Vài nét về xã hội Tuyên Quang trong giai đoạn thế kỷ X đến thế kỷ XV

Vài nét về xã hội Tuyên Quang trong giai đoạn thế kỷ X đến thế kỷ XV

Thứ Sáu, ngày 11 tháng 11 năm 2022 – 09:18

Đã xem: 4443

  • A+
  • A-

Thế kỷ X đến thế kỷ XV là giai đoạn kể từ khi dân tộc Việt Nam bước đầu xác lập được Nhà nước quân chủ sau ngàn năm bị phương Bắc đô hộ và trải qua các triều đại Lý – Trần – Lê. Việc tìm hiểu về xã hội Tuyên Quang trong giai đoạn này hiện chưa có nhiều công trình nghiên cứu, nhưng thông qua những tư liệu cổ như Đại việt sử ký toàn thư của Ngô Sĩ Liên, Dư địa chí của Nguyễn Trãi, Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn,… và những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể hiện hữu trên vùng đất này, có thể phác họa vài nét về xã hội Tuyên Quang.

Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc tại xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa được xây dựng từ triều đại Nhà Lý

Nhà nước quân chủ Việt Nam được xác lập từ thế kỷ X, sau chiến thắng của Ngô Quyền trên sông Bạch Đằng. Nhưng buổi đầu nhà nước quân chủ chưa hoàn thiện về tổ chức thiết chế. Phải đến thế kỷ XI, với sự ra đời của vương triều Lý, thiết chế nhà nước quân chủ mới dần hoàn thiện. Trong giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XV, các vương triều phong kiến trung ương từng bước kiện toàn chính quyền nhà nước và xây dựng bộ máy hành chính trong cả nước để quản lý xã hội. Tuy nhiên, trên thực tế chính quyền ở các châu miền núi trong giai đoạn này vẫn nằm trong tay tầng lớp thống trị ở địa phương (như các tù trưởng ở các động). Thời nhà Lý, các đời vua thường dùng chính sách nhu viễn để ràng buộc đối với các địa phương xa (đặc biệt là ở miền biên viễn), nơi mà bộ máy chính quyền trung ương chưa thực sự kiểm soát được. Một trong những chính sách tương đối có hiệu quả đối với vùng dân tộc thiểu số là dùng hôn nhân để lôi kéo các tù trưởng có thế lực. Để ràng buộc họ Hà ở châu Vị Long (Tuyên Quang), năm 1082, Vua Lý Nhân Tông đã gả công chúa Khâm Thánh cho châu mục châu Vị Long là Hà Di Khánh. Văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi đã ghi lại mối quan hệ hôn nhân và gia đình triều đình nhà Lý và các thế hệ tù trưởng họ Hà nối tiếp làm châu mục châu Vị Long.                                                  

Thời nhà Trần và sang nhà Hồ, hệ thống tổ chức quan lại ở địa phương có quy củ hơn thời Lý. Nhà nước thời Trần không dùng quan hệ hôn nhân, mà đã cắt đặt đơn vị hành chính cấp trấn, lộ bao khắp vùng ở lãnh thổ thượng du, biên viễn. Ở châu đặt chức Thông phán và Thiêm phán, ở huyện đặt chức Lệnh úy và Chủ bạ. Ở xã bỏ chức Đại, Tiểu tư xã mà thay bằng đơn vị giáp như trước thời Trần. Quyền hạn ở mỗi cấp cũng được quy định rõ hơn, lộ thống hạt phủ, phủ thống hạt châu, châu thống hạt huyện. Tuy nhiên, do đặc điểm địa hình và dân cư, ở các vùng này, nhà nước cũng chỉ nắm giữ đến cấp trấn, lộ, còn cấp châu, phủ vẫn tuyển chọn từ các tù trưởng, giao cho họ quản giữ. Nhà nước vẫn không thể can thiệp vào bộ máy hành chính ở cấp địa phương miền núi. Các châu mục chỉ phải cống nạp lâm sản hay khoáng sản để tỏ lòng thần phục.

Trong khoảng hai thập niên kể từ khi nhà Minh thiết lập ách cai trị ở nước ta cho đến khi chúng rút hết quân về nước, Tuyên Quang nằm trong châu, rồi phủ Tuyên Hóa. Quá trình xếp đặt các đơn vị hành chính cấp châu, phủ, huyện của Tuyên Quang và nhiều địa phương khác thường xuyên thay đổi, nhưng về cơ bản chức năng của bộ máy chính quyền vẫn giữ nguyên.

