Vai trò của công viên cây xanh trong đô thị

Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh, không gian đô thị ngày càng chật chội thì nhu cầu tận hưởng những không gian công viên cây xanh của cư dân đô thị đang ngày càng cấp thiết. Cư dân đô thị sau một ngày học tập, làm việc căng thẳng có nhu cầu được hòa mình vào thiên nhiên, nhu cầu được vận động, giao lưu cộng đồng và tận hưởng không khí trong lành của các công viên cây xanh trong đô thị.

Vai trò của công viên cây xanh trong đô thị ảnh 1

Một góc mảng xanh tại Công viên Lê Văn Tám, TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Tạo dựng nơi ở có chất lượng sống tốt

Những không gian công viên cây xanh là nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng, giải trí của người dân để đáp ứng cho nhu cầu giao tiếp xã hội. Đây cũng là nơi để tập thể dục thể thao và thư giãn nhằm tái tạo sức lao động của cư dân đô thị. Công viên còn góp phần tạo dựng không gian kiến trúc cảnh quan đặc trưng của đô thị cũng như cải thiện môi trường sống. Cây xanh trong các công viên có tác dụng bảo vệ môi trường như hút khí CO2, cung cấp O2 và ngăn giữ các chất khí bụi độc hại. Cây xanh còn có tác dụng hạn chế tiếng ồn, nhất là ở khu vực nội thành. Ở vùng ngoại thành, cây xanh có tác dụng chống xói mòn, điều hòa mực nước ngầm.

Thực tế tại các khu dân cư hiện hữu trong các quận nội thành phát triển, hệ thống mảng xanh, công viên khu ở đang bị thiếu trầm trọng. Tốc độ đô thị hóa quá nhanh trong giai đoạn trước đây ở các khu vực chưa có quy hoạch đô thị đã hình thành các khu dân cư phát triển tự phát với mật độ cư trú dày đặc nhưng thiếu các khoảng không gian xanh, không gian công cộng. Điều này dẫn đến chất lượng sống thấp, môi trường sống bị ô nhiễm nghiêm trọng, gây ra nhiều hệ lụy cho phát triển kinh tế – xã hội và ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe và tinh thần của người dân. Trong khi đó, ở các dự án khu dân cư mới, trước đây chủ đầu tư thường chỉ tập trung xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật mà chưa chú trọng đầu tư xây dựng các khu công viên cây xanh theo quy hoạch. Điều này làm cho dự án kém hấp dẫn người dân và gặp khó khăn trong việc phát triển, hình thành khu dân cư có chất lượng sống tốt.

Hiện nay, đã có sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của chủ đầu tư trong việc đầu tư xây dựng các khu đô thị mới. Những năm gần đây, TPHCM đã hình thành nhiều khu dân cư mới tại các quận nội thành phát triển và huyện ngoại thành. Tại các khu dân cư này, ngoài hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội được đầu tư đồng bộ thì hệ thống các khu công viên cây xanh trong khu ở cũng được quan tâm xây dựng và bố trí hợp lý, phục vụ tốt cho nhu cầu của người dân, góp phần nâng cao chất lượng sống của cư dân tại khu vực. Những công viên cây xanh  này vừa là nơi để mọi người đến tập thể dục, tản bộ, hít thở không khí, vừa là nơi vui chơi, giao lưu hàng ngày của cộng đồng người dân sinh sống trong khu dân cư. Chính yếu tố đó góp phần tạo sức lôi cuốn, hấp dẫn người dân đến sinh sống và góp phần nâng cao giá trị của toàn khu dân cư. Khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng với hệ thống công viên cây xanh được đầu tư đồng bộ là một mô hình tạo dựng nơi ở có chất lượng sống tốt mà chính quyền và người dân TP mong muốn hướng đến.

“Lá phổi” của đô thị

Trong quy hoạch, các không gian xanh là một chức năng rất quan trọng và được coi như lá phổi của đô thị. Các đồ án quy hoạch đô thị căn cứ trên quy mô dân số dự kiến của khu vực để xác định vị trí, quy mô và định hướng đầu tư xây dựng hệ thống công viên cây xanh đô thị, nhằm đảm bảo đáp ứng tốt nhất nhu cầu của người dân trong tương lai. Các không gian xanh này được gắn kết với nhau bằng các tuyến phố có trồng cây và các dãy cây xanh để hình thành một hệ thống xanh liên tục.

Như vậy, có thể thấy được vai trò rất quan trọng và không thể thiếu của hệ thống công viên cây xanh trong đời sống của cư dân đô thị. Tuy nhiên, để hình thành được hệ thống công viên cây xanh đạt chuẩn trong đô thị theo quy hoạch, cần phải có quyết tâm chính trị rất lớn của chính quyền và sự đồng thuận của cộng đồng dân cư đô thị. Ngoài việc bảo tồn, phát triển không gian xanh, chính quyền TP cần phải hoàn thiện hơn nữa các quy định, chính sách về quản lý quy hoạch – kiến trúc, phát triển hệ thống công viên cây xanh.

Do nguồn lực của Nhà nước còn hạn chế nên việc xác định chính xác thời điểm thực hiện các khu vực quy hoạch công viên cây xanh gặp rất nhiều khó khăn. Điều này làm cho quyền lợi của người dân trong các khu vực này bị hạn chế kéo dài. Do vậy, Nhà nước cần có các giải pháp về chính sách để người dân trong khu vực quy hoạch công viên cây xanh được đảm bảo các quyền lợi về nhà đất. Bên cạnh đó, để tăng tính khả thi trong quá trình thực hiện quy hoạch công viên cây xanh, Nhà nước cần có các chính sách về tài chính để khuyến khích nhà đầu tư thực hiện các dự án công viên cây xanh theo quy hoạch. Ngoài ra, cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò và tầm quan trọng của công viên cây xanh trong đô thị. Khi đó chính quyền TP không chỉ nhận được sự đồng thuận cao của người dân và doanh nghiệp trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch công viên cây xanh, mà còn đảm bảo cho sự phát triển đô thị một cách bền vững, hướng đến mục tiêu trở thành TP sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

Theo Quy chuẩn xây dựng Việt Nam, đất cây xanh đô thị có 2 cấp độ chính:

° Đất cây xanh sử dụng công cộng cấp ngoài đơn vị ở trong các đô thị, bao gồm: công viên, vườn hoa phục vụ một hay nhiều đơn vị ở, toàn đô thị hoặc cấp vùng (gồm cả các công viên chuyên đề).

° Đất cây xanh sử dụng công cộng trong đơn vị ở: Sân chơi, vườn hoa, sân bãi thể dục thể thao phục vụ hàng ngày. Trong đó, bao gồm các công trình phục vụ chung toàn đơn vị ở và các công trình phục vụ trong các nhóm nhà ở. Mỗi đơn vị ở xây dựng mới phải có tối thiểu một công trình vườn hoa (có thể kết hợp với sân thể thao ngoài trời và điểm sinh hoạt cộng đồng) phục vụ chung cho toàn đơn vị ở với quy mô tối thiểu là 5.000m².

Th.S-KTS TRƯƠNG ANH TUẤN