Vai trò của công nghệ thông tin, học liệu số và thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục

1.3. Vai trò của công nghệ thông tin, học liệu số và thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục

1.3.1. Vai trò của công nghệ thông tin trong dạy học, giáo dục

CNTT có vai trò rất quan trọng trong dạy học, giáo dục, có thể phân tích một số vai trò cơ bản như sau:

a, Đa dạng hóa hình thức dạy học, giáo dục

CNTT tạo điều kiện để đa dạng hóa hình thức dạy học, giáo dục, đáp ứng mục tiêu học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập dựa trên sự kích hoạt mối tương tác xã hội, khuyến khích sự tham gia của các nhà giáo dục và chuyên gia, tạo dựng một cộng đồng chia sẻ thông tin và nguồn tài nguyên học tập trong dạy học, giáo dục có trách nhiệm. Nhiều khóa học đã được xây dựng với những hình thức khác nhau, nhưng tựu trung lại có thể phân loại thành: dạy học trực tiếp hoàn toàn, dạy học trực tiếp có ứng dụng CNTT, dạy học trực tuyến hỗ trợ dạy học trực tiếp, hoàn toàn dạy học trực tuyến thay thế dạy học trực tiếp. Không chỉ HS mà nhiều người học đa dạng cũng được hỗ trợ bồi dưỡng, tự bồi dưỡng để nâng cao NL nghề nghiệp góp phần đáp ứng nhu cầu thực tiễn.

CNTT còn hỗ trợ GV chuẩn bị cho việc dạy học, giáo dục, xây dựng kế hoạch dạy học, giáo dục cụ thể là KHBD, làm cơ sở quan trọng cho việc tổ chức quá trình dạy học trong/ngoài lớp học một cách tích cực, hiệu quả. Cụ thể như, CNTT hỗ trợ người học thiết kế KHBD triển khai bằng các phần mềm, khai thác các phần mềm để tổ chức dạy học bằng trò chơi, thực hành mô phỏng, thực hành thi đua nâng cao hứng thú HS cũng như rèn luyện kĩ năng người học một cách chủ động thông qua các cải tiến về hình thức dạy học. Nhờ đó, GV có thể thiết kế môi trường giáo dục, triển khai các hình thức dạy học, giáo dục một cách chủ động, hiện đại, đảm bảo thực hiện hoạt động dạy học, giáo dục đúng hướng phát triển NL người học, nhất là triển khai dạy học lấy người học là trung tâm. Chẳng hạn, GV có thể xây dựng các bài giảng đa phương tiện, tác động đến các giác quan của HS, xây dựng môi trường học giả định và môi trường học ảo để HS khám phá, trải nghiệm. Như vậy, CNTT góp phần tạo ra môi trường giáo dục đa dạng để người học phát triển và hoàn thiện bản thân thông qua sự đa dạng hóa hình thức dạy học.

b, Tạo điều kiện học tập đa dạng cho HS

CNTT tạo điều kiện để người học khám phá tích cực và chủ động nguồn tri thức, tương tác với người dạy qua các thao tác để phát triển NL của bản thân một cách hiệu quả, không chỉ là NL nhận thức, NL thực hành có liên quan đến tri thức, kĩ năng mà còn NL CNTT và các PC có liên quan. Nhờ CNTT với các tính năng của nó, người học sẽ có thể tự học và chọn lựa thông tin phù hợp để phát triển bản thân. Thông qua đó, người học cũng có điều kiện để khám phá chính mình, hoàn thiện bản thân với những tri thức, kĩ năng còn hạn chế bằng cách thay đổi chính mình. CNTT đặc biệt kích thích hứng thú học tập của HS, khuyến khích HS tư duy dựa trên nền tảng khám phá, thử nghiệm, có cơ hội phát triển NL thực tiễn, nhất là các kĩ năng phức tạp, các NL tổng hợp thông qua các điều kiện học tập đa dạng: học tập trực tiếp có ứng dụng CNTT, học tập trên lớp học ảo, thí nghiệm ảo…

