ tuổi này, học sinh THPT đang trong giai đoạn lĩnh hội tri thức cơ bản và các kỹ năng sống cần thiết để bước vào môi trường học tập chuyên nghiệp. Ở độ tuổi này, học sinh THPT đều mong muốn thể hiện là người có khả năng tự làm chủ và chịu trách nhiệm trước hành vi và cuộc sống của mình. Vì thế, nếu buông lỏng hay xem nhẹ giáo dục văn hóa giao tiếp cho học sinh THPT sẽ để lại hệ lụy nghiêm trọng cho sự phát triển của bản thân và xã hội. Học sinh THPT là người còn được nuôi dưỡng, bao bọc bởi gia đình về mọi mặt, sống cùng cha mẹ và người thân, ít có sự trải nghiệm và va chạm nhiều trong cuộc sống, nên rất dễ sa ngã bởi những cám dỗ bởi các mặt trái của xã hội. Bên cạnh đó, ở độ tuổi này, họ nhạy bén với cái mới, tiếp thu chưa có sự chọn lọc kỹ càng. Vì thế giáo dục văn hóa ứng xử nói chung và văn hóa ứng xử học đường cho học sinh THPT có ý nghĩa quan trọng và cần thiết đối với sự hình thành nhân cách, lý tưởng sống sau này.

Vai trò của giáo dục văn hóa giao tiếp học đường đối với sự hình thành nhân cách học sinh THPT ở nước ta hiện nay

Thứ nhất, giáo dục văn hóa giao tiếp học đường cho học sinh THPT góp phần quan trọng trong xây dựng môi trường học tập tiến bộ, văn minh, tạo dựng uy tín nhà trường. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng khẳng định: người có tài mà không có đức thì vô dụng, có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó. Vì thế, giáo dục văn hóa, đạo đức luôn phải đặt song song với giáo dục tri thức khoa học trong các trường THPT ở nước ta hiện nay. Nhận thức được điều này, ngành giáo dục nói chung và giáo dục phổ thông nói riêng đã quan tâm hơn đến công tác giáo dục đạo đức cho học sinh THPT, đặc biệt đưa môn giáo dục công dân vào nội dung các môn thi và xét đầu vào đại học, cao đẳng ở một số chuyên ngành. Khi học sinh THPT được giáo dục và rèn luyện các chuẩn mực đạo đức, văn hóa sống, văn hóa ứng xử sẽ góp phần quan trọng vào xây dựng môi trường giáo dục học đường thân thiện, tích cực hơn; qua đó, giúp cho việc rèn luyện và phát triển năng lực học tập… Hiệu quả giáo dục văn hóa học đường cho học sinh THPT tạo được niềm tin của các bậc phụ huynh và xã hội đến chất lượng giáo dục của nhà trường. Được giáo dục các chuẩn mực văn hóa học đường sẽ giúp cho học sinh THPT có ý thức trách nhiệm hơn nữa trong ứng xử với thầy cô giáo, cán bộ, bạn bè trong trường. Học sinh có văn hóa học đường phải được thể hiện ở hành vi cư xử với thầy cô như biết nghe lời, kính trọng để nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong học tập và rèn luyện; với bạn bè phải biết đoàn kết, thương yêu, thân thiện giúp đỡ lẫn nhau để cùng tiến bộ; với người phục vụ học sinh THPT phải biết kính trọng, lễ phép; với cơ sở vật chất của nhà trường phải có ý thức bảo vệ, giữ gìn. Thực tế chứng minh rằng, chỉ khi nào học sinh THPT có ý thức đạo đức tốt thì họ mới biết tôn trọng, thừa nhận những điểm mạnh của thầy cô, bạn bè và mọi người xung quanh. Ngược lại nếu học sinh yếu kém về đạo đức, lối sống, thiếu văn hóa rất dễ sa vào lối sống buông thả, thiếu ý chí và nghị lực vươn lên hoàn thiện bản thân. Vì thế, trong tục ngữ Việt Nam đã đúc kết triết lý giáo dục của ông cha ta là luôn đề cao giáo dục văn hóa, đạo đức cho con người: Tiên học lễ, hậu học văn. Câu nói trên thể hiện mong muốn ông bà, cha mẹ đối với con cháu mình trước khi học văn hóa phải không ngừng tu dưỡng, rèn luyện văn hóa, đạo đức và lễ nghĩa để có hành vi ứng xử, thái độ đúng đắn, phù hợp với các chuẩn mực, vị thế của mỗi người. Câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta phải có ý thức tu dưỡng đạo đức, văn hóa sau đó mới học tri thức khoa học. Thực tế cho thấy, nếu một ai đó học cao, biết rộng nhưng lại khiếm khuyết về văn hóa ứng xử thì rất dễ rơi vào bất hiếu, bất nhân, vô đạo, phản văn hóa; hay nói cách khác con người không có đạo đức thì chẳng khác gì thú mang mặt người. Chính vì vậy, việc giáo dục văn hóa giao tiếp học đường cho học sinh THPT sẽ góp phần quan trọng vào xây dựng môi trường học tập thân thiện, tích cực, nhân văn…

