VAR là gì? Công nghệ VAR có áp dụng trong World Cup 2022?

Khi xem bóng đá, cụ thể là World Cup bạn thường nghe mọi người hoặc bình luận viên nhắc đến công nghệ VAR ở một số tình huống trên sân. Tuy nhiên, đây vẫn là một khái niệm tương đối mới mẻ với những người ít khi xem đá bóng. Đừng lo lắng, những câu hỏi như công nghệ VAR là gì? Công nghệ VAR có từ khi nào, được sử dụng ở đâu? sẽ được Sforum giải đáp toàn bộ ở bài viết này.

Công nghệ VAR được trang bị tại World Cup

Công nghệ VAR là gì?

Công nghệ VAR (Video Assistant Referee) là công nghệ sử dụng video để hỗ trợ trọng tài. Công nghệ được sử dụng phổ biến ở các giải đấu bóng đá lớn và hỗ trợ cho trọng tài theo dõi trận đấu để đưa những quyết định chính xác nhất, hạn chế tối đa những trường hợp tranh cãi.

Công nghệ VAR (Video Assistant Referee)

Số lượng máy quay của VAR phụ thuộc cơ sở hạ tầng của từng giải đấu khác nhau. Tuy nhiên điều kiện tối thiểu là phải có 33 camera hoạt động trong một trận cầu, trong đó sẽ có 4 camera Ultra Slow Motion tốc độ khung hình 120 ảnh mỗi giây và 8 camera Super Slow Motion, những camera còn lại đều phải đạt độ phân giải Ultra HD để mang đến những hình ảnh chi tiết nhất có thể. 33 camera được hoạt động liên tục với đầy đủ mọi góc nhìn, những vị trí thường gây tranh cãi như cầu môn và đường biên được sử dụng camera chuyên dụng.

Công nghệ VAR được coi như một cuộc cách mạng thay đổi thế giới túc cầu. Những video quay chậm từ công nghệ VAR giúp trọng tài có thể phân tính chi tiết mọi tình huống và đưa ra quyết định công tâm nhất.

Công nghệ VAR có từ khi nào?

VAR đã xuất hiện trong những trận cầu đỉnh cao, mang đến tính công bằng trong trận đấu. Tuy nhiên, công nghệ VAR có từ khi nào? Câu trả lời sẽ được Sforum giải đáp:

VAR được IFAB – hay còn gọi là Hiệp hội Bóng đá quốc tế chấp thuận vào năm 2016 và được sử dụng lần đầu tiên tại một giải bóng đá nhà nghề ở Mỹ vào tháng 8 năm 2016.

Giải đấu lớn nhất có sự góp mặt của công nghệ VAR là World Cup 2018 – được FIFA (Liên đoàn Bóng đá thế giới) chấp thuận. Tuy nhiên, vẫn có một số tranh cãi xảy ra ở những lượt trận của đội tuyển Pháp và Australia. Bên cạnh đó, công nghệ VAR cũng cho thấy sức ảnh hưởng của mình khi đóng góp trong một số tình huống quan trọng ở cả giải đấu.

Bên cạnh đó, bạn có thể xem chi tiết hơn về các công nghệ khác tại bài viết “World Cup 2022 ứng dụng công nghệ chất lượng “Khủng” ra nào?”

Công nghệ VAR lần đầu tiên được sử dụng tại World Cup 2018

Công nghệ VAR được sử dụng ở những tình huống nào?

Dựa theo quyết định của Liên đoàn Bóng đá thế giới, công nghệ VAR chỉ được hỗ trợ ở những tình huống nhất định. Những tình huống có thể kể đến như: xác định lỗi bàn thắng, phạt trực tiếp (11m) và các lỗi dẫn đến thẻ đỏ trực tiếp.

Tranh cãi về những bàn thắng

Ở những tình huống ghi bàn nhưng có sự khiếu nại của đội bên kia, công nghệ VAR sẽ được đưa vào để hỗ trợ trọng tài nhìn lại quá trình dẫn đến bàn thắng. Những lỗi nhỏ thường không thể nhìn thấy trực tiếp như việt vị, bóng chạm tay,… đều được camera của VAR ghi lại và phát cho trọng tài. Sau khi xem xét và đánh giá mức độ của những lỗi ấy thì trọng tài sẽ đưa ra quyết định chính xác nhất.

Penalties

Phạt đền là một trong những tình huống công nghệ VAR can thiệp nhiều nhất trong các trận đấu. Những trọng tài thường sử dụng VAR ở một số tình huống nhạy cảm để đưa ra quyết định đúng đắn. Tránh tối đa việc gây tranh cãi của những cầu thủ và người hâm mộ từ hai đội bóng.

Lỗi dẫn đến thẻ đỏ trực tiếp

Hành vi bạo lực trong bóng đá gây ra nhiều hậu quả nặng nề, ảnh hưởng đến thể chất, tâm lý cầu thủ và phẫn nộ từ phía khán giả. Vì vậy, công nghệ VAR được ra đời với mong muốn hạn chế tối đa những tình huống xấu như thế, đưa ra quyết định xử phạt công tâm. Bên cạnh đó, cũng sẽ có một số luật cụ thể trong các tình huống phạt thẻ đỏ trực tiếp. Công nghệ VAR sẽ chỉ được can thiệp khi trọng tài phạt thẻ đỏ trực tiếp, những tình huống thẻ vàng thứ hai sẽ không được hỗ trợ bởi công nghệ hiện đại này.