CNTT cũng hỗ trợ HS phát triển, nâng cao NL thích ứng, nhất là với các điều kiện đặc biệt về thời gian, hoàn cảnh, để góp phần phát triển nhân cách của HS. Cụ thể, thúc đẩy NL ứng dụng của người học, nhất là NL ứng dụng và thực hành trong bối cảnh xã hội phát triển với các yêu cầu của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 với sự đổi thay của công nghệ, máy móc và tự động hóa. CNTT đã hỗ trợ người học có thể học mọi lúc, mọi nơi, cụ thể như học qua e-Learning hay học theo phương thức lớp học đảo ngược. Ngoài ra, CNTT giúp người học có thể chủ động về thời gian nhất là đảm bảo việc học tập liên tục ngay cả những điều kiện khó khăn, bất thường. CNTT còn đồng hành và hỗ trợ người học có nhu cầu đặc biệt để minh chứng cho các giá trị nhân văn của giáo dục và dạy học. Chẳng hạn, điện toán đám mây tiếp tục được ứng dụng rộng rãi trong dạy học, giáo dục hiện nay. GV và HS sẽ không phải lo lắng khi lỡ tay xóa, làm mất tài liệu quan trọng. Các tri thức, nội dung liên quan đến lịch học, bài tập, ôn tập… có thể được chia sẻ dễ dàng hơn và lưu trữ an toàn trên đám mây như Google Drive. GV cũng có thể dễ dàng giao bài tập, kiểm tra tiến độ và chấm bài cho nhiều HS dựa trên phần mềm ứng dụng CNTT. Nhờ lưu trữ dữ liệu một cách tập trung, điện toán đám mây cho phép HS và GV tăng phạm vi tiếp cận, chia sẻ thông tin mà không tăng chi phí hoặc thêm áp lực thời gian trong dạy và học.

c, Hỗ trợ GV thực hiện dạy học, giáo dục phát triển PC, NL HS một cách thuận lợi và hiệu quả

Dưới góc nhìn khái quát, CNTT sẽ hỗ trợ hoạt động dạy học của GV, nhất là thực hiện dạy học phát triển PC, NL HS một cách thuận lợi và hiệu quả trong bối cảnh đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục Việt Nam, một trong những tiêu điểm quan trọng là thực hiện chương trình GDPT 2018. Có thể tóm tắt về vai trò hỗ trợ GV thực hiện dạy học, giáo dục phát triển PC, NL HS qua hình 1.1. dưới đây.

Cụ thể, CNTT hỗ trợ GV chuẩn bị cho việc dạy học, giáo dục, xây dựng kế hoạch dạy học, giáo dục cụ thể là KHBD, làm cơ sở quan trọng cho việc tổ chức quá trình dạy học trong/ngoài lớp học một cách tích cực, hiệu quả. Cụ thể như, CNTT hỗ trợ người học thiết kế KHBD triển khai bằng các phần mềm, khai thác các phần mềm để tổ chức dạy học bằng trò chơi, thực hành mô phỏng, thực hành thi đua nâng cao hứng thú HS cũng như rèn luyện kĩ năng người học một cách chủ động dựa trên các học liệu tìm kiếm được.

Song song đó, CNTT giúp điều chỉnh vai trò của người dạy và người học trong thực tiễn giáo dục nhằm hỗ trợ GV thực hiện hiệu quả dạy học, giáo dục phát triển PC, NL HS bằng việc thực thi tổ chức hoạt động học một cách tích cực, chủ động. Người dạy có thể là một người điều hành; người tổ chức (không còn là trung tâm của dạy học); người học là chủ thể có thể khai thác, sử dụng các nguồn học liệu, thiết bị công nghệ, phần mềm trong học tập nhằm phát triển hiệu quả NL và PC của mình hướng đến sự thành công trong nghề nghiệp và cuộc sống ở thời đại số. Sự tương tác này vừa tạo những điều kiện thuận lợi để hoạt động dạy học, giáo dục diễn ra trong thực tiễn, vừa đảm bảo các yêu cầu về hiệu quả mong đợi.

CNTT còn tạo điều kiện để GV đánh giá kết quả học tập và giáo dục; nhất là tổ chức kiểm tra đánh giá bằng cách ứng dụng CNTT từ khâu chuẩn bị, thực hiện, giám sát, kiểm tra và đánh giá, hậu kiểm. CNTT còn có thể chủ động tổ chức kiểm tra đánh giá dựa trên các dữ liệu nội dung kiểm tra đánh giá đã được xây dựng, tiến hành tổ chức kiểm tra đánh giá trên nền tảng CNTT với các tính năng vượt trội để đảm bảo các yêu cầu về tính khách quan, công bằng… của kì đánh giá.

