VNPost | Tổng hợp báo chí ngành Bưu chính ngày 06/07/2012

Tin trong nước

DN ngoại “đốt nóng” thị trường bưu chính Việt

 

 

 

Sự “lấn lướt” của các DN bưu chính nước ngoài ở mảng cung cấp dịch vụ

chuyển phát nhanh quốc tế đã gây áp lực cạnh tranh với DN bưu chính VN

 

Sau nửa năm từ thời điểm thị trường chuyển phát VN mở cửa hoàn toàn, việc một số DN nước ngoài tiếp tục thăm dò thị trường, thậm chí là mua lại cổ phần của DN bưu chính trong nước cho thấy áp lực cạnh tranh ngày càng nặng hơn với DN bưu chính “nội”.

 

DN nước ngoài dần lấn lướt

 

Trong 20 năm qua, thị trường bưu chính chuyển phát VN đã chứng kiến sự tham gia ngày càng mạnh mẽ của các nhà khai thác dịch vụ bưu chính có mạng lưới toàn cầu, bao gồm TNT của Hà Lan, DHL của Đức và FedEx, UPS của Mỹ. Lần lượt góp mặt vào thị trường VN theo hình thức hợp tác với DN trong nước để mở đại lý thu gom, phát hàng từ đầu thập niên 1990, các DN bưu chính quốc tế này đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hiện thực hóa định hướng đầu tư lâu dài tại VN. Cụ thể, năm 1995, TNT kết hợp với Viettrans cho ra đời công ty liên doanh đầu tiên tại thị trường VN trong lĩnh vực bưu chính. Năm 2007, DHL liên doanh với VNPT lập ra Công ty TNHH chuyển phát nhanh DHL-VNPT, với 51% cổ phần do DHL nắm giữ. Trong 2 năm 2009-2010, FedEx và UPS lần lượt kết thúc hợp đồng đại lý với VietnamPost để thực hiện những “toan tính” riêng tại thị trường VN, trong đó FedEx chọn cách “bắt tay” với một DN chuyển phát tư nhân; còn UPS hợp tác với VNPost Express lập Công ty UPS Việt Nam với 51% cổ phần thuộc về UPS.

 

Lãnh đạo các DN bưu chính trong nước đều thừa nhận, với kinh nghiệm, công nghệ và tiềm lực tài chính của mình, các nhà khai thác bưu chính toàn cầu đang tạo ra sức ép cạnh tranh vô cùng lớn với DN bưu chính “nội”. Sự “lấn lướt” của các DN bưu chính nước ngoài tại thị trường VN ngày càng rõ nét, nhất là ở mảng cung cấp dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế. Theo Sách Trắng CNTT&TT Việt Nam, về thị phần dịch vụ của các DN trên thị trường VN tính theo doanh thu, trong 2 năm 2009, 2010, tổng thị phần của 2 công ty liên doanh DHL-VNPT và TNT-Viettrans chiếm gần 26%. Tương ứng với đó, liên tiếp trong 3 năm từ 2008-2010, thị phần dịch vụ của DN trong nước dần bị thu hẹp, ví dụ như VNPost Express giảm từ hơn 16% (2008) xuống 12% (2009) và chiếm gần 10% tổng doanh thu toàn ngành vào năm 2010. Lãnh đạo 2 DN lớn trong ngành là VietnamPost, ViettelPost đều nhận định, dù lợi nhuận của các dịch vụ chuyển phát quốc tế cao hơn nhiều so với dịch vụ nội địa song sự tham gia của các DN nội vào chuyển phát quốc tế vẫn hạn chế. Một khó khăn lớn của DN bưu chính trong nước là việc kết nối ra quốc tế phụ thuộc rất lớn vào 4 nhà khai thác bưu chính có mạng lưới toàn cầu gồm TNT, UPS, DHL và FedEx.

