VẤN ĐỀ GIAO QUYỀN VÀ ỦY QUYỀN TRONG QUẢN TRỊ DOANH NGHIỆP – Penfield
Đặt vấn đề
Trong bối cảnh Việt Nam hiện nay, các công ty tư nhân là động lực chính cho sự phát triển của nền kinh tế. Đi cùng với sự lớn mạnh của khối tư nhân là ngày càng nhiều các tranh chấp phát sinh trong quá trình quản trị, đặc biệt là vấn đề về thẩm quyền quyết định của doanh nghiệp. Các xung đột lợi ích, tranh chấp giữa chủ sở hữu và người quản lý hay giữa những người quản lý với nhau đang có xu hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ, đặt ra những yêu cầu thiết yếu đối với việc phân định trách nhiệm trong cơ chế quản trị.
Trong quá trình hoạt động của mình, pháp nhân thực chất không thể tự mình xác lập hay thực hiện giao dịch với chủ thể khác, mà phải thực hiện việc này thông qua người đại diện của pháp nhân. Tuy nhiên, nếu phân tích kỹ lưỡng hơn, quá trình xác lập giao dịch dân sự giữa công ty và chủ thể khác cơ bản diễn ra hai giai đoạn: (i) giai đoạn nội bộ: công ty “giao quyền” cho cơ quan, cá nhân thuộc công ty ra quyết định, và (ii) giai đoạn giao dịch: người đại diện thay mặt công ty thực hiện quyết định, giao dịch với chủ thể khác. Nếu vấn đề pháp lý về giao dịch với người thứ ba đã nhận được nhiều sự quan tâm, phân tích về cả lý luận và thực tiễn, thì ngược lại, quá trình quyết định trong quản trị nội bộ còn bị bỏ ngõ, gây ra những vướng mắc, khó khăn trong việc giải quyết. Vì thế, trong phạm vi của bài viết, chúng tôi sẽ tập trung đi sâu phân tích những vấn đề pháp lý xoay quanh câu chuyện thẩm quyền quyết định trong nội bộ doanh nghiệp.
Giao quyền hay Ủy quyền?
Khác với hành vi ủy quyền đã được luật hóa trong Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Doanh nghiệp 2014, hoạt động “giao quyền” của công ty không được định nghĩa trong các văn bản pháp luật kể trên. Theo từ điển tiếng Việt, “giao” là hành động đưa cho để nhận lấy và chịu trách nhiệm, do đó trong bối cảnh của bài viết này, chúng tôi định nghĩa “giao quyền” là một dạng hành vi pháp lý, theo đó, chủ thể nhận quyền sẽ tiến hành công việc dựa trên thẩm quyền được giao và chịu trách nhiệm đối với công việc mình thực hiện trước chủ thể giao quyền. Giao quyền không được thể hiện trên các văn bản quản lý hoặc giao dịch dân sự cụ thể như ủy quyền mà được thể hiện trong các văn bản pháp luật hoặc trong các văn bản định chế nội bộ của từng doanh nghiệp (Điều lệ).
Trong quản trị doanh nghiệp, giao quyền là hành vi pháp lý mang những đặc điểm sau:
- Giao quyền có thể được thực hiện bởi cá nhân và tổ chức (bao gồm cả tổ chức không có tư cách pháp nhân); và
- Chủ thể nhận quyền phải chịu trách nhiệm về quyết định thuộc thẩm quyền của mình.
Đây cũng là hai điểm khác biết để phân biệt ủy quyền và giao quyền trong quản trị doanh nghiệp, bởi lẽ, ủy quyền: (i) chỉ có thể tiến hành bởi cá nhân và pháp nhân; và (ii) bên được ủy quyền chỉ phải chịu trách nhiệm về phạm vi ủy quyền, mà không phải chịu trách nhiệm về nội dung công việc ủy quyền.
Để làm rõ hơn khái niệm giao quyền, chúng ta cùng đi sâu phân tích cơ chế giao quyền đối với mô hình công ty cổ phần được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2014. Luật Doanh nghiệp 2014 xác định ba chủ thể có thẩm quyền thực hiện các công việc của công ty bao gồm: Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và Giám đốc (Tổng giám đốc). Đây chính là hành vi giao quyền cơ bản nhất của công ty cổ phần thông qua việc xác định thẩm quyền của các cơ quan, cá nhân trong việc đưa ra các quyết định nội bộ doanh nghiệp. Theo đó:
- Đại hội đồng cổ đông là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cổ phần.
- Hội đồng quản trị là cơ quan quản lý công ty, có toàn quyền nhân danh công ty để quyết định, thực hiện các quyền và nghĩa vụ của công ty không thuộc thẩm quyền của Đại hội đồng cổ đông.
- Giám đốc hoặc Tổng giám đốc là người điều hành công việc kinh doanh hằng ngày của công ty; chịu sự giám sát của Hội đồng quản trị; chịu trách nhiệm trước Hội đồng quản trị và trước pháp luật về việc thực hiện các quyền và nghĩa vụ được giao.
Hiện nay, Luật Doanh nghiệp 2020 được Quốc hội chính thức thông qua, thay thế Luật Doanh nghiệp 2014, tuy nhiên, về cơ bản, việc phân chia và xác định thẩm quyền thực hiện công việc giữa các cá nhân, cơ quan vẫn được giữ nguyên.
Sở dĩ, đây là hoạt động giao quyền giữa Công ty và Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị và giữa Hội đồng quản trị và Giám đốc, mà không phải là hoạt động ủy quyền vì:
- Thứ nhất, Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng quản trị đều là cơ quan thuộc Công ty, không có tư cách pháp nhân, không có năng lực chủ thể vì thế Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị không thể tham gia với tư cách là chủ thể trong một giao dịch ủy quyền.
