VAI TRÒ CỦA CỎ TRONG LÀM NÔNG – Tanixa
Nội Dung Chính
Khái niệm về cỏ dại
Cỏ dại đã không còn là thực vật xa lạ trong vườn cây và trong tâm thức của mỗi người. Chúng ta có thể dễ dàng bắt gặp cỏ dại ở bất cứ nơi nào có đất, có nguồn sống mà cỏ có thể mọc lên.
Đến nay, nhiều người vẫn cho rằng cỏ dại gây ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển và hấp thụ dinh dưỡng của cây trồng. Thế nhưng trên thực tế, cỏ dại lại mang đến nhiều lợi ích khác nhau cho cây trồng và hệ sinh vật đất.
Mời bà con nông dân cùng Tanixa tìm hiểu rõ hơn về những chức năng và lợi ích của cỏ dại đối cây trồng và hệ sinh vật qua bài viết sau.
Những lợi ích từ cỏ mang lại
Mỗi loài thực vật đều có chức năng và giá trị khác nhau, tuy cỏ dại không phải là loài thực vật được nhiều người đón nhận, chủ động trồng canh tác trên diện rộng và khai thác giá trị kinh tế, thế nhưng cỏ dại mang đến nhiều lợi ích khác nhau mà chúng ta không thể phủ nhận chúng.
-
Cỏ dại bảo vệ đất và chất dinh dưỡng trên mặt đất tránh khỏi xói mòn, rửa trôi do mưa và dòng nước chảy trên bề mặt.
-
Cỏ giữ cân bằng nhiệt độ trên các tầng mặt đất vào mùa nắng, làm mát mặt đất, giúp hạn chế việc cây trồng bị sốc nhiệt khi có sự chênh lệch nhiệt độ quá lớn.
-
Cỏ giúp đất giữ ẩm tốt hơn, hạn chế đất bốc hơi nước.
-
Giảm tác động của ánh nắng mặt trời đến hệ sinh vật và vi sinh vật đất, tạo môi trường sống và phát triển cho các vi sinh vật trong đất. Sinh vật và vi sinh vật đất phát triển giúp đất tơi xốp.
-
Rễ cỏ thu hút tuyến trùng trong đất, từ đó làm giảm sự tấn công của tuyến trùng lên rễ cây trồng và kiểm soát các bệnh do nấm vi khuẩn tấn công lên vùng rễ cây trồng.
-
Rễ cỏ còn làm cho đất thoáng khí.
-
Cỏ báo hiệu về chất lượng đất tốt hay xấu. Các loài cỏ mọc đặc trưng trên từng loại đất khác nhau. Ví dụ như cỏ lá kim, cỏ chỉ mọc trên những nơi đất đai cằn cỗi. Cỏ lá tròn, thân đứng thường mọc ở những nơi đất tơi xốp.
-
Cỏ hấp thu độc tố trong đất như kim loại nặng, thuốc Bảo vệ thực vật, mặn (NaCl),… và chuyển hóa các độc tố, hạn chế sự tác động xấu lên đất và cây trồng.
Những SAI LẦM về cỏ đối với canh tác nông nghiệp
- Cỏ cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng
Trên thực tế, cỏ không hề cạnh tranh dinh dưỡng với cây trồng mà cỏ chính là công cụ hỗ trợ chuyển hóa dinh dưỡng vào trong cây trồng.
Vi sinh vật đất sống ở phần rễ cỏ. Chính những vi sinh vật này sẽ phân giải phân bón vô cơ và hữu cơ khó tiêu thành các dạng dễ tiêu cho cây trồng.
Cỏ và hệ vi sinh vật đất giúp ổn định pH đất, giúp cây trồng thuận lợi hấp thu dinh dưỡng.
Bản thân cỏ là một nguồn dinh dưỡng tự tổng hợp (lượng dinh dưỡng cỏ hấp thu từ phân và đất chỉ là 1 phần nhỏ so với sinh khối tạo ra từ quang hợp). Do đó khi cắt cỏ, để xác cỏ phân hủy đã tạo ra lượng hữu cơ rất lớn cho đất.
- Tất cả loại cỏ đều có hệ vi sinh vật giống nhau
Đây là suy nghĩ hoàn toàn sai của đa số người làm vườn khi nêu quan điểm về cỏ và vi sinh vật đất.
Mỗi loại cỏ sẽ ứng với một hệ vi sinh vật đặc trưng ở phần rễ cỏ. Ta có thể hiểu đơn giản, mỗi loài vi sinh vật đều cần có một ngôi nhà riêng để trú ngụ và mỗi loại cỏ chính là một ngôi nhà yêu thích riêng biệt của một loài vi sinh vật.
Mỗi loài vi sinh vật sẽ có chức năng phân giải và chuyển hoá một nguyên tố dinh dưỡng khác nhau. Chính vì vậy, bà con nông dân cần giữ lại đa dạng các loại cỏ trong vườn để có được một hệ vi sinh vật đất đa dạng, chuyển hoá đầy chủ các chất dinh dưỡng cho cây trồng.
- Loại bỏ cỏ bản địa và trồng các loại cỏ khác
Việc loại bỏ cỏ bản địa và trồng các loại cỏ khác không hoàn toàn sai nhưng điều này sẽ gây ảnh hưởng đến hệ vi sinh vật đất, đồng thời vô tình cung cấp lượng chất dinh dưỡng không thật sự phù hợp với đất trồng của khu vực.