CNTT còn theo dõi sự tiến bộ, phát triển người học một cách hiệu quả thông qua các dữ liệu, các minh chứng và cơ sở đề xuất tác động dạy học, giáo dục phù hợp. Đơn cử như các phần mềm có thể hỗ trợ việc xây dựng các bài kiểm tra, lưu trữ kết quả học tập và rèn luyện của người học; ghi nhận và so sánh về các diễn tiến học tập, sự tiến bộ của người học. Bên cạnh đó, việc lưu trữ dữ liệu và chuyển giao dữ liệu về người học nếu có sẽ tiện lợi và khách quan nếu có sự hỗ trợ của CNTT với các yêu cầu kĩ thuật cụ thể. Hoặc để có kết quả kiểm tra nhanh và dữ liệu phân tích phản hồi, việc đánh giá NL trên máy tính mang đến những kết quả khá thuyết phục và có giá trị.

ADVERTISEMENT

d, Tạo điều kiện tự học, tự bồi dưỡng của GV

CNTT còn có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc phát triển GV, góp phần đáp ứng các yêu cầu mới của việc dạy học, giáo dục:

– Hỗ trợ việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, phát triển nghề nghiệp trước và sau khi trở thành người GV chính thức; kết nối với cơ sở đào tạo, trường đại học sư phạm và cộng đồng GV dài lâu và hiệu quả. Với các khóa học trực tuyến, bồi dưỡng thường xuyên và phục vụ nhu cầu học tập suốt đời, CNTT giúp GV rèn luyện, cập nhật và hoàn thiện bản thân sau khi tốt nghiệp và làm nghề. Hơn nữa, các cộng đồng GV được thành lập thông qua các công cụ khác nhau của CNTT, trường đại học và cựu người học sẽ cùng chia sẻ thông tin, tổ chức chia sẻ kinh nghiệm, phổ biến kiến thức, tọa đàm, hội thảo một cách khả thi.

– Hỗ trợ và góp phần cải thiện kĩ năng dạy học, quản lí lớp học, cải tiến và đổi mới việc dạy học, giáo dục đối với GV bằng sự hỗ trợ thường xuyên và liên tục với những hình thức khác nhau. Đơn cử như với phần mềm hỗ trợ điểm danh, quản lí và tương tác ngẫu nhiên với người học, việc phối hợp giữa GV và HS thuận lợi hơn khá nhiều; hoặc có thể cải tiến việc dạy học, giáo dục thông qua các sản phẩm của CNTT trong hệ sinh thái giáo dục phù hợp với mục tiêu và yêu cầu cần đạt thông qua các đường dẫn và gợi ý khai thác, tư vấn sử dụng.

– Giúp GV sử dụng hiệu quả nguồn học liệu, thiết bị công nghệ, công cụ phần mềm một cách hiệu quả trong hoạt động dạy học, giáo dục theo định hướng mới, kĩ năng mới từ đó phát triển NL nghề nghiệp thông qua việc tự bồi dưỡng và tự giáo dục và hoàn thiện nhân cách nghề nghiệp. Giáo dục và dạy học không ngừng phát triển và đồng hành với sự phát triển của khoa học; vì thế, CNTT với khả năng của mình sẽ cung cấp nguồn học liệu, các tri thức hiện đại về phương pháp, kĩ thuật dạy học, cập nhật các hướng dẫn mới có liên quan đến hoạt động dạy học, giáo dục của ngành để thực hiện các nhiệm vụ nghề nghiệp một cách hiệu quả.