Thứ hai, giáo dục văn hóa giao tiếp học đường giúp cho học sinh THPT sống có trách nhiệm hơn với bản thân và với mọi người xung quanh. Thực tế cho thấy, khi được giáo dục toàn diện về tri thức khoa học, tri thức sống, cùng các giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, học sinh THPT sẽ nâng cao được khả năng nhận thức về các chuẩn mực, có khả năng phân biệt được cái đúng, cái sai để tự xây dựng và hoàn thiện lối sống của mình. Qua đó, sẽ giúp học sinh THPT có ý thức trách nhiệm hơn đối với lời nói, hành vi, cử chỉ của mình trước thầy cô, bạn bè và mọi người xung quanh. Nhận thức, lĩnh hội và thấm nhuần các chuẩn mực văn hóa học đường, sẽ giúp học sinh THPT biết chấp hành nội quy, quy chế, kỷ luật của nhà trường như đi học đúng giờ, học bài và làm bài đầy đủ trước khi đến lớp; có trách nhiệm giữ gìn vệ sinh môi trường; sống có tự trọng hơn, như không quay cóp, gian lận trong thi cử, không sao chép bài của bạn; biết chia sẻ niềm vui, nỗi buồn với bạn bè, có ý thức trong việc làm từ thiện, nhân đạo. Bên cạnh đó, biết đấu tranh bài trừ các tệ nạn xã hội cũng như sự cám dỗ của mặt trái kinh tế thị trường để có những ước mơ, hoài bão trong rèn luyện lối sống tốt đẹp hơn. Tích cực rèn luyện phẩm chất đạo đức, có lối sống lành mạnh, giản dị, trung thực và khiêm tốn. Phải có ý thức phấn đấu không ngừng vươn lên trong học tập; hình thành năng lực tự học, tự nghiên cứu độc lập, sáng tạo.

Giáo dục văn hóa giao tiếp học đường nhằm giúp học sinh THPT nắm vững các chuẩn mực văn hóa ứng xử của môi trường giáo dục; có ý thức phấn đấu, vươn lên trong học tập, tu dưỡng, rèn luyện; biết noi gương thầy cô giáo; với bạn bè thì biết tôn trọng, trung thành, đoàn kết, tương trợ giúp đỡ nhau cùng tiến bộ. Được giáo dục văn hoá giao tiếp học đường, học sinh THPT cũng sẽ biết giữ chữ tín trước thầy cô và bạn bè, sống trong sáng hơn, không tự kiêu, tự đại khi đạt thành tích cao và không tự ti, không giấu dốt trước thầy cô và bạn bè; biết nhận lỗi và tự sửa khuyết điểm để hoàn thiện mình khi mắc sai lầm; nâng cao ý thức và bản lĩnh dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Thứ ba, giáo dục văn hóa giao tiếp học đường giúp cho học sinh THPT khắc phục những hạn chế của bản thân trong quan hệ với thầy cô, bạn bè. Học sinh THPT đang ở độ tuổi trưởng thành nên rất dễ có những hành vi, ứng xử bột phát nếu không được giáo dục văn hóa giao tiếp học đường chu đáo. Thực tế cho thấy những năm gần đây, văn hoá ứng xử giữa học trò với nhau mang nhiều màu sắc biến tướng, xuất hiện những nhóm, bè phái gây nhức nhối xã hội. Những hành vi bạo lực học đường vì những nguyên nhân nhỏ nhặt như giờ ra chơi chạy giẫm vào chân nhau, hay nhắn tin facebook không trả lời… nhưng lại tổ chức đánh nhau tập thể một cách thô bạo. Những hành vi đó khiến các bậc phụ huynh lo lắng về môi trường giáo dục học đường.

Khi được giáo dục các chuẩn mực văn hóa học đường sẽ giúp cho học sinh THPT biết cách giao tiếp, ứng xử đúng mực với thầy cô giáo, bạn bè đúng mực; không có thái độ thiếu tôn trọng, coi thường thầy cô, không gây sự, thách thức với bạn bè, không gây rối trong lớp, trường; không xem nhẹ việc học, đi muộn, về sớm, quay cóp, chép bài của bạn…

Được giáo dục văn hóa học đường sẽ giúp học sinh chấp hành tốt nội quy học đường như: trang phục sạch sẽ, gọn gàng, giản dị phù hợp với môi trường giáo dục và lứa tuổi; không mặc lai căng, thiếu lịch sự như mặc áo không cổ, trang phục ở nhà hay quá ngắn, quần áo xé rách hay có hình ảnh, câu chữ phản cảm, mất thẩm mỹ không phù hợp với lứa tuôi và môi trường học đường…; học sinh nữ không trang điểm lòe loẹt, tóc phải gọn gàng, học sinh nam không được để tóc dài, đầu tóc phản cảm như cạo trọc, hớt tóc để bờm, không sơn móng chân, móng tay, để móng tay quá dài…

