Vai trò của Phật giáo trong thời đại mới
Hệ tư tưởng Phật giáo có giá trị vượt không gian và thời gian. Đạo Phật lấy chúng sinh làm đối tượng để phụng sự, đặt sự tồn tại của mình trong mối tương quan mật thiết với sự tồn tại và tiến hóa của xã hội loài người.
Các loại Pháp khí bạn có thể quan tâm (tại đây).
Phật giáo trên con đường truyền bá và hội nhập luôn gắn liền với hai yếu tố căn bản: khế lý và khế cơ. Khế lý là nhấn mạnh về tính tư tưởng, khế cơ là nhấn mạnh về tính lịch sử. Nhờ khế lý, tư tưởng luôn phong phú, thâm diệu mà mình vẫn là mình. Do khế cơ nên mọi hình thái sinh hoạt, thể hiện, truyền bá luôn đa dạng, gắn bó mà không hề mất gốc. Chính từ những truyền thống có tính nền tảng ấy, Phật giáo đến với các quốc gia trên thế giới ngay từ buổi đầu du nhập đã có những nỗ lực lớn cho sứ mạng “bản địa hóa”.
Suốt hai mươi lăm thế kỷ hiện hữu trên thế gian này, đạo Phật chưa một lần gây tổn thương hoặc làm thiệt hại cho bất cứ một dân tộc, xã hội hay quốc gia nào. Mà trái lại, đạo Phật đi đến đâu thì nơi ấy trở nên tươi mát, hạnh phúc và an lạc, bởi vì đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ. Trong quyển Đại cương lịch sử Phật giáo thế giới đã nhận định: “Phật giáo đã trở thành một phần văn hóa tinh thần của người địa phương…Phật giáo lúc đầu xuất hiện như một viềng sáng châu Á nhưng dần dần đã trở thành ánh đạo vàng Đông Tây, hiện hữu ở mọi châu lục, đáp ứng được nhu cầu cao cấp của đời sống tâm linh của nhân loại, không lệ thuộc vào thần quyền, tha lực, nhưng đặt nặng sự chuyển hóa tâm tư bằng những nỗ lực tự thân như thiền định, đời sống đạo đức và nhận thức tuệ giác”[1].
Nhận định trên về Phật giáo được viết trong lời tựa của Thượng tọa tiến sĩ Thích Nhật Từ, qua đó cho thấy sự hiện hữu của Phật giáo trên thế giới đã trở thành hệ giá trị trung tâm của nhân loại, thể hiện hoạt dụng của Phật giáo rất lớn, dung chứa và trở thành sợi chỉ hồng sâu kết từng dân tộc trên khắp châu Lục.
Tìm hiểu tinh thần nhẫn nhục trong Phật giáo Nguyên thủy
Nội Dung Chính
Phật giáo trên con đường truyền bá và hội nhập luôn gắn liền với hai yếu tố căn bản: khế lý và khế cơ.
Phật giáo – Dấu ấn Đông Tây
Sau khi Đức Phật thành đạo, ánh sáng giác ngộ của Ngài chiếu khắp mọi nơi, hàng vạn người dân Ấn, tu sĩ và mọi tầng lớp xã hội Ấn đều thừa hưởng kết quả giác ngộ của Ngài. Đến khi đức Phật nhập diệt, chính pháp của Ngài đã có mặt trên toàn cõi Ấn Độ và lan tỏa đến các quốc gia lân cận. Từ hạ lưu của sông Hằng đi về phía Đông, phía Nam tới bờ sông Caodaveri, phía Tây đến bờ biển Ả Rập, phía Bắc đến khu vực Thaiysiro, đâu đâu cũng thấy sự ảnh hưởng của giáo lý Phật Đà, người dân nơi ấy sống trong hòa bình và hạnh phúc. Đến thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch, dưới triều đại của hoàng đế Asoka (A Dục Vương) thuộc vương triều Maurya (Khổng Tước), Phật giáo trở thành quốc giáo trên toàn xứ Ấn Độ và bắt đầu truyền bá sang các vùng biên giới của các châu lục.