1.3.2. Vai trò của học liệu số và thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục

Học liệu số và thiết bị công nghệ có vai trò rất quan trọng bởi đây là “nguồn tiềm lực” quan trọng để khai thác và sử dụng trong dạy học, giáo dục. Thực tế cho thấy, khó có thể tách rời khi nói về vai trò của thiết bị công nghệ và học liệu số trong dạy học, giáo dục. Bên cạnh đó, cần thấy rằng thiết bị công nghệ và học liệu số chính là thành phần của thành tố thiết bị dạy học và học liệu nói chung, vì thế có thể phân tích vai trò của chúng từ cách tiếp cận tổng thể sau:

  1. a) Tác động đến các thành tố của quá trình dạy học, giáo dục

Các thành tố xét theo quá trình có thể đề cập: mục tiêu, nội dung, phương pháp và kĩ thuật, phương tiện và học liệu, phương pháp và công cụ kiểm tra đánh giá,… Học liệu số và thiết bị công nghệ tác động một cách toàn diện đến từng thành tố này, có thể phân tích một số nội dung sau

– Tác động đến mục tiêu dạy học

Mục tiêu dạy học bậc phổ thông ở Việt Nam hiện nay là phát triển các PC và NL ở HS được quy định trong chương trình GDPT 2018. Việc sử dụng thiết bị công nghệ và học liệu số để triển khai hoạt động học không những giúp HS phát triển NL đặc thù của môn học, các NL chung mà còn góp phần phát triển NL tin học. Qua đó, HS có thêm cơ hội thích nghi và hội nhập với thời kì cách mạng công nghiệp 4.0. Cũng cần thấy, khi máy vi tính, thiết bị di động thông minh chưa được đưa vào quá trình học tập thì người học chủ yếu làm việc với học liệu trong SGK hoặc các tài liệu do GV biên soạn. Khi máy vi tính và Internet đã phổ biến, người học có điều kiện chủ động tiếp xúc với những nguồn dữ liệu đồ sộ, đa chiều trong học liệu số. Cơ hội này cũng tạo thách thức cho người học đứng trước các lựa chọn, sàng lọc các kiến thức, dữ liệu, hoạt động phù hợp cho mục tiêu học tập. Thách thức đó cũng chính là cơ hội để người học hình thành, phát triển PC trách nhiệm, NL tự chủ và tự học. Bên cạnh đó, khi GV kết hợp tổ chức hoạt động học trên lớp với việc giao nhiệm vụ học tập tại nhà có ứng dụng thiết bị công nghệ và học liệu số thì HS có thêm cơ hội chủ động phát triển được nhiều thành phần/thành tố của mỗi NL chung như NL tự chủ và tự học, NL giải quyết vấn đề và sáng tạo trong quá trình tự học đó.

Hiện nay, nhiều yêu cầu cần đạt trong chương trình môn học, HĐGD đòi hỏi GV sử dụng thiết bị công nghệ và học liệu số. Theo đó, nếu bối cảnh nhà trường không có điều kiện cho HS tiến hành thí nghiệm thực thì việc sử dụng phần mềm thí nghiệm ảo hoặc học liệu số dạng video là rất cần thiết để có thể giúp HS đáp ứng mục tiêu dạy học mà chương trình môn học, HĐGD đã đặt ra. Nhờ học liệu số, khi HS khai thác phù hợp nghĩa là không chỉ phát triển về tri thức mà còn phát triển các kĩ năng sống có liên quan: kĩ năng lựa chọn và khai thác thông tin. Bên cạnh đó, khi làm quen, tiếp cận và sử dụng các thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục, HS sẽ có cơ hội để thực hành, rèn luyện một cách trực tiếp hay mô phỏng, đồng thời đây cũng là cách để chuẩn bị cho HS về tư duy làm việc khoa học, công nghệ để thay đổi cả suy nghĩ, định hướng thích ứng với các yêu cầu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Nói cách khác, thiết bị và công nghệ góp phần thực thi nhằm đạt được mục tiêu dạy học, giáo dục thông qua các hoạt động học hay chuỗi hoạt động học phù hợp.

– Tác động đến nội dung dạy học

Theo chương trình GDPT 2018, nội dung trong SGK chỉ đóng vai trò tham khảo. GV có thể chủ động xây dựng nội dung dạy học phù hợp từ nhiều nguồn học liệu khác nhau: học liệu truyền thống trên trong SGK, hay học liệu số được chia sẻ trên Internet hoặc từ đồng nghiệp nhất là các kho học liệu số hữu dụng, các học liệu số được kiểm duyệt và khuyến khích dùng chung. Từ các nguồn học liệu đó, GV sẽ chủ động thiết kế, biên tập thành các dạng học liệu số mới đa dạng hơn, sinh động hơn, phù hợp với nội dung dạy học và nội dung kiểm tra, đánh giá được xác lập.

