Vai trò chi bộ trong xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư

 Bắt đầu từ việc yên dân

  Năm nay, KDC số 5, phường Vĩnh Phúc lại tiếp tục đạt danh hiệu Khu dân cư văn hóa của quận Ba Ðình, TP Hà Nội. Nhưng để đạt được kết quả đó là cả quá trình phấn đấu với không ít công sức của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong khu. KDC số 5 có 650 gia đình với 2.500 người ở chín tổ dân phố, chủ yếu kiếm sống bằng buôn bán và làm dịch vụ. Trong khu có ba chi bộ với 46 đảng viên. Nhiều năm trước, đây là địa bàn có nhiều vấn đề nổi cộm. Ðồng chí Giáp Văn Thức, Trưởng ban công tác Mặt trận KDC số 5 cho biết: Từ năm 2008 trở về trước, KDC số 5 chưa đạt danh hiệu văn hóa, vì tỷ lệ hộ nghèo còn cao; an ninh trật tự phức tạp, như mua bán ma túy, khiếu kiện vượt cấp đông người vì việc xin cấp sổ đỏ trên đất nông nghiệp đã mua bán sang tay, chuyển đổi thành đất ở từ lâu… Trước tình hình đó, các chi bộ trong khu dân cư, Ban công tác Mặt trận và tổ dân phố đã họp bàn và thống nhất lập Ban Thường trực (không hưởng bất kỳ một khoản kinh phí nào) với mục đích giải quyết kịp thời những yêu cầu bức thiết đặt ra trong khu để yên lòng dân, tạo đà cho những phong trào khác. Ban Thường trực có năm người, trong đó trưởng ban là đồng chí Trưởng ban công tác Mặt trận, ba phó trưởng ban là ba đồng chí bí thư chi bộ và một ủy viên là đồng chí Phó trưởng Ban công tác Mặt trận. Ðể giải quyết việc khiếu nại vượt cấp, ngay sau khi thành lập, Ban Thường trực đã tổ chức họp dân, nắm tình hình và mạnh dạn tham mưu, đề xuất với Ðảng ủy phường ba việc: Một là, cấp sổ đỏ cho những hộ đã có đủ thủ tục; hai là, tạo điều kiện để bà con đăng ký hộ khẩu; ba là, cắm chỉ giới quy hoạch để người dân biết, yên tâm sửa chữa nhà cửa. Các việc này sau đó đã sớm được các cơ quan chức năng giải quyết thỏa đáng. Ðối với một số gia đình thuộc diện nghèo, qua tìm hiểu tâm tư và tình hình cụ thể từng nhà, từng hoàn cảnh, Ban Thường trực đã bàn với Ban Vận động Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC và thống nhất cách thức giúp họ có việc làm. Cụ thể là các tổ dân phố dành một số địa điểm công cộng trên địa bàn để số gia đình này bán hàng ăn sáng, bán nước, bánh kẹo, hoa quả. Ðối với những hộ thiếu vốn làm ăn, Ban phối hợp trưởng các chi hội, đoàn thể bố trí, phân công người đứng ra ký hợp đồng với ngân hàng, làm thủ tục vay, thu nợ và lãi tiền vay rồi nộp trả ngân hàng. Những giải pháp này cộng với sự động viên, giúp đỡ thường xuyên của cán bộ, đảng viên và bà con xóm phố đã giúp các gia đình nghèo có thu nhập trang trải cuộc sống, nuôi con ăn học, có tiền khám, chữa bệnh, vươn lên thoát nghèo. Ðiển hình là gia đình bác Nguyễn Thị Dinh ở Tổ 6. Chồng mất sớm, con bị dị tật do ảnh hưởng chất độc da cam, bản thân bác Dinh cũng thường xuyên ốm đau, nhà cửa tuềnh toàng. Năm 2007, Ban đã đứng ra vận động bà con, họ hàng và đơn vị nơi chồng bác Dinh công tác trước đây ủng hộ tiền, rồi thiết kế, xây lại ngôi nhà mới tặng gia đình bác Dinh.

  Có việc làm, có thu nhập ổn định, tuy chưa cao, nhưng cuộc sống của nhiều người dân nơi đây đã khá giả hơn trước. Mọi phong trào, mọi cuộc vận động trên địa bàn được nhân dân tích cực ủng hộ và nhiệt tình tham gia. Kết quả từ năm 2011, KDC số 5 đã được công nhận là Khu dân cư văn hóa.

 Xác định đúng việc cần làm

  Trao đổi ý kiến với chúng tôi về việc làm thế nào để thực hiện có hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC, đồng chí Nguyễn Thị Nga, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban công tác Mặt trận thôn Ðầm, xã Vân Nội (huyện Ðông Anh) cho biết: Phải xác định được việc cụ thể cần làm trước để tạo đà cho những việc sau. Với thôn Ðầm, chúng tôi xác định phát triển kinh tế để có sức bật cho việc thực hiện các tiêu chí của Cuộc vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC. Cho nên, sau khi khảo sát số nhân khẩu, diện tích đất canh tác của từng nhà, thế mạnh của địa phương, Chi bộ ra nghị quyết chuyên đề về phát triển diện tích trồng rau an toàn. Ðể thực hiện nghị quyết của chi bộ, Chi ủy cùng lãnh đạo thôn phân công cán bộ, đảng viên, trưởng, phó các chi hội, đoàn thể phụ trách theo nhóm gia đình. Trưởng nhóm liên gia có nhiệm vụ theo dõi, quản lý, vận động, giúp đỡ, đề xuất nhiều hình thức hỗ trợ về kỹ thuật và mở rộng diện tích sản xuất rau an toàn. Các đoàn thể linh hoạt lồng ghép nội dung tuyên truyền trong các tiết mục văn hóa, văn nghệ, tạo không khí phấn khởi, đoàn kết, khích lệ quyết tâm của mọi người, mọi nhà. Nhờ đó, chỉ sau vài vụ, thu nhập của người trồng rau ở thôn Ðầm tăng rõ rệt, đạt mức bình quân xấp xỉ 20 triệu đồng/người/năm. Hiện nay, thôn Ðầm có một HTX dịch vụ sản xuất nông nghiệp, hai công ty chế biến nông sản, ba HTX tiêu thụ rau an toàn, mỗi ngày cung cấp ba, bốn tấn rau cho thị trường. Kinh tế đi lên làm động lực thúc đẩy các phong trào làm giao thông nông thôn, xây nhà văn hóa, khu vui chơi,… Nhiều gia đình tự nguyện đóng tiền và ngày công lao động vượt dự kiến, cùng địa phương sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Hiện thôn Ðầm đã được công nhận là thôn văn hóa.

