Vai trò của Phật giáo trong lĩnh vực tư tưởng và đạo đức xã hội (Vũ Ngọc Định) – Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo

Phật giáo du nhập vào nước ta đến nay đã hơn 2000 năm. Trong quá trình ấy, đất nước dù lúc thịnh lúc suy nhưng trong thời đại nào, hoàn cảnh nào Phật giáo cũng nêu cao tinh thần hộ quốc an dân. Trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, Phật giáo giữ vai trò hộ quốc, trong xây dựng đất nước Phật giáo là cầu nối về tư tưởng giúp đoàn kết dân tộc và là chỗ dựa tinh thần giúp người dân an lạc trong đời sống. Vì vậy, tinh thần “hộ quốc an dân” chính là hành động “nhập thế hành đạo” và trở thành truyền thống của Phật giáo Việt Nam.

TRUYỀN THỐNG HỘ QUỐC AN DÂN CỦA PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Ngay trong giai đoạn đầu của thời kỳ tự chủ, các Tăng sĩ Việt Nam đã chứng tỏ khả năng thích ứng của mình, lấy trí tuệ làm phương tiện nhập thế hành đạo. Phật giáo tham gia và góp sức trong mọi hoạt động chính yếu của quốc gia như: chính trị, ngoại giao, giáo dục, văn hóa tư tưởng. Năm 968, Đinh Bộ Lĩnh lập nên nhà Đinh. Ngay khi lập quốc, vua nghĩ ngay đến vai trò của Phật giáo trong việc hộ quốc an dân nên ban phong phẩm trật cho các Tăng sĩ lỗi lạc và mời tham dự quốc chính. Ban chức Tăng thống cho Khuông Việt đ?iại sư Ngô Chân Lưu; ban chức Tăng lục cho Pháp sư Trương Ma Ly và ban chức Sùng Chấn Uy nghi cho Thiền sư Huyền Quang. Nhà Tiền Lê kế nghiệp, tiếp tục trọng dụng các Tăng sĩ, vua Lê Đại Hành đã mời Khuông Việt đại sư làm cố vấn về chính sự, Thiền sư Pháp Thuận lo việc ngoại giao. Đến thời nhà Lý, vua Lý Thái Tổ đã kế thừa tổ chức Tăng quan. Các Tăng sĩ có đạo hạnh và học vấn uyên thâm được các vua Lý hết sức trọng dụng, nhiều vị trở thành Quốc sư và tham dự triều chính như: Vạn Hạnh, Viên Chiếu, Thông Biện, Viên Thông, Không Lộ,… cố vấn đắc lực giúp vua các vấn đề về chính trị, ngoại giao, văn hóa.

Đời Trần, là giai đoạn Phật giáo Việt Nam chuyển sang một giai đoạn phát triển mới, mà đỉnh cao là sự khai sáng dòng thiền Trúc Lâm, đứng đầu là Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông. Tinh thần nhập thế hành đạo của Phật giáo thời Trần đã góp phần xây dựng một xã hội thịnh trị về chính trị, tư tưởng và văn hóa. Các vị vua đầu thời Trần đã biết vận dụng hết công năng của Đạo Phật, khiến Phật giáo trở thành một lực lượng kinh hỗ cho công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

Thời nhà Hậu Lê, vai trò của Phật giáo có phần phai nhạt, bắt nguồn từ sự phát triển của hệ tư tưởng Nho giáo, đặc biệt là từ khi vua Lê Thánh Tông nối ngôi suy Khổng giáo làm quốc học, lấy Nho học làm nền tảng xã hội và là cơ sở để tuyển chọn quan lại.

Kể từ chúa Nguyễn Hoàng đến các chúa Nguyễn tiếp nối đều coi trọng Phật giáo, có thể thấy tâm ý các vua chúa nhà Nguyễn muốn lấy Đạo Phật làm chỗ dựa tinh thần cho công cuộc định quốc của dòng họ Nguyễn. Tinh thần xuất thế kết hợp với nhập thế của Phật giáo được phát huy mạnh mẽ. Sau thời đại Đinh – Tiền Lê, Lý – Trần, thời chúa Nguyễn có thể coi là giai đoạn phát triển thịnh vượng thứ ba của Phật giáo Việt Nam.