Đối với hoạt động học của HS, học liệu số có thể được coi là nguồn cung cấp thông tin vô tận. Nó bao gồm các học liệu số mà GV cung cấp và học liệu số mà HS tự tìm kiếm, tự lưu trữ để tham khảo phục vụ cho mục tiêu tìm hiểu, khám phá và vận dụng. Giúp người học có thể chủ động tiếp cận không giới hạn nguồn tài nguyên ở lĩnh vực mà họ đang học tập và nghiên cứu, từ đó khai thác và thúc đẩy việc phát triển NL ở các lĩnh vực người học quan tâm, hứng thú cũng như có tiềm lực, tố chất. Thực tế cho thấy thiết bị công nghệ dần trở nên quen thuộc với HS, không chỉ tiếp xúc ở trường học mà HS còn làm quen, tìm hiểu ở nhiều nơi khác nhau. Điều này sẽ giúp HS có thể tìm hiểu chính mình khi khai thác các nội dung có liên quan về tự đánh giá, tự nhận thức thông qua các tính năng, giá trị của học liệu số và thiết bị công nghệ. Đây là cơ hội để nhận diện bản thân: hứng thú, tính cách, nhu cầu, ước mơ… và định hướng kế hoạch phát triển chính mình. Trên cơ sở này, nội dung dạy học, giáo dục sẽ được HS chủ động tìm kiếm, sở hữu để khám phá, làm chủ và vận dụng một cách hiệu quả.

– Tác động đến phương pháp và kĩ thuật dạy học

Trong dạy học phát triển NL, HS là chủ thể của hoạt động chiếm lĩnh tri thức, kĩ năng và chuyển hóa kiến thức, kĩ năng thành NL. Vì vậy, xét góc độ cách thức tổ chức dạy học, để giúp HS phát triển NL thì GV cần sử dụng các phương pháp dạy học (PPDH) tích cực hóa hoạt động của HS như dạy học trực quan, dạy học khám phá, dạy học hợp tác, dạy học giải quyết vấn đề…

Học liệu số và thiết bị công nghệ tạo thêm cơ hội cho GV chủ động lựa chọn PPDH, lựa chọn cách thức triển khai hoạt động học mà ở đó HS là chủ thể của hoạt động. Chẳng hạn, với sự phối hợp giữa thiết bị trình chiếu đa phương tiện với học liệu số dạng video thí nghiệm ảo, hình ảnh động, GV sẽ thuận lợi trong sử dụng PPDH trực quan hoặc dạy học khám phá, thay thế cho phương pháp thuyết trình, diễn giảng. Nhờ đó, HS sẽ tiếp cận thế giới tự nhiên một cách “trực quan” hơn, hấp dẫn hơn để dễ dàng nhận thức, khám phá và giải quyết được vấn đề.

Nhìn chung, mỗi PPDH thường được triển khai qua bốn bước theo tiến trình chung. Thiết bị công nghệ cùng tính đa dạng của học liệu số sẽ thể hiện ưu thế khác nhau trong hỗ trợ đối với mỗi bước triển khai PPDH cụ thể. Chẳng hạn, thiết bị trình chiếu các học liệu số dạng hình ảnh, video, câu hỏi sẽ rất hiệu quả trong bước chuyển giao nhiệm vụ học tập của PPDH trực quan. Sử dụng thiết bị công nghệ và học liệu số giúp thể hiện thí nghiệm ảo sẽ hiệu quả trong bước HS thực hiện nhiệm vụ học tập theo dạy học khám phá, dạy học giải quyết vấn đề. Ở bước tổ chức thảo luận, việc trình chiếu các sản phẩm học tập dạng học liệu số khác nhau cũng dễ dàng được triển khai bởi các thiết bị công nghệ phù hợp (như máy vi tính với MS PowerPoint hoặc máy vi tính kết nối Internet cùng phần mềm Padlet). Ở bước đánh giá, học liệu số phục vụ kiểm tra đánh giá có thể được trình chiếu trực tiếp tại lớp học hoặc thể hiện qua công cụ trực tuyến. Bên cạnh đó, thiết bị công nghệ phù hợp như điện thoại thông minh, máy tính bảng còn hỗ trợ GV (và cả HS) cùng phân tích, đánh giá, phản hồi nhanh từ kết quả trả lời, làm bài của cá nhân HS và tập thể HS.