 

Trao đổi với báo BĐVN, ông Lương Ngọc Hải – TGĐ ViettelPost cho biết, từ sau tháng 1/2012, mức độ tham gia mới của DN bưu chính nước ngoài vào thị trường VN sẽ không nhiều, bởi lẽ những DN bưu chính quốc tế quan tâm đến thị trường VN đều “góp mặt” từ giai đoạn trước. Đã có một số DN “ngoại” tìm hiểu và đặt vấn đề hợp tác, mua lại cổ phần của ViettelPost nhưng chưa thành công. Nguyên do là các đối tác nước ngoài muốn mua số lượng cổ phần chi phối trong khi ViettelPost dù tìm kiếm đối tác chiến lược “ngoại” nhưng vẫn định hướng sẽ nắm giữ tỷ lệ cổ phần chi phối.

 

“Đại gia” bưu chính lo giữ khách hàng

 

Trong hơn 6 tháng qua, mặc dù mức độ cạnh tranh trên thị trường bưu chính chuyển phát chưa có nhiều biến động song việc thăm dò và tham gia thị trường VN của DN nước ngoài vẫn được triển khai. Cụ thể, đầu năm nay, Công ty Yamoto (Nhật Bản) đã sang tìm hiểu thị trường chuyển phát VN. Mới đây, Đại hội cổ đông bất thường của Công ty CP chuyển phát nhanh Tín Thành (TTC Express) đã họp, thông qua phương án chuyển nhượng 70% cổ phần của các cổ đông lớn cho 3 nhà đầu tư gồm: Công ty TNHH một thành viên dịch vụ Gia Lý, Công ty KLN (Singapore) PTE.LTD và Công ty CP Kerry Intergrated Logistics của HongKong. Tín Thành đang hoàn thiện thủ tục pháp lý để hợp thức hóa hoạt động chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông lớn cho những nhà đầu tư chiến lược này.

 

Giải đáp băn khoăn của phóng viên BĐVN về việc Tín Thành với sự trợ lực mạnh mẽ của các đối tác “ngoại” thời gian tới liệu có tạo áp lực lớn cho DN bưu chính trong nước bao gồm cả ViettelPost, ông Hải thẳng thắn: “Áp lực cũng như sự lo ngại bị giành giật khách hàng, thị phần là có. Tuy nhiên, chính áp lực đó cũng tạo động lực để ViettelPost quyết tâm giành và giữ khách hàng, thị phần dịch vụ của mình”. Lãnh đạo ViettelPost cho rằng, chất lượng và ứng dụng CNTT vẫn là vấn đề cần quan tâm hàng đầu để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN bưu chính “nội”. Ngoài ra, các DN bưu chính VN cần đoàn kết, cạnh tranh cùng phát triển, không chỉ nhằm hướng tới mục tiêu tăng uy tín, lợi nhuận cho DN mình mà nên tập trung cho sự phát triển của thương hiệu bưu chính VN.

 

Với VietnamPost-DN “anh cả” trong ngành bưu chính, đại diện DN này cho biết, đối mặt với áp lực cạnh tranh gay gắt trên thị trường, từ sau khi tách ra hoạt động độc lập với viễn thông từ 2008 đến nay, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT, cải thiện chất lượng dịch vụ, VietnamPost đã đa dạng hóa, làm mới các dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của các đối tượng khách hàng. “Những giải pháp này sẽ được chúng tôi đẩy mạnh trong thời gian tới nhằm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh trên thị trường của VietnamPost, giúp “giữ chân” các khách hàng hiện có, đồng thời gia tăng thêm khách hàng, thị phần dịch vụ của DN”, vị này chia sẻ.

Theo Bưu điện Việt Nam

Bưu chính Việt Nam ra mắt dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế mới

Sáng 4/7 tại Hà Nội, Tổng công ty Bưu chính Việt Nam (VnPost) đã phối hợp với mạng chuyển phát toàn cầu DHL giới thiệu dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế mới tại Việt Nam mang tên VNQuickpost. Đây là dịch vụ hướng tới nhóm khách hàng trung bình, nằm giữa dịch vụ chuyển phát nhanh EMS đang có của VnPost và Express của DHL.

Tham gia buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thành Hưng cho rằng VNQuickpost sẽ mở ra một cơ hội mới cho khách hàng Việt Nam trong việc lựa chọn các dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh có chất lượng, tiện ích cao; đồng thời là minh chứng cho sự thành công và hợp tác ngày càng hiệu quả giữa VnPost (thành viên Tập đoàn VNPT) và DHL.