Trọng tài chính đang xem lại tình huống phạm lỗi trong trận đấu

Những nhận định sai của trọng tài

Trên thực tế, những “vị vua áo đen” không ít lần gây nên sự phẫn nộ bởi các quyết định thiếu chính xác trên sân bóng. Tuy nhiên, VAR đã ra đời để giảm thiểu tối đa các quyết định sai lầm ấy và trọng tại có thể sửa chữa, thay đổi quyết định giúp trận đấu thêm công bằng.

Nhìn chung, công nghệ VAR mang lại nhiều ưu điểm nhưng cũng gặp không ít chỉ trích. Các trận đấu được hỗ trợ bởi VAR có tính công bằng, tuy nhiên một số người lại nhận định thiếu đi cảm xúc của bóng đá. Bên cạnh đó, việc trọng tại phải chạy ra đường biên để xem hình ảnh, video từ VAR khiến trận đấu bị kéo dài, gây mất thời gian. Mặt khác, công nghệ VAR dần dần được chấp thuận, một số người cho rằng đây là sự tiến bộ để mang đến tính công bằng trong thi đấu.

Công nghệ VAR có áp dụng trong World Cup 2022?

Mặc dù có nhiều chỉ trích từ xung quanh nhưng chúng ta không thể phủ nhận tầm quan trọng của công nghệ VAR trong World Cup 2018. VAR hỗ trợ trọng tài đưa ra quyết định chính xác và còn có thể sửa sai ở một số tình huống (đây là điều ít thấy trước khi có VAR).

Ở những tình huống phạm lỗi, trọng tài sẽ được nhận tính hiệu từ đội ngũ trọng tài VAR qua tai nghe, sau đó “vị vua áo đen” sẽ ra tín hiệu tạm dừng trận đấu để xem xét lại tình huống ấy. Sau khi đã nhận định và nắm bắt được tình huống, trọng tài sẽ đưa ra quyết định của mình.

Chủ tịch FIFA (Liên đoàn Bóng đá thế giới) cho biết “Tôi sẽ nói với các fan hâm mộ bóng đá rằng công nghệ này đem tới những tác động tích cực” và ông cũng chia sẻ rằng VAR đã được sử dụng, thử nghiệm khoảng 1000 trận đấu, độ chính xác mà công nghệ này mang đến là 93-99%. Bên cạnh đó, ông Gianni Infantino cũng nhận định VAR phải cải thiện tốc độ phân tích trận đấu để gửi thông tin đến trọng đài một cách nhanh nhất có thể.

VAR là chủ đề gây nên nhiều sự tranh cãi, hao tốn rất nhiều giấy mực của báo giới toàn cầu. Tuy nhiên, ở World Cup 2018, công nghệ VAR đã hỗ trợ 29 tình huống phạt đến. Các tình huống nhạy cảm như việc di chuyển quá sớm của thủ môn khi đá Penalties được VAR phân tích kỹ lưỡng.

Công nghệ VAR không chấp thuận bàn thắng trong trận đấu

Công nghệ VAR ở World Cup 2022 có gì mới?

Tại giải bóng đá lớn nhất hành tinh được tổ chức tại Qatar, công nghệ VAR được trang bị tối thiểu 42 camera ở tất cả 8 sân vận động và đội ngũ trọng tài VAR có toàn quyền truy cập vào tất cả hệ thống. Trong số 42 camera ấy, có 8 camera sẽ mang vai trò hỗ trợ phát lại các chuyển động một cách siêu chậm để trọng tài có thể nhìn rõ mọi chi tiết, diễn biến trong trận đấu. Đội ngũ VAR sẽ bao gồm 8 người, trong đó có 4 trọng tài mặc áo xanh và 4 thành viên hỗ trợ khác.

Trọng tài chính đang xem lại hình ảnh ghi chậm từ VAR tại World Cup 2022

Bên cạnh đó, World Cup 2022 còn sử dụng một số công nghệ hiện đại hơn được thiết kế để cải thiện, hỗ trợ VAR. Đó là công nghệ việt vị bán tự động, lần đầu tiên được triển khai tại World Cup 2022. Công nghệ hiện đại này bao gồm hệ thống giúp theo dõi chính xác vị trí của các cầu thủ, đưa ra minh họa chi tiết để tránh sự tranh cãi đến từ người hâm mộ.

Lời kết

Bài viết này đã giải đáp, nếu rõ tất cả thông tin chi tiết về công nghệ VAR. Nếu bạn còn bất kỳ thắc mắc nào về công nghệ hiện đại bậc nhất trong bóng đá, hãy để lại bình luận để cùng Sforum bàn luận nhé. Chúc các bạn có một mùa World Cup 2022 cực kỳ thú vị bên người thân, gia đình.