Trên cơ sở phát triển ngày càng hoàn thiện của nhà nước trung ương tập quyền, các triều đại phong kiến Lý – Trần – Hồ đã quan tâm đặc biệt đến nông nghiệp. Điều đó thể hiện rõ nét trong chính sách ruộng đất, chính sách bảo vệ sức sản xuất, sức kéo trong nông nghiệp và chính sách thủy lợi. Tuyên Quang là miền đồi núi, đất đai trồng trọt không màu mỡ như các địa phương đồng bằng châu thổ. Kinh tế nông nghiệp của Tuyên Quang ngoài trồng lúa (lúa nước và lúa nương) còn trồng nhiều loại cây lương thực (ngô, khoai, sắn…) và các loại hoa màu khác. Hầu như mọi hoạt động kinh tế của Tuyên Quang đều do thủ lĩnh địa phương chỉ đạo và quản lý. Tuy nhiên, bằng chính sách trọng nông thiết thực, nhà nước phong kiến Lý – Trần đã đề ra những quy định rất chặt chẽ nhằm bảo vệ nền sản xuất. Việc bảo vệ trâu bò, sức kéo được nhà nước đặc biệt chú ý. Tháng 2-1117, vua xuống chiếu: “Kẻ nào mổ trộm trâu thì phạt 80 trượng, đồ làm khao giáp, vợ xử 80 trượng, đồ làm tang thất phụ và bồi thường trâu; láng giềng biết mà không tố cáo, phạt 80 trượng” (Đại Việt sử ký toàn thư). Quy định này lại được nhấn mạnh vào năm 1123, “trâu là vật quan trọng cho việc cày cấy, làm lợi cho người không ít. Từ nay về sau, ba nhà làm một bảo, không được giết trâu ăn thịt, ai làm trái thì trị tội theo hình luật” (Đại Việt sử ký toàn thư ). Những chính sách trên có những tác dụng nhất định đối với sự phát triển của kinh tế nông nghiệp trong nước nói chung và Tuyên Quang nói riêng. Cùng với nông nghiệp, thủ công nghiệp và trao đổi buôn bán cũng có sự phát triển nhất định, ở Tuyên Quang thủ công nghiệp phát triển chủ yếu với nghề khai khoáng vàng, bạc, đồng, thiếc, chì… Sử cũng ghi chép lại sự kiện: năm 1012 người Man (Tức người Thái ở Vân Nam (Trung Quốc), miền đó có nhiều ngựa tốt, mua bán trao đổi sang các miền lân cận) qua cột đồng đến châu Vị Long (Chiêm Hóa, Tuyên Quang) buôn bán.

Thời Lý – Trần – Hồ là thời kỳ văn hóa Đại Việt có những bước phát triển mạnh mẽ, đạt được nhiều thành tựu rực rỡ về văn hóa. Trong dòng chảy văn hóa dân tộc, người dân Tuyên Quang bảo lưu và thể hiện những nét văn hóa đặc trưng, đặc sắc. Các lễ tiết, tế tự cùng ma chay, hôn nhân gần giống như trung châu nhưng chất phác, ít bày vẽ. Phong tục của cư dân nhìn chung còn thuần phác, đơn giản. Quần áo thường nhuộm thâm hay may bằng vải hoa, ít dùng màu sặc sỡ; giày, dép cũng ít được dùng. Họ chủ yếu ở trong các ngôi nhà sàn, vừa để tránh thú dữ, vừa để tránh lũ lụt. Tại Tuyên Quang cũng có một số ngôi chùa mang dáng dấp kiến trúc Phật giáo thời Lý – Trần, tiêu biểu là chùa Bảo Ninh Sùng Phúc tại xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa; chùa Phật Lâm, còn gọi là chùa Núi Man tại thôn Trại Xoan, xã Nhữ Hán, huyện Yên Sơn và chùa Phúc Lâm ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình.

Là vùng đất xa kinh thành, trong suốt bốn thế kỷ (X – XIV), Tuyên Quang không có người tham gia vào các kỳ thi tuyển chọn nhân tài của đất nước. Tuy vậy, cũng có những danh nhân có những đóng góp lớn trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước thời Lý – Trần – Hồ. Đó là: Hà Di Khánh – danh thần thời vua Lý Nhân Tông (1072 – 1127). Năm lên 9 tuổi, ông được vua Lý Nhân Tông cho mời về Kinh gả em gái (Công chúa Khâm Thánh) cho. Trong cuộc kháng chiến chống Tống của Lý Thường Kiệt (năm 1076), cha của ông đem quân truy kích giặc lập công lớn. Năm ông 17 tuổi, cha mẹ ông đều mất. Ông được nối chức cha coi giữ châu Vị Long khi mới 18 tuổi. Năm 1086, vua giao cho ông giữ chức Tiết độ sứ Kim tử Quang lộc Đại phu, hiệu Thái phó, vẫn giữ chức cũ là Tả đại liêu ban. Sau đó, ông còn được thăng làm Phó ký lang Đô tri Tả vũ vệ Đại tướng quân, Đông trùng Thủ môn hạ Bình chương sự, kiêm Quân nội khuyến nông sự Thái bảo, Thái phó Thượng trụ quốc, hưởng thực ấp 3.900 hộ, thực lộc 900 hộ. Năm Đinh Hợi (năm 1107), ông cho xây chùa Bảo Ninh Sùng Phúc rất tráng lệ ở chân núi Đán Hán (thuộc xã Yên Nguyên, Chiêm Hóa ngày nay) để giáo hóa chúng dân theo đức thiện. Ngoài danh nhân họ Hà, Trần Quang Bưu người Tuyên Quang, tổ tiên làm quan trải qua các triều Lý, sang triều Trần vẫn được trọng dụng. Con cháu đều được phong hầu. Đến đời vua Trần Thuận Tông (1389 – 1398), ông làm quan đến chức Hành khiển (tương đương chức Tể tướng sau này). 