“Tôi tin rằng với thương hiệu và sức mạnh của DHL, mạng lưới rộng khắp, có uy tín của VnPost, chắc chắn dịch vụ mới VNQuickpost sẽ nhanh chóng chiếm được niềm tin của người tiêu dùng Việt Nam ” – Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng nói.

Ông Nguyễn Quốc Vinh, Phó Tổng Giám đốc của VnPost cho biết, VNQuickpost là dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế mà phần trong nước sẽ do VnPost đảm nhiệm, còn phần quốc tế thuộc về DHL. Lợi thế của VNQuickpost là sự kết hợp giữa mạng lưới trong nước rộng khắp tại 63 bưu điện tỉnh, thành phố trên toàn quốc, hệ thống điểm phục vụ với gần 15.000 điểm giao dịch của VnPost và mạng lưới toàn cầu của DHL kết nối hơn 220 quốc gia và vùng lãnh thổ, với chất lượng dịch vụ cao.

Bên cạnh đó, thời gian chuyển phát của dịch vụ mới ngắn hơn, đường dây nóng phục vụ khách hàng 24/7 cũng như hê thống theo dõi cho phép khách hàng dò tìm hàng hóa của mình trong suốt quá trình vận chuyển. Chẳng hạn với EMS, việc chuyển bưu phẩm từ Việt Nam sang Mỹ sẽ mất 4 ngày nhưng với VNQuickpost, khoảng thời gian này sẽ rút ngắn xuống còn khoảng 2 ngày.

Cũng theo ông Vinh, giá cả và chất lượng dịch vụ của VNQuickpost sẽ không xung đột với 2 dịch vụ hiện có mà nằm giữa mức rất cao của DHL và mức tốt của EMS, trong đó mức giá dự kiến sẽ cao hơn 30% so với EMS nhưng thấp hơn 20% so với DHL.

Trước mắt, VNQuickpost sẽ được triển khai tại bưu cục ở các tỉnh/thành lớn như Hà Nội, Tp.HCM, Hải Phòng, Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng và Quảng Nam, sau đó sẽ mở rộng ra các tỉnh thành khác trên cả nước.
 

 

 

Họp báo ra mắt dịch vụ VNQuickpost sáng 4/7

 

“Trong năm năm qua, sự hợp tác đã mang lại nhiều thành công cho mỗi bên, và sự kiện công bố dịch vụ VNQuickpost hôm nay cho thấy chúng tôi sẽ mở rộng mối quan hệ này và hợp tác với nhau chặt chẽ hơn trong thời gian tới. Chúng tôi tin rằng dịch vụ mới này, kết hợp chuyên môn hàng đầu quốc gia của Vietnam Post với  năng lực hàng đầu thế giới của DHL, sẽ trở nên quen thuộc với các khách hàng tại Việt Nam, những người đang tìm kiếm một dịch vụ nhanh chóng với chi phí hợp lý nhất so với các đối tác cung ứng dịch vụ khác trên cả nước”.  ông Nguyễn Quốc Vinh, nói.

Bà Yasmin Aladad Khan, Phó Chủ tịch cấp cao của DHL Express khu vực Đông Nam Á, nhận định ” Đây là một sự kết hợp hoàn hảo giữa mạng lưới toàn cầu và chuyên môn không gì sánh được của DHL Express trong ngành công nghiệp chuyển phát nhanh quốc tế với các dịch vụ bưu cục địa phương và khả năng tiếp cận thị trường nội địa của Bưu chính Việt Nam. Chúng tôi tin rằng khách hàng tận dụng được lợi thế của dịch vụ VNQuickpost sẽ rất tự tin khi gửi hàng”.

 

Theo VnMedia

 

 

 

Bưu điện tỉnh phía Nam: Phát triển dịch vụ ngoài bưu chính

 

Tận dụng mặt bằng tốt, điều kiện cơ sở vật chất và đặc thù của ngành, các Bưu điển tỉnh khu vực phía Nam đã phát triển nhiều dịch vụ mới bên cạnh dịch vụ bưu chính để tăng doanh thu cho đơn vị.