Phật giáo Nguyên thủy (Original Buddhism) khởi nguyên từ miền Nam Ấn, được truyền sang Tích Lan. Từ Tích Lan truyền qua Miến Điện, Thái Lan, Campuchia, Lào,… Phật giáo tại các quốc gia này còn được gọi là Phật giáo Nam truyền, với Tam tạng thánh điển bằng hệ ngôn ngữ Pali. Phật giáo Phát triển (Developing Buddhism) hay Phật giáo Đại thừa, từ miền Bắc Ấn vượt qua dãy núi Hindu và sông Amua ở miền Trung Afghanistan, rồi vượt qua cao nguyên Pamia, vào Tân Cương-Trung Quốc, từ đó đến Hà Tây, Trường An và An Dương. Tiếp đó, Phật giáo từ Trung Hoa truyền đến các nước lân cận như Triều Tiên, Nhận Bản và Việt Nam. Đồng thời, một con đường khác, từ Ấn Độ truyền sang Nepal, vượt qua dãy núi Hymalaya vào Tây Tạng, rồi truyền vào một số vùng của Trung Hoa và Siberia. Phật giáo trong các quốc gia phía Bắc với hệ thống Thánh điển bằng ngôn ngữ Sanskrit hay được dịch sang ngôn ngữ bản địa. Đến cuối thế kỷ XVIII, Đạo Phật chính thức được truyền sang các nước châu Âu (1788) và châu Mỹ (1875), đến cuối thế kỷ XX, Phật giáo được truyền sang châu Phi, tính đến nay chính pháp của Đức Phật đã có mặt ở khắp các châu lục[2]. Qua đó cho thấy, Phật giáo lúc đầu xuất hiện như một “viềng sáng châu Á” nhưng dần dần đã trở thành “ánh đạo vàng Đông Tây”, hiện hữu ở mọi châu lục.
Đạo Phật dưới sự khai sáng của đức Thích Ca Mâu Ni, khởi nguyên từ Ấn Độ xuất hiện như một “viềng sáng châu Á”, chân lý giác ngộ của Ngài lan tỏa trên khắp xứ Ấn Độ và nhiều thế kỷ sau đó đã bén rễ ở các quốc gia châu Á. Đạo Phật ra đời, chân lý Phật Đà mang thông điệp ban vui cứu khổ cho muôn loài, giải thoát con người ra khỏi áp bức nô lệ, đem lại sự bình đẳng cho mọi giới. Chính điều này đã được Thủ tướng Jawaharlal Nehru của Ấn Độ ca ngợi: “Đức Phật vĩ đại hơn tất cả các vị Đạo sư khác. Thông điệp bất diệt của Ngài đã làm rung động nhân loại qua nhiều thời đại. Có lẽ không một thời điểm nào trong lịch sử quá khứ mà thông điệp hòa bình của Ngài lại vô cùng cần thiết cho nhân loại đang đau khổ và rối loạn như hiện nay”[3].
Một điều có thể nói ngay rằng, đại đa số giới trí thức ở phương Tây tìm đến với Phật giáo qua thi phẩm bất hủ “The Light of Asia” (Ánh sáng Á châu)[4], xuất bản lần đầu tiên vào năm 1879 của đại thi hào người Anh, Sir Edwin Armold. Đây là bản trường ca gần năm nghìn câu phô diễn về cuộc đời tu tập và hành đạo của Đức Phật. Ngay sau khi xuất hiện trên thi đàn Âu châu, đã lập tức chinh phục người đọc và được các nhà phê bình văn học Tây phương khen ngợi là tác phẩm văn chương tuyệt tác của Anh quốc cuối thế kỷ XIX. Ngay sau đó, tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng trên thế giới. Tác phẩm thể hiện sự kết hợp hài hòa, chiếu sáng làm nổi bật những phẩm chất đạo đức đặc thù, tuyệt đối của đức Phật: tính ly dục, kết hợp với từ bi, trí tuệ, chân thật và nhẫn nại. Từ đó làm tăng thêm sự cảm nhận rằng Ngài như thể là đối trọng của Ấn Độ giáo, vì Ngài đã can đảm đi ngược lại với mọi tục lệ, tập quán lâu đời của Ấn Độ giáo. Đạo Phật vượt trên các học thuyết đương thời và trở thành hướng đi của các dân tộc trong thời đại mới.
Chính sức ảnh hưởng của thi phẩm là nguồn cảm hứng, lan tỏa đến các học giả phương Tây tìm đến và gõ cửa Phật giáo để nghiên cứu và truyền bá giáo lý Niết Bàn. Ngay lập tức, đạo Phật trở thành “ánh đạo vàng của Đông Tây”. Lần lượt các học giả nổi tiếng như: Allan Bennet quy y theo Phật, người có công phát triển Phật giáo tại Anh giai đoạn đầu; Đại tá người Mỹ, Olcott sang Tích Lan quy y và trở thành một trong những nhà tiên phong phát triển phong trào chấn hưng Phật giáo tại Tích Lan, là tác giả của lá cờ Phật giáo hiện nay. Điểm nổi bật, sức hút của đạo Phật qua thi phẩm “Ánh sáng Á Châu” đã được các học giả phương Tây nhận định: Olcott viết: “Quyển sách sẽ tạo ra một sự kinh ngạc lớn lao cho mọi giới và những câu hỏi tò mò sẽ nảy sinh trong tâm trí của các Ky Tô hữu nói chung”; F.B.Sanborn viết: “Tính giá trị thơ ca của tác phẩm rất lớn, nhưng nó co một giá trị khác lớn hơn là nó đã phô bày trong một tinh thần cảm thông của chân lý, hầu truyền cảm hứng lòng nhân từ của Á châu cho thế giới”; W.Holmes viết: “Tác phẩm cao quí đến nỗi nó không có cái khác để có thể so sánh”.[5]
Đức Phật, theo quan điểm của các học giả phương Tây hiện lên như sự tổng hòa của một phần người anh hùng lãng mạn, một phần của con người bình thường và một phần của một bậc Thánh siêu phàm. Chính điều này đã dẫn dắt các học giả, các quốc gia phương Tây tìm đến với đạo Phật và truyền bá giáo lý Phật Đà vượt khắp Đông Tây, hiện hữu ở mọi châu lục.