Thời kỳ chống đế quốc Mỹ xâm lược, đất nước bị ngoại xâm chia cắt. Thực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Nước có độc lập thì Đạo Phật mới dễ mở mang” [1], truyền thống nhập thế phụng sự dân tộc, phụng sự tổ quốc lại một lần nữa được phát huy mạnh mẽ. Ở miền Bắc, nhiều ngôi chùa trở thành cơ sở cách mạng, nhiều Tăng Ni đã cởi áo cà sa khoác chiến bào tòng quân cứu nước. Tại miền Nam, trong thời Mỹ – Diệm, cuộc biểu dương lực lượng đấu tranh chống lại chế độc tài Ngô Đình Diệm và sự can thiệp của Mỹ năm 1963 là một minh chứng đỉnh cao cho tinh thần và hành động nhập thế của Tăng Ni, Phật tử miền Nam. Sự kiện Hòa thượng Thích Quảng Đức tự thiêu ngày 10/6/1963; sự kiện tự thiêu tập thể của 6 Phật tử; vụ Phật tử Nhất Chi Mai tự thiêu năm 1967 đều có mục tiêu đòi hòa bình, độc lập cho quê hương, đòi cuộc sống an lạc cho nhân dân và yêu cầu chấm dứt sự tham gia của chính quyền Mỹ – Ngụy tại Việt Nam đã thể hiện cho tinh thần xả thân vì đạo pháp, vì dân tộc của các thế hệ Tăng Ni và Phật tử Việt Nam [2]. Hình ảnh nhà sư trong vai trò nhà chính trị, mưu sĩ, chiến sĩ trong quá khứ là biểu trưng cho hình ảnh và tinh thần nhập thế hộ quốc an dân của Đạo Phật.

VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO TRONG LĨNH VỰC TƯ TƯỞNG VÀ VĂN HÓA XÃ HỘI GIAI ĐOẠN HIỆN NAY

Phương châm hộ quốc an dân của Phật giáo Việt Nam

Phật giáo vốn không chủ trương về chính trị, chủ trương chủ đạo của Phật giáo là hướng đến giải thoát cho kiếp nhân sinh, hướng đến đến sự bình an và hạnh phúc của chúng sinh. Vì thế mà Đức Phật luôn giáo huấn: “Người lãnh đạo quốc gia phải là người biết đặt quyền lợi của nhân dân và đất nước lên trên lợi ích cá nhân của mình, không được lợi dụng địa vị, quyền lực của mình để lo cho mọi sự hưởng thụ”. Trong kinh Tăng Nhất A Hàm và trong bộ chú giải Jàtaka I (Chuyện tiền thân), có ghi mười tiêu chuẩn xây dựng đạo đức của người đứng đầu đất nước. Đó là quan điểm trị nước bằng đức trị của Đức Phật [3].

Ngay từ Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ 1 (tháng 11/1981), Giáo hội Phật giáo Việt Nam lựa chọn phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội” để định hướng cho mọi hoạt động của mình. Điều này có nghĩa rằng, Phật giáo luôn luôn gắn bó, đồng hành với đất nước và con người Việt Nam. Đó là sự kết hợp gắn bó giữa sự phát triển của Phật giáo với lợi ích của nhân dân, lợi ích của dân tộc, chung tay góp sức cùng nhân dân cả nước xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc – Chủ nghĩa xã hội”, trong giai đoạn đất nước độc lập hòa bình, Phật giáo Việt Nam đã và đang tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng phát triển đất nước. Tiếp nối truyền thống hộ quốc an dân, Phật giáo đã tham gia giải quyết nhiều vấn đề của xã hội đương đại như: Giáo dục đạo đức và lối sống xã hội; an sinh xã hội; tài nguyên và môi trường; xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ người yếu thế; xây dựng đời sống văn hóa, xây dựng khối đoàn kết khu dân cư; tham gia bảo vệ an ninh xã hội; y tế cộng đồng; từ thiện, nhân đạo, cứu trợ xã hội,…