 

Phát triển dịch vụ ngoài bưu chính

 

Hàng loạt các dịch vụ như phát hành báo chí, cho thuê xe, tổ chức hội nghị, bán vé máy bay, bảo hiểm bưu điện, dịch vụ chuyển quà trong các dịp Noel, ngày 8/3, dịch vụ thu hộ, cung cấp một số dịch vụ viễn thông, Internet… đã nhanh chóng hình thành trong thời gian qua. Nhiều Bưu điện tỉnh còn hoạt động kinh doanh rôm rả với cổng thông tin điện tử được cập nhật liên tục.

 

Tại Bưu điện tỉnh Long An, trong năm qua, bên cạnh việc triển khai, ban hành, điều chỉnh cơ chế kinh doanh tại địa bàn, đơn vị đã tổ chức tốt các đợt khuyến mại, triển khai hình thức bán nhóm đối với dịch vụ bảo hiểm nhân thọ bưu chính, đề xuất chủ dịch vụ hỗ trợ một số cơ chế riêng nhằm phát triển dịch vụ Phúc Học Đường… Qua đó đã giữ ổn định và tăng trưởng  doanh thu các dịch vụ phát hành báo chí, thu cước viễn thông, bảo hiểm, thuê xe, thuê tài sản…, giữ chân các khách hàng lớn nhằm ổn định doanh thu dịch vụ bưu chính. Các dịch vụ này chiếm tỉ trọng khá lớn trong doanh thu của đơn vị, đạt 24,054 tỷ đồng, chiếm 48,49% tổng doanh thu tính lương.

 

Cùng với sự phát triển năng động của TP.HCM, Bưu điện TP.HCM là một trong những Bưu điện dẫn đầu về cung cấp các dịch vụ mới. Thông tin về giá cước, khuyến mãi, liên hệ, những thay đổi của dịch vụ còn được cập nhật thường xuyên trên website để khách hàng tiện theo dõi và kết nối khi cần sử dụng dịch vụ. Ngoài việc phát triển các dịch vụ như: chuyển tiền, chuyển tặng phẩm, dịch vụ bảo hiểm, viễn thông, thu hộ cước Internet, bán vé máy bay, bảo hiểm oto, xe máy, cho thuê xe du lịch, vận tải hàng hóa…, Bưu điện TP.HCM còn  triển khai nhiều chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng tham gia sử dụng dịch vụ.

 

Ghi nhận thêm tại một số Bưu điện tỉnh như Đồng Nai, Hậu Giang, Cần Thơ, Tiền Giang… cho thấy, các dịch vụ ngoài bưu chính cũng đang phát triển mạnh. Nhiều dịch vụ như: bán bảo hiểm xe máy, ô tô, cho thuê xe, dịch vụ chuyển tiền, chuyển quà trong các ngày lễ, phát hành báo chí, bảo hiểm bưu điện, đã trở thành dịch vụ lõi của nhóm dịch vụ ngoài bưu chính.

 

Tăng doanh thu

 

Trong khi dịch vụ bưu chính đang ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt của các công ty chuyển phát mới ra của các công ty chuyển phát mới ra đời, với vốn đầu tư từ nước ngoài, thì phát triển dịch vụ ngoài bưu chính là bước đi đúng đắn đề vừa tận dụng nguồn lực, vừa tăng doanh thu, bù đắp vào doanh thu dịch vụ bưu chính của các Bưu điện tỉnh.

 

Bưu điện tỉnh Long An, năm vừa qua, nhờ sự cộng hưởng của dịch vụ ngoài bưu chính, tổng doanh thu tăng so với năm 2010. Doanh thu phát sinh là 107,5 tỷ đồng, tăng 5% so với 2010; doanh thu tính lương là 49,9 tỷ đồng, tăng 6%; năng suất lao động bình quân đạt 212,34 triệu đồng/người/năm, tăng 12,7%; thu nhập bình quân là 5,5 triệu đồng/người/tháng, tăng 5%.