Thời Lý – Trần – Hồ, chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số khá mềm mỏng, nhất là việc thông qua chính sách ràng buộc hôn nhân đã lôi kéo được nhiều tù trưởng gắn bó với đất nước, với triều đình. Nhờ vậy, các thủ lĩnh, tù trưởng ở Tuyên Quang đã cùng với Nhân dân địa phương trở thành phên dậu bảo vệ vững chắc kinh thành từ phía Bắc. Theo văn bia Bảo Ninh Sùng Phúc tự bi, châu mục họ Hà ở Vị Long đã góp nhiều công sức trong cuộc chống quân xâm lược. Thời nhà Lý quân dân Tuyên Quang dưới sự thống lĩnh của thủ lĩnh họ Hà đã có những đóng góp quan trọng trong cuộc kháng chiến chống quan xâm lược nhà Tống năm 1075. Thời Trần, đồng bào Tuyên Quang đóng góp công sức vào cuộc chiến tranh toàn dân 3 lần chống quân xâm lược Mông  Nguyên, được phản ánh qua nội dung bài minh chuông do đạo sĩ Hứa Tông Đạo (người Trung Quốc) là môn khách của Trần Nhật Duật soạn vào năm Đại Khánh thứ 8 triều Trần Minh Tông (1321). Nội dung bài minh chuông đặc biệt có ý nghĩa khi tìm hiểu về lịch sử nước ta thời Trần, trong đó có nhắc đến địa danh Tuyên Quang: Cuối đông năm Giáp Thân (1284), giặc Bắc đến xâm lược. Bấy giờ Khai quốc vương (tức Trần Nhật Duật) trấn thủ các lộ Tuyên Quang ở sông Bạch Hạc cắt tóc thề nguyện với thần linh đem hết tấm lòng trung để báo ơn vua (dẫn sách Cuộc kháng chiến chống xâm lược nguyên -Mông thế kỷ XIII của Hà Văn Tấn và Phạm Thị Tâm). Sử sách còn ghi chép, trong trận quân Nguyên đánh vào Tuyên Quang, Phú Thọ, Hà Đặc, một phụ đạo người địa phương đã dũng cảm mang quân ra đánh trả. Hà Đặc dùng nhiều kế làm cho quân giặc hoảng loạn, mất tinh thần. Cứ ban đêm, các đạo dân binh đem những con nộm người đan bằng tre, có vóc dáng cao lớn, mặc áo, dẫn ra dẫn vào bên ngoài trại giặc. Quân Hà Đặc còn lấy những cây to, khoét lỗ rồi cắm vào những mũi tên để giặc tưởng ta có những mũi tên có sức mạnh xuyên qua thân cây nên khiếp sợ. Trong cuộc giáp chiến với quân Nguyên, Hà Đặc hy sinh, sau đó em ông là Hà Chương tiếp tục chiến đấu chống giặc. Dưới thời kỳ đô hộ của Nhà Minh, cùng với Nhân dân Thái Nguyên, Nhân dân Tuyên Quang đã phối hợp với nghĩa quân “áo đỏ” chống giặc Minh.

Xuyên suốt dòng chảy của lịch sử dân tộc từ buổi hồng hoang dựng nước đến nay, giai đoạn từ thế kỷ X đến thế kỷ XV có một vị thế đặc biệt quan trọng. Bởi, giai đoạn này quốc gia dân tộc Việt Nam xác lập vị thế độc lập tự chủ sau ngàn năm bị phong kiến phương bắc đô hộ, giai đoạn này cũng chứng kiến sự phát triển thịnh vượng về mọi mặt của nền văn minh Đại Việt, hào khí Đông A với kinh đô Thăng Long. Trong sự phát triển thịnh vượng đó, có sự đóng góp hết sức quan trọng của cộng đồng các dân tộc Tuyên Quang, vùng đất có vị trí “phên dậu của trung châu, cũng là nơi địa đầu quan yếu”.   

Đức Nguyễn

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Địa chí Tuyên Quang, Nxb Chính trị quốc gia, năm 2014.

Kỷ yếu Hội thảo khoa học Xác định thời điểm  thành lập tỉnh Tuyên Quang, Nxb khoa học xã hội, năm 2012.