Vai trò của Phật giáo với định hướng tư tưởng

Trong cuốn Những điều Đức Phật đã dạy [4], Hòa thượng Tiến sĩ W. Rahula đã viết: “Những ai cho rằng Phật giáo chỉ quan tâm đến những ý tưởng cao vời, đến tư tưởng triết học và luân lý cao siêu mà quên đi lợi ích kinh tế và xã hội của con người là sai lầm. Đức Phật luôn quan tâm đến hạnh phúc của con người. Đối với Ngài, hạnh phúc không thể đạt được nếu không có đời sống thanh tịnh dựa trên những nguyên tắc luân lý và tâm linh”. Sự hành trì, hướng đi của Đạo Phật không phải là sự cầu nguyện, tụng niệm, cầu khẩn một sự cứu rỗi của một lực lượng siêu nhiên, của đấng quyền năng tối cao, mà đó là quá trình tu dưỡng và trau dồi một đời sống tinh thần thức tỉnh, an định. Hành trì giáo pháp của Đức Phật là phương tiện để cứu cánh cho đời sống tâm linh, tín ngưỡng của con người.

Trong xã hội hiện đại ngày nay, sự du nhập của một số văn hóa ngoại lai, đặc biệt là trào lưu tâm linh, tín ngưỡng không lành mạnh đã lôi kéo và tạo nên một số cá nhân, trong đó chủ yếu là giới trẻ có lối sống và tư tưởng lệch lạc, chìm đắm trong tham dục vật chất, cực đoan vị kỷ. Trong bối cảnh như vậy, tư tưởng Phật giáo đã từng bước đóng vai trò quan trọng đến sự định hướng tư tưởng xã hội. Khi tín đồ Phật tử đến chùa học tập, tiếp thu giáo lý và thực hiện các nghi thức tôn giáo, họ giác ngộ được rằng: Giáo pháp của Đức Phật có thể giúp cho thân tâm của họ được thanh thản, được giải thoát khỏi tham – sân – si. Những triết lý của Đạo Phật có thể giúp cho họ có những định hướng đúng đắn trong tư tưởng, đó là lấy việc hành thiện, tu nhân làm tôn chỉ trong hành động và suy nghĩ hàng ngày. Trong quá trình hành trì, tu tập Đạo Phật cũng chỉ ra rằng, sự giải thoát của con người nói chung là sự tự thân giải thoát, cho nên rất nhiều hoạt động xã hội gắn với đạo pháp đã được các cấp Giáo hội tổ chức, nhằm mục đích thông qua các hoạt động này góp phần giáo hóa, giác ngộ tín đồ Phật tử hướng họ đến với cuộc sống an lạc, tốt đời đẹp đạo.

Vai trò của Phật giáo với đời sống tín ngưỡng dân tộc

Đặc điểm trong tín ngưỡng truyền thống của người Việt là thờ cúng tổ tiên, thần linh hay một thế lực siêu nhiên nào đó. Bên cạnh những mặt tích cực, còn tồn tại một số hành vi thực hành tín ngưỡng mang màu sắc mê tín, dị đoan. Phật giáo với đặc điểm là một tôn giáo gần gũi và dễ hòa hợp với tín ngưỡng dân gian người Việt đã và đang góp phần điều chỉnh, nâng cao nhận thức trong hành vi tín ngưỡng để giúp cuộc sống tốt đẹp hơn.

Vì vậy, hiện nay, thực hành tín ngưỡng dân gian dựa theo nền tảng văn hóa Phật giáo đang có những đóng góp hết sức hữu ích làm thay đổi nhận thức trong các hoạt động tín ngưỡng thường ngày. Đơn cử việc đi chùa lễ Phật, cúng dường Tam bảo, ngày nay nhờ sự ảnh hưởng và sức lan tỏa của Phật giáo, ngoài việc đi đến chùa thực hành nghi thức tôn giáo, một bộ phận người dân đã thực hành nghi thức Phật giáo tại gia. Cùng với tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và thần linh tại gia, truyền thống thờ Phật, thực hành tâm linh theo văn hóa Phật giáo đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống tâm linh của người Việt. Các nghi thức gia đình như tang ma, cưới hỏi diễn ra dưới sự dẫn dắt của chư Tăng; các hủ tục như đốt vàng mã dần dần thay đổi, thay vì đốt nhiều tiền vàng, người dân đã tích cực phát tâm bố thí, cúng dường Tam bảo, phóng sinh,… Văn hóa Phật giáo đã giữ vai trò định hướng và cải thiện những điều cần cải thiện trong hành vi tâm linh, tín ngưỡng của người dân.