Truyện Phật giáo: Làm ác gặp ác
Sau khi Đức Phật thành đạo, ánh sáng giác ngộ của Ngài chiếu khắp mọi nơi, hàng vạn người dân Ấn, tu sĩ và mọi tầng lớp xã hội Ấn đều thừa hưởng kết quả giác ngộ của Ngài.
Hành trình bản địa hóa của Phật giáo
Phật giáo ngay từ thời kỳ đầu du nhập đã nỗ lực trong sự dung hợp tín ngưỡng tôn giáo bản địa. Thời kỳ Phật tại thế, Ngài không đề cao Phật giáo vượt trên các giáo thuyết khác, trái lại Ngài cho thấy chính pháp giác ngộ của Ngài có hoạt dụng xoay chuyển tâm thức, tác động tích cực đến đời sống người dân Ấn Độ bấy giờ. Lẽ tất nhiên, quyền lựa chọn ở tự thân “giác ngộ” của mỗi người, Ngài không dùng bất kỳ một thần quyền hay thủ đoạn để khuyến hóa dân chúng. Đạo Phật vì thế trở thành trung tâm và nhanh chóng lan tỏa trong nội xứ Ấn và truyền bá sang các quốc gia lân cận.
Đức Phật là người tự giác ngộ và Ngài đi giác ngộ chúng sinh. Qua nghiên cứu giáo lý Phật Đà cho chúng ta thấy, đạo Phật thật sự khoa học, đạo Phật trở thành sợi chỉ hồng tư tưởng xuyên qua các dân tộc mà không cần dùng thủ đoạn, xảo thuật, thể hiện rõ nét “dân tộc tính”, nơi có Phật giáo đặt chân đến. Tư tưởng đạo Phật là tư tưởng nguồn cội, phù hợp với các dân tộc, thể hiện tính thời đại xuyên suốt hơn hai mươi lăm thế kỷ qua. Trong đó, điển hình là sự lan tỏa đạo Phật ở Làng Mai (Pháp quốc) dưới sự dẫn dắt tinh thần của Thiền sư Nhất Hạnh. Ngài đã mang tinh hoa đạo Phật đến với các quốc gia trên thế giới, đưa mọi người thuộc các sắc tộc khác nhau, xích lại gần nhau và xây dựng một Phật giáo đúng nghĩa tại nhân gian.
Tư tưởng Phật giáo phù hợp với các giá trị đạo đức dân tộc, phù hợp với tín ngưỡng đời sống tâm linh của người dân bản địa, điều này đã hằng sâu vào các dân tộc và Phật giáo trở thành “dân tộc tính” của từng quốc gia. Nếu như Nho giáo đề cao thiên tử, xem yêu nước là phục tùng thiên tử; Thiên chúa giáo dùng thủ đoạn để dụ dỗ, mua chuộc, lôi kéo và đàn áp, thể hiện tính độc đoán tôn giáo. Ngược lại, đạo Phật là đạo của từ bi, nhân đạo, nhân văn…Chính hình ảnh đức Phật ngồi tòa sen biểu trưng cho tư tưởng đạo Phật được nở hoa, tương ứng trong lòng các dân tộc. Điều này lại được khẳng định trong Phật học tinh hoa như sau: “Trong khi truyền bá, đạo Phật tuyệt nhiên không dùng phương pháp bạo hành, mua chuộc hay ỷ thế của chính trị để truyền đạo, mà chỉ dùng phương pháp thấm nhuần kiên nhẫn của văn hóa mà thôi. Chính điều này đã làm cho đạo Phật trở thành một tôn giáo chung của nhân loại”[6].