- Thứ hai, Đại hội đồng cổ đông, Hội đồng quản trị hay Giám đốc phải chịu trách nhiệm không những về phạm vi quyết định, mà cả nội dung quyết định thuộc thẩm quyền của mình.
Vì sao cần minh định?
Việc phân tích, làm rõ khái niệm giao quyền hay ủy quyền ở công ty cổ phần giúp chúng ta trả lời nhiều vấn đề quản trị nội bộ phát sinh trong thực tiễn, ví dụ như: (i) Đại hội đồng cổ đông có quyền quyết định thay vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị không, và (ii) Hội đồng quản trị có quyền giao cơ quan, cá nhân khác quyết định thay công việc thuộc thẩm quyền của mình hay không.
Đối với vấn đề đầu tiên, theo quan điểm của chúng tôi, Đại hội đồng cổ đông, dù là cơ quan quyết định cao nhất của công ty cũng không có quyền quyết định thay vấn đề thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị. Bởi lẽ, thẩm quyền của Hội đồng quản trị được xác định thông qua Luật doanh nghiệp và Điều lệ công ty, được Công ty giao và phải chịu trách nhiệm trước Công ty và trước pháp luật. Do đó, Đại hội đồng cổ đông không thể tự ý làm thay các công việc thuộc thẩm quyền của Hội đồng quản trị.
Mặt khác, tương tự như phân tích ở trên, Hội đồng quản trị không thể giao cơ quan, cá nhân khác thực hiện quyết định công việc thuộc thẩm quyền của mình. Bởi lẽ, Hội đồng quản trị phải chịu trách nhiệm trước Công ty về nội dung quyết định, mà việc giao cơ quan, cá nhân khác thực hiện thẩm quyền của mình là vi phạm nguyên tắc chịu trách nhiệm của Hội đồng quản trị.
Vậy, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để các cơ quan, cá nhân thuộc Công ty có thể giao quyền cho các chủ thể khác đưa ra quyết định về công việc của Công ty. Để trả lời được câu hỏi này, chúng ta cần đi sâu tìm hiểu về hình thức tiến hành ủy quyền và giao quyền trên thực tế quản trị doanh nghiệp.
Hình thức ủy quyền và giao quyền trong thực tiễn quản trị
Trên thực tiễn, việc ủy quyền trong nội bộ công ty có thể được thực hiện: (i) thông qua ủy quyền vụ việc; và (ii) thông qua ủy quyền thường xuyên. Đối với hình thức thứ nhất, việc ủy quyền cho cá nhân, pháp nhân, thay mặt công ty thực hiện công việc được tiến hành thông qua văn bản ủy quyền đối với từng vụ việc cụ thể. Đây được xem là cách thức ủy quyền phổ biến nhất, diễn ra hàng ngày, giữa các chủ thể khác nhau trong cùng doanh nghiệp. Phương thức thứ hai là việc ủy quyền thường xuyên bằng quyết định quản trị nội bộ hoặc thông qua quy chế hoạt động của doanh nghiệp, ví dụ như Phó Giám đốc thực hiện một công việc thuộc lĩnh vực cụ thể trong khoảng thời gian xác định được Giám đốc ủy quyền theo quy chế làm việc của Ban giám đốc.
Trong khi đó, khác với việc ủy quyền, hành vi giao quyền được xác lập thông qua các văn bản pháp luật và văn bản nội bộ của công ty, mà cơ bản nhất, là quy định của Luật Doanh nghiệp và Điều lệ của công ty. Đây là hai văn bản này đóng vai trò quyết định trong việc hoàn thiện chế độ giao quyền, nhằm xác định thẩm quyền của các cơ quan, tổ chức tham gia điều hành, quản lý công ty. Vì thế, trong trường hợp Công ty muốn tiến hành thay đổi thẩm quyền của các cơ quan, cá nhân được giao quyền, Công ty phải tiến hành thay đổi việc giao quyền thông qua sửa đổi các văn bản định chế nội bộ, mà cụ thể là Điều lệ công ty (trong phạm vi cho phép của Luật doanh nghiệp).
Một số kiến nghị
Có thể thấy, việc phân định giữa hai hoạt động “giao quyền” và “ủy quyền” còn gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở lý luận và thực tiễn. Tuy nhiên, thông qua việc phân tích khái niệm “giao quyền” và “ủy quyền”, chúng ta có thể tiến hành làm rõ phạm vi trách nhiệm của các cơ quan, cá nhân, góp phần hạn chế mâu thuẫn, bất đồng có thể phát sinh trong quá trình điều hành, quản lý doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để giải quyết triệt để những bất cập trên, Nhà nước cần sớm ban hành chế định cụ thể điều chỉnh hành vi “giao quyền” trong lĩnh vực pháp luật dân sự, qua đó, làm rõ khái niệm, đặc điểm, hệ quả pháp lý, … của hoạt động “giao quyền” nhằm phân định “giao quyền” và “ủy quyền”, tạo cơ sở pháp lý vững chắc trong quá trình quản lý hoạt động của công ty.
Đối với doanh nghiệp, để tiến hành đảm bảo quá trình điều hành và hoạt động của mình diễn ra hiệu quả và minh bạch, chúng tôi kiến nghị các công ty nên tiến hành phân định rõ hoạt “giao quyền” và “ủy quyền”, đi cùng với quy định về hình thức “giao quyền” và “ủy quyền” tại các văn bản quản trị nội bộ, mà cao nhất là Điều lệ công ty. Qua đó, tạo điều kiện để người quản lý, điều hành doanh nghiệp xác định đúng thẩm quyền công việc, tránh những tranh chấp nội bộ có thể phát sinh, góp phần ổn định hoạt động quản trị.
Chuyên viên Trần Quang Huy