Vai trò của Phật giáo với giáo dục đạo đức, lối sống

Phật giáo từ chỗ là tôn giáo ngoại sinh đã nhanh chóng lan tỏa, ảnh hưởng và tạo lập được nền tảng vững chắc trong cộng đồng. Tư tưởng đạo đức Phật giáo hoàn toàn tương đồng với tư tưởng đạo đức truyền thống của người Việt. Trải theo lịch sử dân tộc, rất nhiều giá trị đạo đức của dân tộc và tư tưởng Phật giáo đã hòa quyện cùng nhau để trở thành các giá trị đạo đức cao cả như: tinh thần yêu nước, lòng thương người, tinh thần đoàn kết, tinh thần lao động,… Trong các giá trị đó nổi bật nhất là tinh thần yêu nước – chuẩn mực đạo đức cao nhất. Tinh thần yêu nước của người Việt thể hiện ở tinh thần đấu tranh chống giặc ngoại xâm, diệt trừ cường hào ác bá. Nhưng tinh thần yêu nước ấy lại thấm nhuần đạo Đức Phật giáo đó là lòng vị tha, nhân hậu và sẵn sàng tha thứ cho những kẻ dù đã mang tội lỗi nhưng biết quay đầu hối cải, sửa chữa sai lầm [5].

Trong xu thế toàn cầu hóa, bên cạnh những mặt tích cực về lợi ích kinh tế, kỹ thuật, khoa học công nghệ và các tiện ích phục vụ cuộc sống, hàng loạt những hiện trạng suy thoái đạo đức đã hiện hữu, ví như sùng bái vật chất hay ích kỷ cá nhân… Trong hoàn cảnh như vậy, một bộ phận người Việt Nam tìm đến với Đạo Phật không chỉ vì cảm thấy thư thái an lạc nơi cửa Phật mà còn vì họ tiếp nhận được những giá trị đạo đức ẩn chứa trong đạo lý Phật giáo.

Hiện nay, để đáp ứng thực tiễn đời sống xã hội, trong đó nhiệm vụ giáo dục đạo đức lối sống được các cấp Giáo hội Phật giáo hết sức quan tâm, các hoạt động Phật sự như: Lớp bồi dưỡng giáo lý cho cư sĩ – Phật tử; Khóa tu an lạc; các buổi giảng pháp trong các dịp lễ lớn cho đến các hoạt động xã hội như: Nhân đạo từ thiện, chăm sóc nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc người già neo đơn, xây nhà tình nghĩa, lớp học tình thương,… đã và đang là một kênh giáo dục về đạo, về đời. Các hoạt động này giúp con người có định hướng đúng đắn về lý tưởng sống, biết tự tu dưỡng bản thân, hướng thiện, giữ gìn tam quy ngũ giới, hành thập thiện, làm những việc đem lại lợi ích cho mình và xã hội.

Có thể nói, để đánh giá một cách đầy đủ vai trò, ảnh hưởng của Phật giáo đối với đời sống đương đại Việt Nam là một việc hết sức cần thiết, bởi trong giai đoạn hiện nay sự ảnh hưởng của tư tưởng, triết lí Phật giáo đã lan tỏa trên nhiều lĩnh vực, nhiều mặt của đời sống tinh thần cũng như đời sống vật chất của xã hội. Giá trị thực tiễn của đạo đức Phật giáo đã được bộc lộ rõ nét qua hành vi đạo đức, ứng xử đạo đức và suy nghĩ đạo đức của con người.

 

Chú thích:

*Ths. Vũ Ngọc Định – Khoa Khoa học xã hội, Đại học Hồng Đức.

[1] Hồ Chí Minh (2011), Hồ Chí Minh toàn tập, tập 5, tr.228.

[2], [3] Tham khảo thêm tại: Vũ Ngọc Định (2017), “Truyền thống nhập thế và vai trò của Phật giáo Việt Nam trong giải quyết các vấn đề xã hội”, Hội thảo Quốc tế Phật giáo nhập thế và các vấn đề xã hội đương đại, Nxb ĐHQG Hà Nội, tr.270-282.

[4] W. Rahula – Lê Kim Kha (dịch) (2011), Những điều Đức Phật đã dạy, Nxb Phương Đông.

[5] Tham khảo Vũ Ngọc Định (2019), “Giáo dục đạo Đức Phật giáo cho thanh thiếu niên trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay”, Hội thảo quốc tế Vesak 2019, Nền tảng giáo dục Phật giáo về đạo đức, Nxb Tôn giáo.