 

Năm 2012, Bưu điện tỉnh Long An tiếp tục phát triển dịch vụ ngoài bưu chính, triển khai kinh doanh các dịch vụ mới theo định hướng của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam như chi trả trợ cấp xã hội, phân phối lắp đặt, chăm sóc khách hàng…; thúc đẩy tăng trưởng dịch vụ tiết kiệm bưu điện và triển khai hiệu quả các dịch vụ tài chính. Ngoài ra, tập trung đầu tư các lĩnh vực kinh doanh có hiệu quả như: chạy xe dịch vụ, Internet công cộng, xây dựng nhà trạm, anten, ki ốt cho thuê. Dự kiến, tổng doanh thu phát sinh của Bưu điện tỉnh Long An trong năm nay sẽ đạt 101,94 tỷ đồng, doanh thu tính lương đạt 52,064 tỷ đồng, năng suất lao động tăng trên 12% so với năm 2011.

 

Tại các Bưu điện tỉnh khác, việc đẩy mạnh dịch vụ mới song song với dịch vụ bưu chính cũng giúp những con số doanh thu đang ngày càng tăng thêm. Điển hình như Bưu điện tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, năm 2010, xác định là một năm chịu nhiều khó khăn nhưng việc cung ứng các dịch vụ ngoài bưu chính đã mang về doanh thu 85,1 tỷ đồng, tăng gần 8% kế hoạch Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam giao và tăng 11,7% so với năm 2009. Doanh thu của năm 2011 và đầu năm 2012 tiếp tục tăng đáng kể.

 

Theo Bưu điện Việt Nam

 

 

Tin quốc tế

 

Các nhà điều hành bưu chính có thể rút khỏi đảo Caribê (Hà Lan)

Theo tuyên bố mới nhất, nhà khai thác bưu chính trực thuộc khu vực Antilles Hà Lan trước kia (NPNA) sẽ dừng việc cung cấp các dịch vụ bưu chính cho các vùng đảo Caribê Caribbean của Bonaire, Saba và Sint Eustatius vào cuối năm 2012.

Nguyên nhân của động thái này là do dịch vụ trên các đảo “khá tốn kém” và cơ sở hạ tầng không đầy đủ để cung cấp dịch vụ. Đại diện của công ty cho biết, nếu như chính phủ Hà Lan không thanh toán đầy đủ các khoản chi phí, công ty sẽ không tiếp tục cung cấp dịch vụ nữa.

 

Hiện đại diện của công ty NPNA và các quan chức địa phương vẫn đang trong quá trình đàm phán, hy vọng đưa ra một giải pháp mới.

 

Tuy nhiên, ngày 03/07/2012, tổng thư ký bộ ngoại giao Hà Lan Henk Bleacher đã báo cáo lên các quan chức cao cấp về việc chấp nhận chấm dứt hợp đồng với NPNA và tìm một công ty bưu chính khác thay thế. Theo ông Bleacher, các dịch vụ bưu chính hiện tại hoàn toàn không có hiệu quả và đã không được cải thiện gì từ năm 2010. Chính phủ đã nhiều lần phải trả lời khiếu nại của khách hàng về những vấn đề chậm trễ thư tín của NPNA.

 

Thay mặt cho các quan chức cấp cao, Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Caribê cho biết ông muốn tổ chức một buổi gặp mặt trực tiếp với các nhà cung cấp dịch vụ bưu chính tại Hà Lan để thảo luận về các giải pháp, quy định mới, quy chuẩn mới hoặc một nhà thầu thay thế.

 

Về phần mình, tổng giám đốc điều hành NPNA Franklin Sluis cho biết, việc đảm bảo hệ thống cơ sở hạ tầng thích hợp cho các dịch vụ thư tín chất lượng cao là trách nhiệm của chính phủ Hà Lan. “Nếu bạn muốn chúng tôi cung cấp dịch vụ thì bạn phải chấp nhận thanh toán. Ít nhất cơ sở hạ tầng của bạn phải đáp ứng những tiêu chí cơ bản, nếu không bạn không thể đòi hời ở nhà cung cấp dịch vụ,” Sluis tuyên bố. “Nếu không ai chấp nhận trả tiền cho dịch vụ thì chúng tôi sẽ không tiếp tục cung cấp các dịch vụ nữa. Nếu chính phủ không chấp nhận các giải trình về chi phí liên quan, chúng tôi cũng không thể trợ cấp cho Hà Lan để cung cấp các dịch vụ bưu chính, đó là nghĩa vụ của họ.”

Theo Bưu điện Việt Nam