Vai trò của Lễ hội dân gian với sự nghiệp phát triển du lịch văn hóa – Phật Giáo Bạc Liêu

Vai trò của Lễ hội dân gian với sự nghiệp phát triển du lịch văn hóa 

* TS. Lê Thanh Tùng

Lễ hội là một phong tục lớn, một nét văn hoá không thể thiếu trong đời sống của người Việt. Đó là lý do thường diễn ra ở các vùng quê nơi có cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có những công trình kiến trúc mang dấu ấn của từng thời đại như: Đình, Chùa, Đền, Miếu. Lễ hội truyền thống ở Việt Nam thường được tổ chức vào mùa xuân, mùa thu, khi mùa màng đã kết thúc, nông dân có thời gian nghỉ ngơi. Trong vài năm trở lại đây người ta thường nói tới một loại hình du lịch mới nhưng lại cũ đó là du lịch văn hoá.  

Trong hệ thống các nguồn tài nguyên phục vụ cho phát triển du lịch văn hoá có một nguồn tài nguyên hết sức quan trọng mà dường như đã bị mai một dần, đó chính là các lễ hội dân gian ở Việt Nam. Trong các dạng tài nguyên nhân văn, lễ hội truyền thống là tài nguyên mang lại giá trị phục vụ du lịch rất lớn. Lễ hội là một hình thức sinh hoạt tổng hợp bao gồm các mặt tinh thần và vật chất, tôn giáo tín ngưỡng và văn hoá nghệ thuật, tâm linh và đời thường… là một sinh hoạt có sức hút một số lượng lớn những hiện tượng của đời sống xã hội. Như vậy lễ hội là một hình thức sinh hoạt tập thể của nhân dân sau những ngày lao động vất vả, hoặc là một dịp để mọi người hướng về một sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước, hoặc liên quan đến những sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, hoặc chỉ đơn thuần là những hoạt động có tính chất giải trí. Do đó lễ hội có tính hấp dẫn cao đối với du khách. Bất cứ lễ hội nào cũng diễn ra hai phần chính: phần lễ (hay còn gọi là phần nghi lễ) và phần hội (phần vui chơi).

Trong lễ không thể thiếu phần hội vì hội là để vui chơi, không bị ràng buộc bởi những lễ nghi, tôn giáo, tuổi tác. Sau những tháng ngày làm ăn lam lũ, dân làng chờ đón ngày hội như chờ đón một tin vui. Họ đến với hội hoàn toàn tự nguyện, ngoài vui chơi giải trí, gặp gỡ bạn bè, mọi người đi dự hội đều cảm thấy như mình được thêm một cái gì đó có thể là điều may. Thứ quyền lợi vô hình ấy làm cho những người đi dự hội thêm phần phấn chấn. Chính vì vậy, lễ hội bao giờ cũng có đông người đến dự. Tuy nhiên quy mô của từng hội là khác nhau. Có hội chỉ diễn ra ở một vài làng nhưng cũng có hội mang tính quốc gia như: hội Đền Hùng, hội Chùa Hương, hội Hoa Lư… trong quá trình diễn ra lễ hội đã làm tái hiện lại phong tục tập quán, tín ngưỡng văn hoá  và những sự kiện lịch sử quan trọng. Lễ hội chính là một pho sử khổng lồ. 

Bên cạnh những lễ hội thuần tuý mang ý nghĩa về kinh tế như lễ hội Chùa Dâu cầu cho mưa thuận gió hoà, mùa màng tốt tươi còn có những lễ hội mang ý nghĩa lịch sử như: Hội Đền Hùng, hội Gióng… Ngoài những lễ hội trên còn có những lễ hội mang ý nghĩa văn hoá giải trí như  hội lim, hát quan họ, hội hát xoan, hát đúm, hát văn, hát chèo…

Tuy chưa có con số thống kê cụ thể nhưng ước tính hàng năm cả nước có hơn 800 lễ hội, lễ hội tập trung nhiều nhất ở vùng đồng bằng Bắc Bộ – nơi có nền văn minh lúa nước phát triển sớm. Như vậy, cùng với các loại hình du lịch nghỉ biển, nghỉ núi, dã ngoại chữa bệnh… thì loại hình du lịch lễ hội luôn có sức thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế, vì lễ hội không chỉ là sản phẩm văn hoá mà còn là một tiềm năng du lịch hết sức hấp dẫn. Du lịch càng phát triển thì càng gắn bó chặt chẽ với loại hình lễ hội. 