Trên lộ trình khẳng định các hệ giá trị tư tưởng, Phật giáo đã trở thành một phần văn hóa tinh thần của người địa phương. Nói cách khác, Phật giáo được “bản địa hóa”, khoác vào mình chiếc áo “dân tộc tính” để đến với vạn loại chúng sinh, khai mở trí tuệ, dẫn đường giác ngộ giải thoát. Thật vậy, Phật giáo thế giới có nguồn gốc khởi phát từ Ấn Độ và Trung Hoa lại trở thành văn hóa tinh thần của các dân tộc trên thế giới như dân tộc Việt, dân tộc Lào, dân tộc Thái, dân tộc Khmer…
Điển hình trong mối quan hệ giữa đạo Phật và văn hóa dân tộc Việt là minh chứng cho quá trình này. Qua đó, người viết nhận thấy rằng, khi nghiên cứu về đạo Phật và văn hóa dân tộc, nếu bỏ qua việc nghiên cứu về Phật giáo dân tộc và tư tưởng dân tộc mình là một điều sai lầm, trong khi chỉ lo nghiên cứu về các tôn giáo khác và hệ thuyết của Tây phương, Đông phương. Chúng ta phải có lòng tự tôn dân tộc. Bởi lẽ, tư tưởng thì dân tộc nào cũng có, được hình thành từ rất lâu, nhưng để trở thành hệ thống tư tưởng thì cần phải có quá trình của nó. Tư tưởng dân tộc ta cũng thế, không thua kém bất kỳ tư tưởng dân tộc nào nhưng cần quá trình để phát triển thành hệ thống tư tưởng của dân tộc Việt. Do đó, chúng ta phải có trách nhiệm đưa tư tưởng Việt Nam, văn hóa Việt Nam vươn tầm thời đại.
Thật vậy, Phật giáo và dân tộc Việt Nam với bề dày lịch sử khoảng 20 thế kỷ qua đã tạo cơ hội tiếp xúc và hòa nhập vào nhau nhuần nhuyễn, khiến cho nhà thơ cận đại Hồ Dzếnh có thể viết: “Trang sử Phật, đồng thời là trang sử Việt. Trải bao độ hưng suy, có nguy mà chẳng mất”. Đúng như tinh thần qua câu nói của nhân dân Việt: “Đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt”. Ngay từ buổi đầu du nhập, Phật giáo đã nhanh chóng bén rễ trong lòng dân Việt, dân tộc Việt: “Đạo Phật nguồn gốc từ Ấn Độ… truyền vào đầu tiên ở Luy Lâu. Phật giáo này lại chung hợp với tín ngưỡng dân gian của người Việt cổ (tục thờ cúng các hiện tượng tự nhiên có liên quan đến nông nghiệp). Mặt khác, tín ngưỡng dân gian lại hóa thân vào Phật… Những thần mây, mưa, sấm, chớp vốn là biểu tượng của các lực tự nhiên trong tín ngưỡng Việt cổ, trở thành Pháp vân, Pháp vũ, Pháp lôi, Pháp điện, là những Phật đầu tiên của Việt Nam”[7]. Trong bài viết Đình làng và tục thờ cúng thần Thành hoàng tại làng thôn Bắc bộ của Nguyễn Văn Khoan đã nhận định về hệ thống tín ngưỡng tôn giáo của người An Nam, trong đó đạo Phật được dung hợp trong thể thống nhất: “Người An Nam thờ Trời và Đất, những thần linh trong ấy, thờ Phật, thờ linh hồn người chết, thờ những nhân vật nổi tiếng”[8].
Trong quá trình Phật giáo tiếp xúc và đồng hành cùng dân tộc Việt, đặc biệt là thời đại Lý-Trần, cung cấp cho chúng ta mô hình một Phật giáo gắn bó với dân tộc và phục vụ dân tộc mà không làm tổn hại đến những giá trị tâm linh của đạo, trái lại tinh thần của đạo Phật được đẩy lên chân giá trị mới, khế hợp với dân tộc bản địa: “Có thể nói, Phật giáo Việt Nam đã tôn vinh con người lên địa vị Phật, địa vị của bậc Thánh giác ngộ tối cao, bậc Thánh đã đạt tới cảnh giới bất tử, an lạc tuyệt đối, giác ngộ hoàn toàn. Chúng ta vốn là Phật nhưng lại không tự biết, cho nên cứ đi tìm Phật ở đâu đâu, không chịu quay đầu lại tìm Phật ở trong bản thân mình”[9]. Qua đó cho thấy, thế kỷ XXI là thế kỷ của khoa học, thế kỷ của con người, thế kỷ của những giá trị nhân bản. Vì thế, “Phật giáo Việt Nam phải là Phật giáo tiếp nối truyền thống rất nhân bản, một Phật giáo tôn vinh con người và phục vụ con người, đáp ứng những nhu cầu tâm linh cao đẹp nhất của con người”[10].
Trên lộ trình khẳng định các hệ giá trị tư tưởng, Phật giáo đã trở thành một phần văn hóa tinh thần của người địa phương.