Thứ tư, giáo dục văn hóa giao tiếp học đường giúp cho học sinh THPT có thái độ ứng xử thanh lịch hơn. Giáo dục văn hóa giao tiếp học đường còn giúp học sinh THPT biết cách bảo vệ sức khỏe, phòng chống dịch bệnh cho bản thân, tham gia học hỏi, rèn luyện kỹ năng sống. Qua đó, mỗi học sinh THPT có hành vi, cử chỉ lịch thiệp với thầy cô và bạn bè và mọi người xung quanh; biết nói xin lỗi khi làm phiền và cảm ơn khi được giúp đỡ. Khi giao tiếp, học sinh khắc phục được những biểu hiện xấu, như không nói quá to gây ồn ào, ngó nghiêng, chỉ trỏ, bình phẩm xấu người khác. Bên cạnh đó, nắm vững được các chuẩn mực văn hóa giao tiếp học đường mỗi học sinh đều khắc phục những sai lầm trong giao tiếp như  biết xấu hổ khi nói dối và bao che những khuyết điểm của người khác; bài trừ tư tưởng ba phải, không dám khẳng định cái đúng, cái sai trong lớp học, trường học. Học sinh cũng sẽ tự  biết hoàn thiện tác phong của người học sinh, của đoàn viên như mặc đồng phục theo quy định; trong ứng xử với cơ sở vật chất của nhà trường thì có ý thức sử dụng an toàn và tiết kiệm điện, nước, trang thiết bị. Biết bảo vệ, giữ gìn của công, không đi, đứng, leo trèo, ngồi lên lan can, bàn học, không viết vẽ bậy lên tường; không bẻ cành, hái lá… làm mất đi vẻ đẹp của cảnh quan trường học. Học sinh biết tự giác chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, không gian học tập xanh sạch, đẹp của trường học.

Văn hóa giao tiếp học đường còn giúp học sinh THPT biết tôn trọng, chia sẻ, động viên, giúp đỡ bạn bè trong cuộc sống cũng như trong học tập; không gây bè kéo cánh, phân biệt đối xử con nhà giàu nghèo; không vu khống, nói xấu lẫn nhau; biết tôn trọng sự khác biệt về tính cách cũng như phải biết tôn trọng bạn khác giới. Bên cạnh đó, học sinh phải biết chào hỏi lịch sự; hướng dẫn tận tình khi khách cần giúp đỡ khi có khách đến thăm trường; luôn có thái độ lễ phép, kính trọng và vâng lời người lớn tuổi; biết nhưỡng nhịn các em cấp dưới.

Như vậy, nâng cao chất lượng giáo dục văn hóa học đường cho học sinh THPT có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự hình thành và phát triển nhân cách học sinh hiện nay. Thực hiện khách quan khoa học công tác giáo dục văn hóa học đường sẽ góp phần quan trọng vào xây dựng môi trường văn hóa học đường văn minh, tích cực và thân thiện. Qua đó, mỗi học sinh có cơ hội rèn luyện và phát triển bản thân; đồng thời khắc phục dần những hạn chế, sai lầm trong quan hệ với thầy cô, bạn bè và cảnh quan môi trường học tập; nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Để làm tốt công tác giáo dục văn hóa học đường cho học sinh THPT cần:

  • Phát huy vai trò của thầy cô giáo trong giáo dục các chuẩn mực học đường cho học sinh.
  • Nâng cao trách nhiệm và hiệu quả tổ chức Đoàn Thanh niên trong giáo dục đạo đức, kỹ năng cho học sinh.
  • Đổi mới nội dung, chương trình, phương pháp dạy học đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh THPT.
  • Bản thân mỗi học sinh phải tự nhận thức và tu dưỡng rèn luyện theo các chuẩn mực đạo đức nói chung và đạo đức học đường nói riêng.
  • Tăng cường sự kết hợp giữa giáo dục gia đình, nhà trường và xã hội trong giáo dục đạo đức học đường cho học sinh THPT…

Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng giáo dục đạo đức học đường cho học sinh THPT ở nước ta hiện nay.

Tài liệu tham khảo

  1. Nguyễn Mạnh Linh, (2013), Giao tiếp ứng xử, Nhà xuất bản Thanh niên.
  2. Nguyễn Bá Minh, (2014), Giáo trình nhập môn khoa học giao tiếp, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm.
  3. Nguyễn thị Kim Ngân (2014), Văn hóa giao tiếp trong nhà trường, Nhà xuất bản Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
  4. Đào Thị Kim Oanh, (2008) Một khía cạnh xây dựng văn hóa học đường nhìn từ góc độ tâm lý học, Tạp chí tâm lý học.
  5. Vũ Mạnh Quỳnh, (2015), Ứng xử sư phạm – Những điều cần biết, Nhà xuất bản Thời đại.

6. Trần Đình Thích, (2009), Đôi điều suy nghĩ về văn hóa giao tiếp trong nhà trường, Kỷ yếu Hội thảo Giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà trường. Viện Nghiên cứu giáo dục ĐHSP TP Hồ Chí Minh – 12/2009.

PGS.TS. Hoàng Thúc Lân; Trần Hương Giang; Trần Đức Anh