Trong quá trình triển khai PPDH cùng với việc sử dụng thiết bị công nghệ, GV sẽ giảm được thời gian ghi bảng, thay vào đó, có thể quan sát, kịp thời hỗ trợ, điều chỉnh hoạt động của HS, nhất là ở bước HS thực hiện nhiệm vụ học tập, báo cáo, thảo luận.

– Tác động đến phương tiện dạy học và học liệu dạy học, giáo dục

Về bản chất, thiết bị công nghệ và học liệu số cũng là phương tiện và học liệu dạy học, giáo dục. Như vậy, chính thiết bị công nghệ và học liệu số có vai trò làm đa dạng hoá, hiện đại hóa các phương tiện và học liệu dạy học, giáo dục, từ đó giúp cho việc dạy học, giáo dục trở nên “trực quan” hơn, hứng thú và hiệu quả hơn.

– Tác động đến quá trình kiểm tra, đánh giá

Việc tổ chức kiểm tra đánh giá trong dạy học phát triển PC, NL đòi hỏi đa dạng về hình thức, phương pháp, công cụ đánh giá. Các thiết bị công nghệ và học liệu số dạng câu hỏi, bài tập kiểm tra đánh giá góp phần giải quyết yêu cầu trên. Nói cách khác, sự đa dạng của các thiết bị công nghệ và học liệu số sẽ thích ứng với sự đa dạng về hình thức đánh giá, phương pháp và công cụ đánh giá. Chẳng hạn, trong lựa chọn phương pháp kiểm tra đánh giá, dạng học liệu số là câu hỏi sẽ phù hợp với phương pháp hỏi – đáp và phương pháp kiểm tra viết, dạng học liệu số là bài tập sẽ chủ yếu phù hợp với phương pháp kiểm tra viết. Để đánh giá PC thông qua hành vi, bên cạnh sự quan sát trực tiếp, GV còn có thể sử dụng dữ liệu của thiết bị camera ghi lại hình ảnh hoạt động của HS tại lớp, sử dụng các dữ kiện được ghi nhận trên hệ thống hỗ trợ học tập khi HS tham gia trực tuyến. Để có kết quả kiểm tra, khảo sát nhanh, đồng thời phân tích khách quan và lưu trữ dễ dàng thì GV có thể sử dụng máy vi tính hoặc thiết bị di động thông minh có phần mềm thân thiện như Google Forms, Quizziz.

Hai trong số những yêu cầu quan trọng của quá trình kiểm tra đánh giá là bảo đảm tính khách quan và nhanh chóng có sự phản hồi kết quả. Sự kết hợp hợp lí giữa một số thiết bị công nghệ và học liệu số cùng với đội ngũ nhân sự tinh gọn cũng sẽ cho cho phép tiến hành quá trình kiểm tra, đánh giá hay các kì thi đáp ứng hai yêu cầu trên. Việc tổ chức các kì thi đánh giá NL HS phổ thông trên máy vi tính gần đây ở Việt Nam đã chứng minh vai trò đắc lực của thiết bị công nghệ và học liệu số trong kiểm tra, đánh giá.

  1. b) Tạo điều kiện và kích thích GV tổ chức hoạt động dạy học, giáo dục đa dạng, hiệu quả

– Thiết bị công nghệ và học liệu số tạo động lực, kích thích người dạy khai thác ý tưởng dạy học mới, thiết kế KHBD hiện đại với sự kết hợp giữa CNTT, học liệu số và yêu cầu khác có liên quan đến thiết bị công nghệ. Chẳng hạn với một ý tưởng sư phạm tổ chức KHBD thành một “game show”- trò chơi giáo dục liên hoàn, nếu không có học liệu số hay thiết bị công nghệ, GV khó có thể thực hiện một cách khả thi với các điều kiện về thời gian, môi trường, thiết bị dạy học… không thay đổi. Hay ý tưởng sư phạm tổ chức dạy học bằng hình thức thi đua các nhóm, đội hoặc du lịch qua từng chặng nhờ vào thiết bị công nghệ và học liệu số, GV cùng HS sẽ có thể cùng đầu tư, cùng tương tác một cách hiệu quả. Song song đó, học hiệu số và thiết bị công nghệ còn góp phần hỗ trợ cho việc số hóa các nguồn học liệu, tài nguyên phục vụ dạy học, giáo dục theo các ý tưởng, kịch bản sư phạm đã được đầu tư.