Quá trình Phật giáo du nhập vào các dân tộc diễn ra một cách tự nhiên, khác với các tôn giáo khác, mà không có bất kỳ một va chạm bởi chiến tranh hay xung đột nào. Quá trình “bản địa hóa” của Phật giáo hòa quyện vào tín ngưỡng, văn hóa dân tộc, Phật giáo bắt đầu bén rễ dễ dàng và phát triển trên mảnh đất của dân tộc bản địa. Chính khát vọng chấm dứt khổ đau trong cuộc sống và giải thoát, tìm đến hạnh phúc thật sự của người dân các dân tộc đã tiếp nhận Phật giáo như một sự thật hiển nhiên. Trong bài viết Đạo Phật và văn hóa Việt Nam, Hòa thượng Thích Minh Châu đã nhận định: “Sự tiếp nhận này dường như không gây ra sự thay đổi nào đột ngột trong đời sống tinh thần của người Việt. Họ thờ cúng chư Phật cũng như đã thờ cúng các vị thần vốn có của họ”[11]. Đạo Phật do đó, đối với các dân tộc Á Đông là đạo chung của mọi lớp người trong xã hội, là đạo của mọi dân tộc, không phân biệt nước lớn hay nước nhỏ. Riêng ở Việt Nam, đạo Phật đã hòa với bản chất dân tộc như một thực thể thống nhất. Dân tộc thịnh, đạo Phật thịnh. Dân tộc suy, đạo Phật suy.
Chính những điều trên, một lần nữa đã khẳng định, điều quan trọng là Phật giáo đã góp phần phát triển và bảo vệ nền văn hóa các dân tộc trên thế giới. Trên mẫu số chung của đạo Phật là từ bi, trí tuệ và nhân bản, chính những đức tính này, Phật giáo đã tồn tại hài hòa tốt đẹp, phù hợp với tâm tư và văn hóa dân tộc trong thời đại mới. Đúng như lời nhận xét về mối quan hệ truyền thống lâu đời giữa Phật giáo và dân tộc của Tiến sĩ Hồng Quang: “Phục vụ dân tộc trong ánh sáng của đạo Pháp và phục vụ đạo Pháp trong hoàn cảnh cụ thể của dân tộc”[12].
Hoạt dụng của Phật giáo và hướng đi mới của thời đại
Với tính chất trí tuệ và nhân bản của đạo Phật, đã khẳng định vị thế và vai trò của Phật giáo trong thời đại mới. Điều đó cho thấy, hoạt dụng của Phật giáo rất lớn, có thể dung chứa mọi thành phần xã hội, giải quyết mọi vấn đề của thời đại đặt ra và đặc biệt hơn, đáp ứng mọi nhu cầu cao cấp trong đời sống tâm linh của nhân loại.
Cái khát vọng giải thoát mọi khổ đau, đạt được trí tuệ sáng suốt, an vui tự tại giữa dòng trường lưu sinh tử là niềm khao khát triền miên của tất cả nhân sinh. Xưa cũng như nay, bất cứ trong hoàn cảnh lịch sử nào mà những truyền thống dân tộc bị lãng quên, đạo đức xã hội bị suy thoái, niềm tin bị khủng hoảng, các giá trị tinh thần bị khinh rẻ thì chính lúc ấy những khát vọng đó lại càng trỗi dậy, mãnh liệt hơn. Ngày nay, dưới sự phát triển của khoa học, kỹ thuật, con người hưởng thụ được các giá trị vật chất gần như đầy đủ, tuyệt đối. Nhưng nhân loại vẫn cảm thấy hoang mang và khát khao một giá trị tinh thần bất diệt. Phải chăng đó là lúc sự xuất hiện của đạo Phật là cần thiết hơn bao giờ hết, để giải quyết các vấn đề bức xúc của nhân loại?
Trong thế kỷ XXI, giá trị nhân bản và trí tuệ phải là giá trị của mọi giá trị, là thước đo của mọi giá trị. Tất cả phát kiến khoa học, các sáng tạo văn học nghệ thuật tôn giáo cần được đánh giá theo góc độ đó, dựa vào chuẩn giá trị chung để nhận định. Đạo Phật có nhiệm vụ đánh thức, khơi dậy niềm tin của con người ở khả năng phán xét phải trái, thiện ác của bản thân, nhất định không nghe theo kẻ cơ hội và giáo điều. Phật giáo trong thời đại mới phải là Phật giáo của lý trí, không thể dung túng những tập tục mê tín dị đoan có thể là nguồn lợi dưỡng đáng kể và người trí không thể chấp nhận điều này. Ở đây, một lần nữa, chúng ta nhắc lại câu nói của nhà bác học Albert Einstein ca ngợi Phật giáo như một tôn giáo đáp ứng được những nhu cầu của khoa học hiện đại: “Tôn giáo tương lai sẽ là một tôn giáo vũ trụ. Nó phải vượt trên một Thượng Đế cá nhân, tránh giáo điều và thần học. Bao quát cả hai lĩnh vực tự nhiên và tâm linh, nõ phải dựa trên một ý thức tôn giáo, nảy sinh từ sự thực nghiệm của mọi sự vật, tự nhiên và tâm linh, như một thể thống nhất có ý nghĩa. Phật giáo đáp ứng được một mô tả như vậy. Nếu có một tôn giáo thảo mãn được những yêu cầu của khoa học hiện đại, thì tôn giáo đó là đạo Phật”[13].