Thông qua những chương trình du lịch lễ hội nhằm giới thiệu với du khách một cách sinh động về đất nước con người Việt Nam trong quá khứ và hiện tại; giới thiệu những nét đặc trưng, những giá trị văn hoá tín ngưỡng được thể hiện trong lễ hội. Đến với lễ hội du khách cũng được cộng hưởng niềm vui với cái vui của lễ hội được hoà mình với phong cảnh thiên nhiên tươi đẹp, được chiêm ngưỡng nhiều công trình kiến trúc có giá trị.

Du lịch lễ hội xuất hiện rất sớm ở Ai Cập có từ thời cổ đại thông qua các cuộc hành hương đến thánh địa. Ở Việt Nam đây là một sinh hoạt tổng hợp, mang tính lịch sử có từ ngàn đời nay. Việc khai thác lễ hội biến nó thành sản phẩm du lịch sẽ góp phần quan trọng trong việc giữ gìn và bảo tồn bản sắc văn hoá dân tộc. Một khi những yếu tố di sản văn hoá được khuyến khích trong du lịch sẽ là cơ sở để phát triển du lịch bền vững và tạo điều kiện thu hút khách du lịch ngày càng đông. Có thể nói giữ gìn bản sắc văn hoá là sự trường tồn của lễ hội và sẽ là điều kiện quan trọng để phát triển du lịch bền vững.

Lễ hội là những sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, nghệ thuật truyền thống của cộng đồng. Thông qua lễ hội, có thể hiểu được giá trị tinh thần và những triết lý sâu sắc  của nền văn hoá của một quốc gia. Vì lẽ đó, lễ hội, nhất là lễ hội truyền thống đang được nhiều nước trên thế giới và trong khu vực coi là nguồn tài nguyên du lịch nhân văn quan trọng phục vụ phát triển du lịch và một sản phẩm của loại hình du lịch văn hoá trong chiến lược phát triển du lịch của mình. Thực tế những năm gần đây cho thấy lễ hội ở Việt Nam nhất là lễ hội dân gian truyền thống đã và đang có sức thu hút rất lớn. Các lễ hội nổi tiếng của ba miền đất nước như: Chùa Hương, Phủ Giầy, Hòn Chén, Tháp Bà, Núi Bà… hàng năm đã thu hút hàng triệu khách hành hương. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là cần phải khai thác lễ hội như thế nào để vừa  phục vụ được phát triển du lịch, vừa bảo tồn được những giá trị chuẩn xác của lễ hội dân gian truyền thống trong giai đoạn hiện nay. Trước hết chúng ta cần phải xem xét các xu hướng mới của lễ hội. Lễ hội hiện nay không bó hẹp trong phạm vi một địa phương nói chung mà toả sang các vùng lân cận trở thành lễ hội của một vùng thậm chí có tính chất toàn quốc. Số lượng người đi trẩy hội ngày càng đông, người thập phương đông hơn người sở tại. Thành phần trẩy hội cũng khác trước, ngày xưa, người đi trẩy hội chủ yếu là bà con nông dân thì nay bao gồm đủ mọi thành phần người trong xã hội.

