VCCI nói gì về Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ?
Theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam, đóng góp tới 45% vào GDP, 31% vào tổng số thu ngân sách và thu hút hơn 5 triệu lao động.
Hiện nay, Việt Nam có khoảng 1,7 triệu doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Dự kiến đến năm 2030, con số này tăng lên khoảng 2,4 triệu doanh nghiệp. Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 và xung đột chính trị, trên 90% doanh nghiệp nhỏ và vừa đã bị ảnh hưởng, rất cần sự hỗ trợ.
Số liệu của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy, trong quý 1/2022, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 35,7 nghìn doanh nghiệp, tăng 49,7% so với cùng kỳ năm trước. 11,3 nghìn doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 0,1%.
Đặc biệt, hơn 4,3 nghìn doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 16,7%, trong đó có 3,8 nghìn doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, giảm 19,7% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, sức chống chịu của các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ rất hạn chế.
Khảo sát của VCCI cũng chỉ ra, hầu hết các nhà hàng nhỏ, quán cà phê, cửa hàng bán lẻ, các cơ sở sản xuất công nghiệp nhẹ và các công ty xây dựng đều phải vật lộn để tồn tại và tỏ ra thiếu lạc quan về triển vọng kinh doanh trong dài hạn.
Chính vì vậy, theo VCCI, cần thiết phải có những chính sách trợ giúp khác nhau cho khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, đặc biệt việc đẩy mạnh triển khai Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thời điểm này là cực kỳ quan trọng.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua ngày 12/06/2017 và có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Như vậy, Luật đã triển khai được hơn 4 năm cho đến nay.
Đây là văn bản luật quan trọng khẳng định cam kết của Nhà nước Việt Nam về phát triển khu vực kinh tế tư nhân (mà trong đó đại đa số là các doanh nghiệp nhỏ và vừa), với mục tiêu đưa doanh nghiệp khu vực tư nhân trở thành động lực quan trọng cho phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, đánh giá về kết quả triển khai 10 chương trình trợ giúp doanh nghiệp trong khuôn khổ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua dự án khảo sát Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2021 của VCCI cho thấy, tỷ lệ doanh nghiệp đã hưởng hỗ trợ từ các chương trình còn khá khiêm tốn.
Tỷ lệ doanh nghiệp cho biết đã nhận được hỗ trợ từ các chương trình đều dưới 8%. Chương trình hỗ trợ có tỷ lệ doanh nghiệp tiếp cận được cao nhất là cấp bảo lãnh tín dụng tại Quỹ bảo lãnh tín dụng doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhưng cũng chỉ có 7,34% doanh nghiệp thực tế đã tiếp cận.
Chương trình có tỷ lệ doanh nghiệp được thụ hưởng thấp nhất là hỗ trợ giảm giá thuê mặt bằng tại các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, cụm công nghiệp, với chỉ khoảng 4,75% doanh nghiệp đã được thụ hưởng, do phần lớn doanh nghiệp nhỏ và vừa nằm bên ngoài khu công nghiệp nên không được hưởng lợi từ hỗ trợ này.
Tín hiệu khả quan là trong số các doanh nghiệp đã thụ hưởng, tỷ lệ doanh nghiệp đánh giá thủ tục dễ thực hiện đối với từng chương trình đều đạt mức cao, trên 80%. “Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý rằng đây là đánh giá của các doanh nghiệp đã đi qua đầy đủ các bước trong quy trình thủ tục để nhận được hỗ trợ”, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký, Trưởng ban Pháp chế VCCI nêu rõ.
Khoảng 51,3% doanh nghiệp trả lời khảo sát PCI 2021 không biết đến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong số các doanh nghiệp biết đến Luật này, chỉ 36,8% doanh nghiệp đã thụ hưởng ít nhất một chương trình hỗ trợ.
Nhìn chung, bởi tỷ lệ cao các doanh nghiệp không biết đến Luật Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ nên mức độ khó khăn khi tuân thủ các thủ tục để hưởng trợ cấp có thể khó khăn hơn trên thực tế so với đánh giá của các doanh nghiệp đã được thụ hưởng.
Trước kết quả trên, nhiều ý kiến cho rằng, cần đưa ra các điều chỉnh phù hợp trong triển khai thực hiện Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong bối cảnh cộng đồng doanh nghiệp đang cần thêm những sự hỗ trợ kịp thời để phục hồi sau hơn hai năm chống chịu đại dịch Covid-19.