Thật vậy, đạo Phật đề cao trí tuệ thực nghiệm, mà kinh sách Phật thường gọi là tu tuệ. Bất cứ một chân lý nào, dù siêu việt như cõi Niết Bàn hay là những chân lý tương đối của thế gian đều phải qua thực nghiệm mới có thể nắm bắt một cách thấu đáo. Điều này đúng như nhà bác học Einstein đã nhận định. Tuy nhiên, đạo Phật không hạ thấp văn tuệ (học hỏi mà biết) và tư tuệ (tư duy mà biết), chân giá trị con người chính ở chỗ biết học hỏi những điều chưa biết và biết tư duy, lập luận một cách lô gích. Ngay chính lúc này, Phật giáo đề cao khả năng tư duy độc lập của con người để tìm ra lẽ phải, nhận chân được thiện ác, tốt xấu là vậy! Do đó, Phật giáo không chấp nhận sự áp đặt của bất cứ uy quyền, thế lực nào cũng như không cầu cạnh bất lỳ tha lực bên ngoài nào để che chở, bảo hộ con người. Chính vì thế, Phật giáo xứng đáng là đạo của trí tuệ, đạo của những người có trí, không mê tín và cuồng tín, tự mình nương tựa chính mình, tự mình thắp đuốc lên mà đi, như lời Phật khuyên dạy: “…Tỳ kheo tự mình là ngọn đèn cho chính mình, tự mình y tựa chính mình, không y tựa một cái gì khác, dùng chính pháp làm ngọn đèn, dùng chính pháp làm chỗ nương tựa, không nương tựa một cái gì khác”[14].
Phải nhìn nhận rằng, lịch sử đức Phật là lịch sử của một con người, nhờ công phu tu tập của bản thân đã trở thành một con người hoàn thiện, một bậc Thánh giữa thế gian, mà theo lời ca ngợi của nhà thi hào nổi tiếng Tagore của Ấn Độ: “con người vĩ đại nhất sinh ra ở đời này”. Chính Ngài đã khai thị cho loài người biết rằng, bất cứ người nào, với nỗ lực tự thân và tu tập đúng hướng đều có thể đạt đến đích an lạc, giác ngộ và giải thoát như Ngài. Đó chính là giá trị nhân bản cao cả của đạo Phật, một tôn giáo đặt niềm tin lớn vào con người, đề cao con người ngang hàng với bậc Thánh nếu muốn quyết tâm theo con đường Phật dạy. Bởi đạo Phật là thiết thực và hiện tại: “Pháp là thiết thực hiện tại, không có thời gian, đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người có trí tự mình giác hiểu”[15]. Rõ ràng, đạo Phật không hứa với chúng ta một thiên đàng xa xôi siêu thế, đạo Phật yêu cầu chúng ta nhìn thẳng vào thực tại, tìm ra những nguyên nhân gây bất hạnh và đau khổ để chỉ phương pháp diệt trừ nguyên nhân đó. Những gì Phật đã dạy, đã tuyên bố đều có giá trị thiết thực và hiện tại, giúp chúng ta giải quyết tốt đẹp các nhu cầu đời sống đặt ra.
Chính vì lẽ đó, đạo Phật chú trọng, đặt nặng sự chuyển hóa tâm tư bằng những nỗ lực tự thân như thiền định, đời sống đạo đức và nhận thức tuệ giác. Đây là tinh thần của Phật giáo biện tâm và hướng nội. Cốt lõi của chấm dứt khổ đau và giải thoát không nằm ở hiện tượng, phương tiện bên ngoài mà chính ngay trong nội tâm, tự thân của con người. Chính năng lực chuyển hóa nội tâm, điều phục tâm sẽ giúp con người khai mở tuệ giác (Phật tính) và tạo nguồn năng lượng phi thường để nhận chân giá trị, thấy và biết rõ bản chất các pháp, đạt mục đích an lạc và hạnh phúc. Trong Sớ giải kinh Kim Cang có câu: “Tâm chế nhất xứ, vô sự bất biện”, nghĩa là tâm được chế ngự vào một nơi thì không có việc gì không làm được. Trong kinh tạng Pali, Phật thường khuyến khích học trò tu tập tâm, chế ngự và điều phục tâm: “Khó nắm giữ, khinh động / Theo các dụng quay cuồng / Lành thay! điều phục tâm / Tâm điều an lạc đến”[16].
Có cần hiện đại hóa Phật giáo?
Quá trình Phật giáo du nhập vào các dân tộc diễn ra một cách tự nhiên, khác với các tôn giáo khác, mà không có bất kỳ một va chạm bởi chiến tranh hay xung đột nào.