Không gian và thời gian của các lễ hội cũng rộng hơn và dài hơn. Bên cạnh những hoạt động mang tính truyền thống còn có sự tham gia của lực lượng văn nghệ chuyên nghiệp, bán chuyên nghiệp và có sự hỗ trợ của các phương tiện biểu diễn nghệ thuật phong phú hơn. Các nhu cầu vui chơi giải trí lành mạnh đang trở thành nhu cầu của nhiều người. Ngoài nhu cầu tâm linh, con người còn có nhu cầu tìm hiểu cảnh sắc, nghi thức trình tự của tế, rước, nhu cầu ăn uống và mua hàng lưu niệm cũng tăng lên rất nhiều.

Lễ hội là một sinh hoạt văn hoá đặc sắc của dân tộc. Đối với con người, lễ hội là sự tổng hợp uyển chuyển của cái linh thiêng và trần thế (lễ và hội). Đây là một không gian mà trong tâm thức của nhiều người vừa rất thực rất đời thường và rất tâm linh. Lễ hội tạo ra sự đồng cảm, để mỗi người tưởng nhớ đến công đức của các vị anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước, và cũng là dịp để người dân thể hiện sự tự do tín ngưỡng và chiêm ngưỡng các nghi thức thể hiện nét truyền thống văn hoá tốt đẹp của mỗi vùng, miền. Là dịp để vui chơi giải trí và ở đó con người tìm thấy cho mình một không gian, một khoảng thời gian ít nhiều có tính thăng hoa khác với cuộc sống đời thường.

Đối với du khách, lễ hội là một chỉnh thể thống nhất đa dạng, du khách có thể được xem cách tổ chức các lễ hội, các vai diễn, trình tự rước tế, cách trang phục và được hiểu biết về cội nguồn lịch sử của nó. Đến với các lễ hội cũng là đến với các danh lam thắng cảnh, các di tích, được thưởng thức nhiều giá trị văn hoá tổng hợp bởi vì hầu hết các lễ hội đều diễn ra ở các địa điểm đó.

Vì vậy các lễ hội có khả năng thu hút khách du lịch rất lớn. Nói đến các điều kiện để thu hút khách du lịch đến với các lễ hội thì ngoài những điều kiện để phát triển du lịch và du lịch  văn hoá nói chung, đối với loại hình du lịch lễ hội chúng ta cần phải thấy rằng: Không thể quan niệm đơn giản cứ có lễ hội rồi là chỉ cần tổ chức đưa khách đến là xong, hoặc cũng không thể tuỳ tiện nghĩ phải lập kế hoạch đưa lễ hội vào các chương trình du lịch bằng cách tái diễn lại lễ hội phục vụ du khách.

Về phương diện lý thuyết, du lịch là một phạm trù độc lập với lễ hội. Lễ hội là một sinh hoạt văn hoá, tôn giáo, nghệ thuật truyền thống phản ánh lại chính cuộc sống vật chất và tâm linh của  cộng đồng xã hội. Những giá trị về mặt văn hoá của lễ hội chỉ được xác định trong một không gian lịch sử nhất định, đối với một cộng đồng nhất định, nếu đưa ra khỏi không gian và phạm vi cộng đồng đó, lễ hội sẽ mất đi những giá trị vốn có của nó. Lễ hội không thể “đóng gói để bán” hàng ngày cho du khách. Đối với du khách, lần đầu có thể thấy mới lạ và hấp dẫn, nhưng nếu làm như vậy một cách đều đặn thường xuyên thì về  lâu dài du khách cũng không còn thấy hấp dẫn, hứng thú nữa. Thử hình dung xem, hễ du khách đến Việt Nam thì lại được xem lễ hội chọi trâu, vào bất cứ thời gian nào thì sẽ trở nên nhàm chán. Như  vậy tính hấp dẫn sẽ bị làm thông dụng hoá đi, cho dù vở diễn có đặc sắc đến đâu.
 