  Tìm hiểu ở nhiều địa phương trên địa bàn TP Hà Nội, chúng tôi thấy phần lớn cán bộ KDC, tổ dân phố ngày đêm lăn lộn trong phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở KDC đều là đảng viên và cũng là hội viên của các đoàn thể chính trị – xã hội. Trong đó, nhiều đồng chí từng là cán bộ quân đội, công an, cán bộ lãnh đạo, quản lý đơn vị, cơ quan, nay về hưu và sống ở KDC. Họ có nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có uy tín, nhiệt tình và giàu năng lực vận động quần chúng. Xác định rõ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của mình, các chi bộ KDC, tổ dân phố đã quán triệt phương châm “nói đi đôi với làm” và thực hiện theo tinh thần “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”. Nhờ đó, việc xây dựng đời sống văn hóa ở KDC đã thu hút được sự tham gia tích cực, tự nguyện của các tầng lớp nhân dân, tạo chuyển biến cơ bản về nếp sống văn minh, thanh lịch của người Tràng An.

  Ấn tượng của chúng tôi khi đến tổ dân phố Cửu Việt, thị trấn Trâu Quỳ, huyện Gia Lâm, là hai hàng cây sấu xanh tốt ở hai bên  đường. Bác Long, một người dân ở đây cho biết, đấy chỉ là một trong nhiều kết quả nổi bật của tổ dân phố Cửu Việt mấy năm nay. Ở trung tâm thị trấn, có trường đại học, bệnh viện đa khoa và nhiều công ty đứng chân, cho nên thu nhập của nhiều gia đình nơi đây từ tiền thuê nhà trọ, kinh doanh dịch vụ, buôn bán tương đối ổn định. Kinh tế phát triển, nhưng tổ dân phố Cửu Việt cũng phải đối mặt với tình trạng vệ sinh môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng, tệ nạn xã hội phát sinh. Những vấn đề bức xúc này, nếu không có phương pháp xử lý tốt, thì sự phát triển kinh tế sẽ không gắn được với phát triển văn hóa, sẽ thiếu bền vững. Theo Tổ trưởng dân phố Cửu Việt Ðỗ Ðức Hoằng, nét khác của Cửu Việt mấy năm nay là Chi bộ và Ban công tác mặt trận luôn duy trì họp định kỳ hằng tháng. Tại cuộc họp, cán bộ, đảng viên cùng nhau bàn nhiệm vụ mới, nhắc nhở những công việc còn dở dang, chậm hoàn thành,… qua đó thống nhất những giải pháp thực hiện. Từ đó từng việc, từng mặt công tác đều được cán bộ, đảng viên trong chi bộ và ban công tác mặt trận quán xuyến, triển khai một cách bài bản, cụ thể. Chẳng hạn Chi bộ đứng ra tổ chức trồng các hàng cây, khi xong việc, lại bàn với Ban vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở KDC tổ chức ký cam kết tới các gia đình có nhà ở hai bên đường, giao trách nhiệm cho từng nhóm liên gia, tổ tự quản tham gia giữ gìn vệ sinh đường phố, nhắc nhở kịp thời các đối tượng vi phạm nội quy. Chi hội phụ nữ tiên phong thực hiện quy định không lấn chiếm lòng, lề đường để kinh doanh, buôn bán, khiến thành viên các gia đình đều tự giác làm theo. Thấy cán bộ, đảng viên gương mẫu, luôn vì lợi ích chung của tổ, nhân dân đã đề xuất và tích cực hưởng ứng các mục tiêu do chi bộ và ban công tác mặt trận đề ra, như xây cổng làng, làm nhà quản trang và nhiều công trình phúc lợi khác, phục vụ thiết thực đời sống của người dân.

  Ðến nay, TP Hà Nội có 2.426 làng  (chiếm tỷ lệ 53%), 4.945 tổ dân phố (62,14%), 1.514.921 gia đình (83,1%) được công nhận là làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa, gia đình văn hóa và gần năm nghìn cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa (54%).

  Từ những kết quả đạt được của các chi bộ KDC trong lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, có thể rút ra một vài kinh nghiệm bước đầu. Ðó là, Chi bộ cần chủ động họp bàn các đoàn thể trong KDC để xây dựng các chương trình, kế hoạch về phát triển đời sống mọi mặt sát với thực tế của KDC. Tập trung giải quyết tốt những vấn đề bức xúc trong KDC. Trong quá trình thực hiện cần phát huy tính tích cực, sáng tạo và nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong các chi bộ. Mặt khác, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực hiện tốt nếp sống văn minh, xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa. Xây dựng đời sống văn hóa cần đi đôi với phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất cho nhân dân, nhất là người nghèo, những gia đình gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; phải thực hiện đồng bộ các yếu tố đó mới có thể xây dựng đời sống văn hóa ở KDC phát triển bền vững.