Khi bàn về Phật giáo, học giả Lương Khải Siêu, người tinh thông kim cổ, học thông cả cổ Trung và Tây phương, giữ vị trí khả kính trong giới học giả có nhận định: “Phật giáo là trí tín, không phải mê tín, là kiêm thiện chứ không phải độc thiện, là nhập thế chứ không phải yếm thế”[17]. Điều đó cho thấy, mục đích của Phật giáo là hướng con người chuyển mê thành ngộ, chuyển ngu thành trí và chuyển phàm thành thánh. Hơn 2500 năm trước, lúc Thế Tôn thành đạo dưới cội Bồ đề, lời nói đầu tiên của Ngài là: “Kỳ thay! Kỳ thay! Tất cả chúng sinh đều đây đủ đức tướng trí tuệ của Như Lai, chỉ vì vọng tưởng che lấp nên không thể chứng ngộ được, nếu từ bỏ vọng tưởng chấp trước, thì Nhất thiết trí, Tự nhiên trí liền được hiển lộ”[18]. Rõ ràng, đạo Phật đề cao sự giác ngộ thông qua nhận thức tuệ giác bằng con đường tu tập thiền định. Mục đích Phật chế giới luật nhằm thánh hóa đời sống người tu sĩ.
Ở đây, một quan niệm phương Tây cho rằng, đạo Phật không phải là một tôn giáo. Bởi theo họ, một giáo phải có giáo chủ, thần thánh để dạy đạo, đây là định nghĩa theo linh tính kiểu phương Tây. Bởi lẽ, chúng ta cần hiểu rõ, tu theo đạo Phật là một vinh quang, một thế mạnh vượt thời đại. Hiểu đạo Phật theo chính kiến, linh tính trí tín của mình không theo bất kỳ ai hay quan điểm của các nhà phương Tây. Còn nhớ, nhà thần học Cơ đốc Saint Anselme nói rằng: “Ta tin để mà hiểu”, nhưng đức Phật của chúng ta lại dạy rằng: “Đừng tin điều gì do ta tưởng tượng ra lại nghĩ rằng một vị tối linh đã khai thị cho ta. Nhưng chỉ tin tưởng cái gì mà chính các ngươi đã từng trải, kinh nghiệm và nhận là đúng…”[19]. Vậy ta có thể diễn lại lời Phật dạy bằng cách đảo ngược lời của nhà thần học trên: “ta hiểu để mà tin”!
Tu tập tâm, thực hành nếp sống đạo đức Phật giáo, có thể nói là nền đạo đức hoàn chỉnh cho nhân loại, dù tại gia hay xuất gia, dù bất kỳ tầng lớp xã hội nào hay dân tộc nào cũng đều hành trì và lợi lạc như nhau. Chúng ta tin tưởng rằng, người sống theo nếp sống đạo đức Phật giáo, người người sẽ được an lạc, gia đình được hòa thuận an vui, xã hội và thế giới này được hòa bình, an lạc và hạnh phúc lâu dài.
Với ý hướng trên, người viết nhận định, đã đến lúc cần đề cao khả năng hoạt dụng, dung hóa của đạo Phật để con người nhận rõ hướng đi mới của thời đại qua lăng kính nhà Phật. Một đạo từ nghìn xưa đã mở đầu phong trào tổng hợp các học thuyết Ấn Độ thâm sâu; một đạo truyền đến đâu cũng dung hợp được với các nền văn hóa địa phương, tạo cho mỗi dân tộc một sắc thái từ bi đạo hạnh, để chỉ nẻo hướng đi cho con người và cuộc đời trong trách nhiệm: giải thoát tâm tư khỏi trói buộc của thực tại thế gian. Vì lẽ đó, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng rằng, nhân loại trong thời đại mới đang và sẽ đi lên để hướng theo tư tưởng đạo Phật: “Thừa nhận khổ đau và làm chủ khổ đau, làm chủ cuộc đời, hướng đến giác ngộ, giải thoát”[20].
Điều quan trọng cuối cùng được người viết nhắc lại trong Hội thảo Phật giáo với các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc do Hòa thượng Brahmapundit nhận định: “Những lời dạy minh triết và đạo đức của Đức Phật vượt qua mọi ranh giới, vì tâm trí của tất cả là như nhau, những đau khổ của con người đều giống nhau và tiềm năng giải thích của tất cả là như nhau…Hãy để cho giáo pháp của đức Phật là ngọn hải đăng cho thế giới, chuyển hóa vô minh và khổ đau trong tâm chúng ta, mang lại sự phát triển vào năng lực bền vững cho nhân loại và quan trọng hơn, cho hòa hợp và hòa bình thế giới”[21]. Đó là hướng đi của thời đại chúng ta!