Ở đây, không nên lầm lẫn giữa việc giới thiệu các sản phẩm đặc sắc của nền văn hoá với những nghi thức của một lễ hội. Nếu như hát quan họ (mặc dù có hội chính), hay hát ca trù có thể tổ chức để giới thiệu cho du khách bất cứ lúc nào, giống như một thứ hàng hoá (có thể là hàng hoá đặc biệt), thì ngược lại, lễ hội là một dạng hoạt động văn hoá đặc thù. Như vậy, để khai thác lễ hội phục vụ cho phát triển du lịch cần chú ý không được phá vỡ không gian lịch sử của nó. Điều quan trọng thứ hai, khi khai thác lễ hội phục vụ du lịch tuyệt đối không được can thiệp vào hình thức cũng như nội dung của lễ hội.

Lễ hội với những giá trị của nó tự thân đã có sức thu hút du khách thập phương. Du lịch không nên can thiệp quá nhiều vào bản thân lễ hội, không nên sửa đổi, cải biên, hoặc bổ xung những yếu tố mới vào lễ hội, mà  chỉ có thể tuyên truyền quảng bá nó như một sự kiện, làm chất xúc tác để thu hút thêm du khách đến. Nhờ đó, du lịch có thể bán các sản phẩm như lưu trú, hàng lưu niệm, các dịch vụ vận chuyển… Để phát triển du lịch, mọi quốc gia trên thế giới đều rất coi trọng coi trọng sự phát triển của du lịch văn hoá, bởi du lịch văn hoá là một loại hình du lịch có nhiều ưu điểm: ít có tính mùa vụ, có thể phát triển quanh năm, tạo nguồn thu ổn định, với mức tăng trưởng ngày càng lớn, nó giúp cho con người hiểu biết sâu sắc về thế giới xung quanh…Việt Nam là một đất nước có tiềm năng phát triển du lịch văn hoá rất lớn. Với hơn bốn ngàn năm lịch sử dựng nước và giữ nước của cha ông đã để lại cho chúng ta hàng ngàn các di sản và di tích lịch sử văn hoá. Trong số đó các lễ hội dân gian là một nguồn tài nguyên vô cùng quan trọng cho phát triển du lịch văn hoá ở Việt Nam. Chủ trương của Đảng và Nhà nước ta đã và đang tổ chức thực hiện việc khôi phục lại một số lễ hội tiêu biểu nhằm thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế đến với các lễ hội nhiều hơn nữa.

Cùng với sự phát triển của du lịch Việt Nam du lịch văn hoá ngày càng phát triển. Đây là thể loại du lịch đem lại hiệu quả kinh tế cao và ổn định, đồng thời nó là một trong những nhân tố quyết định sự phát triển của toàn ngành du lịch. Mục tiêu trước mắt cũng như lâu dài của ViệtNam là phải làm sao khai thác tốt loại hình du lịch văn hoá. Hoạt động du lịch càng phát triển thì càng phải làm giàu thêm bản sắc và truyền thống dân tộc. Vai trò và ý nghĩa của du lịch văn hoá đối với kinh doanh du lịch là hết sức quan trọng, nó góp phần thúc đẩy cho du lịch vươn lên tạo đà cho du lịch ngày một phát triển, đem lại hiệu quả to lớn cho nền kinh tế. 

Để phát triển du lịch văn hoá thì cần phải có tài nguyên văn hoá, đây là yếu tố quyết định. Tài nguyên văn hoá với những đặc điểm kỳ diệu, đa dạng, độc đáo sẽ ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch đến thăm quan nhằm thoả mãn trí tò mò cũng như phần nào đáp ứng được lòng mong muốn hiểu biết sâu rộng về cái hay, cái đẹp của mỗi vùng mỗi địa phương. Trong những nguồn tài nguyên quan trọng để phát triển du lịch văn hoá thì các lễ hội dân gian ngày càng được các du khách quan tâm và nuốn tìm hiểu. Khai thác tổ chức tốt các lễ hội dân gian cũng là một trong những biện pháp để giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và phát triển du lịch  bền vững trong thời kỳ hội nhập.