– Thiết bị công nghệ còn hỗ trợ người dạy triển khai các ý tưởng sư phạm để tổ chức dạy học, giáo dục đa dạng theo hình thức dạy học trực tuyến, dạy học bán trực tuyến kết hợp. Thực tế cho thấy, các hình thức dạy học này đã và đang trở thành yêu cầu thực tiễn đáp ứng nhu cầu đa dạng và phong phú của người học, cũng như thực hiện trong bối cảnh có thể xảy ra thiên tai, bất thường cho nên thiết bị công nghệ và học liệu số trở thành “tài nguyên, công cụ” quan trọng và thiết yếu để có thể thực hiện dạy học, giáo dục nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn, phát triển người học. Ngoài ra, có thể hỗ trợ việc kiểm tra, đánh giá và tổ chức công tác kiểm tra, thi cử trong dạy học, giáo dục một cách thuận lợi và đạt hiệu quả trong những điều kiện khó khăn về giãn cách xã hội.

Thiết bị công nghệ và học liệu số còn tạo điều kiện để GV chủ động chọn lựa phương pháp, kĩ thuật dạy học, hình thức dạy học, công cụ kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, giáo dục đáp ứng yêu cầu của dạy học, giáo dục phát triển NL, PC. Ví dụ với sự phối hợp giữa thiết bị trình chiếu đa phương tiện và học liệu số có liên quan như video thí nghiệm ảo, hình ảnh động… GV sẽ kết hợp các phương pháp, kĩ thuật dạy học trực quan, trải nghiệm gây hiệu ứng với HS. Các thiết bị công nghệ sẽ giảm thời gian thao tác trực tiếp như: ghi bảng, sắp xếp các đồ dùng thực để có thể cùng HS thực hành, lấy kết quả phản hồi, lưu trữ và tái phân tích để rút kinh nghiệm. Hay đòi hỏi đa dạng hóa về phương thức và công cụ kiểm tra đánh giá sẽ khả thi khi có nguồn học liệu phong phú để lựa chọn, sắp xếp; thiết bị công nghệ kết hợp phần mềm cho phép thiết kế các công cụ đánh giá khách quan và phản hồi kết quả nhanh chóng mà việc đánh giá NL trên máy tính là một minh chứng. Thiết bị công nghệ còn hỗ trợ GV kết hợp dữ liệu quan sát trực tiếp với dữ kiện ghi hình, thu âm cả học trực tiếp và trực tuyến để làm rõ, đối chiếu nhằm đánh giá không chỉ về NL mà còn thái độ của HS khách quan, thuyết phục.

– Thiết bị công nghệ và học liệu số còn góp phần hỗ trợ, cải tiến các phương pháp dạy học, giáo dục truyền thống cũng như thay thế khi cần thiết, phù hợp nhất là trong điều kiện tự nhiên, các bối cảnh khó khăn của dịch bệnh, các tác động khó kiểm soát khác từ bối cảnh ảnh hưởng đến việc dạy học, giáo dục để triển khai dạy học, giáo dục một cách chủ động. Cụ thể, có học liệu số và thiết bị công nghệ, có thể dạy học trong các điều kiện khác nhau với thời gian hạn định vẫn đảm bảo các yêu cầu cần đạt và mục tiêu mong đợi ở người học. Khi có học liệu số, thiết bị công nghệ, thời gian đầu tư trực tiếp để chuẩn bị học liệu và đồ dùng dạy học sẽ giảm đi, thay vào đó là đầu tư để làm chủ thiết bị công nghệ, đánh giá, lựa chọn và sử dụng học liệu số phù hợp. Mỗi GV sẽ có thể khai thác học liệu số và thiết bị công nghệ theo định hướng sư phạm để hoạt động trên lớp dành thời gian tối đa, điều kiện tối đa cho HS thể hiện và rèn luyện bản thân.