Kết luận
Hệ tư tưởng Phật giáo có giá trị vượt không gian và thời gian. Bất cứ ở đâu và bất cứ thời đại nào, tư tưởng đạo đức của Phật giáo vẫn giữ giá trị cốt lõi trong nền tảng đạo đức nhân loại. Đạo Phật lấy chúng sinh làm đối tượng để phụng sự, đặt sự tồn tại của mình trong mối tương quan mật thiết với sự tồn tại và tiến hóa của xã hội loài người. Phật giáo tin rằng, mọi người đều có khả năng hướng thượng, nếu nỗ lực hành trì theo lời Phật dạy, chung cuộc sẽ đạt đến đích chân-thiện-mỹ hay giác ngộ, giải thoát hoàn toàn.
Phật giáo vượt lên trên các hệ thuyết của các tôn giáo khác, mỗi khi Phật giáo có mặt đều để lại dấu ấn sâu rộng, bền chắc trong lòng mỗi người dân, mỗi dân tộc. Phật giáo hòa nhập và làm phong phú, đa dạng bản sắc văn hóa dân tộc ở nơi Phật giáo đặt chân đến. Bởi đạo Phật là đạo của từ bi và trí tuệ, đi đến đâu thì nơi ấy trở nên tươi mát, hạnh phúc và an lạc. Đúng như lời dạy của Thế Tôn từng tuyên bố: “Này các Tỳ kheo, hãy du hành, vì hạnh phúc cho quần sinh, vì an lạc cho quần sinh, vì lòng thương tưởng cho đời, vì lợi ích, vì hạnh phúc, vì an lạc cho chư Thiên và loài người”.
Chúng ta hoàn toàn có thể tuyên bố rằng: Trong thời đại mới, đạo Phật là con đường tiến hóa duy nhất của hết thảy chúng sinh…!
Tranh Thangka: Tinh hoa của nền mỹ thuật Phật giáo Tây Tạng
Tu tập tâm, thực hành nếp sống đạo đức Phật giáo, có thể nói là nền đạo đức hoàn chỉnh cho nhân loại, dù tại gia hay xuất gia, dù bất kỳ tầng lớp xã hội nào hay dân tộc nào cũng đều hành trì và lợi lạc như nhau.
Chú thích:
[1] Thiện Minh chuyển dịch, Đại cương lịch sử Phật giáo thế giới, NXB. Tổng Hợp TP. Hồ Chí Minh.
[2] Thích Nguyên Tạng, Phật giáo khắp thế giới, NXB.Tu viện Pháp Bảo – Tu Viện Quảng Đức, 2001, tr.5.
[3] Thích Phước Sơn, Tính chất trí tuệ và nhân bản của đạo Phật, NXB. Viện Nghiên cứu Phật học Việt nam, 2013, tr.7
[4] Thích Nguyên Tạng, Phật giáo khắp thế giới, NXB.Tu viện Pháp Bảo – Tu Viện Quảng Đức, 2001, tr. 383.
[5] Thích Nguyên Tạng, Phật giáo khắp thế giới, NXB.Tu viện Pháp Bảo – Tu Viện Quảng Đức, 2001, tr.387
[6] Thích Đức Nhuận, Phật học tinh hoa-Một tổng hợp đạo lý, tr.495
[7] Phan Đại Doãn, Thế kỷ X-Những vấn đề lịch sử, tr.6
[8] Nguyễn Văn Khoan, Lê Sơn (dịch), Đình làng và tục thờ cúng thần Thành hoàng tại làng thôn Bắc bộ, tr.1
[9] Minh Chi, Phật giáo trong thời đại chúng ta, tr.26
[10] Minh Chi, Phật giáo Việt Nam thế kỷ XXI, tr.26
[11] Thích Minh Châu, Đạo đức Phật giáo và hạnh phúc con người, tr.53
[12] Hồng Quang, Vài nét về Phật giáo Tây phương để suy nghĩ về mười vấn đề cấp thiết của Phật giáo Việt Nam, tr.362
[13] Minh Chi, Phật giáo trong thời đại chúng ta, tr.19
[14] Thích Minh Châu (dịch), Trường bộ kinh, tập 3 và Tương Ưng bộ kinh, tập 5.
[15] Thích Minh Châu (dịch), Tăng Chi bộ kinh, tập 3.
[16] Thích Minh Châu (dịch), Kinh Pháp Cú, số 35.
[17] Thích Phước Sơn, Tính chất trí tuệ và nhân bản của đạo Phật, tr.11
[18] Sđd, tr.14
[19] Thích Đức Nhuận, Phật học tinh hoa-Một tổng hợp đạo lý, tr.492
[20] Thích Đức Nhuận, Chuyển hiện đạo Phật vào thời đại, tr.7
[21] Thích Nhật Từ, Trương Văn Chung, Nguyễn Công Lý, Phật giáo với các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc, tr.4