Mỗi loại cỏ sẽ có một hệ vi sinh vật riêng, chính vì thế mà cỏ bản địa sẽ tạo ra hệ vi sinh vật bản địa phù hợp với thổ nhưỡng của từng khu vực, từ đó sẽ cung cấp lượng dinh dưỡng thích hợp giúp cải tạo đất tươi tốt.
Chỉ khi cỏ tự nhiên ở khu vực không đủ để tạo môi trường sống cho hệ vi sinh vật đất thì chúng ta mới phải tác động đến hệ vi sinh vật bằng cách trồng thêm các loại cỏ khác.
- Nhổ cỏ tận gốc
Nhổ cỏ tận gốc đã phần nào trở thành quan niệm ăn sâu vào tâm trí người dân Việt Nam. Tuy nhiên, việc làm này đối với vườn cây và đất trồng là hoàn toàn phản tác dụng, thậm chí gây hại ngược lại lên cây trồng.
Như những lợi ích rễ cỏ mang lại mà Tanixa đã liệt kê ở phần trên, việc nhổ cỏ tận gốc sẽ làm xói mòn đất, gây ảnh hưởng đến môi trường sinh sống và chuỗi thức ăn của vi sinh vật đất.
Đối với những vi sinh vật có lợi, việc nhổ cỏ tận gốc sẽ làm chúng mất đi “nhà ở”, nơi trú ngụ, làm giảm mật độ vi sinh vật có lợi trong đất, từ đó đất thoát nước, thoát khí kém, không còn tơi xốp như trước và việc chuyển hoá chất dinh dưỡng từ phân bón cũng bị hạn chế.
Đối với vi sinh vật có hại như tuyến trùng, việc chúng ta nhổ cỏ tận gốc chính là cướp đi đối tượng ký chủ tấn công của chúng. Thay vào đó, tuyến trùng sẽ chuyển hướng tấn công gây hại lên rễ cây trồng trong vườn và từ đó gây nên những bệnh hại, dịch bệnh nghiêm trọng.
Hoặc đối với con mối, thân xác và rễ cỏ chính là nguồn thức ăn ưa thích của chúng mà không phải là thân rễ của các loại cây nông dân trồng. Do bà con nhổ sạch cả gốc rễ cỏ nên chúng buộc phải chuyển đối tượng thức ăn lên cây trồng của bà con.
Đặc biệt, mối là loài sinh vật mang đến nhiều lợi ích cho đất và cây trồng. Trong quá trình tiêu hoá, tuyến nước bọt của mối lên men thức ăn sẽ để lại chủng vi sinh Bacillus giúp làm sạch môi trường nhờ sinh ra các loại enzyme: amylase, protease, lipase, cellulase làm phân hủy các hợp chất hữu cơ trong đất. Vi khuẩn Bacillus giúp kiểm soát sự phát triển quá mức của các vi sinh vật gây bệnh do cơ chế cạnh tranh nguồn dinh dưỡng; chúng còn tiết ra các chất kháng khuẩn giữ cho môi trường luôn ở trạng thái cân bằng sinh học.
- Xịt thuốc diệt cỏ
Việc xịt thuốc diệt cỏ sẽ gián tiếp tiêu diệt hoàn toàn hệ vi sinh vật trong đất từ đó gây ảnh hưởng đến chuyển hóa chất dinh dưỡng cho cây và không còn vi sinh vật làm đất tơi xốp.
Chất hoá học có trong thuốc diệt cỏ tồn tại trong đất theo thời gian dài sẽ gây ô nhiễm môi trường và mạch nước ngầm, từ đó gây ngộ độc cho cây trồng thậm chí gây ung thư cho người tiêu dùng nông sản, trái cây.
Cách quản lý cỏ đúng cách
Cỏ đem lại nhiều lợi ích đa dạng cho đất và cây trồng, tuy nhiên nếu để cỏ dại mọc không kiểm soát cũng tạo nên môi trường sống cho một số loài côn trùng gây hại, chính vì thế, bà con nông dân cần quản lý cỏ đúng cách, để vận dụng tối đa những lợi ích mà cỏ mang lại.
-
Để cỏ mọc tự nhiên cao khoảng 50-60 cm rồi cắt.
-
Khi cắt cỏ, để lại khoảng 10cm thân gốc để làm thảm cỏ sinh học và giữ được môi trường lưu trú của hệ vi sinh vật đất
-
Phần cỏ cắt xuống, bà con nông dân để chúng tự phân huỷ thành nguồn phân xanh hữu cơ có các chất dinh dưỡng tốt cho cây trồng.
Vậy cỏ không chỉ là một phần không thể thiếu trong thảm thực vật mà cỏ còn là một mắt xích rất quan trọng trong hệ sinh thái. Bà con nông dân cần có cách nhìn mới về chức năng của cỏ, cần hiểu rõ và nắm được những lợi ích mà cỏ mang lại để tận dụng và kiểm soát cỏ một cách hiệu quả đối với vườn cây nhà mình.
“Để làm được nông nghiệp bền vững thì cần phải có cỏ” – chính làm châm ngôn mà ngày nay mọi nhà nông đều quan niệm để có thể chăm đất tốt.