  1. c) Góp phần phát triển hứng thú học tập và kĩ năng của người học

– Thiết bị công nghệ và học liệu số góp phần “trực quan hoá” các dữ liệu học tập cùng với các tiện ích của chúng đã tạo thêm sự hứng thú học tập, kích thích ý tưởng và hoạt động khám phá, sáng tạo của người học. Ngoài ra, còn giúp người học có động lực và trách nhiệm hơn trong việc tự học để hoàn thiện chính mình, góp phần phát triển khả năng người học nói chung và khả năng công nghệ trong việc khai thác học liệu số và thiết bị công nghệ. Nhờ học liệu số, khi HS khai thác phù hợp nghĩa là không chỉ phát triển về tri thức mà còn phát triển các kĩ năng sống có liên quan: kĩ năng lựa chọn và khai thác thông tin. Bên cạnh đó, khi làm quen, tiếp cận và sử dụng các thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục, HS sẽ có cơ hội để thực hành, rèn luyện một cách trực tiếp hay mô phỏng, đồng thời đây cũng là cách để chuẩn bị cho HS về tư duy làm việc khoa học, công nghệ để thay đổi cả suy nghĩ, định hướng thích ứng với các yêu cầu của cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0.

Thiết bị công nghệ và học liệu số giúp người học có thể chủ động tiếp cận không giới hạn nguồn tài nguyên ở lĩnh vực mà họ đang học tập và nghiên cứu, từ đó khai thác và thúc đẩy việc phát triển NL ở các lĩnh vực người học quan tâm, hứng thú cũng như có tiềm lực, tố chất. Thực tế cho thấy thiết bị công nghệ dần trở nên quen thuộc với HS, không chỉ tiếp xúc ở trường học mà HS còn làm quen, tìm hiểu ở nhiều nơi khác nhau. Điều này sẽ giúp HS có thể tìm hiểu chính mình khi khai thác các nội dung có liên quan về tự đánh giá, tự nhận thức thông qua các tính năng, giá trị của học liệu số và thiết bị công nghệ. Đây là cơ hội để nhận diện bản thân: hứng thú, tính cách, nhu cầu, ước mơ… và định hướng kế hoạch phát triển chính mình. Hoặc kho học liệu số và các thành phần khác có liên quan đến hệ sinh thái giáo dục với cầu nối là các thiết bị công nghệ sẽ tạo điều kiện để HS tìm hiểu, khám phá, nghiên cứu…

Cụ thể, với các ứng dụng thiết bị công nghệ, quá trình tương tác của người học với sản phẩm của trí tuệ nhân tạo (AI), ứng dụng Robot trong dạy học, công nghệ nhận diện khuôn mặt (Face recognition), tâm trắc (Biometrics), nhận diện cảm xúc (Emotive recognition) sẽ tạo ra cơ hội tiếp cận thông tin mới, đa dạng đối với học tập cá nhân hóa. Thực tế ảo (VR)/thực tế tăng cường (AR)/thực tế hỗn hợp (MR)/thực tế tạo ảnh (CR) sẽ tạo ra các cơ hội tương tác trong không gian vật chất/ảo, đa chiều, tăng khả năng tiếp cận, xử lí thông tin; nới rộng không gian, môi trường học tập; phát triển NL tư duy sáng tạo, giải quyết vấn đề. VR và AR sẽ hữu ích đối với những môn học cần nghiên cứu các mô hình phức tạp như giải phẫu cơ thể người hay thiết kế xây dựng. HS có thể tiếp cận với đồ họa 3D trực quan thay vì những hình vẽ 2D nhàm chán trong sách hỗ trợ dạy và học đạt đến hiệu quả tích cực.

Thiết bị công nghệ và học liệu số còn góp phần làm đa dạng các hình thức tương tác trong hoạt động của HS: tương tác giữa HS – HS, HS – GV, HS – cộng đồng. Các tương tác này tạo cơ hội phát triển NL giao tiếp và hợp tác bên cạnh các PC và NL đã được xác định trong chương trình GDPT 2018.

Có thể khẳng định về sự kết hợp chặt chẽ giữa CNTT, học liệu số và thiết bị công nghệ trong dạy học, giáo dục HS như một mối liên kết đồng thời. Cùng với CNTT và học liệu số, thiết bị công nghệ có vai trò quan trọng trong dạy học, giáo dục bởi (1) CNTT giúp thực hiện những hoạt động mà nếu không có nó sẽ không thể thực hiện được (2) CNTT giúp tăng hiệu quả thực hiện hoạt động (nhanh hơn, hiệu quả hơn về mức độ đạt được của NL, PC).

 

Rate this post